Hình tượng con người thừa - Evegeny Onegin

Mục lục
I.                    Khái quát
1.      Bối cảnh lịch sử’
2.      Tác giả
3.      Tác phẩm
II.                 Nội dung
1.      Định nghĩa hình tượng con người thừa
2.      Biểu hiện của con người thừa
a.      Sự hoài nghi, chán chường và vô cảm về cuộc sống quý tộc
b.      Sự nổi loạn và tấm bi kịch của con người quý tộc
3.      Những số phận bất hạnh bên cạnh con người thừa
III.               Giá trị hai tác phẩm
1.      Giá trị nội dung
2.      Giá trị nghệ thuật
IV.              Tổng kết
Tài liệu tham khảo
***

I.                   Khái quát
1.      Bối cảnh lịch sử
     Vào thế kỉ 19 thì chế độ phong  kiến ở Nga đang bước vào thời kì cuối nhưng đang là một lực cản mạnh mẽ thể hiện ở nền quân chủ chuyên chế và chế độ chiếm hữu nông nô.
     Chủ nghĩa tư bản phát triển, đặc biệt là sau những cải cách của Alexandrer II. Các thành thị phát triển, xuất hiện những giai cấp mới là tư sản thành thị.
     Các phong trào vô sản cuối thế kỉ cũng có chiều hướng gia tăng.
     Như vậy, có thể thấy được rằng từ bối cảnh lịch sử trên thì  văn học Nga giai đoạn này cũng có nhiều biến chuyển mới. Văn học Nga xuất hiện nhiều chủ nghĩa mới như chủ nghĩa hiện thực với Pushkin,  Lemontov. Ngoài ra còn nhiều hiện tượng văn học rất đáng chú ý.
2.      Tác giả
3.      Tác phẩm
a.       Tiểu thuyết thơ Evegeny Onegin
    Được sáng tác trong thời gian 8 năm từ 1823 – 1831, là một tác phẩm có sự kết hợp giữa thơ và tiểu thuyết. Nó được coi là cuốn “ bách khoa toàn thư về đời sống Nga ” và là “ khởi đầu của mọi sự khởi đầu” đối vời tiểu thuyết hiện thực Nga.
Tóm tắt tác phẩm:
    Chàng công tử hào hoa Yevgeny Onegin, con độc nhất của một quý tộc, chẳng hề tỏ ra mừng rỡ khi biết tin chàng được thừa kế một gia tài từ người bác. Đơn giản là vì khối gia sản khổng lồ mà cha mẹ để lại đủ để chàng sống sung túc vài trăm năm. Chán ngấy cuộc sống nhàn rỗi vô vị, Onegin quyết định về thăm ngôi nhà để thay đổi không khí. Tại đây Onegin làm quen với Vladimir Lensky.
   Một lần, Lensky đưa Onegin tới ăn tối với gia đình vị hôn thê của mình - Olga Larina. Cô em gái Tatyana của Olga, phải lòng Onegin ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tối hôm ấy, nàng viết thư cho Onegin để bày tỏ nỗi lòng. Tuy nhiên, Onegin không viết thư trả lời thiếu nữ ngây thơ. Trong lần gặp gỡ tiếp theo, chàng từ chối tình cảm của nàng bằng những lời lẽ khéo léo và khiêm nhường. Trong mắt anh chàng quen ăn chơi phóng túng, Tatyana chỉ là cô gái quê mùa nên không thể sánh được với chàng.
    Chẳng hiểu do vô tình hay cố ý mà Lensky mời Onegin tới dự lễ sinh nhật của Tatyana. Onegin cảm thấy như lạc vào thế giới phồn hoa mà chàng đang lẩn tránh. Tự dưng chàng thấy ghét kiểu phô trương của Lensky. Để xua tan cảm giác ấy, Onegin quyết định chọc tức Lensky bằng cách cười đùa thân mật rồi khiêu vũ với Olga. Vốn là người không tinh tế và hay tự ái, Lensky rời khỏi bàn tiệc trong cơn thịnh nộ. Sáng hôm sau, anh thách Onegin đấu súng, bất chấp sự can ngăn của mọi người. Trong buổi quyết đấu Onegin bắn chết Lensky rồi bỏ đi luôn.  Đau khổ trước sự biến mất của Onegin, Tatyana tới biệt thự của chàng trước khi lên đường tớiMoskva. Một thời gian sau, nàng bước vào thế giới của tầng lớp thượng lưu. Trong môi trường mới Tatyana thay đổi rất nhanh theo hướng tích cực, từ học vấn, phong cách cho tới nhân sinh quan. Sau bao biến cố, Onegin cũng trở nên chín chắn hơn, không còn kiêu căng và phù phiếm như trước. Tatyana trưởng thành nhanh đến nỗi trong một lần nhìn thấy nàng ở kinh đô , Onegin không hề nhận ra người quen cũ. Khi nhận ra, chàng ngây ngất trước vẻ đẹp mặn mà và trí tuệ mẫn tiệp của nàng. Onegin tìm cách lôi kéo sự chú ý của Tatyana, bất chấp thực tế là nàng đã lấy chồng.
    Chàng công tử viết thư cho nàng, song nàng chẳng hồi âm. Tỏ ra phớt lờ tình cảm của Onegin, nhưng thực ra Tatyana rất khổ sở vì những mâu thuẫn nội tâm. Nàng vẫn còn yêu Onegin, nhưng cũng không muốn phản bội chồng, dù là trong ý nghĩ. Với kỳ vọng ra đòn quyết định, Onegin xin gặp Tatyana lần cuối…
b.Tiểu thuyết Nhân vật của thời đại chúng ta.
    Tiểu thuyết này được sáng tác vào năm 1838 – 1839. Ba phần của tác phẩm ("Bela",
"Người tin định mệnh", "Taman") được in trên tạp chí "Bút ký Tổ quốc" vào năm
1839 - đầu 1840. Theo lời tòa soạn, thì "M.Yu.Lermontov trong thời gian tới sẽ cho in tuyển tập truyện của mình, gồm cả những tác phẩm đã xuất bản lẫn những tác phẩm chưa xuất bản"
     Tháng 5 năm 1840, cuốn sách của Lermontov ra đời, bao gồm nhiều
phần gộp lại, trong đó, ngoài ba phần đã in còn có thêm hai phần "Maxim Maximych" và "Tiểu thư Meri", song không được gọi là “tuyển tập truyện”, mà là “tiểu thuyết”.
Đến lần tái bản năm 1841, Lermontov bổ sung thêm phần "Lời nói đầu", có lẽ được
ông viết trong lần cuối cùng đến Petersburg và là một phản ứng của nhà văn với
những bài phê bình đối với tiểu thuyết đăng trên các tạp chí ở thủ đô.
Tóm tắt tác phẩm:
     Câu chuyện kể vầ cuộc đời của nhân vật Petrorin và cuộc tình cùa anh ta với Bela qua lời kể của Marxim Macximich. Phần thứ hai là Tarman trong nhật kí của Petrorin anh ta đã kể về lần suýt chết xảy của anh ta khi phát hiện bọn người buôn lậu. Phần thứ ba là phần Tiểu thư Meri tác giả đã để cho nhân vật tự bộc bạch nội tâm của mình về tình cảm dành cho cô người yêu và sự say đắm của tiểu thư meri dành cho nhân vật tôi Petrorin nhưng kết quả là không thành. Phần thứ tư là Người tin định mệnh kể về cuộc cược tính mạng của nhân vật tự bạch tôi – Petrorin với số phận của một anh lính của  mình. Và cuối cùng nhân vật Petrorin đã thắng.

II.               Nội dung
1.      Định nghĩa con người thừa
    Hình tượng con người thừa là một hình tượng văn học hết sức mới mẻ trong giai đoạn đầu ùa văn học hiện thực Nga. Con người thừa chính là hình mẫu về thế hệ trẻ trong giới quý tộc sang trọng, giàu có. Họ chỉ biết ăn chơi, hưởng thụ và để rồi không biết làm gì đâm ra chán ghét cuộc sống vô vị tẻ nhạt, quay lưng lại với cuộc sống xung quanh mình. Không chỉ trong đời sống vật chất mà đời sống tình cảm đối với họ cũng chỉ là những giây phút thoáng qua, không có gì cuốn hút hết.
2. Biểu hiện của con người thừa
a. Sự hoài nghi ,chán chường và vô cảm về cuộc sống quý tộc
    Ở nhân vật Evegenny Onegin
    Với  Onegin hình tượng con người thừa lần đầu tiên xuất hiện trong văn học nga,
    Đây là nhân vật khá phức tạp mâu thuẫn sâu sắc trong tâm hồn và tư tưởng.Trong một xã hội nước Nga  nông nô chuyên chế thế kỷ 19 theo Ghecxen đã nói “Chàng tuổi trẻ không tim thấy hứng thú sinh động nào trong cái thế giới của thói nô lệ khúm núm và tính hám danh ti tiện” 
     Onegin sống trong  cái thế giới của thói nô lệ khúm núm và tính hám danh ti tiện đã làm cho chàng buồn chán hoài nghi và lạnh lùng.Trong tác phẩm  Onegin hiện lên là con của một nhà quý tộc, kẻ kế thừa những gia tài kếch xù của những người thân thuộc. Vì điều kiện gia đình như thế nên anh chẳng cần lao động và cũng không muốn lao động.
“Nhờ thần Dớt, anh ta nay thừa kế
Mọi gia tài của bố mẹ, bà con”
Anh đắm mình trong cuộc sống xa hoa: sớm thì vũ hội. tối thì tiệc tùng, múa hát
“Ðêm đã xuống, chàng lên xe, lập tức
Người đánh xe quất ngựa, vội lên đường.

Với các cô diễn viên trẻ, đồng thời
Ðược đón chào sau sân khấu, khắp nơi,
Onegin hóng xe vào rạp hát”.
    Chàng ta có thể tốn ba tiếng đồng hồ để săm soi, trang điểm trước gương với những bộ đồ cầu kì theo mốt.
“Nên thời trang chàng cũng khá cầu kỳ
Và có phần hơi đỏm dáng. Nhiều khi
Chàng đã đứng bên chiếc gương ít nhất
Nhìn trước sau cũng phải đến ba giờ”.
    Điều đặc biệt là anh luôn được phái đẹp yêu mến. Nhưng anh chỉ xem họ là một trò chơi, chỉ để giải buồn. 
“Các cô gái không làm chàng mê mẩn
Chàng chỉ yêu mong chốc lát giải buồn

Ta ví chàng như ông khách thờ ơ”.
    Cuộc sống quý tộc và lối giáo dục quý tộc tạo nên một Oneghin phù phiếm vui chơi, phí hoài tuổi trẻ trong phòng trà, rạp hát với những mối tình chốc lát và những cuộc quyết đấu, dần dần Oneghin cảm thấy phiền muộn và ghét cuộc sống phù hoa của giới quí tộc 
“Ta thất vọng đưa ống nhòm, mỏi mệt
Thấy toàn người rất xa lạ. Than ôi,
Ta đến đây tìm cái vui, ấm áp
Mà ngồi nhớ, tiếc ngày xưa và ngáp!”
Hay:
“Chàng chán mệt vì thành công quá dễ,
Vì ước mơ, mong muốn quá tầm thường,
Vì quanh chàng toàn sáo rỗng, bất lương.
Khi bị ghét, khi được yêu, thay đổi,
Ônhêgin luôn đau khổ âm thầm”.
    Chính  vì ý thức được điều đó con người thông minh sắc sảo và cao thượng ấy đã không can tâm khúm  núm  kiểu nô lệ hay hám danh ti tiện. Chàng không làm quan, không theo đuổi danh vọng như những người quý tộc và chàng cũng không yên tâm thanh thản hưởng thụ những đặc quyền, đặc lợi do gia cấp quý tộc dành cho chàng. Chàng càng không bận tâm, không tận lực phục vụ giai cấp quý tộc và nhà nước của giai cấp đó nhưng “ lại buộc lòng phải sống ngay trong cái xã hội ấy ” mặc dù “ Với cuộc sống này anh lạnh nhạt dửng dưng ”. Oneghin có thể đi đâu và làm gì? chàng cũng chưa biết. Làm sao để chàng khắc phục căn bệnh lười nhác thụ động và ích kỷ?. Tất cả những cái đó còn xa lạ với chàng  và chàng chỉ mới khác người ở chỗ buồn chán, thất vọng nhưng vẫn sống trống rỗng , vô nghĩa như mọi người quý tộc khác .
     Chàng trẻ tuổi hãy còn xa rời nhân dân, lúng túng chưa biết đi đâu, làm gì?. Chàng sống một cách vô dụng và vô nghĩa. Sự Buồn chán, ngáp dài không làm gì cả là một dạng của con người thừa.  Do buồn chán, ích kỷ, an thân, có lúc anh đã gây  hại đối với người khác. Không chỉ đối với người khác anh còn hại ngay cả bản thân mình. Anh từ chối một mối tình đáng lẽ ra anh phải được sống hạnh phúc. Anh muốn sống tự do cho riêng mình, và điều đó làm cho Tachiana đau khổ, thất vọng, buồn đau. 
“Tanhia không đáp, chỉ cúi đầu.
Nàng nín thở, hai mắt mờ đẫm lệ
Ðứng bên chàng cùng im lặng hồi lâu”.
Trong tình bạn, anh phải buộc lòng đấu súng với Lenxki, anh đau khổ về điều đó:
“Một chọi một với lương tâm lúc ấy
Chàng tức giận với chính chàng, đúng vậy”.
    Anh cho đó là điều vớ vẩn, tuyệt đối không nên làm nhưng anh vẫn để điều đó xảy ra vì anh sợ dư luận xã hội - cái mà anh coi thường.
“E là khó – giới thượng lưu cao quý
Cái họ sợ, than ôi, là bệnh sĩ”.
     Ðó là điều mâu thuẫn trong con người anh. Anh là một người chán xã hội, khinh bỉ nó nhưng anh lại sợ chính nó. Vừa coi thường, khinh khi nhưng lại sợ. Qua việc từ chối tình yêu của Tachiana và đấu súng với Lenxki chúng ta thấy Onegin là người không có lối thoát, sống quẩn quanh, tiêu phí cuộc đời vào những điều vô nghĩa, hiểm nguy không đáng.
     Onegin sống không có mục đích, buồn bã, cô đơn, không biết mọi việc xung quanh, không làm được việc gì cho đời…anh trở thành “con người thừa”của xã hội .Onegin  là điển hình của con người thừa, hình tượng này đã khái quát sâu sắc những đặc điểm của thanh niên những năm 20 nửa đầu thể kỷ 19.
Ở nhân vật Pechorin
    Trong tác phẩm Lermontov đã xây dựng một chân dung nhân vật của thời đại chúng ta, giới thiệu cho chúng ta hình tượng người thanh niên đương thời.Nếu với Oneghin Pushkin đã xây dựng hình tượng người thanh niên cùng lứa tuổi, cùng thời đại với mình. Lermontov cũng hoàn thành nhiệm vụ như thế khi sáng tạo nên hình tượng Pechorin hay nói theo Belinxki thì “Pechorin chính là Oneghin của thời đại chúng ta”, Oneghin của xã hội Nga sau ngày 14-12-1825. Oneghin và Pechorin là “ Con người thừa ”của những giai đoạn lịch sử khác nhau, hai nhân vật này vừa giống nhau vừa mang những dấu ấn riêng biệt . Nếu như  Oneghin và nhân vật của thời đại chúng ta không phải là tác phẩm tự thuật của Pushkin và Lermontov mặc dù Lermontov gần gũi với nhân vật “ trong quan điểm của họ đối với sự vật có sự giống nhau kỳ lạ ”- Belinxki. Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác thì  Pechorin vẫn không phải là Lermontov , Pechorin là đại biểu cho thanh niên Nga những năm 30 thế kỷ 19.
     Pechorin là Nhân vật của thời đại anh hùng nhưng không phải là “ Người anh hùng ” theo ý nghĩa đẹp đẽ của từ này đây là một nhân vật có những đức tính tốt đẹp (nhạy cảm và tỉnh táo, biết phân tích và tự phân tích “ đã lâu rồi tôi sống không bằng trái tim mà bằng khối óc, tôi cân nhắc ….”) và những thói hư tất xấu, những mặt mạnh, tích cực và những mặc còn yếu, hạn chế. Chúng ra đời và phát triển trong những hoàn cảnh lịch sử xã hội nhất định.
     Pechorin mang trong mình một trái tim sôi nổi nhưng phải sống trong môi trường quý tộc hời hợt, giả dối và phù phiếm.  Pechorin muốn che giấu đi tình cảm thật của mình hoặc bộc lộ một cách khác đi dưới cái vỏ ngoài dửng dưng, kìm nén trong lòng những vui, buồn, giận, ghét nhưng rồi có lúc cũng nằm vật trong một đám cỏ và khóc  òa lên như một đứa trẻ .
      Pechorin khao khát  hoạt động luôn cảm thấy “ trong tâm hồn mình những sức  lực vô bờ ” giống như người lính thủy bị ném lên bờ đêm ngày thèm nhớ đại dương. Nhưng hoạt động gì?.  Hoạt động như thế nào thì Pechorin không biết. Anh đi chệch hướng những nỗ  lực của mình vào những việc tầm thường và vô ích, gây đau khổ cho bao người và cho chính bản thân anh. Anh lao vào những cuộc phưu lưu mạo hiểm không có phương hướng rõ ràng nên lí trí càng lạnh lung, khắc nghiệt, tâm hồn thì càng nguội lạnh chai sạn, tài năng thì mai một, sức lực tàn tạ.
      Thế hệ Pechorin “ không còn có tình thần hi sinh lớn lao cho lợi ích của nhân loại thậm chí cho lợi ích của bản thân chúng tôi  nữa”. Mang tâm trạng hoài nghi, bi quan nên họ rút vào cá nhân chỉ biết có cá nhân vị kỷ: “ Chúng tôi khá dửng dưng với tất cả ngoài bản thân mình ” . Cuộc sống trở nên vô nghĩa,  sức lực phân tán với những việc nhỏ bé, say mê chạy theo những ham muốn tầm thường .
       Với vẻ ngoài khá đẹp trai có khuôn mặt mà phụ nữ thượng lưu rất ưa thích nên Pechorin dính líu vào hết mối tình này đến mối tình khác nhưng chỉ đem lại đau khổ cho mọi người như đối với nhân vật Bela thì “ dùng mọi cách để chiếm được trái tim của Bela như lừa Adamat, nói những lời có cánh “ anh muốn em được sung sướng nhưng nếu em buồn thì anh sẽ chết mất …”, mua đủ thứ quà mà Pechorin cho rằng “ liệu mỹ nhân châu á đó có trụ nổi trước cái khẩu đội như thế này không?” . Còn đối với Meri thì Pechorin đã cố gắng chinh phục nàng nhưng không có ý định lấy nàng làm vợ  và thậm chí không yêu nàng. Anh ta tự lí giải hành động đó của mình “ Tôi thường hỏi tại sao tôi lại cứ cố giành lấy tình yêu ….không bao giờ cưới làm vợ (..); Tôi cảm thấy trong tôi luôn  rạo rực nỗi thèm khát vô biên ,nuốt chửng tất cả những gì gặp trên đường đi …bắt tôi phục tùng ý chí của tôi” hay khi Vera gặp Pechorin yêu chàng tha thiết nhưng cuối cùng không một ai hạnh phúc. Tự  Pechorin cũng  thú nhận rằng “ vì mình, vì lạc thú của riêng bản thân mình”  sống trên đời “là  để phá hủy hi vọng của người khác ” luôn đóng “ vai trò hèn kém của kẻ đao phủ hoặc kẻ phản  bội ”.
      Pechorin sống không có lý tưởng cao đẹp, không hoạt động thành những lợi ích chung , biến thành con người thừa. Anh là sản phẩm của chế độ nông nô chuyên chế thời Nicolai1
     Đối với giới quý tộc và những sĩ quan Petecbua  xem Pechorin là “ một người xa lạ ”. Chính vì giữa cái xã hội ấy anh là một người cao quý, có học thức biết đau khổ vì không làm việc gì hữu ích cho đời mà trái lại đối với những người thuộc giới anh thì “ cái đẹp giản dị không làm cho họ rung cảm họ trang trọng khoác lên mình những tình cảm khác thường, những dục vọng cao cả và cả những nỗi đau có một không hai ”. Còn những người thuộc tầng lớp bên dưới anh như ông già Maxim Maximych, Bela, bác sĩ Vecne, những người này có phẩm chất cao quý khác thường. Khi ở giữa những người này Pechorin là một kẻ lạnh lùng và tàn nhẫn .
      Như vậy ở Pechorin ta thấy hiện lên một hình ảnh con người thừa với những nét tiêu biểu cho thanh niên Nga những năm 30 của thế 19, Pushkin thứ hai –Lermontov đã tiếp nối được hình tượng con người thừa trong Evgheni Onegin  đến nhân vật thời đại chúng ta với những dấu ấn riêng không thế phai nhạt.
b.Sự nổi loạn và tấm bi kịch của con người quý tộc
    Hình tượng “con người thừa” trong Evghegni Onegin càng hoàn thiện hơn khi xây dựng Onegin với tính cách nổi loạn của con người quý tộc.
     Onegin là con đẻ của giai cấp quý tộc thượng lưu, giai cấp quý tộc ra sức đào tạo những con người có dòng dõi như thế  để tán dương, để tiếp nối và phục vụ giai cấp quý tộc nhưng  onegin con người nổi loạn đã phá vỡ những âm mưu, những quy tắc đạo đức của giai cấp quý tộc. Anh không màng đến danh vọng, nhưng cũng không dám chống đối giai cấp quý tộc,  không tán thành cũng không ca ngợi, anh trở thành một con người không có lập trường.
     Onegin không bằng lòng với chung quanh và không bằng lòng với chính mình, không thỏa mãn “ với cuộc sống này anh lạnh nhạt dửng dưng”. Anh không làm quan để theo đuổi danh vọng như các quí tộc khác. Anh cũng không yên tâm thanh thản để hưởng những quyền lợi của giai cấp quí tộc dành cho mình. Anh không tận tâm tận lực phục vụ nhà nước của giai cấp đó. Ở anh luôn có sự vươn lên để thoát khỏi con người sa đọa, nhưng anh lại chưa với tới tầm cao của những người tiền chiến, những người Tháng Chạp. Nhưng lại không có can đảm từ bỏ cái xã hội ấy
     Onegin muốn giải phóng khỏi những gì quen thuộc lâu nay, thay đổi những lề lối, đạo lý, sinh hoạt thông thường. Đây có thể được xem như một sự nổi loạn của Onegin, một sự thay đổi tiến bộ. Xây dựng Onegin với tính cách nổi loạn, nhà văn Puskin muốn cho người đọc thấy tâm lí bế tắc, không lối thoát của một bộ phận thanh niên Nga lúc bấy giờ.
     Sự nổi loạn của Onegin không làm cho anh thoát khỏi bế tắc của cuộc sống mà càng làm cho anh ta thêm khốn khổ. Là một người có tài, có năng lực, nhìn thấy hết những gì đang xảy ra trước mắt, trong cuộc sống của mình nhưng anh không dám đối mặt với nó, anh tìm cách trốn tránh nó và tấm bi kịch của số phận con người trong Onegin là đây, anh lâm vào khủng hoảng, trầm tư, cảm thấy cuộc sống thật tẻ nhạt chán trường. Anh trở thành người sống không có mục đích, không có lí tưởng, sống không quan tâm đến ai và chỉ có nỗi buồn chán làm bạn với anh ta, anh tiêu phí cuộc đời vào những điều không đáng.
“ Tôi đã quên vinh quang, không thèm khát,
Quên ngục tù, quên quê cũ, ước mơ?”
Hoặc:
“Ðêm và ngày lẫn lộn giống trong mơ.
Chàng nằm ngủ tận xế chiều mới dậy,
Rồi tất cả như hôm qua, từ đấy
Tận sáng mai sẽ lặp lại từ đầu:
Cũng ồn ào và đơn điệu như nhau.
Nhưng thử hỏi Ônhêgin vì thế
Hạnh phúc không, hay đau khổ, chán chường
Khi chàng có thừa tự do, tuổi trẻ
Cùng cuộc đời đầy khoái lạc, yêu thương?”
Hoặc:
“ Nên dù chàng đang độ tuổi hăng say
Mà cuối cùng cũng chán chường tất cả -
Cả súng gươm, cả đánh nhau, đập phá”.
    Kế thừa và noi gương Puskin về chủ nghĩa hiện thực, Lermontov cũng xây dựng thành công hình tượng “con người thừa” trong tiểu thuyết Nhân vật của thời đại chúng ta qua tính cách nổi loạn và tấm bi kịch về số phận con người của nhân vật chính Petsorin.
    Anh ta chán nản thất vọng trước cuộc sống, nhưng nỗi chán chường của Petsorin không phải là nỗi chán chường có thể chữa khỏi bằng một viên đạn súng ngắn, mà là một nỗi chán chường lạnh lùng, bất lực, được che đậy bằng một cử chỉ phong nhã và một tâm hồn nhân hậu.
    Petsorin bế tắc khi không tìm được lối thoát, anh tự  biện minh điều đó cho mình bằng « Nhưng có điều chắc chắn tôi là kẻ rất đáng thương »,  « tâm hồn tôi đã bị giới quý tộc làm cho hư hỏng, đầu óc tôi luôn luôn phiền muộn, trái tim tôi không bao giờ thoả mãn; ít khi tôi vừa lòng, tôi quen với đau buồn cũng dễ dàng như với thú vui, và đời tôi mỗi ngày càng thêm trống rỗng; tôi chỉ còn một lối thoát: đi du lịch »
    Ở Petsorin ta thấy anh là hình tượng của con người nổi loạn, mà mẫu người nổi loạn này trở thành cái phong trào của thanh niên Nga lúc bấy giờ. Hình tượng con người thừa với tính cách nổi loạn trong văn học Nga rất phổ biến, đầu tiên là Onegin của Puskin, Rudin của Tuocghenhep, Oblomop của Gonsarop… và bây giờ là Petsorin của lermontov  « căn bệnh chán đời, như tất cả các thứ "mốt", thường phát sinh từ các tầng lớp thượng lưu của xã hội để rồi lan xuống đám hạ lưu và đám này xài đến mòn tã, và hiện nay thì những ai chán đời và thực sự là chán hơn tất cả mọi người, đều cố giấu đi cái tai họa kia như giấu một khuyết tật ». Từ đó, ta có thể thấy xây dựng hình tượng con người thừa là cách xây dựng có ý đồ nhằm phản ánh hiện thực của tác giả, mặt khác tố cáo tầng lớp Nga hoàng với chế độ cai trị đang dần làm mất đi những giá trị vốn có của con người .
3.      Những hình tượng nhân vật khác bên cạnh “con người thừa”
    Puskin là người “khởi đầu của mọi khởi đầu”, là người “đã đặt những nền móng không gì lay chuyển nổi cho tất cả những gì sau này sẽ kế tục mình trong nghệ thuật Nga” (M. Gorki). Một trong những đóng góp quan trọng nhất  của Puskin trong nền văn học: ông là người mở đầu cho nền văn học hiện thực Nga và cũng là người đầu tiên xây dựng hình tượng nhân vật “con người thừa”.
    Pushkin đã rất thành công khi xây dựng nhân vật con người thừa- Onêgin. Onêgin là “con người thừa”, là điển hình của một lớp thanh niên thời bấy giờ – những kẻ sống nhờ vào sức lao động của nông dân, thông minh, có lòng thương người và không được giáo dục đầy đủ. Onêgin là con người trẻ tuổi, có năng lực mà không có lí tưởng, bế tắc, vô dụng giữa cuộc đời, là sản phẩm của xã hội Nga những năm 20 của thế kỉ XIX.
    Bên cạnh, con người thừa Onêgin còn có những hình tượng nhân vật khác. Đó là nhân vật Lenski- bạn của Onêgin, Tachyana- người yêu thầm Onêgin.
     Ngược lại với hình ảnh của Onhêgin, đó là cô gái Tachyana - một hình tượng nhân vật nữ mang lý tưởng Nga đã được tác giả yêu quý và khắc họa rõ nét. Hình tượng Tachyana- tiêu biểu cho lý tưởng, đạo đức thẩm mỹ của Puskin.
    Cô lớn lên trong tự nhiên và những câu chuyện thiếu nhi dân gian thần kỳ, cô chất phác, ngây thơ, thẳng thắn, chân thành đồng thời có một vẻ đẹp tự nhiên như một bông phù dung trên mặt nước. Khi cô xuất hiện giữa đám tiểu thư trong giới quý tộc thượng lưu, giống như một "vầng trăng thuần khiết vậy", lại giống như " một tiên nữ bay xuống trần gian", trở nên siêu phàm, thoát tục, sáng láng. Cô là hóa thân của lý tưởng dân tộc Nga, nhà thơ đã gửi vào đó những kỳ vọng và tình cảm vào tương lai của nước Nga. Ngay cái tên “Tachyana” rất bình dân trong tiếng Nga. Cuộc sống của cô gần gũi với nhân dân và thiên nhiên nước Nga:
“ Nàng thủ thỉ rất riêng tư, bí mật
Với rừng cây, đồng cỏ, những mái nhà….
Nhưng mùa hè đã vội vã đi qua,
Và bên cửa mùa thu vàng ngấp nghé.
Thiên nhiên rung rồi nhợt nhạt, thay màu…
…Mùa đông đến, lan khắp nơi; tuyết bám.”
     Nhưng cũng là cô gái hay buồn, sống cô đơn, trầm mặc, hay suy nghĩ, xúc cảm một mình:
“Buồn, lặng lẽ, hơi ít nhiều hoang dại,
Ngơ ngác nhìn như con nai sợ hãi,
Tachyana như cô bé người ngoài,
Trong nhà mình mà trông chẳng giống ai.
Nàng không biết chiều cha hay nũng mẹ,
Không thích ai mơn trớn, nghịch bao giờ,
Ngay từ nhỏ nàng không chơi vói trẻ.
Không chạy đùa, không vui nghịch ngây thơ,
Mà chỉ thích suốt ngày bên cửa sổ
Ngồi im lặng bâng quơ nhìn đâu đó…
…Nàng xa lạ với những trò ngỗ nghịch
Của lứa tuổi. đêm mùa đông nàng thích
Lắng tai nghe những câu chuyện hãi hùng.
Đến rợn người… rồi suy nghĩ mông lung.” 
     Nàng hay đọc tiểu thuyết tình cảm lãng mạn. Nàng yêu  cuộc sống trong sách có ý nghĩa và phong phú hơn cái thực tế vô vị xung quanh mình. Nàng không biết rằng cái ấy là do nhà văn theo chủ nghĩa tình cảm viết ra….
“ Nàng rất sớm ham mê xem tiểu thuyết,
Và than ôi, tiểu thuyết là đời nàng.
Risácxơn và Ruxô, tôi biết
Luôn được nàng chăm chú đọc từng trang.”
      Do đó, vừa mới gặp Onêgin nàng đã yêu ngay từ phút đầu tiên vì anh chàng chẳng giống ai quen biết xung quanh. Vì thiếu kinh nghiệm, cô tin rằng anh là người lý tưởng, đúng tiêu chuẩn. Nàng viết thư cho anh, đó là hành động táo bạo của con người nồng nhiệt yêu đương:
“ Nàng ngồi viết, tay chống cằm suy nghĩ,
Onêgin luôn quanh quẩn trong đầu
Nàng sôi nổi, không giữ lời, giữ ý
Để tình nàng lai láng thấm từng câu.”
 Thư gởi xong, nàng tin thế nào anh cũng đáp lời, nhưng:
Ngày ngày qua cũng chẳng có tin gì
Nàng xanh xao như chiếc bóng sầu bi
      Lời chối từ của anh khiến nàng bất ngờ. Hóa ra anh chẳng giống con người lý tưởng trong tiểu thuyết. Nhưng nàng vẫn chưa thôi yêu anh…Càng về sau, nàng càng khó hiểu anh, đặc biệt sau vụ đấu súng với Lenski, anh bỏ đi, Onga lấy chồng …Đọc tiểu thuyết lãng mạn, Tachyana lại lầm tưởng anh là một nhân vật chán đời: nghĩa là anh sống theo sách vở. Nàng thất vọng. Theo mẹ về Moskva, nàng chẳng vui. Mẹ muốn gả chồng, nàng chỉ  phản kháng lúc đầu. Sau thương mẹ năn nỉ khóc lóc, nàng đã đồng ý lấy viên tướng cao tuổi và từ đó an phận.
     Cuộc gặp lại Onêgin ở ba năm sau, nghe chàng tỏ tình, nàng không tin ở lòng chân thành của anh. Đến khi gặp anh tới nhà riêng thăm nàng, nhìn “dáng âu sầu”, “ bộ mặt cầu xin” nàng mới hiểu anh đã đau khổ nhiều. Nàng tin rằng anh không phải là con người tầm thường. Tachyana nghĩ rằng bây giờ nàng có thể sống hạnh phúc với Onêgin … Nhưng rồi suy nghĩ kỹ, nàng buộc lòng  từ chối anh vì giữa hai người có một “ biên giới” không thể vượt qua: 
“ …Mà hạnh phúc, Ônêgin, lúc ấy
Trong tầm tay, rất dễ đạt, rất gần,
Nhưng số phận không cho tôi được vậy…
…Tôi lấy chồng…Anh hãy để cho tôi
Yên ổn sống. Tim anh tôi biết rõ.”
     Bởi vì bản chất của Tachyana là sự cao quý của tâm hồn và tính trách nhiệm. Nàng nghĩ tới vai trò của người vợ đoan chính, nàng không thể nuốt lời hứa hôn nhân. Hành động Tachyana bỏ đi, Onêgin đứng đó sững sờ,… nàng ra khỏi phòng khách, chồng của nàng bước vào tiếp khách đã nói lên điều đó. Đấy là một nét bản chất Nga,  “tâm hồn Nga” truyền thống. Bản chất của Tachyana là sự cao quý về tâm hồn và tinh thần trách nhiệm, không hề tráo trở trong tình yêu và tình nghĩa vợ chồng. Tachyana là một phần của Puskin, là ước mơ của ông về vẻ đẹp tâm hồn, là lí tưởng của ông về con người. Chính điều này thể hiện bản chất của người phụ nữ Nga, tâm hồn Nga chân chính và sâu sắc. Những người vợ của các chiến sĩ Tháng Chạp tự nguyện theo chồng đi đày ở Siberia xa xôi chia sẻ với chồng mọi nỗi gian khổ cũng có tâm hồn “Tachyana” như thế.
     Lenski cũng là một điển hình của thanh niên. Ở tuổi mười tám, đôi mươi Lenski nhìn đời với đôi mắt tươi trẻ, hồn nhiên, cả tin và mơ mộng.
     Cũng giống như Onêgin, anh xa rời nhân dân mặc dù có học vấn cao hơn Onêgin do được đào tạo ở nước ngoài. Anh chưa có cơ hội hiểu sâu sắc đất nước và nhân dân mình. Anh có niềm tin vào tình bạn, tình yêu. Nhưng khi bất bình trong cuộc sống, anh dễ buồn nản, đau khổ, chỉ biết viết những bài thơ bi đát, hoặc thiếu suy nghĩ mà hành động liều lĩnh. Ngày sinh nhật (lễ thánh) của Tachyana, thấy Onêgin ve vãn Onga, anh vội kết luận Onga là lừa dối anh nên căm giận nàng. Khi biết Onga vẫn yêu mình thì anh lại trút tức giận vào ông bạn Onêghin “trụy lạc”và  thách đấu súng.
    Rõ ràng, Lenski là mẫu người lãng mạn thời đại, chỉ hành động mà không hiểu rõ  thực tế, chỉ tin vào tình cảm mà bồng bột, nóng vội trong hành động.
    Nhà thơ tỏ thái độ yêu thương, thông cảm khi miêu tả Lenski, vì đó là con người nồng nhiệt, ngây thơ và trong sạch về tâm hồn, có khát vọng và khả năng trở thành nhà thơ có tài. Cái chết quá sớm của chàng là một điều bất hạnh, dập tắt đi bao nhiêu hi vọng có thể tốt đẹp về một con người, về một “tiếng thơ”. Chàng trẻ tuổi, nồng nhiệt, tài hoa, nhiều khát vọng tốt lành dường như không có chỗ đứng, không có việc làm ở nước Nga lúc bấy giờ nên đã từ giã cõi đời. Cái chết uổng phí của Lenski gây tiếc thương và xúc động. Sự phát triển như Lenski có thể dẫn đến hai khả năng, hoặc một cuộc sống tầm thường, vô nghĩa, lặp lại số phận của ông chú chàng, hoặc một cuộc sống tươi đẹp, có khả năng biến những ước mơ thành hành động, thành niềm tin, căm thù giai cấp thống trị, đấu tranh cho hạnh phúc của nhân dân. Trong thực tế, nhiều Lenski đã trở thành chiến sĩ của phong trào Tháng Chạp.
      Với Onêgin, Pushkin xây dựng thành công hình tượng “con người thừa”, thì Lermontov cũng đã sáng tạo nên hình tượng Petrorin trong Nhân vật của thời đại chúng ta. Petrorin sống không có lý tưởng cao đẹp, không hoạt động vì những lợi ích chung, biến thành “con người thừa”. Anh là sản phẩm của chế độ nông nô chuyên chế thời Nicôlai I. Bên cạnh “con người thừa” Petrorin, Lermontov còn xây dựng những nhân vật thuộc các tầng lớp “bên dưới” như ông già Macxim Macximich, cô Bela, những người dân Capcado, bác sĩ Vecne, những người bình thường nhưng lại có phẩm chất lành mạnh, cao quý hơn chàng Petrorin “khác thường”. Họ sống trung hậu, hữu ích. Ở giữa những con người này Petrorin là con người lạnh lùng, ích kỉ, tàn nhẫn. Nhà phê bình Blinxki đã viết: “… bạn đọc thân mến chắc hẳn đã không chia tay một cách lãnh đạm với ông già chất phác như trẻ con này; con người nhân hậu, đáng yêu, giàu nhân tính như vậy, và là một con người rất thiếu kinh nghiệm về tất cả những vấn đề vượt ra ngoài tầm mắt chật hẹp của những khái niệm và vốn từng trải riêng của mình. Đúng là ta đã quen thuộc với bác, ta đã đem lòng yêu mến bác đến nỗi ta sẽ ta sẽ không bao giờ quên bác, và nếu sau này ta có gặp thì sẽ thấy bên dưới một bề ngoài thô lỗ, một cái vỏ chai sạn của một cuộc đời vất vả và nghèo nàn là một tấm lòng ấm áp; bên dưới một lối nói năng tầm thường là một tâm hồn nồng nhiệt, chắc hẳn ta sẽ nói: “Đó là Macximich”…và ta hãy cầu Chúa sao cho trên đường đời của ta sẽ gặp được nhiều Macxim Macximich hơn nữa!...”
     Từ hai phía, các nhân vật phụ làm sáng rõ nhân vật chính, phía này làm nổi lên những ưu điểm, còn phía kia làm nổi lên những khuyết điểm.
III.            Giá trị hai tác phẩm
1.      Tác phẩm Evgeny onegin
 Giá trị nội dung:
    Onegin là “con người thừa”, là điển hình của một lớp thanh niên thời bấy giờ – những kẻ sống nhờ vào sức lao động của nông dân, thông minh, có lòng thương người và không được giáo dục đầy đủ. Onegin là con người không có lí tưởng, là sản phẩm của xã hội Nga những năm 20 và cả nửa đầu thế kỉ XIX. Với tác phẩm này,  Puskin đã mở ra con đường mới cho nền văn học Nga: chủ nghĩa hiện thực Nga với phương pháp sáng tác hiện thực, đi sâu vào thực tại, lấy cuộc sống và thời đại làm đối tượng khám phá, sáng tạo. Đây là kiểu mẫu đầu tiên vượt qua chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa tình cảm và chủ nghĩa lãng mạn ở nuớc Nga. Với tiểu thuyết thơ này, lần đầu tiên trong văn học Nga xuất hiện hình tượng nhân vật “con người thừa”. Puskin là cái mốc kết thúc dòng văn học lãng mạn Nga và là người mở đầu cho dòng văn học hiện thực Nga.
     Trong tác phẩm, Puskin đã phê phán sự tầm thường ti tiện của quí tộc Nga. Và ông nêu lên tình trạng mâu thuẫn, khủng hoảng của giai cấp này khi những đứa con cưng của nó như Onegin lại buồn chán. Ông phê phán cuộc sống với những lề thói quen thuộc và muốn thay đổi nó khi những kẻ tầm thường lại sống hạnh phúc còn những người như Onegin, Tachyana thì lại đau khổ. Hơn nữa trong tác phẩm, Puskin đã sáng tạo được những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Điều kiện sống, địa vị xã hội, môi trường giáo dục khác nhau sẽ hình thành những tính cách khác nhau như Onegin, Tachyana, Lenski.
      Với tiểu thuyết Evgeni Onegin, Puskin đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật “con người thừa” đầu tiên, con người trẻ tuổi, có năng lực mà lại bế tắc, vô dụng giữa cuộc đời.
Giá trị nghệ thuật:
    Thời đại tiểu thuyết hiện thực Nga mở ra trên ngưỡng cửa thập niên 30 với tiểu thuyết bằng thơ của Pushkin: Evgeny Onegin. Đó là tiểu thuyết “khởi đầu của mọi sự khởi đầu” tạo nên những nhân vật điển hình của thời đại, với những phương thức nghệ thuật trở thành khuôn mẫu cho những thế hệ tiểu thuyết Nga về sau.
    Về cốt truyện ta thấy sự kiện không đóng vai trò quan trọng; Các bức tranh mô tả cảnh sinh hoạt với các chi tiết tỉ mỉ, cụ thể chiếm phần lớn tác phẩm; Không có xung đột kịch tính (các nhân vật chính đều là bạn bè, yêu mến lẫn nhau); Xung đột chủ yếu là ở nội tâm (giữa thiện – ác trong tâm hồn con người). bên cạnh đó nó còn có kết thúc mở.
   Nhân vật được mô tả cụ thể, tỉ mỉ, gắn liền với những cảnh sinh hoạt xung quanh; Không có xung đột gay gắt giữa các nhân vật. Mỗi nhân vật sống với thế giới riêng tư của mình; Không có sự phân chia nhân vật chính – phụ (mỗi nhân vật đều là nhân vật chính). Không có sự phân chia nhân vật chính diện – phản diện. Mâu thuẫn chủ yếu là giữa “chính diện” và “phản diện” trong tâm hồn mỗi con người; Tính cách “tự phát triển”. Vẫn có nhân vật “lý tưởng”, nhưng trung tâm tác phẩm vẫn là nhân vật “lưỡng diện”: kiểu nhân vật “con người thừa”. Ngoài ra, nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm nằm ở những “ khổ thơ Onegin”, cốt truyện của tác phẩm khá đơn giản và mang kết thúc mở khiến độc giả còn cần phải suy nghĩ. Đó là điểm đặc biệt của truyên thơ mà Pushkin đã để lại.
       
    Evgeni Onegin là một tiểu thuyết hiện thực, được Belinski xem là “bộ bách khoa toàn thư của cuộc sống Nga”. Vì đây là tác phẩm đầu tiên phản ánh cuộc sống “đúng như nó tồn tại”, chân thực, đa dạng có tính chất “bách khoa”. Cuộc sống ở tỉnh và ở quê với những vũ hội, yến tiệc, cưới hỏi, ma chay…và nhiều mặt phong phú trong đời sống vật chất và tinh thần của nước Nga những năm 1819 – 1825, thời điểm quan trọng sau chiến tranh vệ quốc và trước cuộc khởi nghĩa Tháng Chạp. Với ngòi bút tài tình của mình Puskin đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật “con người thừa”, hình tượng nhân vật xuất hiện lần đầu tiên trong nền văn học Nga. Qua đó ta thấy tiểu thuyết thơ này thật sự là một trong những kiệt tác bậc nhất của văn học Nga  và thế giới.


2.Tác phẩm Nhân vật của thời đại chúng ta
Giá trị nội dung:
     Tác phẩm đã cho người đọc thấy được thế hệ trẻ của xã hội tư bản lúc bấy giờ. Họ chính là một thế hệ những con người mà trong văn học người ta gọi đó là con người thừa của xã hội.
     Những con người như nhân vật Petrorin được nhà văn Lemontov xây dựng lên là một thanh niên khỏe mạnh nhưng được sống trong giàu sang nên anh ta chẳng biết làm gì. Anh ta là người ở trong quân đội nhưng cũng chẳng làm được việc gì ra hồn. Anh ta có được tình cảm của các cô gái nhưng anh ta không biết trân trọng nên tất cả những người phụ nữ bên cạnh anh ta lần lượt ra đi. Không chỉ trong tình yêu mà ngay cả trong tình bạn anh ta cũng lạnh nhạt, chỉ vì một hiểu làm mà anh ta đã bắn chết bạn mình và rồi cuối cùng anh ta tự chuốc lấy sự cô đơn và buồn tẻ cho chính bản thân mình.
Giá trị nghệ thuật:
     Trong tác phẩm, nghệ thuật mà tác giả sử dụng là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Ông đã xây dựng thành công nhân vật Petrorin với đầy đủ những đặc điểm của một con người quý tộc và đã được thể hiện rõ qua đời sống tinh thần và đời sống vật chất một cách rất cụ thể và chi tiết làm cho người đọc thấy rất rõ được cuộc sống của những con người như Petrorin.
     Nghệ thuật thứ hai phải nhắc tới là ngôn ngữ kể truyện được nhà văn sử dụng rất đặc sắc làm cho mạch kể của câu truyện được liền mạch và hấp dẫn người nghe. Câu chuyện có một sự liên kết rất chặt chẽ và xuyên suốt cuộc đời của nhân vật Petrorin.
    Nghệ thuật thứ ba là ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật đã làm nên tính cách của từng nhân vật trong tác phẩm. Ở mỗi nhân vật khác nhau thì ngôn ngữ đối thoại cũng toát lên được tính cách của từng nhân vật đó sẽ ra sao.
    Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật cũng là một nghệ thuật đáng phải nói tới trong tác phẩm. Với những từ ngữ dồi dào mà tác giả đã xây dựng nên thế giới nội tâm nhân vật rất đa dạng và phong phú phù hợp với từng hoàn cảnh mà nhân vật được đặt vào đó.
   Như vậy, ở trên là những nghệ thuật tiêu biểu đã làm nên những thành công  cho tác phẩm. Đó là ngòi bút tài hoa của nhà văn Lemontov – một trong những sự kế tục những tài hoa từ Pushkin.
IV.              Tổng kết
     Bằng ngòi bút tài hoa của mình thì hai nhà văn Pushkin và Lemontov đã xây dựng thành công hai nhân vật trong hai tác phẩm của mình. Họ là những đại diện tiêu biểu cho hình tượng con người thừa trong xã hội tư bản Nga lúc bấy giờ.
Bằng những nghệ thuật tiêu biểu như xây dựng hình tượng nhân vật, thế giớ nội tâm nân vật đa dạng và phong phú, ngôn ngữ độc thoại nội tâm sâu sắc, cốt truyên đơn giả nhưng thu hút người đọc. Đặc biệt kể tới tác phẩm Evegeny Onegin là tác phẩm tiểu thuyết thơ của Pushkin với những khổ thơ Onegin vô cùng đặc sắc mà các thế hệ sau phải học tập.
Tài liệu tham khảo :
1. M.Lermontov, Một anh hùng thời đại, Nxb văn học
2. Nguyễn Hồng Chung, Nguyễn kim Đính , Nguyễn Hải Hà, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Trường Lịch , Huy Liên ..Lịch sử văn học Nga Nxb Hà Nội
3. Trần Thị Phương Phương (2006), Tiểu thuyết hiện thực Nga thế kỷ XXI.
Pushkin, Tuyển tập Pushkin, 1999, Văn nghệ, tp HCM.
4 . Đỗ Hồng Nhung (1979), Puskin nhà thơ Nga vĩ đại, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, 
5. Puskin trước ngưỡng cửa thế kỉ XXI (2002), Viện thông tin khoa học xã hội.




Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét