A. MỞ ĐẦU:
Nhìn lại văn học Việt Nam trong dòng chảy giai đoạn năm 1930 – 1945,
chúng ta đã chứng kiến bầu không khí rộn ràng, nhộn nhịp của một
cuộc “thay da đổi thịt” trên mọi khía cạnh của đời sống văn học. Từ
tư duy nghệ thuật đến hình thức thể loại, mọi phương diện đều có
những bước tiến rất dài trên con đường phát triển. Và với thi nhân
văn sĩ, những người trực tiếp dấn thân vào dòng chảy cuồn cuộn ấy,
khung trời mới đã mở ra và mang đến cho thế hệ những người cầm bút
trẻ biết bao đòi hỏi cách tân rất lạ, đầy hấp lực và thử thách.
Thời vận đến và dòng tinh anh của một thế hệ đã hội tu tại cái
mới, cái hấp lực và thử thách ấy. Người ta đã chứng kiến những
ngòi bút trẻ tung hoành trong những phong trào văn chương nghệ thuật
đổi mới như Tự lực văn đoàn hay Thơ Mới. Sức trẻ với nhựa sống
căng tràn viết theo lối mới đã đành, cả những cội già cũng đà rục
rịch. Từ cụ Tản Đà đến Phan Khôi, những bậc cao niên từng quen với
tay cầm “trẻ đầu bạc, già đầu đen”
nay cũng nghẹn ngào mà thốt lên rằng “Bây
giờ anh đổi lông ra sắt”. Thế nhưng trong ánh sáng lấp lánh của
sự đổi mới đó, người đọc vẫn thoáng giật mình vì một khối tình
thơ chợt như đứng lại, chợt như ngược dòng mà tìm về một thời xa
vắng:
“Giấc mộng nghìn xưa đang mải mê
Vùng nghe cảm hứng báo thơ về.”
Thơ về tự bởi giấc mộng xưa, nào phải vì đâu hiện thực đương mời
gọi. Đó là hồn thơ của thi nhân Quách Tấn, một “kẻ biệt khách”, “du
tử” lạ lùng trong khung trời thơ ca Việt Nam giai đoạn này. Hơn 80 năm
ròng nhìn lại, chúng ta vẫn cảm hoài phong vị đầm thắm, bùi ngùi của
thơ ca Quách Tấn giữa sự ngọt ngào phấn khích của cả một giai đoạn.
Thơ Quách Tấn nói chung và mảng thơ lục bát nói riêng của ông là một
sự tìm tòi thú vị trong sự suy nghiệm về nỗi niềm “ba sinh” của
cuộc đời. Nỗi niềm hoài cổ ấy của thi nhân không chỉ ngày xưa, giữa
cái thế tương phản cựu tân mới lạ, mà giữa hiện thực hôm nay vẫn
tuyệt mỹ vô cùng.
B. NỘI DUNG:
1. Đôi nét về cuộc đời và
sự nghiệp văn chương của nhà thơ Quách Tấn:
1.1 Cuộc đời:
Quách Tấn
sinh ngày 04 - 01 – 1910 tại Bình Khê, tỉnh Bình Định và mất ngày 21 - 12 - 1992 tại Nha Trang, hiệu là Trường Xuân, tự là Đăng Đạo. Ông vốn xuất thân trong một gia đình gốc Nho học với thân mẫu là bà Trần Thị Hào rất giỏi chữ Hán
nhưng thân phụ, ông Quách
Phương Xuân, lại là người thông chữ Pháp. Anh em ông gồm 10 người nhưng chỉ còn lại ba là
ông, Quách Tạo và Quách Thị Mộng Lan.
Lúc
nhỏ Quách Tấn học chữ Hán. Đến năm 12 tuổi, ông mới bắt đầu học chữ Quốc ngữ và Pháp
ngữ tại trường Pháp Việt Quy Nhơn (nay là Quốc học Quy Nhơn).
Trong
cuộc đời của mình, nhà thơ đã có quá trình làm việc tại nhiều nơi như nhận
công tác tại
Tòa khâm sứ Huế năm 1930, tại toà sứ Nha Trang năm 1935 và nhiều nơi khác.
Đến năm 1955, ông về nhiệm sở tại tòa hành chánh Quy Nhơn
cho đến 1957. Năm 1965, ông nghỉ hưu và về sống tại nhà số 12 đường Bến
Chợ Nha Trang (gần chợ Đầm), tiếp tục viết văn làm thơ.
Năm
1987, nhà thơ lâm cảnh mù lòa rồi mất ngày 21 tháng
12 năm 1992 tại Nha Trang, hưởng thọ 82 tuổi.
1.2. Sự nghiệp văn chương:
Quách Tấn
là con người đa tài, thành công ở nhiều thể loại khác nhau. Ông đã tập làm
thơ từ khi còn học ở trường Quốc học Quy Nhơn khoảng năm 1925 - 1926. Lúc
ra trường, ông đã thông thạo các thể thơ nhưng vẫn chính
thức bước vào vườn thơ. Đến năm 1932, nhờ sự
dìu dắt của nhà thơ Tản Đà và sự nâng đỡ
của cụ Phan Bội Châu, tên tuổi
của ông mới được công chúng ái mộ văn chương biết đến. Thơ ông phần nhiều đăng trên các báo An Nam Tạp Chí, Phụ Nữ Tân Văn và Tiếng Dân.
Quách Tấn
đã để lại cho đời những áng thơ văn cao nhã, tiêu biểu có thể kể
đến như tập
Một tấm lòng (năm 1939), tập Mùa cổ điển (năm 1941), tập Đọng bóng chiều (năm 1961), tập Mộng Ngân Sơn (năm 1966), tập Giọt trăng (năm 1973), tập Trăng hoàng hôn (năm 1999). Sau khi ông
qua đời 14 tức vào năm 2006, Quách Giao, con trai nhà thơ, đã cho xuất
bản Tuyển tập thơ Quách Tấn.
Ngoài ra, ông còn 13 tập thơ chưa
xuất bản.
Bên cạnh mạch nguồn thơ như bất
tận, Quách Tấn còn có đóng góp trong công tác dịch thuật thơ văn với các thành tựu như Tố Như thi trích dịch (năm 1973), Lữ
Đường thi trích dịch, Việt Nam Hán văn thi tuyển trích dịch, Tập văn biền ngẫu (trên
15 bài văn tế, văn bia); viết văn xuôi: Trăng ma lầu Việt (năm 1942),
phỏng theo Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ) và Duyên
Tiên (phỏng theoTruyền kỳ tân phả của Đoàn Thị
Điểm), Nghìn lẻ một đêm 4 tập (từ năm 1958-1960,
phỏng theo tác phẩm Mille et une nuit của Galland và Mille
nuits et nuit của Mardrus). Ngoài ra,
ông còn tham gia biên
khảo địa phương chí với những công trình nổi tiếng như: Nước non Bình
Định (năm 1968), Xứ Trầm hương (năm 1969), v.v..
Nhà thơ
cũng có những công trình viết chung với con trai Quách Giao như các tập: Nhà Tây Sơn (năm 1988), Võ nhân Bình Định (năm 2001), Đào
Tấn và Hát bội Bình Định (năm 2007).
2. Nỗi niềm và sự hoài cổ trong thơ Quách Tấn:
Quách Tấn bước vào làng thơ khi
Thơ mới đang dần chiếm lĩnh những đỉnh cao trong văn chương. Lạc lõng trong
không khí mơ mộng của tình yêu, của những nỗi buồn không tên và có tên cùng
khát khao thể hiện cái tôi cá nhân đến cháy bỏng, Quách Tấn vẫn trung thành với
một giọng thơ “cũ”. Đối với Quách Tấn, thơ không chỉ bộc lộ tiếng lòng mà còn
thể hiện rõ nét những nét tính cách trong con người ông. Được biết đến là một
thành viên của nhóm “Bàn thành tứ hữu”,
cùng với “rồng” của Hàn Mạc Tử, “lân” của Yến Lan, “phụng” của Chế Lan Viên,
Quách Tấn được suy tôn là “rùa”, loài mang đầy những “dấu vết thời gian”, lặng
lẽ chiêm nghiệm chuyện đời, chuyện người. Có lẽ vì vậy mà thơ lục bát Quách Tấn
luôn chất chứa một nỗi niềm hoài cổ, một chút nhớ thương về những cảnh vật xưa,
người xưa, tâm tình xưa...
2.1. Hoài cổ:
Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, là nơi đùm bọc, nơi tiếp xúc ngôn ngữ
đầu tiên - ngôn ngữ của Mẹ: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”
hoặc “Tiếng mẹ ru từ
lúc nằm nôi”. Quê hương là nơi nuôi dưỡng tuổi ấu thơ: “Là chùm khế ngọt”, “Có hoa
có bướm”; là nơi mà mỗi người trải nghiệm với tất cả mặn
nồng và cay đắng của nó: “là
con đường đi học” hay “Có những ngày trốn học bị đòn roi”; là
nơi xinh tươi, đáng yêu cho cả bạn bè khắp năm châu bốn biển: “Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi”. Và quê hương cũng là: “Quê hương mỗi người chỉ một, như
là chỉ một mẹ thôi”. Hai tiếng “quê hương” thân thương luôn là bến neo đậu
cảm xúc của người thi sĩ, là điểm xuất phát con người ta hay tìm về những lúc
hoài niệm hay tìm lại chính mình. Với Quách Tấn, quê nhà gắn liền với những
hình ảnh thân quen, mộc mạc của làng quê Việt Nam . Đó là “bếp lửa”, là “nụ hoa”,
là “con đường vắng ngựa xe”, là những
mối tình tựa như giấc chiêm bao vừa choàng tỉnh nhưng dư âm của nó vẫn vang vọng
khiến người đọc liên tưởng đến quê hương Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX về
trước.
“Bụi
đường đã vắng ngựa xe
Bức
mành rũ thấp còn e gió lồng
Ngồi
nhen bếp lửa sưởi lòng
Hoa
thơm mấy nụ nở hồng trong sương.
Hừng
đông nối bóng trăng tà
Tiếng
chim mát mẻ màu hoa ngọt ngào
Duyên
trần đã tỉnh chiêm bao
Còn
nghe bước sóng ra vào bến xưa.”
(Nở hồng)
Đó là “cây đa”, “bến nước”, “con đò”, những hình ảnh rất điển hình của
làng quê Việt:
“Gái
thời bến nước mười hai
Mười
hai bến chợ làm trai là mình
Dòng
đời dù lắm chênh vênh
Con
đò xưa vẫn nặng tình cây đa”.
(Nặng tình)
Nhưng gói gọn trong những hình ảnh
quê nhà là nỗi niềm của Quách Tấn trăn trở về sự tồn tại của chính mình, bất lực
trước cuộc sống hiện. Đã quá quen với hình ảnh “mười hai bến nước”, thân người con gái “trong lành, đục chịu”,
Quách Tấn cũng tự giễu mình khi đem ví thân trai như “mười hai bến chợ”, cũng bị dòng đời xô đẩy, cũng phải phó mặc cuộc
sống của mình vào tay kẻ khác. Nhưng dù vậy, nhà thơ vẫn rất nặng tình với làng
quê, như con đò xưa vẫn nhớ mãi về miền đất ngọt, nơi cây đa bao đời phủ bóng
mát trên dải đất quê hương. Điều này khá giống với những nhà thơ lãng mạn đương
thời như Thế Lữ và bài thơ Nhớ rừng
với hình ảnh con cọp vang bóng một thời giờ phải nằm trong cũi sắt, hay Huy Cận
đi vào nỗi buồn mênh mang qua bài Tràng
Giang.
Trong bài thơ Hoa quỳ, tác giả viết:
“Ðổi
thay cũng bởi tại trời
Thân
mình mình giữ trách người ích chi
Nâng
lòng đón ánh tà huy
Vườn
quê nghĩ khóm hoa quỳ mà thương”
“Thân mình mình giữ” có lẽ là lời tự bạch thành thật của chính ông
về bản thân mình. Bất lực trước sự xoay vần của thời thế là có thật, nhưng vẫn
không thể ngăn nhà thơ vẽ nên những ước vọng, để rồi lại thất vọng. Hai câu thơ
cuối của bài Bến xa, tác giả viết:
“Nước
non dệt mộng không thành
Bến
xa huyền hạc bay nhanh trở về”
Ở đây tác giả đề cập đến trách nhiệm
công dân, trách nhiệm của người thanh niên đối với đất nước người dân sống trong cảnh bị thực dân, phong
kiến đàn áp, thống trị, nhưng rồi khi bất lực thì lại quay về với “bến xa huyền hạc”, Quách Tấn không dấn
thân vào con đường cách mạng giành độc lập cho dân tộc, ông lại quay về với cõi
hư không, lấy triết lỹ lão giáo để hành xử. Cũng chính điều này cho thấy nỗi
lòng u uẩn của tác giả trong thi ca.
Rồi cũng từ đó tác giả lấy người thân, bạn bè,
lấy ánh trăng làm bầu bạn:
“Non trăng
đã lặng dấu hài,
Trải niềm tâm sự sân lài trắng sương.”
(Ngậm ngùi)
2.2. Nỗi niềm riêng:
Quách
Tấn không làm công việc những người “Sơn đông mãi võ” trên sân khấu chính trị
và chợ chữ nghĩa. Quách Tấn chỉ nhắc nhở cho những người chịu bình tâm nghe ông
những điều đơn giản nhưng là điều cốt lõi. Hiểu được ông tức là nắm được chìa
khóa để “mở” một số ưu tư. Những điều Quách Tấn gửi gắm vào thơ không có
gì mới lạ. Đó chỉ là những điều chúng ta “đã biết” nhưng “đã quên”. Quên rằng hoa vẫn nở âm thầm trên
những nấm mồ xanh cỏ. Quên tiếng chim sẻ gọi bình minh dưới vòm lá mận. Quên
con bướm vàng loay hoay tìm chỗ đậu trên ngọn mướp đong đưa. Quên thân ái nhìn
thẳng vào mắt nhau. Và quan trọng hơn hết, là quên nhìn thẳng vào mắt mình, hay
nói như ngôn ngữ nhà Phật, “bản lai chân diện mục”. Có
lẽ đó là điều khẩn thiết hơn hết, vấn đề “mãi còn” theo ý thơ Quách Tấn.
Bất mãn với xã hội thực dân nửa
phóng kiến, nhưng không như những nhà thơ lãng mạn đương thời “trốn” trong tình
yêu, sây ngất ngây trong men rượu, hoặc đi vào cõi hư không “Ta là một là riêng là thứ nhất/
Không có ai bè bạn nỗi cùng ta”, Quách Tấn đã chọn lối đi khác là trở về với
tình bạn trong quá khứ. Ông bộc bạch :
“Thuyền
ai phiếm lạnh trăng thâu.
Đìu
hiu lau lách nhạt màu áo xanh
Nước
non dệt mộng không thành”
(Bến xa)
Những vần thơ trên lý giải nguyên
nhân để Quách Tấn trở về với quá khứ. Bởi thi sĩ quá bất mãn và bất lực trước
xã hội đương thời. Ông trở về với thơ ca, lấy thơ ca làm bầu bạn, làm phương tiện
để giải bày.
Trong một bài nhận định về
thơ của Quách Tấn cách đây đã hơn ba chục năm, Phạm Công Thiện đã viết một câu
hay tuyệt: “Tôi tưởng chừng những tiếng thơ trên đã phát xuất từ trung
tâm điểm của vũ trụ, xa lắm, xa lắm”[1]. Những tiếng “xa lắm, xa
lắm” của Phạm Công Thiện dĩ
nhiên phải dược hiểu theo nghĩa bóng.
Có những bài thơ của Quách
Tấn mà mỗi lần đọc lên, người đọc khó có thể nghĩ rằng ông đã làm những bài thơ
đó tại những thành phố có tên là Quy Nhơn hay Nha Trang hay tại bất cứ một
thành phố nào ở Việt Nam mà cảm giác ông là một ẩn sĩ đang sống tại một ngôi
chùa cổ ở một thảo nguyên hay một hòn núi cao nào đó, xa hẳn chốn trần gian bụi
bặm này. Vì chỉ trong cô đơn heo hút như vậy, thì ông mới lắng nghe hết cả cái
buồn sầu thảm của vũ trụ mênh mông này:
“Sen hồ từng
trận hương đưa
Chen tầng mây khói lửng lơ cánh diều
Gió ru hồn mộng thiu thiu
Chuông chùa khua rụng nắng chiều đầy non.”
(Rụng nắng chiều)
Rồi một hôm nhà ẩn sĩ đó đã bị bắt
buộc xuống núi trở lại. Dù sống giữa cuộc đời, nhưng lòng ông lúc nào cũng
ngóng vọng về nơi chốn xa xôi ấy:
“Nhớ chùa lòng muốn lên thăm
Sườn
non đã dốc đá dăm lại nhiều
Lắng
tai nghe tiếng chuông chiều
Mặt hồ
lặng sóng mây điều bay qua.”
(Nhớ chùa)
Ông nhớ rõ từng lời kệ
tiếng kinh, nhớ giọt trăng tà đọng lại trên hành lang heo hút của đêm sắp tàn
nơi ngôi chùa cổ:
“Từng
hàng mây kéo ra khơi
Sương
khuya ướt cánh chim trời về đâu
Bùi
ngùi ra đứng sân sau
Nhìn
trăng đọng giọt trên tàu chuối non.”
(Đọng giọt)
Và nhớ những chiều núi non sau cơn
mưa còn đẹp hơn cả một giấc mộng:
“Chùa xa vừa tạnh giọt đồng
Tường
vi nén lệ nở hồng bình minh
Hương
lồng đáy giếng lung linh
Trà
mai một hớp ngọt tình cố viên.”
(Vừa tạnh)
Gần một thế kỷ đi qua trên
cuộc đời này, ngoảnh nhìn lại chẳng còn nhớ gì hết, ngoài một chút núi non tịch
mịch trong lòng của thi nhân mà thôi…
Chắc chắn những bài thơ
trên của Quách Tấn không phải là sự rung động ngẫu nhiên hay nhất thời của một
nghệ sĩ, mà nó đã được hun đúc sâu xa bởi một khát vọng. Khát vọng đó đã một
lần được Quách Tấn phát biểu: ““Làm thơ là để gởi tấm lòng vào thiên cổ chứ không phải để
phấn sức tài ba trong nhất thời”. Đó là lời của Trần Tử Ngang mà tôi đã học thuộc lòng từ khi
mới tập làm thơ. Ngày xưa tôi làm thơ là để lòng vào thiên cổ, như lời Trần Tử
Ngang. Nhưng từ ngày tôi nhận thấy văn chương là một pháp môn, là một cái đạo,
thì tôi làm thơ, viết văn để giải thoát tâm hồn”[2]
Thi ca, theo quan điểm của Quách Tấn
làm một pháp môn, một cái đạo để ông giải thoát tâm hồn:
“Mái đầu dầu đã hết xanh
Trước
sau đời vẫn một tình với thơ
Hiu
hiu mạch sống tràn bờ
Mùa
hoa nở trọn những giờ say xuân.”
(Một tình với thơ)
Vào những tháng cuối năm 1975 và
tiếp đến những năm 1976 và 1977, đó là những năm tháng buồn bã nhất trong cuộc
đời của nhà thơ Quách Tấn. Bạn bè cũ, một số đã ra đi, một số còn ở lại thì sợ “tai vách mạch rừng” nên ít ai dám
lui tới để trò chuyện, tâm sự, mặc dù có quá nhiều chuyện để mà tâm sự với
nhau. Trong hoàn cảnh cô đơn và đầy bất
an như lúc ấy, Quách Tấn lại gửi gắm nỗi lòng vào những câu chữ:
“Bạn thơ nay chẳng còn ai
Tới lui trò chuyện chỉ vài
nhà sư
Chung trà hớp ngụm vô tư
Chia tay nhìn bóng thanh
hư gởi lòng.”
(Vô tư)
Đối với bạn bè, dẫu số phận của từng
người có khác, nhưng trong lòng tác giả vẫn nhớ về bạn bè ngày xưa .
“Tuổi già thêm nặng tình thơ
Nhớ
thương người khuất đợi chờ người xa
Lắm
đêm tỉnh giấc canh gà
Ðem
chồng thơ cũ mở ra ngồi nhìn.”
(Tuổi già)
Rồi cũng từ nỗi nhớ ngày xưa ấy,
tác giả quay về hiện tại “người mất”,
“người xa” mà hiểu hơn về cuộc sống
và tiếc nhớ những ngày xưa thân ái. Ông đã rơi vào nỗi cô đơn của hiện tại vì
không còn tìm đâu ra nữa tình bạn ngày xưa. Cũng chính vì điều này nên ông “nghẹn ngào”:
“Bạn
xưa người mất người xa
Người
gần ngó lại ai là bạn thân.
Song
thơ phủi lớp phong trần.
Ngâm
câu “ xuân thọ, mộ vân nghẹn ngào”.”
(Nghẹn ngào)
Những người bạn trong thơ của Quách Tấn không
chỉ là những người của một thời tuổi trẻ mà còn là những người bạn thơ, những
người đồng điệu của tâm hồn. Ông hay đề cập đến họ và cả những lúc họ đã chia
xa về với cõi vĩnh hằng hay đến một nơi khuất xa nào đó.
“Bạn
thơ gát bút cả rồi
Song
thơ một bóng mình ngồi ngắm trăng”
(Ngày tàn)
Hay :
“Bạn
thơ rày chẳng còn ai
Tới
lui trò chuyện chỉ vài nhà sư”
(Vô tư)
Hoặc:
“Bạn
thân lớp trước chẳng còn
Đồng
trang quá nửa mõi mòn lá thu”
(Non sâu
gửi về)
Đó là nỗi niềm trắc ẩn của Quách Tấn
và tạo nên một phong cách riêng không lẫn lộn với những thi sĩ lãng mạn đương
thời.
Rồi cũng từ suy nghĩ đó, Quách Tấn
mơ mình thoát tục, Quách Tấn đến với Phật giáo, với chùa chiền:
“Nhớ
chùa lòng muốn lên thăm
Sườn
non đã dốc đá dăm lại nhiều
Lắng
tai nghe tiếng chuông chiều
Mặt hồ
lặng sóng mây điều bay qua”
(Nhớ chùa)
Hoặc:
“Vị đời
mong bớt chua cay
Đêm
đêm ngồi lắng chuông chùa điểm sương”
(Mong bớt chua cay)
Cũng từ việc muốn đến với cửa Phật,
Quách Tấn có lúc mơ thoát tục. Ở đây ông bị ảnh hưởng triết lý đạo giáo:
““Phấn dồi đôi cánh lãng du”
Nửa
tin rằng bướm rằng Chu rằng mình”
(Nửa tin)
Tiếng
chuông chùa đối với thi sĩ Quách Tấn như một kỹ vật thiêng liêng từng chôn sâu
trong tiềm thức của ông, nên mỗi lần trông thấy cảnh núi non chùa chiền thì nó
bỗng dưng trỗi dậy. Không những lắm lúc ngắm cảnh
thiên nhiên tiếng chuông chùa làm ông chú ý, mà mỗi khi chợt tỉnh giấc nồng, tiếng
chuông cũng hiện đến. Chính vì nghe tiếng chuông ngân mà khách hành hương trút
hết mọi nỗi ưu phiền, như thi sĩ Chu Mạnh Trinh đã tả:
“Lạ cho vừa bén mùi thiền
Mà trăm não với ngàn phiền sạch
không.”
Không khác gì cảm nhận của họ Chu,
Quách tấn cũng mô tả trạng thái tâm hồn mình khi đến viếng một cảnh chùa quen
thuộc:
“Người đến viếng cảnh chùa,
lòng không rửa mà trong,
thân không cánh mà nhẹ,
ngồi tựa bóng
cây đón mát,
tưởng chừng mình đã xa lánh hẳn
cõi trần tục.”
(Nước non Bình Định)
Thế rồi, thoảng đâu đây như có tiếng
gió ru hồn lữ khách:
“Gió ru hồn mộng thiu
thiu
Chuông chùa rơi rụng bóng chiều
đầy non.”
Và thi sĩ tiếp: “Nếu không có tiếng
chuông hay mộng thì mộng còn mãi chìm trong bóng mây rán, hoặc làm con cò vương
hương bay lờ lững trong hồ sen yên tịnh.”
Thoát ly hay nói đúng hơn bất lực
với thực tế đấu tranh, Quách Tấn không tìm trong tháp ngà của tình yêu mà quay
về quá khứ, gần gũi với triết lý nhà Phật hay Lão giáo là điều dể dàng nhận thấy.
Đó cũng là niềm u uẩn của các thi sĩ lãng mạn đương thời.
Mang tâm hồn của kẻ sĩ, nếu có hờn
có trách thì ông cũng chỉ hờn trách chính mình thôi, còn đối với con người, đối
với cuộc đời thì vẫn yêu thương nồng nàn.Quách Tấn hiện đang đi chơi xa và
không bao giờ trở về nữa. Tôi cứ tưởng tượng ông đứng nhìn một cây mai nở rộ
trên một hòn núi cao nào đó, điều mà khi còn sống ông rất khát khao nhưng không
bao giờ thực hiện được. Những lúc đọc lại áng thơ của Quách Tấn, tôi cứ bâng
khuâng tự hỏi: Tại sao có những người muốn đem hết cả tấm lòng của mình để hiến
dâng cho cuộc đời mà họ vẫn bị cuộc đời đối xử một cách bất công? Vì tài hoa của
họ chăng? Chữ tài đi liền với chữ tai một vần, như xưa nay ai cũng nghĩ như vậy.
Theo tôi, quan niệm đó chỉ đúng một phần thôi, vì có biết bao nhiêu người tài
hoa ở những nơi khác trên đời này, họ vẫn có hoàn cảnh, có điều kiện để đem tài
hoa của họ ra mà hiến dâng cho cuộc đời?
Có một bài thơ của Quách
Tấn, mà tôi nghĩ có thể tạm giải thích được. Ít nhất là trong trường hợp Quách
Tấn. Bài thơ ấy như thế này:
“Bao phen bến hẹn đổi dời
Làng phong tao vẫn con
người thủy chung
Gió lau thổi lạnh sóng
tùng
Hương xưa thắm lại cụm
hồng ngày xưa.”
Phải chăng vì muốn “thủy chung” với “cụm hồng
ngày xưa” ấy, mà Quách Tấn phải
chấp nhận số phận lao đao của mình?
3. Nghệ thuật
thơ lục bát Quách Tấn trong cảm thức hoài cổ:
3.1. Thể thơ:
Trong các tập thơ của Quách Tấn
thì có bốn tập được sáng tác theo thể lục bát: Trăng hoàng hôn (1975 - 1977), Nhánh
lục (1940 - 1972), Nửa rừng trăng lạnh
(1975 - 1076), Giàn hoa lý (1978 –
1979). Trong đó, tập Trăng hoàng hôn
có 38 bài, đều là lục bát tứ tuyệt; Nhánh
lục có 23 bài, trong đó có 3 bài thất luật, số còn lại từ 4 – 14 câu; Nửa rừng trăng lạnh có 23 bài, trong đó
có 3 bài thất luật, còn lại từ 6 – 10 câu, ; Giàn hoa lý có 27 bài từ 4 – 6 câu.
Việc chọn thể thơ truyền thống dân
tộc, gắn bó chặt chẽ với ca dao là một ưu thế để tác giả thể hiện tâm trạng và
suy ngẫm của mình hơn là các thể Đường luật với niêm luật, đăng đối chặt chẽ.
Tác giả tuân thủ rất đúng luật thơ, về cách ngắt nhịp, bằng trắc đều rất chuẩn.
Về vần, vần lưng và vần chân trong thơ lục bát tạo câu thơ uyển chuyển, linh hoạt,
dễ dàng thể hiện cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc nhớ nhung, hoài niệm. Tuy nhiên,
trong bốn tập thơ lục bát của mình ông có 5 bài biến thể, gồm Cúc nảy hương, Gác trọ đêm thu, Tài tình nhất
phiến, Nỡ nào, Vườn xưa, Hai đêm mười sáu. Riêng bài Cúc nảy hương được làm theo thể song thất lục bát – một thể thơ cổ
điển của văn chương xuất hiện từ thế kỷ XVI, đạt đỉnh cao ở thế kỷ XVIII. Đối với
một thể thơ khó, trong giai đoạn hiện đại không còn được sử dụng nhiều nữa
nhưng Quách Tấn vẫn sáng tác rất đúng luật, cùng với những từ ngữ mang dáng dấp
cổ điển thổi vào cho bài thơ một cái hồn trung đại:
“Cúc
nảy hương (B/T) trời sương (B) ngào ngạt (T/V1)
Chén
quan hoài (B) đậm nhạt
(T/V1) vì ai (B/V2)
Vì
ai (B) tỉnh giấc (T) thềm mai (B/V2)
Bên
gương (B) phấn điểm (T) trâm cài (B/V2) thêm duyên (B/V3).
Trăm
năm đã (T) non nguyền (B/V3) nước hẹn (T/V4)…”
(Cúc nảy hương – tập Nhánh lục)
Hoặc có
bài thất luật, chẻ đôi câu bát, tạo sự phá cách, thể hiện sự linh hoạt trong
sáng tác thơ lục bát:
“Đêm
đông mưa gió phũ phàng
Nhà
xưa mái dột
Bẽ
bàng sách xưa
Bao
phen khói lửa còn chừa
Đèn
khuya chung thú
Song
trưa chung tình…”
(Nỡ nào – tập Nửa rừng trăng lạnh)
3.2. Ngôn từ:
Trước hết, cần
nói đến hệ thống hình tượng nghệ thuật xuất hiện trong các tập thơ lục bát của
ông. Xác lập được tần suất và các góc nhìn vào mỗi hình tượng sẽ góp phần làm nổi
bật lên tính hoài cổ trong thơ Quách Tấn nói chung và các tập thơ lục bát nói
riêng. Nói như Nguyễn Thị Bích Hải trong Thi pháp thơ Đường: “thơ thể hiện con người vũ trụ”, thì
ở đây ta thấy thơ của Quách Tấn không nằm ngoài mạch chảy ấy. Nếu tiếng thơ thường hướng tới sự giao thoa, tương
thông giữa con người với thiên nhiên, nhà thơ thường đặt cái “tâm” giữa thiên nhiên, vạn vật, tạo nên
cảm giác hòa điệu giữa đời sống tâm linh với ngoại cảnh, thì những từ “trăng, gió, hoa, thu, sương …” sẽ
được xuất hiện với tần số rất cao. Ta đã biết, Thơ Đường là đỉnh cao của thơ ca
nhân loại và hình ảnh “trăng” từ rất lâu đã trở thành một hình tượng mẫu mực
trong thơ ca từ cổ điển cho đến hiện đại. Hình tượng “trăng” không chỉ xuất hiện dày đặc trong thơ Hàn Mặc Tử mà còn là
một hình tượng quen thuộc trong thơ lục bát Quách Tấn, tiêu biểu là tập Trăng hoàng hôn.
“Trăng” trong Trăng
hoàng hôn xuất hiện với tần suất cao với nhiều hình dáng và thời điểm khác
nhau: “vầng trăng cổ độ”, “trăng tà”, “sân trăng”, “trăng thâu”,
“trăng đọng giọt”, “non trăng”, …:
“Bùi ngùi ra đứng sân
sau
Nhìn trăng đọng giọt trên tàu chuối non”
(Đọng giọt – tập Trăng hoàng hôn)
Ngoài ra, các
hình ảnh thiên nhiên khác như “gió,
sương, hoa,…” cũng tạo cho thơ Quách Tấn một không gian khoáng đạt, tràn ngập
hương thơm, gió mát. Ví dụ, gió có “gió lồng”, “gió cũng đa tình”, “gió thu”,
“gió tây”, “ngọn gió lành”, “trải ngàn
gió lau”,…; sương có “sương khuya”, “trắng sương”, “sương bay”,
“khói sương”,…; hoa có “giàn hoa thiên lý”, “hoa xuân”, “hoa bưởi”, “sân lài”, …
:
“Sân lài ngào ngạt
hương đêm
Một mình thơ thẩn bên thềm đợi trăng”
(Lớp lớp mây giăng – tập Trăng hoàng hôn)
Trong văn chương
cổ điển Việt Nam, hoa cúc là một trong các loài cây quân tử, xuất hiện nhiều
trong thơ Nguyễn Trãi, nay trở lại trong trang thơ Quách Tấn:
“Canh chầy lòng biết
gởi ai
Sân trăng nhìn cúc tháng hai ngậm ngùi
Lạnh lung tiếng vạc mây trôi
Giếng xưa hắt ánh sao rơi vào thềm”
(Cúc tháng hai – tập Trăng hoàng hôn)
Cúc được trồng vào tháng chín hoặc tháng mười và sẽ
nở vào tháng một tháng hai dịp tết năm sau. Tác giả sử dụng hình ảnh cúc để nói
lên nỗi nhớ quê nhà của một người con phải xa xứ nhưng lòng vẫn hướng về nơi
chôn nhau cắt rốn.
Thứ hai, bên cạnh
những hình ảnh quen thuộc trong thơ ca đã nhắc đến ở trên, thơ Quách Tấn còn xuất
hiện nhiều hình ảnh quen thuộc mà ta từng bắt gặp trong ca dao, dân ca như “thuyền”, “bến nước”, “bến đò”, “bến chợ”, “cánh cò”, “cây đa”,... Lục
bát là thể chủ đạo của ca dao nên khi tác giả sử dụng thể thơ ấy một cách linh
hoạt, uyển chuyển thì những thi liệu của văn học dân gian cũng tuôn vào một
cách tự nhiên, sinh động và bình dị:
“Thơ người bến nước
mười hai
Thơ mình bến chợ nối dài tình sông…”
(Mười hai bến chợ - tập Giàn hoa lý)
“[…]
Sông sâu gặp buổi không đò
Bâng khuâng ngắm vọi cánh cò lưng mây”
(Cánh cò – tập Trăng hoàng hôn)
Quách Tấn quan
niệm “văn chương là phương
tiện lọc tâm hồn, một con đường giải thoát phiền não”, vì vậy nên
ông rất thận trọng trong việc làm văn, làm thơ. Nhưng thận trọng không phải là lo mài giũa từng câu từng chữ, ông thường
ví việc làm thơ như việc sanh con, việc hàm dưỡng súc tích là cốt yếu. Còn chọn
chữ chuốt lời không phải để làm vui tai mắt thiên hạ hầu mau lấy tiếng khen mà
chính là để nói những gì mình muốn nói. Lời thơ cũng như tiếng lòng chính vì vậy
từ ngữ mà tác giả sử dụng đều chất chứa bao tình cảm.
Thứ ba, thơ lục bát của Quách Tấn là một thế giới tràn ngập
những từ láy chỉ cảm xúc hoài niệm, buồn man mác của con người và trạng thái của
sự vật cũng nằm trong mạch xúc cảm ấy. Chúng tôi thống kê từ trong Tuyển tập
thơ Quách Tấn, tập Trăng hoàng hôn có 37 bài với hơn 15 lần sử dụng các từ láy
và tập Nhánh lục có 23 bài với hơn 12 lần sử dụng từ láy. Các từ láy chúng tôi
thống kê được như: “lưa thưa”, “sụt sùi”, “bùi ngùi”, “thơ thẩn”, “thổn thức”, “lênh đênh”, “thiu thiu”, “hiu hắt”, “bơ vơ”, “bồi hồi”, “não nùng”, “chập chờn”, “nao nao”, “trằn trọc”, “lạnh lùng”,
“bảng lảng”, … Các từ láy trên đã
đóng góp hết sức tích cực trong việc thể hiện thành công tâm trạng của nhân vật
trữ tình, thể hiện nỗi niềm ở các cung bậc tình cảm khác nhau:
“Một
mình gác trọ chon von
Đêm nằm thương vợ nhớ con não nùng
Chập chờn theo ngọn đèn chong
Canh gà giục sáng tiếng trùng ngâm thu…”
(Một mình gác trọ - tập Nhánh lục)
Nếu thống kê chung thì mật độ từ láy được sử dụng rất dày
đặc, cùng với thể thơ lục bát, nó đã khiến cho thơ Quách Tấn khẳng định thêm
tính dân tộc, tạo một phong cách riêng cho thi sĩ trong phong trào Thơ Mới thế
kỷ XX.
Nghệ thuật sử dụng
từ láy phần nào cũng nói nên được đặc điểm của ngôn ngữ văn học, nhất là ngôn
ngữ thi ca, là hàm súc, cô đọng, ý tại ngôn ngoại và giàu hình tượng, nó cũng phản ánh được nội dung đề cập
tới. Nắm bắt được tầm quan trọng của từ láy góp phần bộc lộ tư tưởng chủ đề, cảm
hứng chủ đạo và giá trị nghệ thuật đặc sắc của thi phẩm.
Bên cạnh các từ láy biểu hiện cảm xúc, trạng thái của sự vật
nêu trên, Quách Tấn còn dùng nhiều chỉ sự tàn úa, héo hắt, buồn thảm của sự vật
xung quanh như: tà, tàn, nhạt, héo/bầm, thảm, sa (mưa sa),… gợi sức biểu cảm nhất
định cho người đọc. Ngoài ra, ông còn sử dụng một số từ được cho là “đắt”, mặc
dù thơ ông khá giản dị, mộc mạc,
nhưng bên trong cái mộc mạc đó dường như nó chứa đựng tinh hoa của ngôn từ, tạo
điểm nhấn cho toàn bài thơ. Thử xét ví dụ sau:
“Lưa
thưa rụng giọt nắng chiều
Áo phơi gió nhẹ ít nhiều hương bay”
(Tạnh mưa – tập Trăng hoàn hôn)
Ở đây không phải
là rơi, rớt mà là “rụng giọt nắng chiều”.
Từ “rụng” thường để chỉ trái cây chín rụng xuống, không có sự tác động của con
người. Còn nắng chiều rất yếu và nhạt, cùng với sự kết hợp từ láy “lưa thưa” làm cho người đọc cảm nhận rõ
nét về thời khắc tàn lụi của một ngày, như chính mình chứng kiến “giọt nắng” ấy.
Ngoài ra, tác giả
còn gọi là “nhánh trăng”, “nhánh sương” trong một số bài thơ, tạo
sự mới lạ trong thơ dù mang niềm hoài cổ, u buồn:
“Nhánh trăng rơi rụng
vô thường
Vẫn còn lóng lánh giọt sương anh đào”
(Vẫn còn – tập Nửa rừng trăng lạnh)
“Tiếng lòng quạnh quẽ
từ đây
Giọt quyên nhỏ lạnh hao gầy nhánh sương”
(Giận hờn – tập Nửa rừng trăng lạnh)
Cuối cùng, tính
hoài cổ trong thơ lục bát Quách Tấn còn được minh chứng rõ nét nhất bằng những
điển tích, từ cổ hoặc những từ mang dáng dấp của thơ cổ. Các nhà thơ đời Đường
hay thời trung đại Việt Nam khi làm thơ rất thích sử dụng điển văn học, nhằm
làm tăng tính hàm súc của bài thơ, ý tại ngôn ngoại, mượn chuyện người xưa để
nói chuyện nay, ví dụ:
Thơ đời
Đường:
“Cách
giang do xướng Hậu đình hoa”
(Bạt Tần Hoài – Đỗ Mục)
“Thử
địa biệt Yên Đan
Tráng sĩ phát xung quan”
(Dịch thủy tống biệt – Lạc Tân Vương)
Thơ trung
đại Việt Nam:
“Tu
thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”
(Thuật hoài – Phạm Ngũ Lão)
“Khúc
đâu Tư Mã Phượng Cầu
Nghe ra như oán, như sầu phải chăng”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Đến Quách
Tấn, mặc dù ông sống ở thế kỷ XX và là một trong nhưng thi nhân của phong trào
Thơ Mới, nhưng trong thơ lục bát của ông vẫn xuất hiện điển văn học, làm cho
bài thơ thêm tính trang trọng, mang hơi hướng Đường thi:
“Mây Hoàng
Hạc chờn vờn gác trọ
Ngọn huyền đăng gầy gọ dáng ly tao”
(Quán
trọ đêm thu – tập Nhánh lục)
“Bây
giờ sử khép Đông Chu
Nghìn thu chung kiếp phù du trước đèn”
(Duyên
kiếp – tập Giàn hoa lý)
“Cung
sâu giấc ngủ Thọ Dương đương nồng”
(Vườn
xưa – tập Nửa rừng trăng lạnh)
Các từ cổ,
từ Hán Việt như: “sắt cầm” (dù dâu bể sắc cầm không lỗi nhịp – Tài tình nhất phiến – tập Nhánh lục), “ba sinh” (lòng chưa tắt bể ba sinh – Buồn
riêng – tập Giàn hoa lý), “dặm trường” (ngoài non bước xuống lẻ loi dặm trường – Bẽ bàng – tập Nửa rừng trăng
lạnh), “châu sa” (hàng hàng gấm dệt hàng hàng châu sa – Gởi vào văn chương – tập Nhánh lục), “giai nhân” (quay vai chợt hứng
nụ cười giai nhân – Viếng thành nội Huế - tập Nhánh lục)… làm cho bài thơ toát lên màu
sắc trung đại, cổ điển.
3.3. Không gian – Thời
gian:
Một yếu tố
nghệ thuật nữa làm cho thơ Quách Tấn có tính hoài cổ, có nỗi niềm sâu lắng
chính là yếu tố không – thời gian. Chúng tôi nhận thấy rằng, đa số các bài thơ
lục bát trong phạm vi khảo sát đều được tác giả xác định bối cảnh và thời điểm
khá cụ thể, được lồng ghép và hình tượng nghệ thuật mà chúng tôi đã đề cập
trong mục 1. Thời gian thì trải từ chiều cho đến đêm khuya: “đêm thâu”, “trăng tà”, “tà dương”, “thâu đêm”, “canh khuya”:
“Canh
khuya một ngọn đèn mờ
Nhớ con đứng tựa bàn thờ khóc con”
(Ngọn đèn mờ - tập Nhánh lục)
Về không gian, thi sĩ ở tại (hoặc nhớ về) “chùa”, trên lầu cao, “gác trọ”, trong “vườn xưa”… hoặc thậm chí là một nơi vô định:
“Mơ
màng quán khói làng mây
Biết bao thương thảm những ngày mưa sa”
(Nắng
chiều đông – tập Nhánh lục)
Bối cảnh
và thời điểm trong thơ Quách Tấn chính là lúc mà con người hay suy nghĩ nhiều
nhất, hay trăn trở và xúc động nhất. Nhắc đến thơ hoài cổ, người đầu tiên phải
kể đến chính là Bà Huyện Thanh quan với những vần thơ hoài niệm về một thời
vàng son vô định, nỗi buồn man mác giữa cảnh mây trời, bóng chiều đổ xuống:
“Chiều
trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn”
(Chiều
hôm nhớ nhà)
“Nghìn
năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”
(Thăng
Long hoài cổ)
Hay như
tâm trạng “buồn điệp điệp” của Huy Cận
trong Tràng giang cũng vào lúc “vãn chợ chiều”, “nắng xuống”, nên tâm trạng hoài cổ, u buồn của Quách Tấn trong các
tập thơ lục bát với bối cảnh và thời gian trên cũng là điều dễ hiểu.
3.4. Giọng thơ:
Giọng thơ
là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên phong cách của mỗi tác giả. Xác định
được giọng thơ trong sáng tác, người đọc sẽ nắm bắt được tư tưởng, tình cảm,
thái độ của chủ thể trữ tình, cái tôi cá nhân tác giả được đặt vào trong tác phẩm.
Đầu tiên
phải kể đến thơ Quách Tấn mang giọng điệu rất tự nhiên, gần gũi với đời sống hằng
ngày nơi thôn quê:
“Già
càng thương cháu thương con
Lo tìm hạnh phúc mong còn sức lo
Sông sâu gặp buổi đò đầy
Bâng khuâng nắng vọi cánh còn lưng mây”
(Cánh cò – tập Trăng hoàng hôn)
Thơ ông
không chỉ mang giọng điệu đời sống mà còn có nhiều giọng khác, giọng thơ lúc
phong lưu, có lúc lại phóng dật:
“Mái
đầu dầu đã hết xanh
Trước sau đời vẫn một tình với thơ
Hiu hiu mạch sống tràn bờ
Mùa hoa nở trọn những giờ say xuân”
(Một tình với thơ – tập Trăng hoàng hôn)
Tuy
nhiên, giọng thơ chủ đạo của ông trong bốn tập lục bát này vẫn là giọng thơ
mang nỗi buồn man mác có khi sầu thảm về sự mất mát, về nỗi nhớ nhung quê
hương, người thân, người xưa đã khuất hay cũng có khi là một nỗi nhớ vô định:
“Chim
non chiu chit gọi đàn
Ngàn xanh thắm gọi muôn vàn nhớ thương”
(Ngàn xanh – tập Trăng hoàng hôn)
“Canh
khuya một ngọn đèn mờ
Nhớ con đứng tựa bàn thờ khóc con”
(Ngọn đèn mờ - tập Trăng hoàng hôn)
Mỗi tác
phẩm có thể tồn tại nhiều giọng khác nhau nhưng dù thế nào nó cũng thể hiện
tình cảm, cảm xúc của tác giả. Giọng điệu trong các tác phẩm có vai trò rất lớn
trong sự tạo dựng kết cấu cũng như trong tiếp nhận văn học.
3.5. Cú pháp:
Trên cơ sở
vận dụng linh hoạt từ láy và một số từ ngữ mang sắc thái biểu cảm cao như đã đề
cập ở trên, Quách Tấn còn sử dụng cấu trúc điệp từ khá thành công, tạo cho bài
thơ có chút tính nhạc:
“Mưa
mai không hẹn nắng chiều
Nắng chiều sưởi ấm cánh diều mắc mưa”
(Mưa nắng)
“Đêm
qua ngồi vá trăng rằm
Đêm nay ngồi vét ruột tằm kéo tơ”
(Ai nỡ - tập Nửa rừng trăng lạnh)
Dù không
sử dụng các thể của thơ Đường có tính đăng đối rất chặt chẽ như thất ngôn bát
cú hay thất ngôn tứ tuyệt nhưng với lục bát, tác giả đôi lúc vẫn tạo ra những vế
đối trong một câu:
“Âm
thầm dệt lại giấc mơ
Nửa nghi đã tỉnh, nửa ngờ còn say”
(Ai nỡ - tập Nửa rừng trăng lạnh)
Thế giới
nghệ thuật trong thơ lục bát của Quách Tấn thật đa dạng và tinh tế. Các yếu tố
được kết hợp linh hoạt với nhau, hình tượng, ngôn ngữ, thể thơ, giọng điệu và một
số cấu trúc ngữ pháp trong một câu, một bài thơ đã làm rõ thêm tính hoài cổ
riêng của thi sĩ. Dù là một nhà thơ Mới, nhưng với thể thơ truyền thống dân tộc,
cùng với những thi liệu của văn học học cổ điển phương Đông, Quách Tấn đã làm
cho phong trào Thơ Mới thêm nhiều màu sắc và nhiều phong cách, được nhà phê
bình Hoài Thanh gọi là “sứ giả của đời Đường”.
C. KẾT LUẬN
Quách Tấn, với ngòi bút thi vị đậm đà, đã mượn truyền thống thơ
ca Việt Nam lục bát thể mà gửi trọn khối tình thơ đầy chất hoài
niệm của mình. Tiếng thơ cũng chính là tiếng lòng mang nhiều nỗi u
uất, sầu bi và tiếc nhớ về quê nhà với cảnh cũ người xưa, về nỗi
chia lìa sanh tử với thân bằng quyến thuộc, về mối đời lao khổ, vô
thường hay đứt đoạn mà gieo sầu cho thế gian,... Tình trong thơ lục
bát Quách Tấn thể chừng như độc chu giữa cuồng thuỷ, một mình đến
một mình đi, thiếu vắng những mối tương giao. Như ông đã thổ lộ:
“Qua canh mưa gió sụt sùi
Trở nghiêng gối mộng mình vui với
mình”
Tình thơ lục bát Quách Tấn thể như “tân thanh” của giữa dòng Thơ Mới. Không phải ông dừng lại
thủ cựu giữa dòng chảy của thời đại chung mà vì con thuyền ấy đã
chọn lối tiến tới xuôi dòng chậm rãi, nhẹ nhàng để giữ cái thế an
bình giữa bể dâu:
“Đời người ngày một phấn hương
Đời ta ngày một gió sương một nhiều
Ao thu lai láng ráng chiều
Lửng lơ nhuộm thắm cánh diều lưng
mây”
Bên cạnh khối tình thơ đặc sắc, thơ lục bát thể của ông cũng đã
mang đến cho người đọc phong vị hư thực, cựu tân hoà lẫn vô cùng. Đó
là bình cũ với thể thơ rất đổi thân quen, với những hình bóng của “Sơn, thuỷ, yên, hoa, tuyết, nguyệt,
phong”, với những lớp từ Hán Việt cổ kín,... Ấy thế mà rượu
mời đọc giả lại mang đậm phong vị cái tôi cá nhân, nói những chuyện
cá nhân, kể những chuyện đời thường bình dị, rất khác với nghìn năm
thi đàn đã quen với con người phận vị, với những khối tự sự đầy
“hùng tâm tráng khí”. Vì lẽ cái thế tương giao cựu tân tinh tế như
vậy mà thơ lục bát thể Quách Tấn nói riêng và cả sự nghiệp văn
chương của ông nói chung mang nét đẹp rêu phong cao nhã, thanh khiết mà
vẫn dạt dào tình cảm, đậm đà phong vị quê hương.
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Quách Giao, Quách Tấn tuyển tập thơ, NXB hội nhà văn, 2006.
2.
Quách
Giao, Quách Tấn qua cái nhìn phê bình văn
học, NXB Trẻ, TP.HCM.
3. Phạm
Khải, Nhà thơ Quách Tấn: Mấy chục năm qua
giấc mộng dài, báo Pháp Luật, số ra ngày 21/05/2011.
4.
Phạm Trường Nghị, Thi thoại thơ Quách Tấn,
Blog Bình Định quê tôi, http://nguoibinhdinh.vnweblogs.com/post/13094/382487, đăng ngày 24 tháng 11 năm 2012, truy cập lúc
15:20 ngày
30/4/2013.
5.
Thu Tứ, Quách
Tấn, Chim Việt cành
nam, http://chimviet.free.fr/vanhoc/thutu/thutn107_QuachTan.htm, truy cập lúc 8:00 ngày 28/4/2013.
6.
Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2006.
7.
Quách Giao (giới thiệu và tuyển chọn), Tuyển tập thơ Quách Tấn, NXB. Hội nhà
văn, 2006.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét