Người Công giáo chúng ta trân trọng khả năng đặc biệt của những nhà ngoại cảm để thấy đó cũng là một ân sủng Chúa ban, giúp chúng ta gắn bó với những người đã khuất trong Mầu nhiệm các Thánh cùng Thông công.
GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI NÓI GÌ VỀ HIỆN TƯỢNG NÀY ?
Trước hết chúng ta nên phân biệt ma với quỷ. Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học, ma là người đã chết còn quỷ là con vật tưởng tượng dưới âm phủ, hình thù kỳ dị và dữ tợn hiện lên quấy nhiễu và làm hại người. Giáo lý Phật giáo giải thích “ma” (Màra, Ma-la): chỉ lũ ác quỷ làm hại con người, gây nhiễu loạn (x. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tự điển Phật học Hán Việt, Hà Nội 1992) và “quỷ” là linh hồn người thác, âm hồn ác độc thường phá hoại người sống (x. Đoàn Trung Côn, Phật học Tự điển, quyển 2, NXB TP.HCM, 1992).
Theo niềm tin Kitô giáo, “ma” có thể hiểu là linh hồn người đã khuất, còn “quỷ” là những thiên thần sa ngã cắt đứt hoàn toàn sự hiệp thông với Thiên Chúa (x. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 391,392,414 và 2851). Tuy nhiên, chúng ta hay nói ma quỷ như một tập thể những linh hồn ác đức mà không phân biệt. Thí dụ: như bí tích Rửa tội là sự từ bỏ ma quỷ (x. SĐD, số 1237, các công việc của ma quỷ, (x. SĐD, số 394395,398,2851,2852), Chúa ban cho các tông đồ quyền xua đuổi ma quỷ (x. SĐD, số 1506)…
Chúng ta nên phân biệt “ma” khác “quỷ” dù cùng là những tinh thần như nhau, nhưng ma là tinh thần của người đã khuất sau khi thân xác tan rã còn quỷ là tinh thần thuần tuý, không có thể xác.
Vì con người chúng ta có thể xác và tinh thần nên tinh thần của chúng ta có thể gặp gỡ được những tinh thần khác. Sách Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo hội Công giáo đã xác định điều này ở số 130: “Mở ra với siêu việt là một đặc tính của con người: con người mở ra với Đấng vô biên, cũng như với mọi thụ tạo”.
Sách Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo hội Công giáo giải thích thêm cho chúng ta rằng tinh thần con người có thể gặp gỡ được Đấng vô biên là Thiên Chúa, Ngài là tinh thần tuyệt đối. Ngoài ra, con người có thể gặp được tinh thần thuần tuý khác như các thiên thần và tổng lãnh thiên thần là những Đấng gìn giữ, bảo vệ, hướng dẫn cũng như gặp ác quỷ là các thiên thần sa ngã chỉ muốn làm hại, cám dỗ con người.
Thêm vào đó, con người có thể gặp các hồn ma là những tinh thần không còn thể xác. Hồn ma có nhiều loại: Trước hết, là hồn của thánh nhân, những người tốt lành, đang hưởng hạnh phúc trọn vẹn với Chúa, họ cũng muốn giúp đỡ chuyển cầu cho con người. Tiếp đến là hồn của những người đang được thanh luyện, có thể được Chúa cho phép tiếp xúc với con người để giúp con người thăng tiến đồng thời cũng giúp họ được thanh tẩy để sớm hưởng trọn vẹn hạnh phúc với Chúa. Cuối cùng có những hồn của người ác đã cắt đứt sự hiệp thông với Chúa nên theo quỷ dữ để làm hại, ám ảnh con người.
Vì thế, không thể đánh đồng mọi loại ma vì có ma tốt ma xấu, ma lành ma ác. Nếu giải thích từ Hy Lạp Dia-bolos mà các nhà ngôn ngữ dịch thành từ “ma quỷ” ta phải hiểu đây là “kẻ phá ngang” kế hoạch của Thiên Chúa và công trình cứu độ của Ngài được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô (x. SĐD, số 2851).
Trong Kinh Thánh Cựu ước cũng như Tân ước chúng ta thấy Chúa đã cho con người được tiếp xúc với chính Ngài, với các thiên thần, các hồn thiêng ma cũng như quỷ cũng như Đức Giêsu đã ban quyền cho các tông đồ để trừ quỷ và giúp các linh hồn người chết được giải thoát.
Hiện tượng tiếp xúc với những người chết của Bà Phan Thị Bích Hằng và nhiều nhà ngoại cảm khác chỉ muốn nhắc nhở người tín hữu chúng ta về sự hiện diện của các thần-thánh và sứ mạng cứu độ của con người trong Mầu nhiệm Hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
(Uỷ Ban Công Lý Và Hòa Bình - Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)
> Bài viết được đăng 19/6/2014
0 nhận xét:
Đăng nhận xét