VĂN HỌC VIỆT NAM 1945 - 1975
DÀN Ý
1.1 Nguyễn Minh Châu – cuộc đời và sự nghiệp
1.2 Tiểu thuyết Dấu chân người lính
2. Người
chiến sĩ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ qua tác phẩm Dấu chân người lính
2.1 Vẻ
đẹp người lính trên chiến trường
2.1.1 Người
lính dũng cảm và mưu trí
2.1.2 Tinh thần chiến đấu lạc
quan
2.2 Người
lính thân tình, đoàn kết nơi hậu phương
2.2.1 Tình
đồng chí
2.2.2 Tình
cảm gia đình, đôi lứa
2.3 Con
người cá nhân
3. Nghệ
thuật xây dựng hình tượng người lính trong “Dấu chân người lính” của Nguyễn
Minh Châu
3.1
Cảm
hứng nghệ thuật
3.2
Ngôn
ngữ trong tác phẩm
3.2
Nghệ
thuật xây dựng nhân vật
4. So sánh hình tượng người lính trong tác
phẩm Xung kích của Nguyễn
Đình Thi và tác phẩm Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu
5.
Kết luận
Tài
liệu tham khảo
***
Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, đã mở ra cho dân tộc Việt Nam một giai đoạn
lịch sử mới và đã mở ra một trang mới cho văn học nước nhà. Vượt qua những biến động
khắc nghiệt của chiến tranh với hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vô
cùng ác liệt, gian khổ, hy sinh, nhân dân ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân năm 1975. Qua đó, văn
học cũng đã khẳng định được sự tồn tại và phát triển
của mình với tầm vóc xứng đáng.
Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975, đã phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước và chủ
nghĩa anh hùng trong truyền thống lịch sử của Văn học dân tộc. Chính vậy mà biết bao
tác phẩm văn học ra đời với đề tài người chiến sĩ, lý tưởng cách mạng mang âm
hưởng của chiến tranh tàn khốc. Giai
đoạn mà cả đất nước đều mang tâm thế “dồn vào một con đường: ấy là con đường ra mặt trận, ấy là con đường cứu
nước” (Nam Cao). Những sáng tác lấy đề tài từ hiện thực
chiến đấu lần lượt ra đời, khẳng định vị trí của mình trong việc đóng góp
vào nền văn học chống Mỹ của đất nước.
1.
Nguyễn Minh Châu và tiểu thuyết “Dấu chân người lính”
1.1.
Nguyễn Minh Châu – cuộc đời và sự nghiệp
Nguyễn
Minh Châu (20/10/1930 – 23/01/1989) quê ở xã Huỳnh Hải, huyện Lưu Ninh, tỉnh
Nghệ An. Ông là cây bút trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và là một
trong những nhà văn có tầm ảnh hưởng đối với nền văn học Việt Nam.
Trưởng
thành trong những năm bom đạn kháng chiến đã tạo cho nhà văn một nguồn sống,
nguồn cảm thụ sâu sắc đối với nỗi đau của đất nước bị chia cắt. Ông luôn trăn
trở, tìm tòi trong những tác phẩm của mình để thể hiện một cách đúng đắn và
chân thật nhất hơi thở của lịch sử. Nhà văn luôn đi cùng bước đi của đất nước,
mỗi một thời kỳ, ông đều chiêm nghiệm sâu sắc, viết thật cẩn thận và không bao
giờ vội vàng.
Trước Cách mạng tháng Tám, ông học Trường Kỹ nghệ Huế, tốt
nghiệp bậc Thành Chung vào năm 1945 và tiếp tục học chuyên khoa trường Huỳnh
Thúc Kháng ( Hà Tĩnh).
Năm 1950, ông gia nhập quân đội và học tại trường Sĩ quan
Trần Quốc Tuấn. Từ năm 1952 đến 1956, ông công tác tại Ban Tham mưu Tiểu đoàn
772, 706 thuộc Sư đoàn 320.
Từ năm 1956 đến năm 1958, ông làm Trợ lý văn hóa Trung đoàn
64 thuộc sư đoàn 320. Năm 1962, ông về công tác tại phòng Văn nghệ Quân đội,
sau chuyển sang Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông được kết nạp vào Hội nhà văn
Việt Nam năm 1972.
Tác phẩm văn học của Nguyễn Minh Châu khởi đầu bằng
truyện ngắn Sau một buổi tập (1960)
và khép lại với truyện vừa Phiên chợ Giát (1989). Suốt một chặng đường 29
năm – một hành trình
không phải là dài so với những nhà văn khác: Nguyễn Khải, Hồ Phương…, song với mười ba tập văn xuôi, một
tập tiểu luận phê bình, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã để lại một sự nghiệp văn
chương đủ sức vượt qua thời gian. Với một số tác phẩm chính:
·
Cửa sông (tiểu thuyết, 1966)
·
Những vùng trời khác
nhau (truyện ngắn, 1970)
·
Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972)
·
Miền cháy (tiểu thuyết, 1977)
·
Lửa từ những ngôi nhà
(tiểu thuyết, 1977)
·
Những người đi từ
trong rừng ra (tiểu thuyết, 1982)
·
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (truyện ngắn, 1983)
·
Bến quê (truyện ngắn,
1985)
·
Mảnh dất tình yêu (tiểu
thuyết, 1987)
·
Cỏ lau (truyện vừa, 1989)
Lớn lên trong thời kì đất nước bị
chia cắt, chiến tranh gây bao đau thương, phần nào mà hoàn cảnh hằn vào trong
nhà văn, để từ đó ông viết lên những tác phẩm mang màu sắc hiện thực, Mỗi tác phẩm
là một khía cạnh khác nhau, cả trong góc khuất nơi tâm hồn con người vẫn thường
bị chôn kín đến những thực tại ngoài đời sống, Tất cả đều được ông đưa vào văn
học, tạo ra một sắc mới cho văn xuôi cách mạng. Chủ
đề trong các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu viết trong thời kỳ chiến tranh thường
tập trung phản ánh và miêu tả chiến tranh, về phẩm chất yêu nước, tinh thần gan
dạ của các chiến sĩ trong cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc ta như các cuốn
tiểu thuyết Cửa sông, Dấu chân người
lính, Lửa từ những ngôi nhà, Mảnh trăng cuối rừng, … Sau chiến tranh, Nguyễn
Minh Châu đã chuyển mình từ những trang viết về người lính mang đậm cảm hứng
lãng mạn và sử thi sang hiện thực sang chủ nghĩa hiện thực như các tác phẩm Miền cháy, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc
hành, Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa,… Ngòi bút của Nguyễn Minh Châu đã đi
đến từng tầng sâu thẳm trong tâm hồn con người, những cái đẹp cao cả của nhân
tâm.
Với
những đóng góp của mình cho nên văn học Việt Nam, Nguyễn Minh Châu xứng đáng là
một nhà văn tiêu biểu cho nền văn học hiện đại như lời của nhà văn Nguyễn Khải
đã nói : “Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc, bậc thầy của nền văn xuôi
Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau
này.”
Nguyễn
Minh Châu đã được nhận các giải thưởng cho sự cống hiến trong hoạt động văn học
nghệ thuật: giải thưởng Bộ quốc phòng năm (1984 -1989) cho toàn bộ tác
phẩm của ông viết về chiến tranh và người lính, giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm (1988 – 1989) cho tập truyện Cỏ lau
và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000 cho cụm tác
phẩm: Dấu chân người lính, Cửa sông, Cỏ
lau, Người đàn bà trên chiến tàu tốc hành.
1.2. Tiểu thuyết “Dấu chân người lính”
Cuốn tiểu thuyết được tác giả khởi thảo năm 1969, và
ngay sau khi trích đăng trên Tạp chí Văn nghệ
Quân đội năm 1970 đã “có
tiếng vang và được nhiều người khen”. Tác phẩm đã được đánh giá cao “đánh dấu bước tiến mới của Nguyễn Minh Châu
trong tiểu thuyết. Ở đây, cảm xúc của ông đã có thể theo kịp suy nghĩ để tạo
nên một số hình tượng hấp dẫn về tư tưởng nghệ thuật”. Tác phẩm bao gồm 17
chương, chia ra thành 3 phần: phần 1 là Hành quân, phần 2 là Chiến dịch bao
vây, phần 3 là Đất giải phóng.
Tiểu thuyết Dấu chân người lính nhằm ghi lại những khoảnh khắc của cuộc chiến tranh tàn
khốc cũng như khắc họa người
lính cách mạng với hàng chục nhân vật thuộc các thế hệ khác nhau, đến với quân
đội từ những vùng miền, những hoàn cảnh xuất thân khác nhau nhưng họ đều mang
những phẩm chất chung là lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm với Tổ quốc, niềm say mê chiến đấu và tâm hồn trong sáng. Đông đúc
và sinh động nhất là thế hệ trẻ, thế hệ trưởng thành trong chế độ mới ưu việt. Đọc Dấu chân
người lính, chúng
ta có thể tìm về những giây
phút sinh tử trong chiến tranh, tinh thần trách nhiệm và chiến đấu cao độ và
những tình cảm đồng điệu của những trái tim yêu nước.
Với
cốt truyện phát triển từ nhiều điểm nhìn, tác giả lần lượt miêu tả những nhân vật
như Kinh, Lữ, Nhẫn, Lượng, Khuê, Cận, Nết, Xiêm,…xoay quanh chiến dịch tại mặt trận Khe Sanh. Khuê là một chiến sĩ cần vụ thông minh, khéo léo, nhạy bén, là
cấp dưới của chính ủy Kinh, một cán bộ đầy lý tưởng, đầy hoạt bát,
đức độ và tình cảm, luôn quan tâm đến cấp dưới của mình. Trong những ngày làm
việc chung với chính ủy Kinh đã để lại trong lòng Khuê sự kính phục,
yêu mến. Nhẫn là trung đoàn trưởng trung đoàn 5, là một con người thanh lịch
nhưng nghiêm khắc, đó là biểu hiện trong tính cách của một cán bộ xuất thân
tiểu tư sản đã được rèn luyện một cách khắc khổ. Anh là cấp trên của Lượng, đại
đội trưởng đại đội trinh sát. Kinh, Khuê, Nhẫn, Lượng cùng làm việc với nhau,
mỗi người mỗi tính nhưng có chung một điểm đó là những con người tràn trề nhiệt
huyết, chiến đấu kiên cường và tin tưởng mãnh liệt vào sự nghiệp kháng chiến
của dân tộc. Trên mỗi bước đường họ đi là biết bao kỉ niệm, bao câu chuyện cảm
động về tình người, ở đó không những có tình anh em, tình đồng đội mà còn có cả
tình yêu đôi lứa.
Trên đường đi chiến đấu Lữ tình cờ gặp lại cha mình,
chính ủy Kinh. Cuộc gặp gỡ trên đường hành quân ấy đã khiến cho Kinh không khỏi
xúc động với bao cảm xúc chứa chan. Ông yêu con trai mình hơn ai hết và tin
tưởng vào Lữ với tư thế của một người cha và một người đồng đội. Lữ - một chàng
thanh niên bản tính nghệ sĩ nhưng đứng trước sự
nghiệp kháng chiến vĩ đại ấy đã đốt hết sách vở, xếp bút nghiêng cầm súng ra
chiến trường. Ban đầu, Lữ ra đi còn bỡ ngỡ với
bao quyến luyến của tuổi trẻ nhưng qua nhiều lần gặp gỡ, chứng kiến những người
bạn cùng trang lứa với mình hăng say chiến đấu, dũng cảm hy sinh Lữ đã dần dần
trưởng thành. Tâm hồn anh vẫn mãi là tâm hồn của một người nghệ sĩ, thích làm
thơ ca, hay đọc tiểu thuyết song anh vẫn ý thức được hoàn cảnh dân tộc lúc này
đang cần những người con dũng cảm, hành động mạnh mẽ, lý tưởng vững vàng để
chiến đấu. Chính vì thế, Lữ đã biến tinh thần của một con
người trí thức lại để trở thành một người lính như thế.
Lượng là lính trinh sát, với dáng vẻ cao lớn, cứng
nhắc, vụng về và tính tình nghiêm nghị, công việc của anh là phải đi nhiều nơi
tìm hiểu tình hình của địch. Trong những lần làm nhiệm vụ ấy, anh đã nảy sinh
tình yêu với Xiêm- một phụ nữ Vân Kiều có chồng lại
theo hàng ngũ của địch. Trong con người thật của anh luôn tồn
tại một con người giàu tình cảm và một tâm hồn nhạy bén. Thế nhưng vì cuộc
kháng chiến còn trường kỳ, và những trăn trở về bổn phận của một người bộ đội,
tình yêu ấy chỉ dừng lại ở những dòng kỉ niệm trong hồi ức của Lượng.
Lữ hy sinh trong một lần chiến đấu với địch, trước khi
chết anh vẫn giữ trong tay chiếc đài truyền tin như một chiến sĩ thông tin vô
tuyến chân chính. Chàng thanh niên ấy hy sinh mang theo mình một tình yêu đang
ấp ủ với Hiền. Một giọt nước mắt lăn trên má người cha nhưng đổi lấy đằng sau
đó là cả một nỗi đau đớn xé lòng của chính ủy Kinh với đứa con trai của mình.
Phía trước vẫn còn là những ngày dài chiến đấu, bỏ qua những tình cảm riêng tư
chỉ dám gói gọn trong lòng, ông vẫn phải tiếp tục nhiệm vụ
của một thủ trưởng kiên cường, là điểm tựa vững chắc cho những người lính khác.
Sự thắng lợi của trung đoàn 5 khi bọn địch đã thất bại tại thung lũng Khe Sanh
và hình ảnh của những người lính đang chuẩn bị bước vào những trận đánh mới,
củng cố tinh thần để hướng đến những ngày dài trên trận địa.
2. Hình tượng người chiến sĩ trong cuộc chiến
tranh chống Mỹ qua tác phẩm Dấu chân
người lính
2.1
Vẻ đẹp người lính trên chiến
trường
2.1.1 Người lính dũng cảm và
mưu trí
Nếu trong
cuộc kháng chiến chống Pháp là hình ảnh những người lính cụ Hồ can đảm xông
pha, những người lính nông dân với vẻ đẹp mộc mạc, giản dị thì Dấu chân người lính
của Nguyễn Minh Châu là cuốn tiểu thuyết khắc họa rõ nét hình ảnh người lính
trên chiến trường, với tâm hồn nhạy
cảm, sự thông minh, trí tuệ, bản lĩnh và tư tưởng chống Mỹ giành lại hòa bình.
“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”
Chỉ cần trong xe có một trái tim”
(Bài
thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật)
Có thể gọi Dấu
chân người lính như là một thước phim tái hiện chân thật và sinh động về những
con người yêu quê hương đất nước, ra đi chiến đấu vì lợi ích dân tộc, sống với
lí tưởng hào hùng. Hơn cả, người lính ấy
luôn dũng cảm và mưu trí trong mọi hoàn cảnh trên chiến trường đầy ác liệt.
“Khi tiếng súng
chiến dịch Khe Sanh bắt đầu thì người chiến sĩ nào cũng vậy, đều hướng tất cả
tâm trí của mình vào những trận chiến liên tiếp, vào một cuộc bao vây đầy gian
khổ và đầy kiên nhẫn, tất cả mọi nòng sung đều hướng về phía quân Mỹ trước mặt”.
Đứng trước thực trạng đau thương của đất
nước khi bị chiến tranh tàn phá, những đứa trẻ, những người thân trong gia đình
lần lượt ra đi vì bom đạn của bọn giặc Mỹ hung tàn, họ- những người lính sẵn
sàng từ bỏ tuổi trẻ, hạnh phúc riêng, “từ giã gia đình, trường học và từ giã một
cuộc sống tương lai đẹp đẽ hết sức đảm bảo đã bắt đầu xây dựng cho họ”. Dù gặp
không ít những khó khăn gian khổ, dù luôn đối diện trước cái chết, trước mưa
bom bão đạn,… nhưng người
lính vẫn giữ cho mình tinh thần hăng hái chiến đấu. “Chưa bao giờ Kinh thấy đội hình một đại đội xuất kích
đi chiến đấu lại dài và đông đúc như thế. Cũng chưa lần nào đứng trước hàng
quân trước giờ nổ súng Kinh lại thấy vững tâm như lần này. Trước mặt ông thật sự
là một khối thuốc nổ” Đúng như thế, các anh đứng lên chiến
đấu cùng với tiếng thét diệt địch vang nghềnh “phát ra từ những trái tim đang bốc
lửa” đã cho thấy được cái ý chí quyết tâm mãnh liệt cùng với khí thế anh hùng
hiên ngang. “tư tưởng bộ
đội như một đám mây tích điện sắp nổ ra thành sấm sét trên đầu kẻ thù”. Lòng
quyết tâm của những người lính luôn sục sôi, cả khi đã ngã xuống trên chiến trường
Đàm vẫn thể hiện chí khí của mình qua câu thơ mà anh để lại
“Ta vẫn bước dưới lá cờ Quyết thắng
Ta nguyện làm mầm non trên cành xuân của Đảng!
Làm chiến binh gang thép của đoàn quân!”
Làm chiến binh gang thép của đoàn quân!”
Trong Dấu chân người lính, ta thấy hình ảnh của
người lính anh dũng trong chiến đấu thông
qua thủ trưởng Kinh. Kinh được hiện lên trong tác phẩm chỉ với một con mắt, mắt
kia bị mất trong một trận đánh. Nguyễn Minh Châu vẽ lên một con người uy phong,
lẫm liệt đứng giữa bom đạn với bộ quân phục không lành lặn, “Trong bóng tối,
khuôn mặt Kinh già đi. Tiếng nói của ông cũng già đi. Nhưng lát sau đã nghe tiếng
ông nói oang oang át cả tiếng máy bay trinh sát và tiếng tít từng bầy phản lực
thỉnh thoảng rẹt qua cầu. – Kẻ địch không thể ngăn được chúng ta”. Chỉ cần nghe giọng nói cũng có thể thấy sự dũng cảm của
người chính ủy, chỉ sự gan dạ một lòng đánh giặc ấy mới có khả năng át đi tiếng
động cơ của máy bay. Kinh
là một người lãnh đạo sáng suốt, rất điềm tĩnh trong những trường hợp khó khăn,
luôn đưa ra những quyết định đúng đắn trước những tình thế khẩn cấp.
Nguyễn Minh Châu là nhà
văn từng trải qua những ngày tháng gian khổ trên chiến trường. Vì thế ông có vốn
kinh nghiệm về các kĩ năng quân sự, những kĩ năng của ông đã vận dụng trong tác
phẩm một cách khéo léo và tài tình. Một trong những hình tượng người lính mà
Nguyễn Minh Châu xây dựng đó là người lính trinh sát. Trinh sát là một công việc
nguy hiểm vì luôn tìm cách tiếp cận với giặc, những người lính trinh sát trong
tác phẩm như Lượng, Nhẫn, Phán,… đều thực hiện nhiệm vụ của mình một cách cẩn
thận và khôn khéo. Bên cạnh những kĩ thuật quân sự, những người lính trinh sát
luôn đề cao cảnh giác, thận trọng, tính toán từng hành động.
Trong nhiều trường hợp,
khi phải đối diện trước sự nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc, người lính không
hoang mang nhưng ngược lại ứng biến hết sức linh hoạt. Cận, là người lính giỏi,
khi vô tình giậm phải một tên địch và làm nó suýt thức giấc, anh đã trấn tĩnh
“nhanh chống ôm chặt khẩu súng vào bụng, lấy giọng mũi cũng càu nhàu xì xộ mấy
tiếng, đoạn ngồi thụp xuống, gục đầu giả vờ ngủ”. Những chi tiết đó đã làm sáng
lên chân dung người lính anh dũng, dầy mưu trí trong chiến đấu.
2.1.2 Tinh thần chiến đấu lạc quan
Hình ảnh
người lính được khắc họa rõ nét qua ngòi bút nhà văn, từ cuộc sống chiến trường
đến những suy nghĩ, tâm tình ẩn sâu bên trong, Chiến tranh luôn gắn liền với
khó khăn, gian khổ, nhưng sống giữa thời bom đạn máu lửa ấy vẫn luôn ánh lên một
tinh thần lạc quan, giữ vững niềm tin vào tương lai. Chiến thắng nằm ở niềm tin
ấy, ở tinh thần không chùn bước cùng những mong muốn độc lập tương lai.
Chông chênh không ngăn được bước chân của lý tưởng cách mạng,
của lòng yêu nước nồng nàn, những người
lĩnh vận tải mang vác đạn, súng trĩu nặng đôi vai vẫn vui vẻ nghêu ngao
“Thương anh vận tải lưng
còng
Nằm giường thì chật nằm nong
thì vừa”
Đôi khi là những câu pha
trò, tạo không khí, là những câu chuyện tâm tình tạo tiếng cười âm vang. Khi Đàm
kể câu chuyện của mình cho Lữ cùng các chiến sĩ nghe, là khi họ ngồi cùng nhau
vui đùa “câu chuyện giữa những người lính như những cánh bướm cứ chập chờn biến
đổi như thế, từ chuyện này nhảy sang chuyện khác một cách vui vẻ chẳng đâu vào
đâu cả”. Chính tinh thần lạc quan này là điều khiến cái khó khăn bị đẩy lùi, bất
cứ một bước chân nào đều có tinh thần ấy, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà
lòng phơi phới dậy tương lai”. Những trận chiến đãm máu, ngay cả khi gần như gục
xuống Lữ vẫn thấy được vẻ đẹp của triền núi “Lư khám phá ra cảnh sắc một mùa
xuân tươi tốt đầy sắc xanh dưới đáy khe cạn, từ đó anh đã tìm ra những ý nghĩa
mới mẻ của cuộc sống”.
Những lời nói ngày thường, nhưng câu chuyện cho thấy tinh
thần lạc quan củ người chiến sĩ dũng cảm. Tiếng chim với họ không chỉ ở khung cảnh
thanh bình, mà cả ở nơi hiểm nguy cũng phải luôn vang tiếng hát, vang tinh thần
yêu đời “Dưới đất toàn mảnh bom là mảnh bom thế này! Phải tập đậu trên mảnh bom
mà hót chứ, như tớ đây này, lúc nào tớ cung vui vẻ, cũng hát hò…! Tinh thần ấy
còn thể hiện qua những lần ngầm hẹn ước, những mong chờ đoàn tụ trong tương
lai, một niềm tin về hòa bình. Luôn yêu đời lạc quan, vững chắc niềm tin chiến
thắng.
2.2
Người
lính thân tình, đoàn kết nơi hậu phương
2.2.1
Tình
đồng chí
“Rồi ở chiến
trường người ta sống bằng tình cảm cháy bỏng hơn: trước cái sống và cái chết,
lòng căm thù giặc, tình đồng đội trước khó khăn và nguy hiểm…Hình như tất cả mọi
người đều mở tung mình ra để cảm thụ, để nhận thức chung quanh trong một phạm
vi hết sức bao quát.” Nếu như ở trên, người lính hiện ra
với những đường nét mạnh mẽ, khí chất hiên ngang, là một anh hùng dân tộc; thì ở một góc khuất nơi nào đó trong tâm hồn là
người lính thân tình, đoàn kết nơi hậu phương. Một khía cạnh làm nên sức mạnh
chiến đấu của các anh chính là: tình đồng đội, đồng chí, tình quân dân,.. Nổi bậc
trong tác phẩm này, những nhân vật tiêu biểu này như: Kinh, Nhẫn, Lượng, Khuê,
Lữ… chính những nhân vật này tạo nên một sợi dây liên kết giữa chiến sĩ với đại
đội; chiến sĩ với dân tộc và non sông. Như mối quan hệ giữa Lượng và Kinh, họ
luôn sống và chiến đấu hết mình vì dân tộc và đồng đội. Bởi thế, khi giờ phút
nguy hiểm đối mặt với kẻ thù, Lượng đã cương quyết mở đường cho đồng đội rút
lui an toàn và nhất là đoàn trưởng Kinh- người mà Lượng “rất kính trọng và yêu
mến”. Tình đồng đội là thế, họ chấp nhận hi sinh vì nhau, vì công cuộc kháng
chiến để bảo vệ đất nước.
Không những thế, có những
lúc trên đường hành quân, những người lính nhận được tin từ gia đình. Nỗi vui mừng
chưa được bao lâu, thì sự mất mát đã lấn át tất cả. Chính chiến tranh đã cướp
đi mái nhà, người thân gia đình và hơn thế nữa chính là sự tự do. Đau đớn, ngậm
ngùi trước sự tàn khốc ấy, những tâm hồn ấy như chết lặng, họ biến những đau đớn
đó làm nên sức mạnh để chiến đấu. Đó là điều mà Khuê- một tiểu đội trưởng đang
cố nén để tiếp tục chiến đấu.“Khuê cũng không kể một lời nào về những điều
trong gia đình mà anh đã phải chứng kiến. Hôm đó Khuê về tới nhà thì mọi việc
xem như đã xong xuôi cả: Một cái hố bom nằm đó thay vào cái nền nhà cũ. Hai nấm
mồ nằm kề nhau ngoài cánh đồng. Ông bố Khuê vẫn ốm yếu, các đầu khớp xương đều
sưng tấy lên, suốt ngày bó gối ngồi giữa ba đứa con nhỏ còn lại.” Như thấu được
nỗi đau của Khuê, Lượng đã lẳng lặng xin chỉ huy cho Khuê được phép về thăm gia
đình. Đây là cách mà đồng đội chia sẻ với nhau một cách tự nhiên và chân thành.
Tình cảm của người lính chỉ giản đơn như thế, một của chỉ quan tâm nhưng chứa đựng
trong đó là một sự thương cảm sâu xa cho người đồng chí, đồng đội của mình.
Ở một mối quan hệ khác
cũng rất đáng trân trọng, đó là tình cảm của thủ trưởng và cần vụ, giữa cấp
trên và cấp dưới. Đó là sự kính trọng, yếu mến của cần vụ Khuê với chính ủy Kinh. Anh không chỉ hoàn thành tốt
nhiệm vụ được giao, mà trong sinh hoạt Khuê vẫn luôn theo dõi, chăm sóc thủ
lĩnh như chính người thân trong gia đình. Chính ủy như một người cha dày dặn
kinh nghiệm, sẵn sàng nâng bước chia sẻ Khuê bao nỗi niềm riêng tư, đầy nhọc nhằn
gian khổ. Bởi chính Kinh đã đặt niềm tin tưởng vào chiến thắng của dân tộc và sức
mạnh ấm áp của người thân trong gia đình “tấm lòng chân thành của cách mạng và
tình yêu thương bộ đội”. Từ đó, ta có thể thấy rộng hơn, ranh giới giữa cấp
trên cấp dưới như bị xóa nhòa, thay vào đó là sự gần gủi và thân thương, mà cụ
thểkhi gặp chính uỷ trên đường hành quân, đám lính trẻ la tướng lên: “A,thầy Đường
Tăng!”, “Chào thầy Đường Tăng sang nước Việt Nam lấy... đầu Mỹ, anh em ơi!”,
“Thầy có chú tiểu đồng kháu ra kháu!”. Những
người lính trong trung đoàn 5 vẫn luôn thân tình gọi bác Đảo là bố, một người
lo cơm cho chiến sĩ, một người gan góc, dũng cảm.
Cuộc sống
người chiến sĩ luôn cô quạnh và heo hút, cũng chính vậy mà mọi người càng trở
nên gần gũi và thân nhau hơn. Tình đồng chí là vậy,
dù cho mọi khó khăn, gian lao ở phía trước, nhưng người lính vẫn tin vào tương
lai, ngọn cờ chiến thắng của dân tộc. Và họ đã làm nên sức mạnh của tình đồng đội,
đồng chí. Một sức mạnh keo sơn, bền chặt vẫn luôn hiện rõ và đồng hành với người
lính kiên trung và anh dũng.
2.2.2
Tình
cảm lứa đôi và tình cảm gia đình
Những cuộc chiến tranh bom đạn đầy đau thương, tưởng
như chôn vùi mọi hạnh phúc Ta vẫn bắt gặp chất
thơ mộng trong Dấu chân người lính của
Nguyễn Minh Châu với những tâm tư tình cảm, nguyện vọng, tinh thần yêu nước tha
thiết. Bên cạnh chiến trường đầy gian khổ là những câu chuyện về tình cha con,
tình đồng đội và cả tình yêu đôi lứa.
Một mối quan hệ không
thể thiếu trong tâm hồn của mỗi chiến sĩ xung trận, đó là tình yêu lứa đôi. Tình yêu trong chiến
tranh tuy có lúc âm thầm, lặng lẽ nhưng tận sâu trong trái tim vẫn là những
phút rộn ràng, nồng nhiệt. Tình yêu ấy lớn lên trong mưa bom bảo đạn và sẽ
thăng hoa trong ngày chiến thắng. Điều ấy thể hiện rất rõ ở Lữ và Hiền, chính mối
tình ấy đã đã giúp Lữ ấp ủ một niềm hi vọng, ngày toàn thắng trở về, anh sẽ thổ
lộ tình cảm với Hiền.“Anh vẫn yêu Hiền. Anh vẫn yêu cô với tất cả sự hiểu biết
và tùng trải của anh hiện nay trong khói lửa. Anh đã yêu cô bắt đầu từ một tiếng
hát đảm đang. Cho đến bây giờ, tất cả tình yêu thầm kín và niềm mong mỏi anh đặt
vào cô vẫn là cái tiếng hát cô đang đem đến cho mọi người.” Tuy vậy Trên đồi 475, Lữ đã hy
sinh anh dũng khi trên tay còn ôm chặt chiếc máy thông tin, anh đã đem tình cảm
đối với Hiền đi đến bên kia thế giới Đó không chỉ đơn thuần là niềm hi vọng, mà
còn tiếp thêm sức mạnh vượt qua những khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trên chiến
trường khốc liệt.
Trên con đường
hành quân, những người lính với bao suy nghĩ cứ mải cất giấu trong đầu. Những mối
tình thơ mộng đành để dành cho ngày chiến thắng, dành cho những quyết tâm trở về.
Câu chuyện tình yêu tuy chỉ len lỏi trong phút giây ngắn ngủi, như khi Lượng, một
đại đội trưởng khô khan cũng đôi lúc nghĩ đến chuyện gặp Nết, chị của Khuê.
Nhưng rồi chiến tranh lại xuất hiện với đúng bản chất của nó là chia cắt, suy
nghĩ về tránh nhiệm, nghĩa vụ luôn được đặt lên phia trước đã ngăn bước họ gặp
nhau trên chiến trường. Thế nhưng tình yêu cũng chính là động lực thúc đẩy bước chân người lính
quyết giành độc lập, là vị thuốc xoa dịu mọi nỗi đau thể chất. Cuộc
tình chớm nở nhưng không thành của Lượng và Xiêm – một người vợ có chồng theo
ngụy đã trở thành ký ức khó quên đối với anh.
Lượng đã nhớ
mãi hình ảnh Xiêm “đẹp trong sáng như vị nữ thần của núi rừng, càng khiến cho
Lượng yêu đời và muốn hoạt động. Tất cả những đòn tra tấn do bàn tay man rợ của
bao nhiêu tên giặc cũng trở thành vô nghĩa”. Đó là sức mạnh của tình yêu, nó mở
ra trong lòng người lính những cảm xức dạt dào, yêu đời, yêu người và trở thành
nguồn động lực mạnh mẻ trong chiến đấu.
Những
người lính ra mặt trận không chỉ chịu gian khổ, mà còn cất giấu một nỗi lòng nhớ
quê hương, người đi và người ở, ai chẳng đau, chẳng lo, chẳng thương, chẳng xót. “Hơn hai chục năm qua, cuộc kháng chiến anh hùng và đầy
vinh quang của toàn thể dân tộc như một thỏi đá nam châm đã hút tất cả mọi người,
mọi dân tộc.” Đó là tinh thần yêu nước, tinh thần phục vụ cho lợi ích
dân tộc qua nhiều thế hệ gia đình.
Những con người cầm súng mạnh mẽ, gan dạ nhưng đôi khi cũng có những khoảnh lặng,
chính ủy Kinh kiên trường là vậy, ông cũng nhớ về vợ mình, về đứa con đang ở mặt
trận khác, Đó là nỗi nhớ về gia đình, nhưng không làm ủy mị mà càng khích lệ
tinh thần, để tay ông càng cầm chắc súng tiến lên giành tự do.
Bỏ qua những đau đớn khi mất con, Kinh vẫn phải đối mặt với một cuộc chiến trường
kỳ còn đang ở phía trước với cương vị của một thủ trưởng, là điểm tựa vững chắc
cho những người lính khác. Hay tình
cảm của Lữ dành cho cha chính là tinh thần quyết chiến, cùng cha xông pha trên
chiến trường “Con hứa sẽ tích cực chiến đấu để trở thành một Đảng viên, thực hiện
kỳ được lý tưởng cách mạng cao cả”. Đó là lòng quyết tâm của Lữ và cũng là cách
anh thể hiện tình yêu thương với cha. Sự ác liệt trong kháng chiến, càng khiến
tình phụ tử ấy tỏa sáng hơn, như một sợi dây bền chặt để hướng đến một tương
lai tốt đẹp- đó là độc lập, sum họp bên từng gia đình.
Ngay cả khi
nghe tin làng bị đánh bom, nỗi đau cũng thấm vào tim người lính cần vụ trẻ
Khuê, nỗi đau khi mất đi người thân mẹ và đứa em trai, nỗi đau chưa trả được
thù. Và chính nỗi đau ấy dấy lên trong anh lòng dũng cảm hơn hết “Hình như tất
cả những cặp mắt ngây thơ của những đứa trẻ đều đang hướng về anh, và chúng
đang hỏi anh sẽ làm gì? Cặp mắt từng chiến sĩ ngồi vây chung quanh cũng đang hướng
về anh. Anh đang kể cho họ nghe trận giáp lá cà bằng bạch bình năm ngoái, trận
đánh quân Mỹ trên đồi 31”.
Có thể nói, dù chiến
tranh có khốc liệt, giặc ngoại xâm có tàn bạo đến đâu thì mỗi con người, từng
người lính vẫn luôn dạt dào tình cảm. Họ nối kết với nhau bằng tình cảm chân
tình, nhẹ nhàng nhưng bền chặt. Tất cả điều ấy làm nên một sức mạnh đoàn kết vững
chắc để hướng đến ngày mai đất nước độc lập.
2.2.3
Con
người cá nhân
Dấu chân người lính là cuốn tiểu thuyết mà không chỉ có một nhân vật trung tâm. Nó xoay
quanh những tâm tư, tình cảm khác nhau của những người lính nơi chiến trường.
Qua đó bộc lên những khoảnh khắc, những khía cạnh như được tái hiện lại chân thực,
đầy tình cảm. Đối với người lính thì việc hành quân,
đóng quân tại những cánh rừng sâu là tất yếu. Vì thế những buổi sinh hoạt văn
nghệ, trò chuyện cùng nhau bên ánh lửa luôn là niềm vui của các chiến sĩ, biến
những chuyến hành quân trở nên nhẹ nhàng và phấn khởi. Họ tìm sự khuây khỏa sau
những chặn đường mệt mỏi, sau những giờ phút sinh tử bằng các câu chuyện vui, những
lời tâm sự đầy thân tình. “Câu chuyện giữa những người lính như những cánh bướm
cứ chập chờn biến đổi, từ chuyện này chuyển sang chuyện khác một cách vui vẻ”.
Mỗi người lính có sở
thích khác nhau, nếu như Đàm là người thích
hòa vào không khí náo nhiệt thì Cận là một chiến sĩ khá nội tâm. Người tiểu đội
trưởng này, sống một cách khép kín và luôn giữ bình tĩnh trước mọi tình huống.
Đời sống của Cận chỉ đơn giản trong công tác chiến đấu, vài lời tâm sự với Lữ.
Cận chỉ sống với niềm vui trong tâm hồn mình,
nhiều lúc Lữ nhìn Cận đang say mê ngắm con chim bông lau, rồi chợt nghĩ
“Một con người đã từng một mình đạp lên đầu cả một đại đội quân Mỹ lại đang
nghe tiếng chim hót say sưa đến thế kia? Đời minhfc hưa bao giờ trải qua nhiều
hoàn cảnh sống và chiến đấu khó khăn như thế ấy, vì thế mình cũng chẵn bao giờ
đủ bình thản trong lữa đạn đển có thể nghe một tiếng chim một cách chăm chú...”
Cận có thể bình thản ngồi ngắm con chim trong bom đạn chiến tranh, điều ấy như
khát vọng bình yên của một con người đã từng trải qua những khó khăn trong cuộc
đời.
Còn đối với Lữ, cậu học
sinh với sự dũng cảm, tuy bướng bỉnh nhưng lại ngắm Cận để chợt nhận ra chính
mình. Sau nhiều trải nghiệm với những khó khăn, đã có lúc Lữ phải nghiêm khắc với
chính mình “anh đem mình với đối chiếu với những quan niệm thẳm mỹ mới mẻ”. Và
anh chợt nhận ra “Chưa bao giờ anh biết yêu quý và trân trọng những người đồng
đội chung quanh như hiện nay. Cái điều mới nảy sinh là anh đã tìm được niềm vui
và phẩm giá tuyệt đỉnh của những con người, đó là những người đồng đội rất mực
bình thường vẫn sống chung đụng với anh hàng ngày. Cũng chưa bao giờ cuộc đời
hiện ra trước mắt anh đẹp như hôm nay, mặc dù hôm nay anh chịu nhiều đói khát,
đang đứng trên một mảnh đất ác liệt chưa từng thấy. Đối với lí tưởng của Đảng,
từ trước kia đến hôm nay, niềm tin của Lữ trong trắng như một cành hoa huệ”.
Qua những khao khát đời
thường, dung dị của con người, ta thấy được hình tượng người lính hiện lên thật
sống động và chân phương. Đó là sự hài hòa giữa lý tưởng với cái đời thường-
tình yêu, gia đình và niềm vui cá nhân.Người lính, tât cả những gì mà Nguyễn
Minh Châu đã thành công xây dựng một anh hùng mang hơi thở cuộc sống, hơi thở của
dân tộc trong Dấu chân người lính.
3.
Nghệ
thuật xây dựng hình tượng người lính trong “Dấu chân người lính” của Nguyễn
Minh Châu
3.1
Cảm
hứng nghệ thuật
Cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm là cảm hứng sử
thi. Tính chất sử thi đó được thể hiện qua việc, tác giả đã xây dựng được những
nhân vật sử thi to lớn, đẹp đẽ, rất đáng khâm phục như: Kinh, Hiền, Nhẫn, Lượng,
Nết…ở các nhân vật đó ta thấy mỗi người có một tính cách khác nhau nhưng họ đều
có chung lý tưởng đó là đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong
tác phẩm, tình cảm nổi trội hơn hết là tình đồng đội, đó là mối quan hệ tất yếu
phải được lựa chọn. Trên dọc đường hành quân, những dịp gặp gỡ của những người
chưa quen biết cũng trở nên thân quý nhau, gắn bó với nhau. Tất cả mọi tình cảm
như tình cha con, anh em thậm chí là tình yêu đôi lứa cũng đều được quy định bởi
tình đồng đội, bởi ý thức cách mạng của những người lính. Tình cảm gia đình là
thứ tình cảm thiêng liêng, quý giá của mỗi con người, nhưng trong cuộc chiến của
toàn dân tộc, nó cũng trở nên bé nhỏ so với vận mệnh của quốc gia.
Xây
dựng được không gian mang tính sử thi, con người mang tính sử thi, tác giả đã vận
dụng sự tinh tế của mình để quan sát, đề nhận diện tính chất gay go của cuộc
chiến trong giai đoạn đó,lo lắng, trăn trở cho cuộc kháng chiến, xông pha không
sợ hiểm nguy, chiến đấu quên mình…là những gì mà tác giả xây dựng cho người
lính. Chính vì vậy, tác phẩm mang âm hưởng anh hùng ca về lòng quả cảm, tinh thần
thà hy sinh để bảo vệ dân tộc của những người lính.
Cùng
với cảm hứng sử thi, cảm hứng lãng mạn trong tác phẩm cũng được tác giả đưa lên
như cảm hứng chủ đạo. Cảm hứng trong văn học Việt Nam giai đoạn này là cảm hứng
lãng mạn cách mạng. Trong tác phẫm, cảm hứng lãng mạn có tác dụng làm vơi bớt
đi tính khô khan của sử thi, mang lại màu sắc mới cho văn học giai đoạn này. Chẳng
hạn, trong tác phẩm ta thấy nhân vật Lượng thích Xiêm, nhưng Xiêm lại là vợ của
một tên bán nước, tức là đi theo ngụy. Trong lúc chiến đấu Lượng cố tìm cho được
tên tình địch đó đem về cho người yêu, một hành động sử thi nhưng cũng hết sức
lãng mạn. Đây chỉ là một trong rất nhiều biểu hiện của sự kết hợp lãng mạn và sử
thi trong tác phẩm.
Ngoài
ra, bầu không khí lãng mạn còn bao trùm tác phẩm, đó là tinh thần, lạc quan, niềm
tin vào tương lai, cách mạng, những nhân vật với những tính cách, hoàn cảnh
khác nhau nhưng đều chiến đấu cho một lí tưởng chung.
Bên
cạnh cảm hứng lạng mạn và sử thi, Nguyễn Minh Châu còn ca ngợi chủ nghĩa yêu nước,
chủ nghĩa anh hùng, một đặc điểm quan trọng của văn học kháng chiến.
Không gian và thời
gian trong tác phẩm
·
Không gian
Không gian chiến
trường hoành tráng, giới thiệu đầy đủ những tri thức về chiến tranh như các loại
binh chủng, tổ chức quân đội, kinh nghiệm chiến trường, khung cảnh chiến trường,
tinh thần chiến đấu…
Ngoài ra, còn có
những không gian nhỏ hơn đó là những không gian làng Vân Kiều, nơi già Phang ở,
là gian nhà bếp nơi Xiêm ngồi, là những con suối, con đường mà các chiến sĩ đã
đi qua, là căn hầm 475 nơi Lữ công tác…
Không gian được
miêu tả một cách khốc liệt dưới tiếng bom đạn, có khi lại hết sức lãng mạn dưới
tiếng chim hót, tiếng nói chuyện rôm rả của con người. Nguyễn Minh Châu thật
tinh tế khi khai thác thật triệt để cả không gian tâm tưởng của con người.
Trong tác phẩm, đó là những vùng kí ức được tái hiện lại trong tâm trí của từng
nhân vật.
·
Thời gian
Khoảng thời gian
trong tác phẩm đi cùng với từng khoảng thời gian của cuộc cách mạng dân tộc, chất
chứa những sự kiện trọng đại, chuyển động cùng với nhịp vận động của dân tộc.
Thời gian trong
tác phẩm là một dòng chảy tiếp nối quá khứ để hiện tại đến tương lai. Hiện tại,
quá khứ đều được đặt chung một điểm nhìn, điểm nhìn này khiền chúng ta có cảm
giác mọi việc như đang diễn ra trước mặt.
3.2
Ngôn
ngữ trong tác phẩm
Ngôn ngữ trần thuật trong tác phẩm được tác giả sử dụng
một cách đơn giản, chân thực nhưng cũng không kém phần sinh động, chẳng hạn: A, chào thầy Đường tăng sang Việt Nam lấy đầu
Mỹ, hoặc thấy có chú tiểu đồng kháu
ra kháu…. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng ngôn ngữ mang màu sắc quân đội như
những từ ngữ chỉ vũ khí chiến tranh:B52, trực thăng, lựu đạn, bom, nụ xòe…các từ
ngữ chỉ địa danh hay chức vụ trong đơn vị: u bộ, căn cứ, chính ủy, tiểu đoàn
trưởng, trung đoàn trưởng….những từ ngữ địa phương: mô, răng…tất cả được kết hợp
một cách khéo léo mang đến cho người đọc một bức tranh toàn cảnh về chiến tranh
thời đó.
Một thành công khác của Nguyễn Minh Châu trong tác
phẩm là ông đã xây dựng được những đoạn trữ tình ngoại đề để nói lên những suy
nghĩ của chính bản thân mình, nó như một lời nhận xét, đánh giá, nó có thể là cảnh
vật cũng có thễ là con người. Chẳng hạn, phần mở đầu của chương 7 là một ví dụ
điển hình: Một người đứng từ xa
nhìn Khe Sanh trong những tháng mùa xuân dữ dội và đạm bạc màu sắc ở đây rồi
sau bao lâu cũng không thể nào dứt ra khỏi trí nhớ cùng một lúc hai hiện tượng:
Một bầu trời đầy sương mù bao trùm lên mặt trận; tiếng pháo của ta và tiếng bom
của địch nổ long trời, trùm lên nhau, như muốn cùng một lúc xé toang cái màn
sương che phủ mặt đất để gieo xuống đó ngọn lửa thiêng liêng của người hay ngọn
lửa tội ác của loài quỷ
Bên cạnh ngôn ngữ trần thuật còn có ngôn ngữ nhân vật,
trong tác phẩm nó được thể hiện qua những đoạn đối thoại, độc thoại, thư từ, nhật
kí….của các nhân vật. Những đoạn hội thoại này gián tiếp nói lên chân dung và
tính cách của nhân vật.
3.3
Nghệ
thuật xây dựng nhân vật
Nhân vật trong tác phẩm được tác giả xây dựng một
cách đơn giản nhưng không kém phần sâu sắc, khắc họa một cách rõ nét từ tính
cách đến tâm lí nhân vật.
Đầu
tiên là về ngoại hình. Ngoại hình của các nhân vật được miêu tả tỉ mỉ, chẳng hạn
như tiểu đội trưởng Khuê hiện ra dưới mắt người đọc : tiểu đội trưởng nhỏ nhắn, có mái tóc cum cúp đôi mắt hẹp và đen, được mệnh
danh là” con mắt chết gái hay Lượng một
anh thanh niên khoảng chừng ba mươi tuổi, khổ người cao lớn, dáng đi cứng nhắc,
tiếng nói và cái nhìn đầy nghiên nghị
hoặc là chính ủy Kinh “ăn mặc dân dã, quê mùa, có con mắt độc nhãn nhìn
xuyên thấu quân địch”…
Việc
xây dựng ngoại hình nhân vật thay cho lời giới thiệu của tác giả về nhân vật
đó, giúp người đọc phần nào hình dung về tính cách của nhân vật đó.
Xây
dựng những người lính có những tính cánh khác nhau nhưng trong chiến đấu họ
luôn luôn biết nghĩ cho công việc chung, cho tập thể chứ không phải cho bản
thân cá nhân họ, họ là những con người biết lắng nghe và biết nhường nhịn.
Bên
cạnh sự khốc liệt của chiến tranh, tác giả cũng để cho những người lính có lúc
được vui đùa, mặc dù họ ở những lứa tuổi khác nhau nhưng trong chiến đấu họ xem
nhau như những người bạn, giữa chỉ huy và chiến sĩ có quan hệ rất mật thiết, rất
bình đẳng, rất cởi mở và dường như không có sự cách biệt nào, chẳng hạn, trong
tác phẩm Chính ủy Kinh gọi Khuê là ông, mặc dù Khuê chỉ bằng tuổi con trai ông…
ngôn ngữ các chiến sĩ nói chuyện với nhau cũng không câu nệ tiên sư cái thằng Mỹ này, chuyện ấy kệ thây
mẹ nó…
4. So sánh hình tượng người
lính trong tác phẩm Xung kích của Nguyễn Đình Thi và tác
phẩm Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu
“Trong một trăm năm tới,
chiến tranh vẫn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho toàn bộ nghệ thuật – từ bi kịch
và sử thi cho đến cả những bài thơ tứ tuyệt, trữ tình”
– Đại văn hào người Nga Leptonxtoi chuyên viết về đề tài chiến tranh đã phỏng
đoán như thế vào năm 1945. Thật vậy, trong nền văn học Việt Nam nói riêng và nền
văn học thế giới nói chung, không có đề tài nào lại gây được nhiều cảm hứng cho
tác giả cũng như sự đồng cảm nơi người đọc như đề tài chiến tranh. Trong chiến
tranh, con người không chỉ học cách dũng cảm, gan dạ với hiểm huy, mà còn phải
biết gạt đi nước mắt để tìm kiếm và bảo vệ những điều tốt đẹp. Khi viết về chiến
tranh, các nhà văn, nhà thơ không chỉ viết về bom đạn máu lửa mà viết về số phận
con người, về nhân tính, về lăng kính chiến tranh được nhìn dưới nhiều góc độ
đa chiều. Hình tượng người lính chính là một trong những hình tượng mà không ít
nhà văn, nhà thơ đã tốn hết ngòi bút và tâm sức để có thể diễn tả hình tượng ấy
qua những trang sách. Nếu như tác phẩm Xung
kích của Nguyễn Đình Thi tiêu biểu cho hình tượng người lính chống Pháp gan
dạ, dũng cảm, can trường, thì với Dấu
chân người lính của Nguyễn Minh Châu, người lính không chỉ được kế thừa
truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta đi trước mà còn góp sức xây dựng
xã hội chủ nghĩa.
Văn
học luôn là tấm gương phản ánh hiện thực của xã hội, chiến tranh in dấu trong lịch
sử nước nhà những trang sáng vẻ vang nhưng cũng không hề thiếu những hy sinh to
lớn của con người. Cùng viết về đề tài chiến tranh và hình tượng người lính, mỗi
tác phẩm được sáng tác ở một giai đoạn khác nhau trong lịch sử nên điều kiện để
phản ánh sức mạnh tinh thần của mỗi thời đại cũng khác nhau, nhưng cả hai tác
phẩm đều có một điểm chung duy nhất. Đó là viết cho con người, và viết vì con
người. Với bút pháp chân thực, lạc quan trong Xung kích, bức tranh sinh động về cuộc chiến và con người lính thời
kháng Pháp được bộc lộ dưới ngòi bút của Nguyễn Đình Thi. Còn với Dấu chân người lính, không khí hào hùng
“xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” bao trùm toàn bộ không gian nghệ thuật của tác
phẩm, tiến vào Khe Sanh, đột kích Tà Cơn, quyết chiến quyết thắng.
Những
vấn đề có tính khái quát về chiến tranh và lịch sử dân tộc lần lượt được các
nhà văn tìm tòi để thể hiện trong tác phẩm của mình. Về hai thế hệ cầm súng, hạnh
phúc gia đình, việc từ bỏ ước vọng cá nhân để đi theo tiếng gọi của lịch sử và
ý thức của con người trước lẽ sống và cái chết. Tất cả những vấn đề ấy được thể
hiện rõ ràng hơn trong tiểu thuyết Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu.
Nhân vật chính ủy Kinh và con trai ông là Lữ không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi
những người cầm súng, mà đó còn là sự ảnh hưởng của lịch sử, của chiến tranh đối
với con người. Chính ủy Kinh đại diện cho những người lính trung thành tuyệt đối
với cách mạng, đã được tôi luyện qua bom đạn của giặc Pháp. Với sức trẻ sáng tạo
và lòng nhiệt huyết với cách mạng, Lữ đại diện cho thế hệ những người trẻ luôn
đi tìm kiếm con đường và bản ngã cho chính mình. Nói như vậy không có nghĩa là
tác phẩm Xung kích không thể hiện được
những vấn đề nêu trên, cần phải xét về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Xung kích, tuy được viết vội nhưng đã
làm tròn vai trò mở đường cho văn học cách mạng Pháp, tức là đã phản ánh đầy đủ
một cuộc chiến mà con người ta không thể thất bại, hoặc là chiến thắng, hoặc là
kết thúc.
Khi
viết về chiến tranh, phần lớn các nhà văn sẽ không đi sâu vào khai thác yếu tố
miêu tả tâm lý nhân vật trong tác phẩm, vì những vụn vặt tẩn mẩn của trái tim
con người, không khéo sẽ làm người lính chùn bước trước quân địch. Thật ra khi ở
trong lòng chiến tranh, con người nhỏ bé hay lớn lao đều tùy thuộc vào suy nghĩ
của họ. Dấu chân người lính đã có một bước phát triển mới so với các tác phẩm
trong văn học cách mạng Pháp như Xung
kích là đã tập trung miêu tả tâm lý nhân vật một cách chân tình. Anh Lữ cùng
quyển sổ nhật ký với những trăn trở, những lý tưởng, những ước vọng đã trở
thành một trong những nhân vật được khắc họa đẹp nhất của Nguyễn Minh Châu. Người
lính cũng có cảm xúc, cũng có những yêu thương hờn giận, cũng có đau đớn, cũng
lo lắng và mệt mỏi vì chiến tranh, nhưng trên hết, họ biết vượt qua những đau đớn
ấy, vì lý tưởng mà mình theo đuổi.
Xét
về bối cảnh hiện thực đời sống của mỗi tác phẩm, Xung kích ra đời sớm hơn vào năm 1951 đại diện thế hệ người lính thời
kháng chiến chống Pháp. Đó là những người nông dân chân lấm tay bùn, vứt bỏ cày
cuốc nơi ruộng đồng đển đứng lên đấu tranh chống lại quân thù, chiến đấu vì lý
tưởng, vì cách mạng dân tộc dân chủ. Nguyễn Minh Châu viết Dấu chân người lính
vào những năm ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đó là hình ảnh những
người lính ra đi bỏ lại tương lai tốt đẹp ở phía sau, ra đi vì lý tưởng xây dựng
chủ nghĩa xã hội. Họ có ý thức sâu sắc về tầm vóc và ý nghĩa của khái niệm “Nam
– Bắc sum họp một nhà”, về cuộc kháng chiến chống Mỹ, biểu hiện cho tinh thần của
thời đại lúc bấy giờ.
Với
góc nhìn đa chiều chuyển từ nhân vật này sang nhân vật khác, Dấu chân người
lính dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Minh Châu là hình ảnh chân thật và sống động
về chiến tranh. Không tập trung quá nhiều mà dàn trải ra từng nhân vật, người kể
chuyện ở ngôi thứ ba khuất sau sân khấu, ít can thiệp vào đời sống văn học của
các nhân vật đã tạo cho người đọc điểm nhìn phong phú và sự thấu hiểu sâu sắc về
những người lính trong kháng chiến chống Pháp. Thời gian trong tác phẩm được
quy chiếu theo một trật tự nhất định mà trận đánh mùa khô là trung tâm của tác
phẩm. Khác với tác phẩm Xung kích tập trung miêu tả theo trình tự không – thời
gian nhất định. Nghệ thuật tiểu thuyết mà Nguyễn Minh Châu xây dựng đã xuất hiện
một vài nét mới so với các tác phẩm ở thời kỳ trước và mở đường cho các tác phẩm
văn học của ông sau năm 1975.
Hình
tượng người lính trong hai cuộc kháng chiến tuy có khác nhau nhưng vẫn là người
lính đại diện cho tâm hồn cả dân tộc luôn khao khát giữ gìn và bảo vệ hòa bình
đất nước. Nguyễn Đình Thi cũng như Nguyễn Minh Châu đều xứng đáng là một trong
những thế hệ nhà văn đi đầu trong sự nghiệp văn học cách mạng của nước nhà.
5. Kết
luận
Bằng
tài năng và vốn hiểu biết của mình về chiến tranh, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng
thành công hình tượng người lính trong
cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc qua các phương diện:
Nghệ
thuật miêu tả, xây dựng ngoại hình, tâm lí, tính cách nhân vật độc đáo, khắc họa
rõ nét chân dung người chiến sĩ trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mỗi
người có tính cách, ngoại hình khác nhau nhưng cùng có chung một lí tưởng là đấu
tranh giải phóng dân tộc, quét sạch giặc thù ra khỏi đất nước, xây dựng cuộc sống
ấm no.
Ngôn
ngữ giản dị phong phú, có sự kết hợp nhịp nhàng giữa ngôn ngữ sinh hoạt với
ngôn ngữ sử dụng trong chiến tranh đã tạo ra bức tranh toàn cảnh về cuộc sống
và cuộc kháng chiến của quân và dân ta trong giai đoạn đó. Đặc biệt việc xây dựng
tác phẩm theo khuynh hướng sử thi kết hợp lãng mạn đã tạo ra một bộ mặt mới của
tiểu thuyết Việt Nam. Tất cả đã tạo ra sự thành công to lớn cho tác phẩm, đánh
dấu tên tuổi Nguyễn Minh Châu trên thi đàn văn học.
Tài liệu
tham khảo
1.
Nguyễn Minh Châu
(2004), Dấu chân người lính, Nhà xuất
bản Văn học
2.
Mai Hương
(2001), Nguyễn Minh Châu tài năng và sáng
tạo nghệ thuật, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin
3.
Nguyễn Trọng Hoàn (2007), Nguyễn
Minh Châu- Về tác gia và tác phẩm Nhà xuất bản Giáo dục
4.
Nguyễn Huy Thắng
(2011), Nguyễn Minh Châu- từ Dấu chân người
lính đến lão Khúng ở quê, Nhà xuất bản Kim Đồng
5.
Thao Nguyễn
(2013), Nguyễn Minh Châu một giọng văn
nhiều trắc ẩn, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin
* Bài thuyết trình Văn k2011
> Bài viết được đăng 24/4/2014
Quá hay!!!!Cảm ơn người đã viết bài này
Trả lờiXóa