Anna Karenina - Nhà hiện thực và nhà tư tưởng Lev Tolstoy




 1.   Từ chủ nghĩa hiện thực đến tiểu thuyết hiện thực Nga thế kỷ XIX
        1.1.   Chủ nghĩa hiện thực
Trong Từ điển giản yếu về văn học nước ngoài, Abrams đã chỉ ra chủ nghĩa hiện thực bao gồm hai tầng ý:
h  Chỉ trào lưu văn học thế kỉ XIX, đặc biệt là chỉ trào lưu văn nghệ trong tiểu thuyết (lấy Balzac của nước Pháp, George Eliot của Anh làm chủ soái)
h  Chỉ thủ pháp miêu tả hiện thực cuộc sống xuất hiện trong mọi thời đại, điển hình là những tác phẩm trong trào lưu lịch sử này”. 
Từ điển thuật ngữ văn học của Trần Đình Sử  (đồng chủ biên) đã định nghĩa chủ nghĩa hiện thực ở hai nghĩa:
h Thứ nhất, theo nghĩa rộng, thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực được dùng để xác định quan hệ giữa tác phẩm văn học với hiện thực, bất kể tác phẩm đó của nhà văn thuộc trường phái hoặc khuynh hướng văn nghệ nào. Với ý nghĩa này, khái niệm chủ nghĩa hiện thực gần như đồng nghĩa với khái niệm sự thật đời sống, bởi tác phẩm nào cũng phản ánh hiện thực. Từ việc định nghĩa đó,
có thể nói khi tìm về hiện thực cũng như chủ nghĩa hiện thực của các nhà văn thì sẽ nhấn mạnh vấn đề các tác phẩm đó gần gũi, gắn bó với cuộc sống, mang tính chân thực sâu sắc. Cách hiểu như thế hiện nay không còn lưu hành nữa vì nó không mang lại hiệu quả gì cho nghiên cứu văn học. Bởi lẽ, chủ nghĩa hiện thực không chỉ đơn thuần là gần gũi với hiện thực, là chân thực khách quan, mà nó phải có một nguyên tắc thẩm mĩ nào đó để mọi người có thể khám phá và đi sâu vào những cái đẹp.
h  Thứ hai, theo nghĩa hẹp, chủ nghĩa hiện thực là một khái niệm chỉ một phương pháp nghệ thuật hay một khuynh hướng, một trào lưu văn học có nội dung chặt chẽ, xác định trên cơ các nguyên tắc mĩ học sau: Mô tả cuộc sống bằng hình tượng tương ứng với bản chất những hiện tượng của cuộc sống và bằng điển hình hóa các sự kiện của thực tế đời sống. Nguyên tắc mĩ học tiếp theo là thừa nhận sự tác động qua lại giữa con người và môi trường sống, giữa tính cách và hoàn cảnh, các hình tượng nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa hướng tới cái thiện, cái chân thực của các mối quan hệ khác của con người và hoàn cảnh. Đồng thời, cùng với sự điển hình hóa nghệ thuật, coi trọng những chi tiết cụ thể và độ chính xác của chúng trong việc miêu tả con người và cuộc sống, coi trọng việc khách quan hóa những điều được mô tả, làm cho chúng “tự” nói lên được tiếng nói của mình. Đây là nguyên tắc thẩm mĩ cuối cùng của chủ nghĩa hiện thực.
Như vậy, chủ nghĩa hiện thực nảy sinh nh­ư sự thừa kế đồng thời như­ sự đối trọng với chủ nghĩa lãng mạn. Trái với chủ nghĩa lãng mạn luôn hướng đến vẻ đẹp của trí tưởng tượng và cảm xúc bay bổng, cái đẹp là cái vượt lên bề mặt chật hẹp của cuộc sống thường nhật, thì chủ nghĩa hiện thực yêu cầu người nghệ sĩ nhập thế trở lại, viết về cuộc sống và con người như nó vốn có dưới một hình thức mạch lạc, rõ ràng, không tô điểm cầu kì. Đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự hình thành và phát triển mâu thuẫn giữa các giai cấp xã hội. Quay về nhìn thẳng vào sự thật, các nhà văn chân chính đã kiến giải một cách tường minh rằng: nội dung cơ bản của những quan hệ xã hội là vấn đề mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp. Để có cái nhìn trực tiếp, đa diện, và bản chất nhất đối với chuyển biến xã hội, mà đ­ược đánh dấu là bư­ớc trư­ởng thành trong thế giới quan so với chủ nghĩa lãng mạn, nhà văn hiện thực còn được cung cấp vốn hiểu biết, tri thức nhất định do sự kết tinh từ thành tựu của khoa học. Tất cả những đặc điểm về tình trạng xã hội và những thành tựu khoa học chính là cơ sở, tiền đề cho nhận thức của các nhà văn về quy luật sinh tồn và sự vận động của xã hội.
1.2.           Tiểu thuyết hiện thực Nga
Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng tiểu thuyết đã dần vươn lên vị trí hàng đầu trong nền văn học Nga, trở thành bách khoa thư nghệ thuật của thời đại. Sự mở rộng về mặt nội dung kéo theo sự thay đổi về cơ bản hình thức: với bản chất tự sự, tiểu thuyết đồng thời thu vào mình thêm cả những đặc tính vốn thuộc thi ca và kịch. Tính chất tổng hợp chính là đặc trưng nổi bật của tiểu thuyết Nga thế kỷ XIX và cũng là nguyên nhân quan trọng giúp nó chiếm vị trí trung tâm trong văn học Nga và văn học thế giới.
Thời đại tiểu thuyết hiện thực Nga mở ra trên ngưỡng cửa thập niên 30 với tiểu thuyết bằng thơ của Pushkin: Evgeny Onegin. Đó là tiểu thuyết “khởi đầu của mọi sự khởi đầu” tạo nên những nhân vật điển hình của thời đại, với những phương thức nghệ thuật trở thành khuôn mẫu cho những thế hệ tiểu thuyết Nga về sau.
Lermontov và Gogol là hai nhà văn kế tục sự nghiệp “khởi đầu” của Pushkin. Tác phẩm Nhân vật của thời đại chúng ta của Lermontov là tiểu thuyết Nga đầu tiên đi vào khám phá lịch sử tâm hồn con người cá nhân. Còn Linh hồn chết của Gogol lại mở đầu cho khuynh hướng hiện thực phê phán. Như vậy, có thể nói, Evgeny Onegin, Nhân vật của thời đại chúng ta, Những linh hồn chết tạo nên ba chân kiềng vững chắc cho sự phát triển của tiểu thuyết hiện thực Nga thế kỷ XIX, và ba tác phẩm này nhiều khi trong phê bình văn học Nga còn được gọi là “tiểu thuyết hiện thực cổ điển”.
Sự xuất hiện của Dostoevsky và Lev Tolstoy đánh dấu bước phát triển cao nhất của tiểu thuyết hiện thực Nga thế kỷ XIX. Từ những năm 80 trở đi, tiểu thuyết hiện thực Nga bắt đầu đi xuống, nhường vị thế thống lĩnh của mình trên văn đàn cho những thể loại khác, đặc biệt là truyện ngắn. Các tiểu thuyết Nga mỗi tác phẩm mỗi khác, các nhà văn mỗi người một phong cách riêng, nhưng họ có một điểm chung, đấy là tất cả đều quan tâm đến vận mệnh nước Nga, đến các vấn đề xã hội thời đại, đồng thời, họ đều là những nhà nhân văn lớn, nhà tư tưởng lớn. Tiểu thuyết hiện thực thế kỷ XIX là di sản quý báu mà văn học Nga đã góp vào nền văn học thế giới. Dẫu cho các tiểu thuyết hiện thực Nga đã ra đời cách đây hàng thế kỷ, song chúng luôn luôn “trẻ”, bởi hậu thế vẫn có thể phát hiện rất nhiều bài học nghệ thuật từ đó.
2.      Anna Karenina trong dòng chảy của tiểu thuyết hiện thực Nga
Anna Karenina là một tiểu thuyết quan trọng không chỉ với tác giả của nó là Tolstoy, mà còn là tác phẩm có giá trị của văn học hiện thực Nga thế kỷ XIX nói riêng cũng như văn học thế giới nói chung. Tên tuổi của văn hào Tolstoy – đặc biệt là sau thành công của Chiến tranh và hoà bình, tuy không quyết định tất cả, song nếu nhìn từ một giác độ nào đó, đã trở thành một yếu tố đảm bảo chất lượng cho cuốn tiểu thuyết. Song sức sống nội tại lâu bền của tác phẩm cũng đã tác động ngược trở lại, trở thành một minh chứng rõ ràng cho tài năng và dấu ấn văn chương của một trong những nhà văn lớn nhất mọi thời đại. Trong dòng chảy của tiểu thuyết hiện thực Nga, Anna Karenina đã tìm được cho mình một vị thế xứng đáng. Và người sáng tạo nên nó, cũng đã đạt đến đỉnh cao tuyệt với của nghệ thuật sáng tác.
2.1.           Sự bảo chứng từ tên tuổi của Lev Tolstoy
Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của Lev Tolstoy
Nikolayevich LevTolstoy là một trong những đại biểu lớn nhất và xuất sắc nhất của văn học hiện thực Nga và thế giới thế kỷ XIX. Qua gần 60 năm hoạt động văn học không mệt mỏi, ông đã để lại một di sản văn học đồ sộ và quý báu gồm: 3 bộ tiểu thuyết lớn, hàng chục truyện vừa, hàng trăm truyện ngắn và một số vở kịch, nhiều bài văn chính luận và thư từ, nhật ký…
Ông sinh ngày 9.9.1828 trong một gia đình quý tộc trại ấp ở làng Iaxnaia Poliana. Chỉ mới hai tuổi, mồ côi mẹ, lên chín tuổi, mồ côi cha, anh em Tolstoy sống với bà cô ruột. Năm 16 tuổi, Tolstoy thi vào Trường Đại học Kazan. Mùa xuân 1847. Tolstoy bỏ học trở về trại ấp Iasnaia Poliana nhận gia tài, điền trang và nông nô theo luật thừa kế. Tolstoy tích cực lo cải thiện đời sống cho nông nô và tá điền.
Bốn năm sau, Tolstoy đi du lịch vùng Kapkaz sống gần những người Kozak. Ít lâu sau, ông xin nhập ngũ. Tolstoy ưa đọc sách của các nhà văn Rousseau, Schiller, Dickens, Gogol. Tác phẩm đầu tay Thời thơ ấu đăng báo đã giành ngay được cảm tình của độc giả. Nhà văn trẻ phấn khởi viết tiếp Thời niên thiếu (1854) và Thời thanh niên (1857). Cuối năm 1855, Tolstoy trở về. Vì còn nặng tư tưởng quý tộc, ông ít gần gũi với những người dân chủ cách mạng. Ông đề ra một số tư tưởng cải cách xã hội để giải phóng nông nô ở trại ấp của mình. Triệu tập nông nô để hợp bàn nhưng không thành, ông tiếp tục viết truyện ngắn.
Cuốn tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình viết từ năm 1863 -1869 đã làm cho tên tuổi của Tolstoy rạng rỡ khắp nước Nga và thế giới, khiến ông trở thành “con sư  tử của văn học Nga”.
Từ 1873-1877, ông viết xong cuốn tiểu thuyết Anna Karenina nêu lên nhiều vấn đề xã hội cấp bách.
Những năm 1880, ông viết những bài chính luận phê phán hệ tư tưởng quý tộc với tất cả cảm xúc chán ghét. Tháng 10.1881, nhà văn đã già nhưng rất khỏe, tự nguyện sống kham khổ và ham lao động chân tay, cưỡi ngựa và đi bộ xa. Ông tiếp tục viết truyện và kịch miêu tả cảnh khổ của nông dân, truyền bá học thuyết “Thuyết tu thiện, bất bạo động”.
Tác phẩm vĩ đại nhất những năm 90 của Tolstoy là tiểu thuyết Phục sinh (1889-1899). Đây là bản án đanh thép tố cáo chế độ nông nô chuyên chế và giáo hội Nga là kẻ đẩy quần chúng vào cảnh khốn cùng. Giáo hội Nga tuyên bố khai trừ nhà văn vào năm 1901, và mỗi năm, các nhà thờ ở Nga dành một ngày chủ nhật để nguyền rủa bá tước Tolstoy là “tên dị giáo và phản Chúa”.
Trong những năm cuối đời, Tolstoy lâm vào tình trạng khủng hoảng lý tưởng. Mộng ước của ông là xóa bỏ chế độ tư hữu ruộng đất, xóa bỏ mọi bất công và thực hiện lý tưởng tự do nguyên thủy, về con người chí thiện mà ông đã truyền bá suốt đời mình, rút cuộc vẫn chưa thực hiện được. Sự bất hòa giữa ông với vợ con lại làm cho bi kịch đó thêm nặng nề. Rạng sáng ngày 28.10.1910, Tolstoy cùng bác sĩ riêng bỏ nhà ra đi. Dọc đường ông bị cảm lạnh, phải ghé lại nghỉ ở nhà ga Astapovo (ngày nay mang tên ga Tolstoy). Đến ngày 7.11.1910, Tolstoy hấp hối và qua đời tại nhà ga hẻo lánh đó.
            Với một sự nghiệp văn học đồ sộ, phong cách sáng tác độc đáo, và một cuộc đời trăn trở trong những lý tưởng cải biến xã hội, Lev Tolstoy đã cùng Dostoevsky đưa tiểu thuyết hiện thực Nga lên đến đỉnh cao nhất của nó. Đây là thời kỳ mà ánh hào quang của tiểu thuyết dường như bao trùm toàn bộ đời sống văn học Nga. Mặc dù tiểu thuyết giai đoạn này phát triển mạnh mẽ về cả lượng lẫn chất, song Tolstoy vẫn xác lập được cho mình một phong cách riêng, và thành công rực rỡ từ tiểu thuyết trước đó là Chiến tranh và hoà bình đã phần nào trở thành sự bảo chứng cho giá trị của Anna Karenina.
2.2.           Anna Karenina và sức sống tự thân của nó
Giới thiệu vài nét về tác phẩm:
Trong hồi ký của Sonya, vợ Tolstoy có ghi lại chuyện một bà tên Anna bì tình nhân ruồng bỏ để lấy một cô trẻ hơn, bà ta  đã lao đầu vào xe lửa tự tử trên đường rầy tại nhà ga Lassenki. Anna ở gần sát gia trang Tolstoy và  có quen biết gia đình ông. Tác giả  đã chứng kiến thể xác tan nát của nạn nhân khi có mặt trong lúc khám nghiệm tử thi, rất xúc động, ông nói sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về sự sa đoạ của các bà mệnh phu nhân, giới quí tộc tại kinh thành Petersburg. Trong tác phẩm ông chỉ kể chuyện cuộc đời người đàn bà sa ngã nhưng không kết án nàng
(He told me that he wanted to write a novel about the fall of the society woman in the highest Petersburg circles, and the task he set himself was to tell the story of the woman and her fall without condemning her – Morris Philipson, The Count Who Wished He Were A Peasant, A Life of Leo Tolstoy, trang 79).
Tolstoy bắt đầu viết tiểu thuyết này vào năm 1873, ông bỏ một thời gian, sau viết lại, với rất nhiều bản khác nhau qua 12 lần chỉnh sửa. Ban đầu, Tolstoy đặt tên tác phẩm là Một bà trẻ trung. Từ bản thứ ba, khi đưa thêm Levin vào trong tác phẩm, ông đổi tên thành Hai đám cưới. Từ bản thứ tư, tác phẩm mới có tên Anna Karenina. Ông cho đăng làm nhiều kỳ trên tờ đặc san Rousky Vestnik (Người thông tín viên Nga). Về sau, do đụng chạm với chủ bút Mikhail Katkov về nội dung trong kỳ đăng cuối cùng nên tác phẩm đã xuất hiện toàn bộ đầy đủ lần đầu dưới hình thức sách. Nhân vật chính Anna Karenina được gợi hứng một phần từ Maria Hartung (1832-1919) – con gái của nhà thơ Alexander Pushkin, Tolstoy găp cô trong một bữa tiệc, sau đó Tolstoy đọc văn của Pushkin và lấy được một số các tính cách để xây dựng nhân vật của mình.
Tóm tắt tác phẩm:
Bố cục: gồm 8 phần, mỗi phần có chương ít nhiều khác nhau. Phần II nhiều chương nhất 35 chương, phần VIII (kết thúc) ít chương nhất 18 chương.
Trong một lần Anna về thăm gia đình Oblonsky (ông Oblonsky làm chánh án một tòa án ở Moxcva anh ruột của Anna Karenina) cùng lúc xảy ra chuyện vợ (Dolly) Oblonsky biết được chồng ngoại tình với cô nuôi dạy trẻ, Oblonsky nhờ Anna hòa giải chuyện nhà mình. Cũng ở đó Anna đã gặp Vronsky và cũng từ đó bắt đầu sự tan vỡ của chính gia đình nàng. Anna lấy Karenin không phải vì tình yêu, mà do sự sắp đặt của bà cô.
Karenin yêu chiều vợ theo thói quen vợ chồng, nhưng tâm hồn căn cỗi, tình cảm khô khan, lối sống tẻ nhạt khuôn sáo, tất cả tạo cho Anna cuộc sống gia đình yên ổn nhưng buồn tẻ, sang trọng nhưng u uất. Trước khi Anna về lại Peterbourg, Vronsky đã tỏ tình với nàng trên xe lửa đã làm trái tim Anna rung động, suy nghĩ rất nhiều về  lựa chọn ở hay đi. Cuối cùng nàng đã đi theo tiếng gọi của tình yêu bất chấp dư luận xã hội bất chấp lễ giáo phong kiến và đứa con trai nàng phải đứt ruột mà để lại. Ra nước ngoài sống với Vronsky, đắm say với tình yêu mà nàng nghĩ là chân thực là xứng đáng với sự hy sinh của nàng. Lối sống thượng lưu đã ăn sâu, thích du lịch trau chuốt vẻ ngoài để vui lòng người tình, tình yêu không nền tảng vững chắc, nỗi dằn vặt giữa người tình và đứa con nàng chỉ được chọn một, áp lực từ Karenin và Vronsky đôi khi cũng không hiểu hết được nàng. Dần dần Anna tuyệt vọng không tìm thấy lối thoát, nàng đã nhảy khỏi tàu khi đang chạy.
Trong tiểu thuyết ta còn thấy câu chuyện lục đục của gia đình Oblonsky, mối tình sau nhiều trắc trở nhưng hạnh phúc của Levin và Kitty, mối quan hệ phức tạp trong đời sống tình cảm các nhân vật Betxi Tverxcaia, Xapho Stond, Lida Mercalova. Levin với những quan tâm về nông dân và ý muốn cải thiện đời sống của họ, ở nhân vật này ta sẽ thấy những tư tưởng đạo đức sâu sắc. Tất cả đã tạo nên một hiện thực sống động về xã hội Nga thế kỉ XIX, tình cảm cá nhân, quyền được lựa chọn cuộc sống cho mình, không còn là vấn đề của mỗi gia đình mỗi người mà là vấn đề chung đặt ra cho xã hội.
Nếu như tác phẩm được biết đến nhiều từ tên tuổi của Lev Tolstoy, thì sau khi được tiếp nhận trong một quá trình hoàn chỉnh, tác phẩm đã có một đời sống và sự vận động của riêng mình. Kết cấu đặc biệt, những chi tiết được quan sát, lựa chọn tỉ mỉ để đưa vào tác phẩm, đặc biệt là khả năng khám phá tâm hồn con người của Lev Tolstoy đã được vận dụng sâu sắc trong tác phẩm, khiến tác phẩm trở thành đỉnh cao của văn chương hiện thực Nga. Giá trị của tác phẩm không chỉ nằm ở tên tuổi của người khai sinh ra nó, mà còn được chứng minh thông qua sức sống nội tại của mình, cuốn tiểu thuyết như là một bản thể nghệ thuật đã vươn đến đỉnh cao trong quá trình phát triển của nó.




3.                  Từ sự phản ánh hiện thực trong tiểu thuyết Anna Karenina đến mạch ngầm tư tưởng của Lev Tolstoy
3.1.           Sự phản ánh hiện thực trong tiểu thuyết Anna Karenina
3.1.1.     Từ hiện thực xã hội Nga…
Tolstoy thông qua tác phẩm của mình, luôn tìm cách thể hiện hiện thực xã hội Nga mà ông đang sống. Matthew Arnold đã bình luận rằng: “Tác phẩm của Tolstoy không chỉ là nghệ thuật, mà là một phần cuộc sống”. Tương tự với ý kiến này, Isaak Babel đã nói: “Nếu thế giới có thể tự thể hiện mình dưới ngòi bút, nó sẽ giống với tác phẩm của Tolstoy”. Hiện thực trong sáng tác của Tolstoy luôn sống động, tươi mới, bởi đó cũng chính là cuộc sống thực tại được phản chiếu vào tác phẩm của ông. Anna Karenina – tác phẩm hiện thực xuất sắc của Tolstoy, đã phơi bày bộ mặt xã hội Nga với tất cả những gì đang diễn ra trong nó. Nước Nga trong những năm sau cải cách hiện ra trong tác phẩm với đầy đủ những quan hệ cơ bản và phức tạp. Tolstoy bày ra trước mắt chúng ta những nhân vật đại diện cho các lực lượng xã hội tiêu biểu: quý tộc quan lại đang tư sản hoá, quý tộc thất thế, quý tộc tự do chủ nghĩa, quý tộc bảo thủ, những con buôn, thực lợi, những người trí thức tư sản và tầng lớp nhân dân chủ yếu là nông dân. Về cơ bản, nhà văn đã phản ánh đúng quá trình suy tàn không tránh khỏi của tầng lớp quý tộc: người thì bước vào con đường tư sản hoá, người  thất thế ăn chơi xa hoa, người thì ra sức học mót từ thế giới tư sản Tây Âu, người căm giận trật tự xã hội mới và nuối tiếc nước Nga trước cải cách. Đồng thời với sự lung lay của tầng lớp này là sự lên ngôi, thắng thế của giai cấp tư sản.
Tàn dư chế độ nông nô đã nhường bước cho thời kỳ tích luỹ nguyên thuỷ của chủ nghĩa tư bản. Sức mạnh đồng tiền đã phá hỏng nhân phẩm, quan hệ giữa người và người. Khi đọc đến đoạn hoàng thân Oblonsky - người nối dõi dòng họ Rurits, ngồi đợi hai giờ liền tại phòng chờ của tên tư sản Do thái Bongarinov để ngửa tay xin việc, ta thấy rõ rằng ông ta đã chôn vùi chút sĩ diện quý tộc cuối cùng để cúi đầu trước sức mạnh đồng tiền. “Trong gia đình Oblonsky, mọi việc đều rối bét”. Mọi gia đình khác của Trerbaxki, Karenin, Levin... và cả nông thôn gia trưởng nước Nga cũng đều trong tình trạng hỗn loạn, vùng vẫy chống chọi lại sự lấn át mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản, giáng xuống đầu họ như một tai vạ không thể tránh thoát. Quận công phu nhân Trerbaxki lo cho tương lai Kitty; Dolly lo cho gia đình sa sút; Lidia Ivanovna tin vào trò bói toán,... Mọi người đều lo sợ, hoang mang trước hiện tại bấp bênh, tương lai mù mịt. Không ai dám nhìn thẳng sự thật, cố tìm quên lãng trong rượu chè, lạc thú, cờ bạc, bói toán...
Qua hệ thống nhân vật trong Anna Karenina, Lev Tolstoy đã mô tả gần như hoàn chỉnh những thói tật của xã hội thượng lưu Nga lúc bấy giờ. Những trò tiêu khiển xa hoa, vô vị và có phần man rợ (như cuộc đua ngựa mà tại đó, con Lao Xao của Vronsky đã gãy xương sống và bỏ mạng) hay những buổi tiệc hào nhoáng của giới quý tộc mà chủ đề duy nhất để có thể duy trì cuộc nói chuyện giữa các phu nhân là nói xấu người khác,… Những cuộc ngoại tình, lối sống đạo đức giả của giới thượng lưu. Những Betxi Tverxcaia, Xapho Stond, Lida Mercalova không hề hổ thẹn trong nếp sống quen dối trá, mà ngang nhiên đi lại với tình nhân ở ngay giữa nhà chồng, lấy đó làm thú vui chơi cho cuộc sống rỗng tuếch, bê tha. Lidia Ivanovna bề ngoài có vẻ trái ngược với lối sống bê tha của Betxi Tverxcaia, nhưng thực chất cuộc sống bên trong bà ta cũng đầy rẫy những thèm muốn xấu xa, đeo mặt nạ đạo đức, đứng ra gìn giữ phong tục, tín ngưỡng, biến chúng thành thứ tiết hạnh giả dối, mê tín dị đoan. Vronxki với lối sống địa chủ lai căng, xa lạ với dân tộc. Chàng là người Nga sống trên đất nước Nga, nhưng chung quanh toàn là người và vật từ nước ngoài đem vào. Từ máy móc làm ruộng, đồ đạc, sách báo đến cả đồ chơi trẻ con cũng đều mua ở nước ngoài. Nào ngựa giống Anh, hầu phòng người Pháp, quản lý người Đức, nhà thương kiểu Mỹ, nói chuyện bằng tiếng Pháp, ăn chơi theo lối Anh. Những người như Karenin – dạng người quan liêu kiểu mẫu trong cả việc công lẫn việc tư, suy tính máy móc và xử sự bất nhân. Đây là con đẻ của nước Nga chuyên chế, xa rời đời sống, đối địch với nhân dân. Tuy bề ngoài có vẻ Karenin có quan hệ với rất nhiều người trong giới quý tộc, nhưng kỳ thực Karenin không có lấy một người bạn thân. Ông sống lẻ loi, co lại, nghi ngờ, khinh bạch. Ông sẵn sàng làm ngơ trước mối tình của Anna và Vronsky, với điều kiện dễ dàng chỉ cần vợ giữ cho kín đáo và đừng đòi ly dị, miễn sao bề ngoài gìn giữ được danh giá cho ông, gìn giữ được nếp nhà và luật lệ nhà vua cùng lời răn tôn giáo. Như vậy, xã hội và những con người trong xã hội đó đã giúp cho những kẻ bịp bợm như Lăngđô có đất sống. Tên thầy bói và những trò bói toán ngớ ngẩn, dị đoan này lại là những nhân tố quyết định những vấn đề quan trọng (như việc gạt bỏ việc xin ly hôn của Anna trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Điều này đã đẩy nàng đến gần với cái chết hơn).
3.1.2.     …đến hiện thực tâm hồn
Với chủ đề gia đình và tình yêu cá nhân - cùng những bi kịch của nó, Tolstoy đã phát huy tối đa khả năng quan sát thế giới nội tâm nhân vật. Lev Tolstoy nghiên cứu rất kỹ và nắm chắc mọi quy luật phát triển tâm lý nhân vật. Để làm nổi bật tính cách các nhân vật một cách khách quan, nhà văn thường dùng phép so sánh và đối chiếu. Ví dụ, ông không vạch thẳng thói xấu Vronsky mà đem vị hoàng thân nước ngoài ra đối chiếu để làm hiển lộ những thói xấu đó. Tính cách vui vẻ yêu đời của Kitty khi đặt cạnh bên vẻ cằn cỗi, đơn điệu của Varenca làm nổi bật sự tương phản và khắc họa sâu hơn tính cách riêng của mỗi người. Trái ngược với Levin thuần khiết là cả một loạt người đủ màu vẻ: Oblonsky với thói quen hưởng thụ lạc thú, Pet'rixki thích bừa bãi và rất nhiều người khác nữa, những kẻ sống trụy lạc ở thành phố, tất cả họp lại thành cái nền trên đó nổi bật phẩm chất đạo đức của Levin với lối sống lành mạnh, giản dị ở thôn quê.
Lev Tolstoy khám phá nhân vật này trong sự soi chiếu và cảm nhận của nhân vật khác. Tính cách của Karenin hiện lên thông qua cảm nhận của Anna: “Lòng háo danh, mong ước được thành đạt trong tâm hồn ông ta chỉ có thế, còn như những quan niệm cao thượng, lòng yêu học vấn, tôn giáo, tất cả những cái đó, chỉ là phương tiện giúp sao cho thành đạt”. Đời sống của Karenin theo lời Anna nhận xét là quen “nuôi sống bằng sự dối trá”. Sự dối trá này bộc lộ rõ nhất khi Karenin biết được sự thật về mối quan hệ giữa Anna và Vronsky. Ông muốn che giấu tất cả, thừa nhận sự dối trá để bảo toàn thể diện của mình. Tâm hồn Karenin được miêu tả sinh động từ nhiều mặt, đôi lúc gợi ra một sự đáng thương. Có những lúc Karenin đã sống thành thực, đã yêu và đau khổ đến nói nhịu và líu lưỡi. Ông cũng có lúc vị tha, đã sống theo triết lý tha thứ cho kẻ thù. Nhưng những giây phút lóe sáng như vậy trong tâm hồn Karenin cũng nhanh chóng tắt đi. Về sau, chính ông đã cảm thấy rất hổ thẹn và hối tiếc về những hành động cao thượng của mình đối với Anna. Trong con người Karenin, có một sự giằng co giữa tiếng nói lương tri và thói quen sinh hoạt giả dối, tàn nhẫn của xã hội thượng lưu. Tolstoy gọi đó là sự giằng co giữa sức mạnh tinh thần tốt và sức mạnh thô bạo. Cuối cùng, sức mạnh thô bạo đã hoàn toàn chi phối hành động và cuộc sống của Karenin. Qua Karenin, ta thấy bản chất giả dối và nhẫn tâm không chỉ xuất phát từ tự thân nhân vật, mà còn là sự hội tụ, phản chiếu và là kết quả của quá trình hòa nhập của nhân vật với xã hội của anh ta.
Diễn tiến tình yêu của Anna với Vronsky được nhà văn mô tả hợp lý và từ tốn. Thoạt đầu, Vronsky cũng chỉ xem mối quan hệ với Anna là trò tiêu khiển đang được thịnh hành trong giới quý phái. Nhưng sau đó, chàng đã thật lòng yêu, không nghe theo lời khuyên xấu xa của mẹ và anh. Quá trình tan vỡ của mối tình Anna – Vronsky cũng diễn biến một cách thuyết phục. Vronsky hối hận vì yêu Anna mà mất cả tự do, nhưng vẫn giấu nỗi bực mình dưới lời lẽ dịu dàng, lịch sự. Đối với chàng, tình yêu còn mang màu sắc chiến thắng và khi hư vinh đó giảm dần thì chàng bắt đầu chán. Anna thèm muốn hạnh phúc thật sự. Nàng yêu tha thiết vì mong đó là con đường thoát khỏi mọi trói buộc giả dối, độc ác của giới thượng lưu. Nhưng Vronxki không phải là người có thể đánh giá đúng mong ước đó. Những cơn ghen tuông của Anna thật vô lý nhưng lại hoàn toàn có thể hiểu được. Chúng càng làm trầm trọng thêm mối bất hòa giữa nàng và Vronsky. Ngay cả khi họ làm lành với nhau sau những cuộc ghen tuông giận hờn, những chi tiết nhỏ nhặt nhà văn đưa ra cũng cho thấy dấu hiệu quan hệ của họ là vô hy vọng. Khi Anna hứa sẽ viết thư cho chồng xin ly dị và quyết đi theo Vronsky đến Moskva để không phải phân ly với chàng, Vronsky mỉm cười âu yếm đáp lại rằng cũng không mong muốn gì hơn là không phải xa nàng, thì lúc đó “chính cái nhìn lạnh lùng, hằn học của con người bị hành tội đến phát cáu lại long lên trong mắt chàng”. Con mắt nhận xét chăm chú và sắc sảo của nhà văn nhìn bao quát và thấu suốt mọi sự vật, từ việc lớn mà đôi mắt bình thường không hiểu nổi đến cái vụn vặt một người lơ đễnh thường bỏ qua; tất cả cái đó giúp nhà văn miêu tả tâm hồn con người với mọi vẻ sâu sắc, cụ thể và bất ngờ nhất.
3.2.           Nhà tư tưởng Lev Tolstoy
3.2.1.     Tư tưởng gia đình
Tolstoy từ lâu đã quan tâm đến ý tưởng về  gia đình. Nhà  văn tin rằng “nòi giống loài người phát triển thông qua gia đình”, gia đình chính là nhân tố đảm bảo sự trường tồn của loài giống con người. Gia đình như là thành quả của và sự hiện thực hóa nối tiếp của tình yêu. Và cuối cùng, gia đình như là hậu thuẫn, bệ đỡ cho sự phát triển của con người. Những quan niệm này đã được vạch ra bằng những nét chấm phá trong Chiến tranh và hòa bình, hội tụ trong cuộc hôn nhân của vợ chồng của Pier Bezukhov và Natasha Rostova. Tiểu thuyết  Anna Karenina chính  là sự  tiếp tục triển khai ý tưởng về gia đình của Tolstoy. Ban đầu nhà văn đặt tên cho tác phẩm là Hai đám cưới  (Dva braka – Hai cuộc hôn nhân). Tiểu thuyết được xây dựng trên sự phát triển song song của hai tuyến quan hệ  tình yêu và hôn nhân: một là Levin  – Kitty và hai là Vronsky  – Karenin – Anna. Chuyện tình Levin  - Kitty chiếm phần lớn tiểu thuyết. Đó là mô hình hoàn chỉnh hơn về cuộc hôn nhân lý tưởng mà ông đã phác họa trong Chiến tranh và hòa bình. Konstantin Levin và Kitty Sherbatskaja trong Anna Karenina có thể được xem là những hóa thể của hai nhân vật trên. Rõ ràng cả hai cặp nhân vật này đều khẳng định một tư tưởng tâm huyết của tác giả: gia đình là cái đích, là bến bờ của tình yêu; tình yêu cập cái bến bờ ấy để bắt rễ vào đất và đơm hoa kết trái, thực hiện thiên chức muôn đời của mình: sinh dưỡng hậu thế, bảo đảm sự tái sản xuất của giống nòi. Natasha Rostova từ một thiếu nữ sinh ra trong nhung lụa, có sức hấp dẫn khỏe khoắn, tươi vui trở thành “một con cái sung sức, đẹp và mắn con”, nuôi con bằng sữa của mình và hồn nhiên khoe những chiếc tã lốm đốm vết xanh vàng của chúng.
 Qua nhân vật này, Tolstoy khẳng định quan niệm của mình về sứ mệnh đích thực của người phụ nữ. Theo ông, người vợ tốt và người mẹ tốt và linh hồn của tổ ấm. Tư tưởng này được Tolstoy suốt đời bảo lưu. Kitty Cherbatskaja, cũng như Natasha Rostova thấu triệt cái thiên chức ấy, sung sướng thực hiện nó, thỏa mãn với nó và vì nó mà hy sinh những năng lực và sở thích khác của mình, tự hạn chế môi trường hoạt động của mình, tự đặt ranh giới cho sự phát triển con người của mình.
Levin trước hết là một điền chủ trực tiếp canh tác đất, sống bằng đời sống của nhà nông. Vụng về và xa lạ trong những phòng khách quý tộc, Levin cảm thấy mình như cá trong nước giữa ruộng đồng, bên cạnh những người mugic cày bừa, cắt cỏ, gặt lúa, và cái hạnh phúc gia đình của chàng, sự sinh con và nuôi con được khắc vẽ với những chi tiết rất tỉ mỉ. Nếu như Vronsky nhìn nhận về hôn nhân một cách hời hợt, Karenin xemm đó như một công việc, thì trái lại, Levin xem đó là hành động nghiêm chỉnh, chung thân đại sự. Còn Anna Karenina vì theo đuổi hạnh phúc cá nhân đã phá vỡ tổ ấm gia đình, chối bỏ nghĩa vụ người vợ và người mẹ của mình để khi thất vọng thì tự kết liễu cuộc đời mình. Tác giả đặt ra một vòng xoay giữa các nhân vật, với khởi đầu là sự đau khổ của Levin khi bị Kitty khước từ lời cầu hôn. Sau đó, chính Kitty lại phải hứng chịu những đau đớn khi Vronsky – người công khai tán tỉnh nàng – rời bỏ nàng để theo đuổi Anna – một người phụ nữ đã có chồng. Anna từ bỏ gia đình, kể cả con trai mà nàng hết mực thương yêu, để bước vào mối tình với Vronsky. Đến điểm dừng cuối cùng, Tolstoy đã xoay chuyển câu chuyện theo hướng ngược lại. Những đau khổ mà Levin và Kitty phải chịu đựng ban đầu, đã được bù đắp bởi sự ra đời của đứa con trai. Còn về phía Anna, những hạnh phúc ban đầu nàng theo đuổi đều đã vỡ nát, nàng rơi vào cơn tuyệt vọng và tìm đến cái chết. Qua hai tuyến nhân vật này, Lev Tolstoy một lần nữa đề cao vai trò của gia đình trong việc nâng đỡ con người.
3.2.2.     Vấn đề phụ nữ
Trong Anna Karenina (phần IV chương 10), Tolstoy đã tái tạo lại không khí của cuộc tranh luận về vấn đề giải phóng phụ nữ đã được giới truyền thông đề ra trước đó. Có hai luồng ý kiến: một chủ trương cần gắn vấn đề giải phóng phụ nữ với việc giáo dục phụ nữ, “người phụ nữ bị mất hết quyền lợi vì không có học thức đầy đủ và sự thiếu học đó xuất phát từ chỗ không có quyền lợi”; luồng ý kiến thứ hai phản bác lại điều này, cho rằng phụ nữ không cần trở thành luật sư, thẩm phán... cũng như đàn ông không cần đòi hỏi quyền cho con bú. Thái độ của Tolstoy khá phức tạp: rõ ràng nhà văn gần gũi với ý kiến thứ hai hơn. Quan điểm này của nhà văn thể hiện qua nhân vật Natasha: trước khi lấy chồng, Natasha là một cô gái nhỏ nhắn linh hoạt, thích làm đẹp, thích hát, nhưng từ khi trở thành vợ của Pierre đã trở thành “một con mái khoẻ mạnh và mắn con”, nàng tự đặt mình vào vị trí kẻ nô lệ của chồng con. Đó chính là hình ảnh lý tưởng theo quan niệm của Tolstoy về người phụ nữ.[1]
Anna Karenina là một nhân vật vô cùng đặc biệt của Tolstoy. Chuyện tình giữa nàng và Vronsky là cái mới mẻ chưa từng có trong các sáng tác trước của nhà văn. Anna và những khát vọng có tính nổi loạn mà nàng là hiện thân là một sự  bùng nổ  trong thế  giới vốn bình lặng của Tolstoy. Chuyện tình Anna với Vronsky đi ngược lại quan niệm đạo đức của nhà văn, và Anna cũng không phải là hình mẫu lý tưởng được Lev Tolstoy đề cao. Ý định đầu tiên của nhà văn là phải phê phán nghiêm khắc người đàn bà bội bạc đã phá hoại nền móng gia đình. Nhưng vì đòi hỏi hiện thực và chống lại trật tự phong kiến, nhà văn thẳng thắn đã buộc phải thay đổi thái độ với nhân vật chính trong quá trình sáng tác: cuối cùng ông đã bào chữa cho Anna, nạn nhân của sự đè nén, trói buộc lạc hậu.
Cùng với Trernưsevxki ,Turghenev, Necraxov, tác giả của Anna Karenina cũng góp một cái nhìn về vấn đề phụ nữ - những người vốn bị áp bức tàn nhẫn nhất. Trernưsevxki cho rằng việc giải phóng phụ nữ không phải chỉ ở mặt tình yêu, mà còn ở trên nhiều khía cạnh khác: đàn bà phải ngang hàng với đàn ông về mọi công việc xã hội, có quyền lao động hữu ích, hưởng thụ vật chất và chỉ có độc lập về kinh tế như vậy mới có tự do về tinh thần. Còn Lev Tolstoy lại đánh giá cao vai trò người đàn bà trong gia đình. Thái độ đó được thể hiện trong Anna Karenina, với các nhân vật Dolly, Kitty.
Qua nhân vật Anna, Lev Tolstoy cũng để chuyển tải một số vấn đề phụ nữ. Trước hết, dù Anna là một phụ nữ danh giá, có học thức, lại xinh đẹp, quyến rũ, nhưng nàng không có quyền tự chủ đối với chính bản thân nàng. Anna lấy Karenin không phải vì tình yêu, mà chỉ do sự sắp đặt của bà cô đã tìm được cho mình một ông cháu rể môn đăng hộ đối, đủ tiền tài danh vọng. Cuộc sống hôn nhân của Anna tuy ngoài mặt yên ổn nhưng buồn tẻ, sang trọng nhưng u uất. Thực ra, Karenin không hề đem hạnh phúc đến cho người vợ xinh đẹp, hồn hậu, thậm chí còn chà đạp lên sức sống tự nhiên ở nàng. Và đã đến lúc tính cách chân thực, sự cuồng nhiệt, khao khát được yêu, được sống tự do của Anna không thể kìm hãm nữa và chỉ cần thoáng gặp Vronsky, một người trái ngược hẳn với chồng, là nàng lập tức lao đầu vào tình yêu, như thiêu thân mê ánh lửa, không tính toán, mặc kệ cả lễ giáo và dư luận xã hội thượng lưu. Anna yêu say đắm, công khai, như để trả thù chồng, đền bù lại tất cả đè nén tình cảm, yêu thương giả dối mà nàng phải chịu đựng trong cuộc hôn nhân bế tắc. Tấn bi kịch cũng bắt đầu từ đấy: nàng muốn tự do và thẳng thắn yêu, nhưng vấp phải trở ngại lớn là Karenin và xã hội thượng lưu; nàng rất ghét giả dối nhưng rồi buộc phải giam mình vào vòng dối trá. Trong Anna Karenina, dường như chỉ có hai lựa chọn dành cho phụ nữ: một là kết hôn và làm mẹ như Kitty, hai là từ bỏ gia đình và đi đến kết cục bi thảm như Anna. Bởi vậy, những người phụ nữ của gia đình như nhân vật Dolly kiệt sức vì sinh nở nhiều lần, vì hàng ngày vật lộn để lo ăn, lo mặc cho các con, bị chồng phản bội nhưng vẫn phải nhẫn nhịn chịu đựng, cố gắng giữ cuộc hôn nhân, không dám phá bỏ nó.
Tình cảnh của Anna được bộc lộ bi đát dưới ngòi bút của Tolstoy. Trong tiếng Nga, “Karenina” có nghĩa là của Karenin. Trong văn bản, tên gọi Karenina của nàng cũng chỉ xuất hiện sau khi giữa nàng và Vronsky nảy sinh tình yêu, làm cho tình trạng của nàng càng trở nên bi kịch hơn. Ngoài ra, Lev Tolstoy cũng gợi cho chúng ta về một sự bất bình đẳng giới. Ngoài câu chuyện ngoại tình của Anna, cuốn tiểu thuyết còn nhắc đến những mối quan hệ ngoài hôn nhân của Oblonsky (ngay từ chương mở đầu tác phẩm). Nhưng thái độ của xã hội đối với hai trường hợp này là khác nhau. Trong khi Anna hy sinh rất nhiều để có được tình yêu, thì Oblonsky ngoại tình vì sự ham thích hưởng lạc và thỏa mãn dục vọng. Thế nhưng cả giới thượng lưu lên án Anna, cô lập nàng và dần đẩy nàng đến cái chết ở cuối tác phẩm, thì việc ngoại tình của Oblonsky được nhìn nhận với thái độ nhẹ nhàng hơn rất nhiều, chỉ với cơn hờn giận của Dolly và thái độ không đồng tình của Levin.
Như đã nói ở phần Tư tưởng gia đình, Tolstoy đặc biệt xem trọng thiên chức làm mẹ của phụ nữ. Trong các tác phẩm của mình, Tolstoy đã dành những trang mô tả ấn tượng về các cuộc vượt cạn đầy nguy nan, lúc người phụ nữ cận kề cái chết để tạo ra sự sống mới, thông qua cái nhìn của những người đàn ông. Trong Anna Karenina, Vronsky tự tử không thành sau cơn nguy kịch vì sinh nở của Anna. Cuộc lâm bồn của Kitty cũng tác động mạnh đến Levin, khiến chàng luôn có nhu cầu thanh minh dẫu được chính vợ an ủi rằng chàng không có lỗi…Đối với Tolstoy, mọi vấn đề về phụ nữ, dù hạnh phúc hay bất hạnh, đều liên quan đến gia đình, đến hôn nhân. Vừa không muốn phụ nữ bước ra ngoài xã hội đảm nhận các công việc như nam giới, nhà văn vừa cảm nhận sự bất công khi họ hoàn toàn bị trói buộc bởi gia đình.


Tổng kết
Lev Tolstoy là một nhà văn hiện thực vĩ đại của Nga thế kỷ XIX. Các sáng tác của ông thể hiện một tâm hồn trăn trở của một văn hào, một nhà tư tưởng cả đời đi tìm chân lý để cải biến xã hội. Anna Karenina là một thành công lớn của Tolstoy, và trở thành một trong những kiệt tác của văn chương hiện thực. Trong tiểu thuyết Anna Karenina, sự quan sát sâu sắc cuộc sống đã giúp Tolstoy thể hiện đúng đắn những bản chất của xã hội đương thời, đồng thời cũng thể hiện một khả năng tinh tế trong việc nắm bắt những trạng thái tế vi nhất trong tâm hồn con người. Từ tiểu thuyết này, tác giả cũng đặt ra nhiều vấn đề của xã hội, mà chính tác giả cũng phải khó khăn để giải quyết. Nhà văn Đức Henric Man đã viết: “Khi Tolstoy vô song viết Anna Karenina, chính ông cũng chưa hiểu rằng cái xã hội được nhìn thấu suốt như thế thì không thể nào còn có thể tiếp tục lâu dài hơn được nữa”. Thông qua văn bản, tác giả cũng thể hiện tư tưởng của chính mình, trong đó nổi bật là tư tưởng về gia đình và cái nhìn của ông về vấn đề phụ nữ.

Tài liệu tham khảo
Tiếng Việt
1.      Lev Tolstoy (1963-1964), Anna Karenina (bản dịch của Nhị Ca, Dương Tường), NXB. Văn học, Hà Nội.
2.      Nguyễn Hải Hà, Đỗ Xuân Hà, Nguyễn Ngọc Ảnh, Từ Đức Trịnh, Nguyễn Văn Giai (1996), Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX, NXB.Đại học Quốc gia, Hà Nội.
3.      Trần Thị Phương Phương (2006), Tiểu thuyết hiện thực Nga thế kỷ XIX, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
4.      Trần Thị Phương Phương (2012): “Lev Tolstoy và vấn đề phụ nữ”, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2839%3Alev-tolstoy-va-vn-ph-n&catid=64%3Avn-hc-nc-ngoai-va-vn-hc-so-sanh&Itemid=108&lang=en (Ngày truy cập: 29/4/2014)
5.      Ngô Thị Thu Thủy (2011), “Anna Karenina – vấn đề tiểu thuyết và phi tiểu thuyết – biện chứng tâm hồn”, http://marjoriethuy.blogspot.com/2011/05/anna-karenina-van-e-tieu-thuyet-va-phi.html (Ngày truy cập: 23/4/2014)
Tiếng Anh
6.      James Meek (2012): “Rereading Anna Karenina by Leo Tolstoy”, http://www.theguardian.com/books/2012/aug/31/rereading-anna-karenina-james-meek (Ngày truy cập: 25/4/2014)
7.      “Your Guide to Leo Tolstoy's Anna Karenina”, http://www.oprah.com/oprahsbookclub/Your-Guide-to-Understanding-Tolstoys-Anna-Karenina (Ngày truy cập: 18/4/2014)
8.      “Anna Karenina and Levin—Intersecting Lives”,



(Ngày truy cập: 29/4/2014)

* Bài tiểu luận lớp Văn2011
Trường ĐH KHXH&NV Tp. HCM
Khoa Văn học và Ngôn ngữ



> Bài viết được đăng 19/6/2014
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét