So sánh truyện ngắn Làng- Kim Lân và Tây đầu đỏ- Sơn Nam

I. Đôi nét về tác giả và tác phẩm:
1. Nhà văn Kim Lân và truyện ngắn “Làng”:
a. Nhà văn Kim Lân:
Kim Lân có tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 1-8-1920, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn (nay là làng Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Ông chỉ học hết bậc tiểu học rồi phải đi làm, và ông bắt đầu sáng tác truyện ngắn từ năm 1941. Một số truyện ngắn đặc sắc của ông như: đứa con người vợ lẽ, nên vợ nên chồng, làng, vợ nhặt,… đã làm nên tên tuổi ông, trở thành những tác phẩm “tiêu biểu” của thế kỉ XX của Việt Nam.
Truyện của Kim Lân mang dáng dấp con người Việt Nam thời kì này, với những hình ảnh quen thuộc về vùng quê Bắc bộ, hình ảnh con người cần cù, chịu khó và
những đề tài độc đáo về nét đẹp trong sự tái hiện các sinh hoạt văn hóa phong phú của đời thường người nông dân như: đánh vật, chọi gà, thả chim,… ẩn chứa trong con người kham khổ, bần cùng của người nông dân là những thú vui tao nhã, những tâm hồn trong sáng, thánh thiện và yêu đời. Ông đã viết nên những tác phẩm này bằng chính con tim mình, bằng những hình ảnh, âm thanh mà mình đã nghe được, thấy được trong cuộc sống. Bằng lối viết hiện thực, khách quan và bằng cả kinh nghiệm viết vững vàng không hào nhoáng, bóng bẩy và sự giả tạo. Chính những đặc điểm đó đã tạo nên những tác phẩm đặc sắc, riêng biệt khác với những nhà văn khác.
Năm 2001, ông được nhà nước trao tăng giải thưởng về văn học nghệ thuật. Nhà văn Kim Lân mất ngày 20-7-2007 tại bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, sau thời gian chống chọi với căn bệnh hen suyễn.

b. Truyện ngắn “Làng”:
Tác phẩm “Làng” được xem là tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Kim Lân. Được sáng tác vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. “Làng” được đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948. Đây là truyện ngắn viết về tâm tư, tình cảm sâu nặng của nhân vật Ông Hai sau khi từ bỏ làng để đi tản cư. Qua đó, nói lên lòng yêu nước nồng nàn, tình cảm thiết tha, sâu đậm với làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn. và, đặc biệt là sự căm ghét bọn thực dân Pháp cướp nước, hành hạ, bóc lột nhân dân ta.

2. Nhà văn Sơn Nam và truyện ngắn “Tây đầu đỏ”:
a. Nhà văn Sơn Nam:
Sơn Nam sinh năm 1926 tại làng Đông Thái ,huyện An Biên,tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) với tên thật là Phạm Minh Tài.
Sơn Nam học tại Cần Thơ,từng tham gia kháng chiến chống Pháp song song với hoạt động văn hóa văn nghệ như viết văn, làm thơ, biên khảo… Bút danh Sơn Nam lấy xuất xứ từ : Sơn là họ của người phụ nữ Khmer đã từng cho ông bú mớm thời thơ ấu,Nam là để tự nhắc nhở mình là con của mảnh đất phương Nam.
Khoảng thời gian 1960-1961,Sơn Nam bị chính quyền Sài Gòn bắt giam. Đến năm 1975, ông được trả tự do và rồi lại tiếp tục con đường viết văn, làm báo của mình.
Sơn Nam thường được gán với cái tên “nhà văn miệt vườn” hay “nhà văn Nam Bộ”. Bởi những sáng tác của ông đều tập trung miêu tả cuộc sống của những con người Nam Bộ hiền lành, chất phát nhưng luôn bị bàn tay chính quyền thực dân áp bức. Qua đó tố cáo bộ mặt dã man, độc ác, mất nhân tính của bọn chúa săn mang tên thực dân. Với những ngôn từ giản dị, bình dân nhưng giàu ý nghĩa. Đặc biệt trong sáng tác của ông người đọc thường bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của cuộc sống đời thường, của những lễ hội đặc trưng của vùng đất Nam Bộ như đua ghe ngo, lễ cúng trăng…. Hay là những cái tên sặc mùi “miệt vườn” như Cao Miên, Thốt Nốt, Chắc Cà Đao, Lấp Vò… Và có thể là những địa danh nổi trội của mảnh đất phương nam: Cái Bè, Cái Răng, Cái Mơn…
Nhà văn qua đời năm 2008 nhưng đã kịp để lại cho đời những tác phẩm ý nghĩa như: Hương rừng Cà Mau, Xóm Bầu Láng, Hai cõi U Minh, Vạch một chân trời, Tây đầu đỏ….Tất cả các sáng tác của ông đều đã được nhà xuất bản Trẻ TP.HCM mua bản quyền từ năm 2002.
b. Tác phẩm “Tây đầu đỏ”:
“Tây đầu đỏ” sáng tác năm 1951 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Chuyện xảy ra ở một xóm nhỏ mang tên Bần Ổi thuộc Bạc Liêu-Cà Mau. Chuyện được thuật lại qua lời kể của nhân vật Tư Phước. Mảnh đất khỉ ho cò gáy này tuy khó khăn ,thiếu thốn nhưng con người lại sống thanh bình, tự tại. Rồi bỗng dưng tây đầu đỏ đến nắm quyền cai trị và áp đặt dã man làm khuấy động cả một vùng trời bình yên.Những người nông dân trong phút chốc bị cướp hết ruộng đất và trở thành người làm công, là con nợ của tây đầu đỏ trên chính mảnh đất của mình. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của những người nông dân mà nổi trội là cảnh vợ góa con côi của Bảy Cần và Tư Phước. Nhà Tư Phước có tài sản duy nhất là con bò đang chửa mà thằng Sơn con ông ở đợ hai năm mới dành dụm mua được, vậy mà bọn Tây đầu đỏ nhất quyết đòi giết thịt để trừ nợ. Còn con Mùi con Bảy Cần mới có 14 tuổi bị bắt làm phục dịch cho Tây đầu đỏ. Tư Phước và Bảy Cần bàn nhau kế hoạch lật mặt bọn chúng nhưng không thành cho đến khi gặp Chín Hiển, cả hai càng quyết tâm đảo chín hơn nữa.Kháng chiến thắng lợi địa danh Bần Ổi thay đổi rõ rệt, Sơn và Mùi cưới nhau, Tư Phước được đặt cách sắm lại con bò, còn Bảy Cần thì mãi mãi nằm dưới ba tất đất nhưng có lẽ cũng sẽ ngậm cười và vô cùng mãn nguyện với những gì mình đã làm được. Kết thúc truyện là cảnh những người dân đang hăng hái tổ chức diễn kịch mừng Đảng, mừng thắng lợi…giữa tiếng súng dềnh vang ở bót Xẻo Rô vọng về.

II. Truyện ngắn Làng - tình yêu làng và lòng yêu nước của người nông dân Bắc bộ tản cư theo kháng chiến:
1. Ông Hai-hình ảnh người nông dân tiến bộ trong thời đại cách mạng:
Nhân vật ông Hai trong truyện là người: “vốn là người hay làm, ở quê ông làm suốt ngày, không mấy lúc chịu ngơi tay ngơi chân. Không đi cày đi cuốc, không gánh phân tát nước thì ông cũng bày vẽ ra công việc gì để làm: đan rổ, đan rá hay chữa cái chuồng gà, cạp lại tấm liếp” hình ảnh người nông dân tay lấm chân bùn gắn liền với ruộng đồng, làng xóm.
Khi giặc Pháp trở lại nước ta xâm lược căn cứ địa cách mạng dời lên chiến khu Việt Bắc hưởng ứng lời kêu gọi của cụ Hồ không ở lại làm tay sai cho giặc, nhiều tầng lớp tiểu tư sản - trí thức, nông dân trong xã hội đã bỏ quê hương đi theo cách mạng, làng Phù Lưu chợ Dầu cũng nằm trong cuộc tản cư đó.
Làng của ông Hai gần yêu xa nhớ, yêu gắn với niềm tự hào thông qua cách ông “khoe làng” với bác Thứ. Tuy nhiên cách khoe làng mỗi giai đoạn mỗi khác:
Trước cách mạng ông khoe “cái sinh phần ” của viên tổng đốc làng ông : “Chết! Chết, tôi chưa thấy cái dinh cơ nào mà lại được như cái dinh cơ cụ thượng làng tôi. Có lăm lắm là của. Vườn hoa, cây cảnh nom như động ấy. Thấy bảo còn hơn cái lăng cụ thiếu Hà Đông nhiều cơ mà!”
Rồi nào là “cái tượng đá này là ông Hoàng Thạch Công đánh rơi giầy. Những người bằng sứ kia là bát tiên quá hải. Cái ông đắp bằng xi măng lù lù ở giữa hò bá giác kia là là...lấy kiểu tận xa lắm, đâu như bên chùa Đế Thích”,   nào là “còn như cái cọc sắt nhọn hoắt cắm vào cái bầu rượu có đắp bốn con giơi quét vôi vàng mãi tít trên ngọn sinh phần kia là máy thu lôi. Khiếp lắm! Sấm sét là thu tất cả vào trong ấy.
Sau cách mạng ông lại khoe  những ngày khởi nghĩa dồn dập ở làng, mà ông gia nhập phong trào từ thời kỳ còn bóng tối. Những buổi tập quân sự. Cả giới phụ lão có cụ râu tóc bạc phơ cũng vác gậy đi tập một hai. Hay nhất là “những hố, những ụ, những giao thông hào của làng ông thì làm công trình không để đâu hết.”
Khoe có phần thái quá nhưng nhờ vậy mà ta biết được trong suy nghĩ của người nông dân có cái giản đơn nghĩ sao nói vậy.
Ông Hai từ tình yêu quê hương xứ sở cái tình cảm riêng tư cá nhân mình chuyển thành tình yêu quê hương đất nước cái rộng lớn hòa cùng nỗi đau của non sông. Sự chuyển hướng trong nhận thức của người nông dân tiến bộ trong thời đại mới.
Khi nghe tin cả làng chúng nó theo Việt gian hết rồi “Cổ ông lão nghẹn đắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi.”
Từ tình yêu làng tự hào về cái làng mình ông Hai lạc vào tâm trạng bị sốc cảm giác bị phản bội, lúc đầu tự hào hãnh diện bao nhiêu bây giờ đối với những người ở xóm ngụ cư ông Hai càng thấy nhục nhã hổ thẹn bấy nhiêu. Những người khổ tâm nhất có lẽ chính là ông Hai người đau lòng nhất cũng là ông.
Trên này họ đồn giăng giăng ra rằng thì là làng dưới nhà ta đi Việt gian theo Tây đấy, ông bà đã biết chưa nhỉ? … Nghe nói, bảo có lệnh đuổi hết những người làng chợ Dầu khỏi vùng này không cho ở nữa.
Bi kịch của con người bị bt ra khỏi cộng đồng, những người nông dân chợ Dầu bị đuổi đi không cho ở chỉ vì cái tin “cả làng chúng nó theo Việt gian hết cả rồi” thì càng đau khổ hơn, càng bi kịch hơn.
Ông Hai dù bị nghi oan, bức bách, khó khăn nhưng niềm tin tưởng lạc quan vào cách mạng vào cụ Hồ vẫn không xoay chuyển.
Kết thúc truyện hình ảnh ông Hai đi khắp nơi minh oan cho làng mình, kể chuyện làng mình đánh Pháp ra sao là một kết cục có hậu, người đọc nhìn thấy được tương lai tươi sáng của cách mạng, niềm tin tưởng của những người nông dân tay lấm chân bùn vào tiền đồ của cách mạng.

2. Nghệ thuật của truyện:
Truyện ngắn Làng có cách kể trần thuật tỉ mỉ pha yếu tố tự truyện của chính nhà văn. Khi ông Hai khoe cái sinh phần của viên tổng đốc làng ông cái dinh ông kể tỉ mỉ từ ngoài trước đến ngoài sau kể cả cột thu lôi chót vót trên cao. Trong Tạp chí văn nghệ số 1, nhà văn Kim Lân đã bộc bạch rằng “ông Hai chính là tôi. Dù về nhiều khía cạnh, tất nhiên là rất khác. Song cá cốt lõi tâm trạng vẫn là tôi, là tâm lí rất thật của dân tản cư.” Điều đó ta có thể hiểu vì sao, khi miêu tả tâm trạng ông Hai những ngày mới lên xóm ngụ cư và khi làng bị nghi oan làng theo Việt gian ta thấy rất chân thực và đời thường như thế.
Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, tâm lí có sự dịch chuyển trước và sau khi lên xóm ngụ cư, khi ông Hai ở nhà và khi ông Hai qua nhà bác Thứ. Trước khi lên miền đất mới, ở làng ông cùng bà con đào đường đấp ụ, tập quân sự với cán bộ cuộc sống hứng khởi thoải mái. Sau khi lên đây ở nhờ nhà mụ chủ ông lầm lũi, cáu gắt với vợ con, khi nghe bà Hai đong đếm các thứ tiền ông buồn bực hết sức.
Miêu tả hình dáng tính cách nhân vật phù hợp hoàn cảnh như mụ chủ nhà “Người thì gầy đét như thanh củi khô. Cái miệng mỏng lèo lèo, nói cứ liến đi, mà chúa thần là gian. Không vào nhà thì thôi, động vào nhà là nhòm. Hay “Mụ nhòm xó này một tí, nhòm xó kia một tí, rồi lục. Hình dáng bên ngoài nói lên tính cách nhân vật, nhưng bối cản nạn tản cư thiếu thốn nên con người có hành động như vậy là bình thường.
Lối viết chân thực giản dị, câu chữ gọn mà tinh, dùng từ địa phương “khuẩn, đếch” chính xác. Cách xưng hô : tớ, bác...tạo nên cảm giác thân mật gần gũi với người đọc.

III. Tây đầu đỏ, câu chuyện về những người nông dân Nam bộ ''rũ bùn đứng dậy sáng lòa'' :
“Tây đầu đỏ” là một sáng tác đáng chú ý của Sơn Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, một truyện ngắn cho thấy trước bút lực của một nhà văn lớn sau này. So với những tác phẩm đương thời, “Tây đầu đỏ” có tầm nhìn, có chiều sâu tư tưởng khá rộng lớn. Tuy viết về một địa danh cụ thể là xóm miệt vườn Bần Ổi nhưng với sự lối tả thực gợi nhiều liên tưởng mượt mà và sinh động, câu chuyện dường như hướng người đọc vào những vấn đề lớn hơn, có tầm khái quát hơn, đó là sự lựa chọn đường đi, đó là ý nghĩa của một cuộc trường chinh chống Pháp. Câu chuyện là sự hồi quang một giai đoạn lịch sử đẫm máu mà hào hùng của xóm Bần Ổi, của miền Nam, rộng hơn là cả nước.
''Năm xưa'', xóm Bần Ổi còn là một vùng đất khỉ ho cò gáy, nhờ những người nông dân như Tư Phước, Bảy Cần,...vào khai khẩn địa hạt mà thành xóm, thành làng. Cuộc sống của những lưu dân tuy còn nhiều vất vả, khó khăn nhưng rất thanh bình. Thế rồi, đau đớn thay, bọn giặc cướp từ đâu ùa đến. Thằng Tây đầu đỏ như ''con mãng xà vương, văn kì thanh mà bất biến kì hình''. Nó giơ cái vòi bạch tuộc cướp phá khắp nơi, đâu phải chỉ ở đây, nó còn cướp ở Long Xuyên, Sóc Trăng, Cần Thơ. Nó xuất hiện ở đâu thì như mưa gió bão bùng tan nát hết nơi đó. ''Tóc của Tây thường thường màu vàng hoe hoe, vậy mà tóc nó sao đỏ hực'', ''màu sậm như máu, lại ngời ngời như lửa cháy''. Tây đầu đỏ ''hiện hình trên chiếc ca nô năm ngựa'', ''nó bận đồ nỉ xám'', ''dáng cao như sếu, khệnh khạng bước lên''. Tây đầu đỏ như một bóng ma khiến người ta khiếp sợ. Con nít thì '' lấy hết sức cha mẹ phóng nước rút''; người lớn thì '' khép bớt cửa lại, chỉ dám he hé nhìn ra''. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, tác phẩm viết về giặc Pháp không ít nhưng chỉ trong Tây đầu đỏ, chân dung của kẻ cướp nước mới hiện ra rõ ràng, đầy đủ như thế, từ vẻ ngoài đến sự ác độc trong hành động của hắn. Tây đầu đỏ là một bước tổng hợp, nâng cao hình ảnh của giặc Pháp cướp nước. Nhà của Tư Phước chỉ có một con bò mà thằng Sơn đi ở đợ hai năm mới mua được, con bò đang chửa mà nó đòi bắt lấy, mổ bụng moi cái thai ra nhắm rượu. Con gái của bảy Cần mới có 14 tuổi mà nó bắt đi tiếp nấu nướng đến sáng hôm sau mới được về, biết con gái bị làm nhục nhưng Bảy Cần cũng chỉ đành'' giả dại cho qua ải chớ biết làm thế nào''. Tội ác của Tây đầu đỏ nhiều kể hoài không hết, những người nông dân hiền lành có người định bạo động theo kiểu''miểng dừa chọi vô chén kiểng'', cũng có người còn sợ hãi'' tù rạc khổ lắm, khởi nghĩa làm chi, tôi sợ Tây rồi''. Thế nhưng...tức nước vỡ bờ,thời cơ rồi cũng đến, năm sau, Nhựt đảo chính ở Đông Dương, Tây đầu đỏ''phất khăn trắng đầu hàng''. Nỗi uất hận sắp bung ra thành cơn bão cuốn trôi đi tất cả bùn nhơ, đau thương, tội ác của bọn giặc.
       Ở nhà của Bảy Cần, ngoài Tư Phước, bây giờ có thêm Chín Hiển. Anh phân tích tình hình và vận động mọi người đứng lên khởi nghĩa. Chúng ta thấy Chín Hiển có phong thái của người cán bộ đã giác ngộ cách mạng, hình ảnh của nhân vật Chín Hiển ở đây có nét tương đồng với A Châu ở Phiềng Sa[1], anh Quyết ở Xô Man[2]. Sự có mặt của Chín Hiển cho thấy cuộc khởi nghĩa của những người dân ở đây đã chuyển hóa từ tự phát sang tự giác, từ đấu tranh đơn lẻ sang tập trung, từ đấu tranh cho lợi ích cá nhân giờ đây đã thành việc cứu nước. Tại đây ''một lời thề'' đã được lập ra''thà chết súng chết đạn chớ không làm tá điền cho Tây nữa''. Lời thề trong ngôi nhà nhỏ mà sức lay động thật lớn lao, nó như hình ảnh thu nhỏ của hội nghị Diên Hồng năm xưa, những người con của đất Việt chân chất phút chốc đã trở thành anh hùng cho điều tử sinh đất nước.
Câu chuyện khép lại trong kết quả viên mãn, khởi nghĩa thành công. Xóm nhỏ Bần Ổi lại trở về trong thanh bình, yên vui, sung túc. Người dân trong xóm đang chuẩn bị cho buổi diễn kịch tối nay ''mừng Đảng của mình ra đời, mừng Cha Già thêm tươi khỏe''. Trong tương quan với các tác phẩm cùng chủ đề, cùng thời, Tây đầu đỏ tuy không phải là tác phẩm xuất sắc nhất nhưng nó lại có dư vị riêng từ tên người tên đất, đến phong thái, cách nói năng rặt tinh thần Bộ, lối kết cấu nhẹ nhàng đơn giản như tính cách người Nam đó là nét riêng không thể trộn lẫn, là một dấu chấm rất sáng trong trong văn nghiệp của ''ông già Nam bộ'' Sơn Nam.
Điểm hạn chế đáng tiếc của tác phẩm này là câu chuyện có tầm vóc của một cuốn tiểu thuyết nhưng bó hẹp trong một truyện ngắn nên có phần hơi chật chội, và sự thiếu cân xứng trong ba phần của tác phẩm có phần nào giảm bớt sức hấp dẫn của truyện ngắn này. Tuy nhiên xét vào trong thời điểm kháng chiến chống Pháp, người người đang ra trận, tất cả đều rất khẩn trương cho một cuộc trường chinh thì điểm hạn chế này là có thể thông cảm được.

IV. So sánh truyện ngắn ''làng'' và' truyện ngắn ''Tây đầu đỏ'':
Khi nói so sánh hai tác phẩm này chúng tôi hoàn toàn không có ý so về văn tài, bút lực của hai nhà văn gạo cội của văn học nước nhà. Vì đây là tác phẩm của hai người, viết về hai vùng đất khác nhau nên chúng tôi chỉ xin so sánh sự khác nhau về nội dung và phong cách viết ở hai tác phẩm thôi.
Ở truyện của Kim Lân, người đọc dễ tìm thấy chính mình trong nhân vật ông Hai với những yêu ghét rất chân thật, giản dị. Lối kết cấu theo thời gian hiện tại-quá khứ rồi về hiện tại mở ra một không gian rộng, thoáng đãng, mặc dù tên tác phẩm là ''làng'' nhưng câu chuyện lại gợi người đọc đến những chân trời rộng rãi hơn, đó là quê hương, đất nước. Là tình yêu ''làng'' mà cũng là tình yêu đất nước, non sông.
Đọc “Tây đầu đỏ” của Sơn Nam, người đọc như được thả mình trên những bờ kinh, con rạch của miền sông nước Cà Mau. Chất Nam bộ dày đặc trong truyện cũng tạo nên một ấn tượng thật mạnh mẽ và đặc sắc. Lối kết cấu biên niên của tác phẩm rất phù hợp để kể về quá trình giác ngộ, vươn lên, ''rũ bùn đứng dậy sáng lòa'' của những người nông dân chất phác thật thà mà không thiếu đi cái nghĩa khí anh hùng '' nhớ câu kiến ngãi bất vi''[3]...
''Làng'' và “Tây đầu đỏ”, hai truyện ở hai miền đất khác nhau. Nhưng gặp nhau ở một tấm lòng, một tình yêu sắt son với quê hương, tổ quốc.

V. Kết luận:
Truyện ngắn ''Làng'' và ''Tây đầu đỏ'' cùng được viết trong thời điểm cả nước đang kháng chiến chống Pháp. Hai tác phẩm đã làm nên bức tranh tổng thể về một giai đoạn lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc ta. Với hình ảnh thật thà, chất phác đầy những khó khăn gian khổ của người  nông dân trước những hành động tàn bạo của bọn thực dân xâm lược, qua đó ta có thể thấy lòng yêu nước nồng nàn, yêu quê hương sâu sắc của dân tộc Việt mang dòng máu “con Rồng cháu Tiên”.
Sự ra đời của hai tác phẩm đánh dấu cho sự phát triển nền văn học Việt Nam giữa thế kỉ XX. Đồng thời, cũng là tác phẩm tiêu biểu làm nên tên tuổi sau này của hai nhà văn Kim Lân và Sơn Nam.


[1] Truyện ''vợ chồng A Phủ'', Tô Hoài
[2] Truyện ""Rừng xà nu'', Nguyên Ngọc
[3] Lục Vân Tiên

* Bài thuyết trình nhóm Văn 2011
Trương Thị Quỳnh Anh
Trần Thị Ngọc Điệp  
Trần Thị Thu Thanh  
Đoàn Thị Thu 
Nguyễn Văn Thủy  


> Bài viết được đăng 13/4/2014
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét