Đại ý thuyết Tam phụ và đạo hiếu; Ngôn ngữ biểu trưng trong giáo lý- G Maiorica và sáng kiến hội nhập văn hóa


Thuyết Tam Phụ và Đạo Hiếu: Một Nỗ Lực Hội Nhập Thần Học
Trong Nền Văn Hoá Nho Giáo Tại Việt Nam Thời Xưa

Trước thế kỷ XX, Nho giáo đóng một vai trò cơ bản ở Việt Nam thời xưa, chi phối toàn bộ mọi sinh hoạt trong gia đình và xã hội. Có thể nói rằng các cuộc bách hại đạo Thiên Chúa từ thế kỷ XVII đến XIX, ngoài những lý do chính trị, có nguồn gốc từ xung đột văn hoá, giữa một bên là các giá trị và thực hành tâm linh truyền thống và một bên là đạo mới. Bài trình bày này bàn về những cơ hội cũng như thách đố trong việc hội nhập niềm tin Kitô giáo vào văn hoá truyền thống Việt Nam qua giáo lý Tam Phụ. Giáo lý này được trình bày trong các tác phẩm minh giáo như Phép Giảng Tám Ngày (1651), Sách Giảng Đạo Thật (1758), Hội Đồng Tứ Giáo (thế kỷ XIX) lồng trong bối cảnh của xã hội Nho giáo Việt Nam thời bấy giờ. Giáo ký Tam Phụ cho thấy đạo Thiên Chúa không thực sự xa lạ với người Việt, căn bản cũng là đạo Hiếu, tuy hình thức diễn tả và thực hành nghi thức có phần dị biệt. Tuy đề tài thuyết trình này chủ yếu là bàn về giáo lý Tam Phụ như một nỗ lực hội nhập thần học thưở xưa, một số bài học sẽ được rút ra cho việc hội nhập thần học ngày nay. (Linh mục Antôn-Phaolô Trần Quốc Anh,SJ)

Ngôn Ngữ Biểu Trưng trong Giáo Lý –
Sách Giáo Lý Của G. Maiorica và Sáng Kiến Hội Nhập Văn Hoá

Về mặt lịch sử, có thể nói cách gần như chắc chắn rằng tác phẩm Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông (TCTGKM) của linh mục Dòng Tên Girolamo Maiorica (1591-1656) là cuốn giáo lý đầu tiên viết bằng văn Việt (dưới dạng chữ Nôm) còn tồn tại ngày nay. Vì thế, đây là một đối tượng quý giá cho việc nghiên cứu trong nhiều lãnh vực khác nhau, từ lịch sử, ngôn ngữ, tới thần học. Bài viết này là một nỗ lực thông diễn, tái dựng ý nghĩa thần học của cách giảng giải giáo lý trong tác phẩm, đồng thời rút ra các bài học thiết thực cho công cuộc đưa Tin Mừng vào văn hoá Việt Nam ngày nay.
Về mặt hình thức, bên cạnh việc chọn sách giáo lý ngắn của thánh Bellarminô làm khung cấu trúc, những đặc tính độc đáo của TCTGKM, từ việc sáng tạo các câu hỏi và từ ngữ mới cho tới việc vận dụng những hình ảnh biểu trưng để diễn tả các chân lý đức tin, cho thấy quan niệm của Majorica về rao giảng Tin Mừng cho văn hoá Việt. Đó là, đặt lên hàng đầu mối bận tâm tới giá trị thực tiễn của việc rao giảng Tin Mừng (hoa trái trong đời sống đạo), tới não trạng và những thói tục của người địa phương; cha tránh đề cập đến những khái niệm trừu tượng hay những lý luận tinh tế của thần học Kinh Viện Tây Phương, cho dù rõ ràng cha chịu ảnh hưởng của hệ thống tư tưởng của thần học Kinh Viện trong việc giải nghĩa các chân lý đức tin.
Về mặt nội dung, những giảng giải mang tính “nhập môn” trong TCTGKM, tưởng rằng đơn sơ và vụng về, nhưng nếu được đào sâu và đánh giá cách khách quan và có phê bình, sẽ cho thấy giá trị thần học đúng đắn và giá trị hội nhập văn hoá sâu xa và lâu bền.
Bài thuyết trình sẽ tập trung vào 3 hình thức ngôn ngữ mang tính biểu trưng cao độ (thí dụ, truyện kể và công thức) mà TCTGKM sử dụng để trình bày và lý giải cách đơn giản, dễ hiểu nhưng hiệu quả và đúng đắn các chân lý đức tin sâu xa.
Những phân tích trên cho thấy sự sáng tạo của việc dạy giáo lý nói riêng và của thần học bối cảnh nói chung nảy sinh cách tự nhiên từ gốc, hay từ dưới lên, tức từ việc nắm bắt những bận tâm của chính những đối tượng của thần học, như cha Majorica đã cho thấy bằng một sự sáng tạo xuất sắc nhưng cũng rất tự nhiên phát xuất từ kinh nghiệm giảng dạy giáo lý của mình.
Đọc TCTGKM, chúng ta nhận ra rằng rất nhiều điều Giáo Hội Việt Nam đang thừa hưởng, từ ngôn ngữ nhà đạo cho tới giáo lý và nếp sống đạo, là di sản do cha Majorica để lại. Bài viết đóng vai trò như một gợi ý cho những hướng đi đa dạng trong việc khai thác di sản phong phú và lâu bền đó. (Linh mục Phanxicô Nguyễn Hai Tính,SJ)
(Nguồn: Dongten.net)



> Vài viết được đăng 26/6/2014

Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét