I. Khái
quát
1. Văn
học hiện thực Nga thế kỷ XIX
Đầu thế kỷ XIX, chủ
nghĩa cổ điển vẫn còn thoi thóp ở nước Nga. Chủ nghĩa tình cảm vẫn còn tồn tại
cùng nhóm nhà thơ Karamzin. Sau Cách mạng Tháng Chạp 1825, nảy sinh khuynh hướng
lãng mạn. Nhà thơ Giukovski đã phát hiện chủ nghĩa lãng mạn cho văn học Nga. Bất
mãn xã hội đương thời, thức tỉnh ý thức dân tộc, trước hết Giukovski viết theo
hướng lãng mạn bảo thủ với các thể loại oán ca và ballad. Thơ ông buồn man mác,
nghĩ về cái chết và lòng sùng đạo. Bielinski đã viết “không có Giukovski có lẽ
chúng ta không có Puskin”.
Năm 1820, sự xuất hiện bản trường ca “Ruslan và Lutmila” của Puskin đã giáng một
đòn mạnh mẽ vào chủ nghĩa cổ điển và mở đường cho chủ nghĩa lãng mạn. Một nhóm
nhà thơ xoay quanh Puskin và sáng tác theo xu hướng lãng mạn chủ nghĩa. Chủ
nghĩa lãng mạn Nga ngày càng phát triển, hướng tới xu hướng lãng mạn cách mạng.
Thơ ngụ ngôn, thơ trữ tình và kịch thơ đều phát triển.
Tác phẩm truyện bằng thơ Evgeni Onegin của Puskin được coi là mở đầu cho chủ nghĩa hiện thực
Nga. Bielinski gọi đó là “cuốn bách khoa toàn thư về đời sống Nga”. Puskin đã
miêu tả chân thật các nhân vật điển hình của giới thanh niên quí tộc trong các
mối quan hệ xã hội phức tạp ở thành thi và nông thôn Nga.
Với cuốn tiểu thuyết Người anh hùng của thời đại chúng ta (1840) (có thể dịch: nhân vật
chính của thời đại ta), Lermontov đã cắm cái mốc mới trên đường thắng lợi của
chủ nghĩa hiện thực (phê phán). Lermontov vừa là nhà thơ lãng mạn cũng là nhà
văn hiện thực ưu tú của giai đoạn này.
Nhà văn Gogol với các
tác phẩm Quan thanh tra, Những linh hồn
chết, Truyện Peterburg đã đánh dấu sự toàn thắng của chủ nghĩa hiện thực
Nga. Hàng loạt cây bút trẻ như Dostoievski, Turgeniev, Gonsarov nổi lên.
Đặc điểm chủ yếu của giai đoạn này là sự chuyển
mình từ chủ nghĩa lãng mạn trẻ trung sang chủ nghĩa hiện thực. Văn xuôi, đặc biệt
là tiểu thuyết ngày càng chiếm ưu thế. Nhiều vở kịch lịch sử hiện thực xuất hiện
như Borit Gordunov của Puskin, Vũ hội trá hình của Lermentov và Quan thanh tra của Gogol.
2.
Từ
Pushkin đến Gogol
Lịch sử văn học Nga dường
như đã trao cho Alexandre Xergeievich Puskin nhiệm vụ làm người tổng kết sự
phát triển của toàn bộ nền văn học Nga trải qua 8 thế kỷ văn học viết
(XI-XVIII) kể cả văn học dân gian và mở đường cho văn học Nga thế kỷ XIX tiến tới
đỉnh cao huy hoàng của thời đại. Trong cuộc đời ngắn ngủi, khoảng 20 năm trời,
nhà thơ Puskin đã có nhiều cống hiến xuất sắc: Thơ trữ tình, trường ca, truyện
ngắn, truyện cổ tích, tiểu thuyết, kịch, bút ký, chính luận (báo chí). Puskin
chính là người tạo ra cho văn học Nga có tầm vóc thế giới và bồi dưỡng nền ngôn
ngữ Nga giàu đẹp. Tài năng đa dạng ở Puskin phát triển với tốc độ phi thường, đẩy
nền văn học Nga theo kịp cỗ xe lịch sử thế giới.
Nếu như Pushkin là người
nổ phát súng cho chủ nghĩa hiện thực Nga thì Gogol là người đưa chủ nghĩa hiện
thực Nga đạt đến đỉnh cao. Gogol thuộc thế hệ tiếp nối Pushkin. Có thể nói
Gogol chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Pushkin, và chính Pushkin là người giúp đỡ cho
Gogol. Nói về Gogol, Pushkin đã đánh giá
rằng: "...không có một nhà văn nào có cái tài vạch ra một cách rõ ràng cái
dung tục tầm thường (poshlost) của cuộc sống như thế, mô tả với sức mạnh
như thế cái dung tục tầm thường của con người tầm thường dung tục (poshlost
poshlogo cheloveka), làm cho tất cả cái vụn vặt nhỏ mọn vốn không ai để ý
bỗng trở nên to lớn trước mắt tất cả mọi người". Trong
các tác phẩm truyện ngắn của mình, nếu như Pushkin là người khởi xướng cho hình
tượng "con người nhỏ bé" trong Người
coi trạm thì Gogol là người chịu ảnh hưởng, tiếp thu và phát triển thành
công hình tượng ấy trong tác phẩm của mình, điển hình là truyện ngắn Chiếc áo khoác được coi là đỉnh cao của
chủ nghĩa hiện thực phê phán.
3.
"Con
người nhỏ bé"
Hình tượng “con người nhỏ bé” là một trong những
đề tài tiêu biểu của văn học hiện thực Nga. Đó là kiểu nhân vật văn học thời
đại của chủ nghĩa hiện thực, thường ở vị trí thấp kém trong bậc thang đẳng cấp
xã hội, chẳng hạn như những công chức quèn, những kẻ tiểu thị dân hay thậm chí
là quý tộc nghèo. Khi văn học càng mang tinh thần dân chủ, thì hình tượng “con
người nhỏ bé” càng thu hút sự quan tâm của các nhà văn. Bản thân khái niệm “con
người nhỏ bé” lần đầu tiên được đưa vào phê bình văn học bởi V.G.Belinsky,
trong bài báo viết năm 1840 về vở kịch “Đau khổ vì trí tuệ” của
A.Griboedov.
II.
Nhân
vật “con người nhỏ bé” đi từ Pushkin đến
Gogol
1. Nhân vật Xamxon Vurin trong Người coi trạm
1.1.
Tác
phẩm tóm tắt
Truyện
được tái hiện qua lời kể của nhân vật tôi về người coi trạm Xamxon Vurin với
công việc hàng ngày là đón hành khách và chuẩn bị để đưa họ đến lộ trình tiếp
theo. Mặc dù bị mắng chửi hàng ngày nhưng người coi trạm vẫn nhẫn nhục chịu đựng.
Bác có một người con gái hết mực xinh đẹp tên là Đunhia, vẻ đẹp của cô khiến mọi
người không thể bỏ qua. Một ngày, có một chàng khinh kỵ tên là Minxki đi ngang
qua đó và trú lại hai ngày liền. Sau đó, khi Minxki rời đi, lấy cớ đưa Đunhia đến
nhà thờ, chàng khinh kỵ đã mang Đunhia đi mất và không bao giờ quay trở lại nữa.
Được tin, bác Xamxon chết điếng người, bổ đi tìm con khắp nơi. Bác lặn lội đến
Peterburg gặp Minxki xin lại con gái nhưng đón tiếp bác là sự xua đuổi của
Minxki. Bác Xamxon dùng mưu gặp được Đunhia nhưng cô gái đã bỏ rơi bác, không
chịu theo bác quay về. Bác Xamxon buồn rầu trở lại công việc coi trạm của mình,
bác bị ốm nặng và không lâu sau thì mất trong khổ đau lặng lẽ.
1.2.
Nhân
vật Xamxon Vurin
Cách
xây dựng hình tượng điển hình con người nhỏ bé của Puskin trong Người coi trạm, đó là con người có chức
tước, địa vị nhỏ bé, là những con người ở dưới đáy xã hội, mang thân phận thấp
hèn và chịu nhiều đau khổ do cuộc sống chà đạp. Là nhà văn theo chủ nghĩa hiện
thực, “Puskin là người đầu tiên miêu tả những phong tục Nga và cuộc sống của
các tầng lớp nhân dân Nga khác nhau với một sự chính xác lạ thường và sâu sắc”(theo
Secnusepxki).
Trong
Người coi trạm, hình tượng "con người nhỏ bé" được thể hiện thông qua
nhân vật Xamxon Vunvin, một người coi trạm già. Ngay từ đầu tác phẩm, Pushkin
đã đề cập đến "con người nhỏ bé", đó là những người thuộc hàng
"viên chức hạng bét". Đại diện cho những "con người nhỏ bé"
đó là Xamxon Vurin. Nhân vật Xamxon Vurin ngay từ khi xuất hiện đã mang một
thân phận nhỏ bé. Ở đây, Pushkin không vội vàng cho chúng ta xem chân dung bác Xamxon
ngay, mà nhà văn đã giới thiệu nhân vật thông qua nghề nghiệp của y, là nghề
coi trạm. Cái nghề mà khi nhắc đến ở nước Nga, nhà văn đã mở màn bằng những lời
mào đầu rất gợi ý.
"Thử hỏi ai là kẻ chưa từng nguyền rủa những người coi trạm, ai là
kẻ chưa từng chửi bới họ? Ai mà chả có lần, trong một phút giận dữ, đã đòi cho
được quyển sổ tai hại để ghi vào đó những lời than phiền bất lợi về một sự xúc
phạm, một thái độ lỗ mãng hay một điều sai hẹn? Ai là người chưa từng xem họ
như những ác ôn giữa giống người, như là lũ thơ lại hiện hình, hay ít nhất cũng
như những tên kẻ cướp ở Murôm."
"Đó là kẻ bị đày ải thực sự ở bậc thang thứ
mười bốn, may lắm cũng chỉ nhờ vào thứ bậc ấy mà thoát khỏi những cái đấm đá,
nhưng không phải lúc nào cũng thoát được đâu."
Xamxon Vurin, ngay từ
khi xuất hiện với chức danh của mình đã đủ cho chúng ta liệt ông vào hàng những
con người nhỏ bé rồi, nhỏ bé từ trong chức vụ của mình. Dù đó chỉ là tấm áo
choàng lên cuộc đời, nhưng nó bao trùm và chi phối toàn bộ cuộc sống của bác.
Đầu tiên bác là người coi trạm, thân phận nhỏ bé đến mức mà người khách qua
đường có quyền mắng chửi, có quyền xúc phạm hay ví như kẻ cướp. Mang thân phận
của những người thuộc tầng lớp dưới, người coi trạm chỉ là thùng rác công cộng cho
khách lữ hành trút mọi bực dọc lên đầu. Dù điều kiện thời tiết, ngựa, đường, tất
cả mọi khó khăn xáy ra cho khách đều bị quy chụp do lỗi của bác Xamxon Vurin;
bác bị xem như kẻ thù, mưa gió cũng phải đội trời ra đi tìm bằng được ngựa để
làm vừa lòng khách. Bác luôn phải khúm núm, run rẩy trước những vị khách nóng
tính, cục cằn và thô lỗ. Đó là hình tượng cụ thể, số phận cam chịu của một kẻ
tôi hèn bị xã hội xem thường chỉ bởi là người coi trạm. Dù rằng luôn tay luôn
chân giúp đỡ những người khách lỡ đường nhưng mặc định trong công việc của bác
không có sự cảm thông và chẳng bao giờ nhận được một lời cảm ơn như thể đó là
nghĩa vụ mà bác phải làm vậy.
Ngoài công việc thì cuộc
sống gia đình của bác Xamxon cũng khá buồn tẻ. Căn nhà của bác đơn giản, chỉ có
mấy bức tranh kể chuyện Đứa con hư, chậu phụng tiên, chiếc giường với chiếc màn
cửa sặc sỡ. Không gian của nhân vật cũng chỉ gói gọn trong căn nhà với vài vật
dụng đơn giản ấy. Bác là người thương yêu và chăm lo cho gia đình vô cùng nhưng
lại mất đi người bạn đời quá sớm, phải nuôi con một mình nhưng bù lại bác rất
hãnh diện về cô con gái. Tất cả tình thương yêu của bác dành hết cho cô con gái
độc nhất của mình. Đunhia là tất cả vốn liếng của cuộc đời bác. Trớ trêu thay,
bác cũng mất luôn cả cô con gái chỉ bởi vì bản chất quá thật thà và tin người của
mình. Để trước đó bác là người nhanh nhẹn, tháo vát, tươi vui thì sau khi cô
con gái ra đi bác trở nên già đi nhiều, tóc bạc, râu không cạo, nhiều nếp nhăn,
lưng còng chỉ bởi vì quá thương nhớ đứa con. Công cuộc đi tìm con với bao hy vọng
đã bị dập tắt khi đứa con gái không muốn trở về và bản thân người cha bị xua đuổi.
Bị xã hội coi thường trù dập thì chớ, bị người con phản bội lại càng đau khổ
hơn. Nỗi đau khiến bác Xamxon trở thành người sống với quan niệm “con người ta
dù cầu khẩn thế nào cũng không tránh được tai họa, số trời đã định thì không ai
thoát khỏi”. Sống không niềm tin, không ước mơ và tin tưởng, lạc quan thì chỉ
là một cuộc đời chết không hơn.
Thân
phận nhỏ bé của bác Xamxon còn được thể hiện qua cử chỉ, lời nói của bác khi đứng
trước Minxki, con người thuộc tầng lớp quý tộc. Pushkin đã khéo léo xếp đặt để
cho nhân vật của mình đi vào một tình huống cụ thể để đối mặt với tầng lớp
trên, từ đó càng lãm rõ hình tượng con người nhỏ bé của mình. Khi Minxki lừa dối
bác Xamxon và đưa con gái của bác đi, trong tình huống đó, lẽ ra người cần phải
xin lỗi để được tha thứ là Minxki mới đúng. Nhưng như chúng ta thấy, khi tìm thấy
Minxki, bác Xamxon chỉ có thể cầu xin: "Bẩm quan lớn!... xin ngài hãy vì Chúa mà
sinh phúc..."; "Bẩm quan lớn, - ông già nói tiếp, - dù sao việc cũng
đã lỡ rồi; ít nhất cũng xin ngài trở con Đunhia tội nghiệp lại cho tôi. Bây giờ
ngài đã thoả thích với nó rồi, xin ngài đừng đẩy nó đến chỗ tàn tạ làm
gì". Một điều bẩm, hai điều bẩm, trong hoàn cảnh đó, ít có người chịu được
sự lừa dối và xúc phạm mình đến thế, để mà có thể cam chịu, nhẫn nhục cầu xin
một người đã có lỗi với mình. Thế mà bác Xamxon hết sức cam chịu, chẳng dám làm
gì khác ngoài cầu xin kẻ kia rủ lòng thương hại. Bác đã lo sợ những điều xấu xa
đến với con gái mình nhưng bác lại không dám đấu tranh để giành lại con gái,
bác đành ngậm ngùi theo "ý trời", đầu hàng số phận. Điều đó thể hiện
ở chi tiết một người bạn của bác khuyên bác đi kiện, nhưng bác lại "phó
mặc cho trời và quyết định rút lui." Trước nỗi khổ đau của mình, bác chỉ
còn có thể rơi những giọt nước mắt bất lực. Từ lời nói cho đến ý nghĩ của bác
đều bộc lộ thân phận của một con người thấp cổ bé họng trong xã hội, một con
người mà bất cứ ai cũng có quyền chà đạp và không hề có tiếng nói cho cuộc sống
của chính mình.
Thể
hiện con người nhỏ bé với những nét tính cách hiền lành, cam chịu, nhẫn nhục bằng
giọng điệu hiền hòa và tràn đầy thương cảm, nhà văn gợi lên trong người đọc niềm thương xót, cảm thông cho số phận bác coi trạm,
ghét chàng trai trẻ Minxki, giận cô Đunhia và bất ngờ trước nhận xét ngây thơ,
phiến diện của chú bé dành cho người phụ nữ mà “ai cũng biết là ai” ấy, “bà cho
cháu năm đồng xu bằng bạc, bà ấy tốt quá”. Câu nói ấy khiến mỗi người đọc đều
mang trong mình những suy nghĩ và cảm nhận khác nhau. Puskin kết thúc câu chuyện
bằng một câu nói như mở ra trong lòng mỗi người là một câu trả lời tự mặc định
cách sống và suy nghĩ của chính mình.
Puskin
xây dựng nhân vật mang dấu ấn thời đại, giản dị, không phô trương kiểu cách, không
phù phép ngôn từ mà chuyện vẫn diễn biến tự nhiên, hấp dẫn. Ông tìm lối đi cho
chính mình và cũng là cho văn học trong những năm 30 của thế kỉ XIX, đó là chủ
nghĩa lãng mạn hòa hợp với chủ nghĩa hiện thực, con người bình thường trong cuộc
sống bình thường. Xây dựng nhân vật nhưng để cho nhân vật tự tìm được lối thoát
chân chính thoát ra khỏi tình trạng bế tắc của chính mình hay từ hoàn cảnh hẹp
nhân vật đi ra hoàn cảnh rộng, gợi cho người đọc những suy nghĩ nghiêm túc. Tác
giả khẳng định vị trí của nhân vật, đấu tranh cho quyền sống, nhân phẩm bị vùi
dập, trân trọng nhân phẩm và năng lực, mong muốn những điều tốt lành cho họ.
Dùng số phận con người riêng để nói đến cái chung của nước Nga trong thời điểm
hiện tại; từ sinh hoạt cụ thể phát triển khái quát, tượng trưng, có ý nghĩa xã
hội, lịch sử và triết học sâu sắc.
2. Nhân vật Akaky Akakyevich trong Chiếc áo khoác
2.1.
Tác
phẩm tóm tắt
Chiếc
áo khoác kể về bác Akaky Akakievich Bashmachkin, một công chức bàn giấy đã lớn
tuổi. Công việc của bác ta là sao chép các loại giấy tờ và bác say mê công việc
đó. Cuộc sống bình lặng đến vô cảm bỗng thay đổi khi Akaky cần có một chiếc áo
khoác mới với giá tám mươi rúp. Để có được chiếc áo, bác đã phải làm việc hết
mình, tiết kiệm hết mức và cuối cùng, ước mơ thành hiện thực. Ngày bác mặc chiếc
áo khoác mới đến công sở, các đồng sự trước kia vốn luôn trêu chọc, coi thường bác bỗng trở nên niềm nở,
ân cần, thậm chí có người còn mời bác đến dự tiệc sinh nhật. Nhưng buổi tối,
lúc ở đám tiệc trở về, bác Akaky bị cướp mất chiếc áo. Bác chạy khắp nơi, cầu cứu
từ lính gác, quận trưởng cảnh sát đến "nhân vật quan trọng", nhưng
Akaky không nhận được một sự giúp đỡ nào, thậm chí còn bị "nhân vật quan
trọng" quát mắng đến nỗi không đứng vững nổi. Trở về nhà, ông lên cơn sốt
và lặng lẽ chết trong cô đơn. Ít lâu sau cái chết của Akaky, người ta đồn có một
con ma trông giống bác ta hoành hành trong phố, chuyên cướp áo khoác của mọi
công chức, bất kể thuộc phẩm trạch nào. Nạn nhân cuối cùng của con ma chính là
"nhân vật quan trọng". Hình như đã hài lòng với chiếc áo của
"nhân vật quan trọng", con ma thôi không đi cướp nữa mặc dù nhiều người
quả quyết vẫn còn thấy nó xuất hiện ở những khu phố hẻo lánh.
2.2.
Nhân
vật Akaky
Akaky
Akakiêvich - nhân vật chính của câu chuyện xuất hiện với hoàn cảnh vô cùng đặc
biệt, dường như từ sự ra đời đặc biệt đó đã biết trước số phận của nhân vật. Đó
là một con người “nhỏ bé” từ thể xác đến
cả tinh thần. Sinh vào đêm 23 tháng ba, mẹ bác đã quá cố, là vợ của một viên chức.
Bà mẹ cũng chẳng quan tâm để đặt cho bác một cái tên, và rồi phải lấy đại một
tên từ người bố quá cố. Nhân vật Akaky là một "con người nhỏ bé", bản
thân họ của ông đã thể hiện điều đó: Bashmachkin, bắt nguồn từ Bashmachka
(Bashmak, một loại giày nhỏ, cổ thấp). Tên gọi như báo hiệu trước một cuộc đời
cũng nhỏ bé.
Tên
gọi mang nghĩa là nhỏ bé, đến thân hình Akaky cũng không khá hơn cái tên của
mình mà nó gần như tương xứng: “thân hình nhỏ bé, mặt hơi rỗ, tóc hơi hung
hung, mắt lại cận thị, trán hơi hói, má đã hằn nhiều nếp nhăn và có nước da mà
người ta gọi là của kẻ bệnh trĩ ”, cổ áo hẹp đến mức khiến cái cổ bác ta dường
như "dài một cách kỳ lạ", mũ áo lúc nào cũng vương cọng rơm, sợi chỉ,
vỏ dưa, bởi vì "ông có tài nghệ đặc biệt là lúc đi trên đường luôn bước
ngay dưới cửa sổ đúng lúc người ta vứt ra từ đó đủ thứ rác rưởi". Bấy nhiêu nét vẽ đủ
khiến chúng ta hình dung ra một con người quá mức tầm thường, để ai cũng có thể
coi rẻ và chế giễu. Chi tiết dường như ngẫu nhiên "ông
có tài nghệ đặc biệt là lúc đi trên đường luôn bước ngay dưới cửa sổ đúng lúc
người ta vứt ra từ đó đủ thứ rác rưởi" mang nhiều hàm ý, vừa châm biếm
nhưng lại vừa chua xót. Thân phận một con người bị coi rẻ đến nỗi ông ta chỉ xứng
với rác rưởi của người đời bỏ lại. Hình ảnh Akaky hiện ra khôi hài bởi hình
dáng và "biệt tài" của bác ta nhưng lại có phần đáng thương khi xuất
hiện với chiếc áo khoác cũ nát mặc từ năm này qua năm khác đã bạc màu và chắp
vá nhiều mảnh, không đủ chống chọi lại cái giá lạnh ở Peterburg. Bác đã cố gắng
năn nỉ người thợ may sửa lại chiếc áo khoác nhưng không thể được. Và để có được
chiếc áo khoác mới, bác ta phải nhịn ăn, thôi không uống trà, không thắp nến buổi
tối, đi nhón chân nhẹ nhàng để đế giày đỡ mau mòn, quần áo đưa đi giặt thưa
hơn. Tất cả vốn liếng, chắt chiu của bác chỉ để đổi lại một chiếc áo khoác
trong niềm vui sướng, hạnh phúc.
Trong
công việc, bác cũng chỉ là một công chức quèn, công việc của bác có tên gọi là
cố vấn danh nghĩa, thuộc phẩm hàm thứ 9 trong số 14 bậc công chức thời Nga hoàng,
và thuộc nhóm phẩm hàm thấp nhất. Ở địa vị đó, mọi người chẳng hề tôn trọng, chẳng
ai coi bác ra gì, ngay cả bọn gác cổng. Người trên thì đối xử với bác lạnh lùng
và độc đoán. Trước hoàn cảnh đó, bác Akaky chẳng hề có chút phản kháng, hoặc giả
nếu có thì đó chỉ là tiếng kêu yếu ớt khi bị hạ nhục quá mức chịu đựng:
"Các người hãy để tôi yên! Tại sao các người cứ hành hạ tôi thế". Đó
cũng là tiếng kêu của nhà văn vang vọng trong suốt câu chuyện của mình, như đó
là tiếng kêu đầy đau khổ và bất lực của những con người thân phận thấp kém. Họ
cần sự bình yên mà xã hội nhẫn tâm quyết không cho họ hưởng được một chút nào.
Cùng với tiếng kêu đó là lời nhắc nhở về sự bình đẳng: "Tôi là anh em của
người mà!" Cùng là giống người nhưng cách đối xử không hề giống nhau, mang
thân phận thấp kém thì phải chịu sự chà đạp, rẻ rúng. Nhà văn bất bình trước một
xã hội như thế, và ông muốn kêu lên để được nghe thấy, nhưng hình như chẳng hề
có lời đồng vọng nào ở những phía khác. Nhân vật Akaky vẫn sống một cuộc đời nhỏ
bé và hứng chịu những bi kịch càng lúc càng lớn hơn, nhất là khi bị cướp mất
chiếc áo khoác và không một ai chịu giúp đỡ, như thể những con người nhỏ bé thì
chẳng đáng được quan tâm và hưởng những điều tốt đẹp vậy.
Với thân phận của một công chức quèn, cuộc sống
của Akaki chỉ quẩn quanh công việc sao chép, con đường của bác thì chỉ dài bằng
đoạn đường từ nhà đến sở, rồi lại từ sở về nhà. Bác chẳng có người thân nào ngoại
trừ người cha và mẹ đã quá cố. Cả cuộc đời còn lại của bác chỉ dành cho công việc
sao chép, và tình yêu duy nhất của bác là chiếc áo khoác. Có thể thấy rằng, quyết
định táo bạo nhất suốt cuộc đời bác Akaky là may một chiếc áo khoác mới. Bởi việc
may một chiếc áo khoác đối với bác chẳng dễ dàng quyết định, nó là những suy đi
tính lại, là biết bao công sức miệt mài của bác. Cả một đời người bác chỉ có
chiếc áo khoác là chỗ dựa, vừa là vật che chắn cho thể xác khỏi cái lạnh, vừa
là niềm vui, hạnh phúc trong tinh thần bác. Với chiếc áo khoác đó, mọi người
nhìn thấy sự tồn tại của bác, cái "con người nhỏ bé" ấy đã được nhìn
nhận nhờ vào chiếc áo khoác của bác ta, từ khi có nó, bác được đối xử niềm nở
hơn, còn được mời đi dự tiệc. Gogol thật khéo châm biếm khi ngầm cho chúng ta
thấy rằng chiếc áo khoác còn giá trị hơn chủ nhân của nó, con người "nhỏ
bé" đến mức không bằng một chiếc áo khoác.
Con
người sống lặng lẽ, chẳng quan hệ với ai cho đến khi nhận được lời mời dự tiệc
và cũng là cơ hội để Akaky khoe chiếc áo mới của mình trong niềm hân hoan, hớn
hở. Nhưng đáng tiếc thay, niềm vui đó chẳng tồn tại được bao lâu khi Akaky bị một
tên trộm cướp mất chiếc áo khoác. Bất lực trước hoàn cảnh trớ trêu, bác cầu sự
chi viện nhưng không dược đáp lại. Thái độ hờ hững của tất cả mọi người thật
đáng lên án từ anh lính gác, cảnh sát khu phố cho đến "nhân vật quan trọng".
Akaky đã phải rất khổ cực mới sắm được chiếc áo và tuyệt vọng khi không giữ lại
được nó. Và bác chết đi trong đau khổ lặng lẽ, không ai hiểu bác, cũng không ai
cảm thông. Con người nhỏ bé ấy khi sống, cuộc đời bó hẹp trong sự mờ nhạt,
không ai để tâm đến bác. Đến khi chết đi cũng không mấy ai hay biết. Chỉ khi
câu chuyện về một bóng ma đi cướp áo khoác lan truyền thành nỗi sợ hãi thì người
ta mới nghĩ đến bác Akaky, và khi đó, nhân vật Akaky mới được tồn tại trong cuộc
sống.
Nhà
văn Gogol đã rất thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật Akaky, đó
là một con người nhỏ bé, bất lực trước xã hội, trước những con người có quyền
hành. Chính vì lúc còn sống nhân vật Akaki đã không thể trả thù việc những người
đã chối từ sự cứu cánh của ông, điều này một lần nữa khẳng định thân phận con
người bị xã hội rẻ rúng, một xã hội chạy theo chức trọng, vì đồng tiền và quyền
lực mà không quan tâm đến hoàn cảnh của con người trong những lúc họ bế tắc nhất.
Cuối cùng trước cái chết của bác Akaki và cái bóng ma trông giống bác đó đã cho
chúng ta thấy được sự phản kháng của con người trước thế lực chức quyền. Akaki
mất chiếc áo khoác trong sự đau đớn quằn quại vì vất vả lắm bác mới sắm cho
mình được chiếc áo mới. Và rồi đến lúc chết bác hận những con người vô trách
nhiệm kia nên đã biến thành hồn ma chuyên đi giật chiếc áo khoác của những viên
chức và cho tới nhân vật cuối cùng thì hồn ma đó dừng lại. Chi tiết "bóng
ma" là một chi tiết mang nhiều tầng nghĩa, và đó cũng là một kết thúc bất
ngờ đối với Gogol. Nếu như Pushkin để cho nhân vật Xamxon dừng lại ở cái chết
đau khổ thì Gogol để cho nhân vật tồn tại ở một đời sống khác dưới hình thức
"bóng ma". Đó là bóng ma "nổi loạn", là sự báo thù, để thực
hiện cái điều mà khi sống nhân vật đã không thể thực hiện được. Điều đó chứng tỏ
sức phản kháng, hành động của con người trước sự vô tâm của xã hội. Một xã hội
bất ổn, tệ nạn cướp bóc, giới công chức giả danh tri thức.
Ở
đây, Gogol một mặt lên án những con người sống vô tâm, hờ hững và lạnh lùng với
thế giới xung quanh, mặc kệ nỗi đau của người khác. Mặt khác, nhà văn muốn nhấn
mạnh đến sự tha hóa, biến chất ở linh hồn một con người. Cái bóng ma xuất hiện
như một lời tố cáo sự mất nhân tính của con người. Những con người sống thờ ơ,
đó là những cái bình và bên trong đang chứa những linh hồn đã chết, còn con người
chết đi lại hóa thành quỷ dữ, bởi những cuồng nộ, nhưng ham muốn khi sống không
được thỏa đáng. Gogol đặt ra cho chúng ta một vấn đề: Quỷ đang hóa thành người
và người đang hóa quỷ.
3. Sự phát triển hình tượng “con người
nhỏ bé” từ Pushkin đến Gogol
Pushkin
là người đã khởi xướng mảng đề tài “con người nhỏ bé” với những tác phẩm như Người
coi trạm, Kỵ sĩ đồng. Các nhân vật của ông hầu hết đều là những công chức bậc
thấp, nghèo nàn và bị vùi dập dưới đồng tiền và cường quyền. Và Gogol là người
đã kế thừa mảng đề tài này một cách thành công rực rỡ với tác phẩm
Chiếc áo khoác.
Với
tác phẩm Người coi trạm, Pushkin kể về
lão coi trạm giao thông Xamxôn vurin, một ông lão sống cùng cô con gái. Đó là một
nhân vật hết sức cam chịu, nhẫn nhục. Trong tiến trình phát triển của truyện, sự
vận động đi lên của bi kịch diễn ra song song với sự vận động đi xuống của nội
tâm nhân vật. Pushkin đã cho nhân vật của mình đi đến tột cùng của sự cam chịu,
mọi sự việc xảy đến càng lúc càng khiến ông đau đớn hơn trước kia, nhưng con
người ấy không hề phản kháng, thậm chí còn chấp nhận buông xuôi để cuối cùng bị
đạp xuống tận cùng của nỗi đau. Càng đi đến tận cùng nỗi đau, ông càng cam chịu.
Ban đầu chỉ là công việc coi trạm, hành khách chửi bới, đánh mắng thì dù sao
cũng có Đunhia ở bên giúp đỡ, đó là chỗ dựa tinh thần duy nhất của ông. Nhưng
khi Đunhia đi theo Minxki thì ông lão phải tự mình đi tìm con, nhưng nỗi đau ấy
chưa phải tột cùng, mà đỉnh điểm là khi tìm thấy Đunhia và bị đuổi đi. Đến lúc ấy,
ông không còn nơi nào để nương dựa được nữa, và ông cam chịu trước hoàn cảnh đó.
Ngay cả việc đấu tranh để giành lại con gái – chỗ dựa và là tất cả tình yêu của
bác – bác cũng không làm mà đành "phó thác cho trời, quyết định rút
lui". Nếu như trước kia vì tính chất
công việc mà bác phải nhẫn nhục, chịu đựng thì bây giờ, trong cuộc sống, bản
thân bác đã buông xuôi rồi, sự cam chịu tràn ngập trong bác một cách hiển nhiên
như bản tính bác vốn vậy. “Con người nhỏ bé” của Pushkin là con người cam chịu
đến cùng cực.
Nếu
như nhân vật Xamxon của Pushkin được miêu tả bằng những nét trữ tình, giọng điệu
nhẹ nhàng, cảm thông sâu sắc thì đến với nhân vật Akaky của Gogol, nhà văn cho
chúng ta một con người hoàn toàn khác. So với Xamxon, Akaky cũng là một công chức
“thấp cổ bé họng”, ông cũng có những ước mơ và bị dập tắt, nhưng Akaky được khắc
họa bằng hành động nhiều hơn là nội tâm, và hơn thế, nhân vật Akaky có sự phản
kháng. Về công việc, Xamxon nhẫn nhục chịu đựng đến tận cùng của sự nhẫn nại,
dù bị chửi bới thế nào bác cũng không phản kháng lại. Nhưng Akaky thì khác, khi
sự giễu cợt đi quá giới hạn chịu đựng của mình, Akaky đã thốt lên dù đó là tiếng
nói yếu ớt: “các anh hãy để tôi yên, sao cứ làm khổ tôi như vậy?”. Khi muốn có được
chiếc áo khoác mới, ông đặt mục tiêu kiên quyết để có được chiếc áo như ông từng
mơ, và nó được coi là “người tình” duy nhất của đời ông. Nếu Xamxon dành hết
tình yêu thương của mình cho Đunhia thì cũng vậy, bác Akaky cực kì yêu quý chiếc
áo khoác mới của bác. Ta hoàn toàn có quyền so sánh hai tình huống này với nhau
để thấy rõ nhất sự khác biệt trong hai nhân vật Xamxon và Akaky. Khi Xamxon mất
đi đứa con gái, ông bổ nhào đi tìm vì hi vọng mình sẽ tìm được con. Nhưng khi
tìm được thì ông biết rằng mình mãi mãi mất đứa con gái yêu quý. Trước tình huống
đó, ông bất lực quay về và chịu đau khổ lặng lẽ, không hề oán thán con gái mà
chỉ lo lắng cho con, dù là trong giây phút cuối cùng. Sự cam chịu gần như đã đi
đến tận cùng của nó, cái chết của ông đã khép lại tất cả bi kịch của cuộc đời
ông. Còn với trường hợp của Akaky, khi bị cướp mất chiếc áo khoác, hành động của
bác cũng gần giống như Xamxon. Bác chạy khắp các nơi để nhờ người tìm lại chiếc
áo khoác của mình, tìm đến cả "nhân vật quan trọng" chỉ vì một chiếc
áo khoác. Khi không được đáp ứng, bác ta cũng đau khổ và lặng lẽ chết. Nhưng
cái sau cùng, đó là sự xuất hiện của bóng ma là sự phản ứng mãnh liệt nhất của
bác. Và Gogol đã đi xa hơn Pushkin khi cho nhân vật của mình “nổi loạn”, đồng
thời phía sau đó là dấu hiệu báo trước về cái nhân tính sẽ mất đi khi con người
đi đến tột cùng đau khổ. Một sự biến chất, tha hóa về thể xác lẫn tinh thần
trong con người Nga thông qua sự thờ ơ, vô tâm và cuộc sống nhỏ hẹp biểu hiện
trong đó.
III.
Nghệ
thuật xây dựng nhân vật
3.
Nghệ
thuật miêu tả tâm lí của Pushkin
Chúng
ta đã từng quen thuộc với Pushkin trong thơ ca với những ngôn từ đằm thắm, giàu
chất trữ tình, và Pushkin trong văn xuôi cũng vậy. Người coi trạm được viết
theo kĩ thuật dòng ý thức của tác giả, tiến trình truyện diễn tiến thông qua lời
kể của nhà văn, theo những gì mà nhà văn góp nhặt được. Cứ mỗi một lần đi qua
trạm N. là mỗi lần nhà văn được bác Xamxon kể cho nghe một mảnh chuyện về đời
mình, và mỗi lần như thế, nhà văn cho ghép từng bức tranh lại để soi chiếu toàn
bộ cuộc đời bác Xamxon đầy đau khổ. Kết cấu truyện lồng trong truyện, đối thoại
lồng trong đối thoại, câu chuyện được bác Xamxon kể lại nằm trong câu chuyện mà
nhà văn đang kể với chúng ta. Với kết cấu đó, người đọc chúng ta vừa có được
cái nhìn khách quan của mình lại vừa thấy được cái nhìn chủ quan của nhà văn, từ
đó thấu hiểu được từng diễn biến tâm lý, tính cách cũng như cảm thông hoặc
thương xót cho thân phận "con người nhỏ bé" và đồng cảm với nhà văn
hơn.
Trong tác phẩm của
mình, nhà văn Pushkin sử dụng khá nhiều đoạn hội thoại, gần như là dày đặc
(theo thống kê thì có đến 8 cuộc đối thoại). Nhà văn ít dùng lời lẽ miêu tả mà
phần lớn tính cách, nội tâm của nhân vật bộc lộ qua những lời thoại. Từ những lời
thoại đó mà một cách tự nhiên, nhà văn đã khắc họa chân dung của nhân vật cụ thể
và rõ nét, càng khiến cho người đọc dễ dàng nhìn thấy chất hiện thực trong đó.
Một nhân vật bình thường tồn tại giữa cuôc sống bình thường chứ không còn là
trên trang giấy nữa, con người gần gũi đến mức người đọc có thể tin rằng đó là
một bức tranh chân thật nhất. Pushkin hạn chế dùng độc thoại nội tâm để làm rõ
diễn biến tâm lí nhân vật mà thế giới nội tâm ấy được sáng tỏ từ từ qua tiến
trình của truyện kể. Nhân vật tự nói lên tính cách của mình thông qua lời thoại,
còn người kể là người miêu tả và phân tích rõ đặc trưng của tâm lý nhân vật,
giúp cho người đọc tiếp cận tác phẩm rõ ràng hơn. Có thể thấy Pushkin rất chú
trọng mô tả sự dao động trong tâm lý nhân vật.
Ngôn
ngữ trong Người coi trạm phong phú và
đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp, địa vị khác nhau trong xã hội. Thông qua ngôn ngữ
đối thoại của nhân vật, ta dễ dàng nhận thấy sự phân biệt đẳng cấp trong xã hội
Nga thời bấy giờ, đồng thời càng làm bật lên hình ảnh "con người nhỏ
bé" mà nhà văn đã xây dựng. Đứng trước Minxki – có thể coi y là kẻ cướp –
bác vẫn phải quỵ lụy, cầu xin để đưa được đứa con gái của mình trở về. Ngôn ngữ
thưa bẩm cùng thái độ run rẩy của bác đã khắc họa rõ nét hình ảnh "con người
nhỏ bé" trong xã hội Nga: "bé
nhỏ trong tính cách cũng như tinh thần".
Bên cạnh đó, sự
ung dung trong lối kể chuyện và lời văn nhẹ nhàng giản dị càng làm tăng chất trữ
tình trong truyện. Truyện đan cài những chi tiết có vẻ ngẫu
nhiên nhưng vô hình chung đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời nhân vật: chàng
khinh kỵ ghé vào trạm, ngẫu nhiên gặp gỡ Đunhia rồi dụ dỗ cô gái theo mình, và
thế là bác coi trạm mất con; khi đi tìm con gái, mặc dù bị chàng khinh kỵ ngăn
trở, nhưng bác đã tình cờ nhìn thấy con mình và sau đó đã chứng kiến được sự thật
đau lòng.
Với
giọng điệu nhẹ nhàng, tình cảm và sâu sắc, truyện ngắn Người coi trạm của Pushkin dễ dàng đi vào lòng người và khơi gợi
trong lòng người đọc những thương cảm, những rung động sâu xa, nó như đánh thức
cái hồn đã ngủ quên trong lòng người.
4.
Nghệ
thuật trào phúng của Gogol
Chiếc
áo khoác được Gogol kể ở ngôi thứ nhất, với cái tôi hiện diện từ đầu đến cuối
truyện và trong suốt diễn tiến của truyện, người kể đều bày tỏ thái độ của mình
trong đó. Giọng điệu trào lộng chua cay nhưng tâm trạng ưu tư, thâm trầm và
thương cảm. Nhà văn phê phán một xã hội bạc bẽo, "những linh hồn chết"
trong những thân xác vô tri, đồng thời tỏ lòng thương xót đến những "con
người nhỏ bé", thân phận thấp kém. Tuy nhiên, cái độc đáo ở Gogol là chúng
ta không nhìn thấy được niềm thương cảm trực tiếp mà chỉ thấy nhà văn đưa ra
toàn những lời châm biếm, trào lộng xung quanh nhân vật chính. Yếu tố trào lộng
thể hiện ở hình ảnh con người một phía, con người sống chỉ có một niềm yêu duy
nhất là làm một công việc bất biến, không thăng tiến và cũng chẳng cần tư duy,
như một cỗ máy vô tri chỉ biết sao chép giấy tờ, ngay cả tình yêu cũng chỉ có
duy nhất một chiếc áo khoác và thậm chí còn đau khổ và chết vì nó. Câu chuyện với
những tình tiết khôi hài trên đã tạo ra tiếng cười mỉa mai, chua chát. Cho thấy
sự tầm thường của con người, tác phẩm đả kích một xã hội biến chất.
Trong Người coi trạm,
khi Pushkin chú trọng mô tả tâm lí nhân vật thì đến với Gogol, với Chiếc áo khoác, nhân vật Akaky được khắc
họa bằng những nét sắc sảo qua hành động:
cặm cụi ghi chép, không quan tâm đến những tác động bên ngoài, dù không
được giao công việc nhưng vẫn ghi chép những tài liệu mà ông ta cho là hay đã
chứng minh sự đam mê công việc của bản thân, cướp chiếc áo khoác khi đã là một
“bóng ma”. Tác giả gần như không miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật thông qua lời
thoại mà chủ yếu tính cách, nội tâm nhân vật được thể hiện qua hành động của
nhân vật.
Trong các truyện của
Gogol, phần lớn cốt truyện đều được khơi gợi từ những câu chuyện trào phúng dân
gian, đó là một đặc trưng trong những sáng tác của Gogol. Chiếc áo khoác ra đời cũng dựa trên nền tảng ấy. Truyện Chiếc áo
khoác lấy cảm hứng từ câu chuyện của một anh chàng công chức nghèo mê săn chim
bị mất súng, và được bồi đắp thêm bởi những câu chuyện vui vụn vặt khác về giới
công chức. Từ những chi tiết tưởng như khôi hài nhỏ nhặt ấy, Gogol phát triển
thành một đề tài, nhìn vào vấn đề và vạch rõ cho người đời nhìn thấy những cái
xấu xa, ngu dốt của họ. Dùng ngòi bút phê phán, trào lộng nhưng bên trong, nhà
văn lại thể hiện những nỗi ưu tư, thương xót đồng thời chê trách những thói xấu
trong xã hội. Bielinxki từng nhận xét Gogol "là một người nổi tiếng thích
đùa và sắc sảo". Tiếng cười của Gogol thường hướng vào những mặt tối, mặt
tầm thường của xã hội và con người Nga thế kỷ XIX.
Tác
phẩm Chiếc áo khoác mang đầy đủ tính
chất của chủ nghĩa hiện thực, xây dựng được một nhân vật công chức tiêu biểu
cho tầng lớp "con người nhỏ bé", đặt vào bối cảnh thời đại bấy giờ để
chỉ ra những bi kịch của họ. Đồng thời, tất cả nhân vật, cốt truyện đều chân thực
và gần gũi với đời thường. Tuy nhiên, trong tác phẩm này có sự xuất hiện của yếu
tố kì ảo: bóng ma. Việc đưa yếu tố kì ảo vào tác phẩm khiến cho người đọc nửa
tin nửa ngờ về tính chân thực của câu chuyện, sự xóa nhòa ranh giới giữa hiện
thực và phi hiện thực tạo thành một thế giới tranh tối tranh sáng nhưng từ đó, chúng
ta nhận ra có những "bóng ma" đang rình rập để hóa thành người và có
những con người đang hóa thành "bóng ma".
Với ngôn ngữ cô đọng, giọng văn thâm trầm có
tính mỉa mai (và hài hước, luôn bị lấn át bởi cảm xúc buồn bã và não ruột), kết
cấu truyện chặt chẽ và gọn gàng, những chi tiết mang tính hiện thực, Gogol đã tạo
nên một ấn tượng rất sâu đậm về trong lòng người đọc đối với nhân vật, đặt ra
những vấn đề có tính thời đại và ý nghĩa nhân sinh.
IV.
Tổng
kết
Từ tác phẩm Người coi
trạm, Pushkin đã đặt nền móng, khẳng định vị trị của văn xuôi trong nền văn học
Nga. Đồng thời, ông đã đặt ra một vấn đề mang tính nhân đạo, đó là số phận của
những con người tầm thường trong xã hội
Nga lúc bấy giờ.
Kế thừa Pushkin, Gogol
đã xây dựng một hình ảnh khác của “con người nhỏ bé”. Đó là những con người tầm
thường, đi từ sự cam chịu đến phản kháng lại những áp bức mà guồng máy của chế
độ xã hội thực tại đè nặng lên số phận của họ. Nếu trong Người coi trạm của
Pushkin là sự cam chịu, bất lực trước số phận thì đến Chiếc áo khoác của Gogol,
bằng hình ảnh”bóng ma” của Akaki ở cuối tác phẩm đã thể hiện sự phẫn nộ và lòng
khao khát trả thù của những con người chịu áp bức.
Hai tác phẩm tuy cùng viết về một chủ đề và có một số sự tương đồng nhất
định, nhưng đều tạo những giá trị riêng không thể phủ nhận. Với “Người coi trạm”,
lần đầu tiên những con người tầm thường được lên tiếng đòi sự công bằng cho thận
phận đáng thương của mình. Kế thừa từ hình tượng “con người nhỏ bé” của
Pushkin, “Chiếc áo khoác” là lời tố cáo những áp bức từ chế độ xã hội đương thời
đã đè nén con người, đồng thời là sự cảnh tỉnh trước nguy cơ mất nhân tính của
con người. Cả hai tác phẩm đều mang những ý nghĩa nhân đạo hết sức sâu sắc
Tài
liệu tham khảo
1.
N.Gogol,
Chiếc áo khoác, tập truyện ngắn đặc sắc.
2.
A.
Pushkin, Người coi trạm.
3.
Trần
Thị Phương Phương, Tiểu thuyết hiện thực Nga thế kỷ XIX, Nxb Khoa học Xã hội,
2004.
4.
Phạm
Vĩnh Cư, Gogol – Thử cảm nhận một thế giới nghệ thuật
5.
Tạp chí nghiên cứu văn học, Gogol, Lịch sử Văn
học Nga, Từ Thị Loan dịch, Nxb Ladormi, Maskova, 2004,
6.
Trần
Thị Phương Phương, Akaky trong chiếc áo khoác và nhà văn Gogol
7.
TS.
Thành Đức Hồng Hà, Ngôn ngữ đối thoại trong văn xuôi Pushkin, Nguồn: Tạp chí
Văn hóa Nghệ thuật số 306 tháng 12 năm 2009.
* Bài thuyết trình Văn k2011
Khoa Văn học và Ngôn ngữ
ĐH KHXH&NV- Tp HCM
> Bài viết được đăng 25/4/2014
0 nhận xét:
Đăng nhận xét