TD- Điên trong nghệ thuật




BÌNH VỀ TÁC PHẨM ÂM NHẠC
Hương Lạc- Lê Cát Trọng Lý

Có thể nói Lê Cát Trọng Lý là một hiện tượng lạ, không biết đó là hiện tượng lạ đối với âm nhạc Việt Nam hay không, nhưng đối với tôi cô chính là một hiện tượng.
Tên tuổi Lê Cát Trọng Lý đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng tôi tiếp cận tên cô và sản phẩm âm nhạc của cô bắt đầu giữa năm 2012, cụ thể là bài Hương lạc. “Bất ngờ”, “lai động” và “ám ảnh” đó là những động từ đặc biệt của tôi dành cho bài hát này, mà mỗi khi nghe lại vẫn còn nguyên những cung bậc cảm xúc. Sau đây, tôi không làm các bạn chờ lâu, tôi xin cảm nhận, bình và chia sẻ bài hát Hương lạc- trình bày và sáng tác Lê Cát Trọng Lý.
     Vào một buổi tối nặng lòng với bao công việc và học tập, tình cờ tôi đọc được cái tên Lê Cát Trọng Lý đã làm tôi tò mò về nó. Với bản năng và nghiệp theo văn chương, tôi đã “nhạy cảm” với bài hát Hương lạc bằng một cú nhập chuột trên Zing Mp3. Bài hát được dạo đầu bằng một tiếng gải đàn ghi ta, sau đó là những tiếng trầm bổng được phát ra bởi nhạc cụ quen thuộc ấy. Tôi dần hình dung một người đang khoan thai cầm chiếc đàn ghi ta chậm gải và thả hồn vào những nốt đầu tiên của bài hát. Và rồi một giọng nữ cao cất lên với những ca từ ma mị và đầy mê hoặc:
“Em sinh ra lạc thời
Em đi hoang lạc đàn
Em giam thân lạc loài
Em u mê lạc lối”
     Không dễ gì những bài hát khác tạo cho tôi cảm xúc khó tả khi nghe những lời “kì dị” mở đầu của bài Hương lạc. Một sự ngông nghênh, bất cần của một cô gái đang tuổi còn xuân sắc. Như là một lời tự thú về bản thân, “em đã rời quỹ đạo”, sống với cuộc sống chẳng giống ai:
“Em sinh ra lạc thời
Em đi hoang lạc đàn
Em giam thân lạc loài”
     Nhưng với giọng hát nghêu ngao, đầy khoái cảm thì ta có thể cảm nhận thấy một lời tự bạch về bản thân một cách ung dung và đầy xúc cảm. Người hát hòa mình vào từng ca từ, chậm rãi thể hiện rõ từng lời làm người nghe như bị cuốn vào cái “hương lạc” và muốn “u mê” như lời nhận định từ em “Em u mê lạc lối”. Tính từ “u mê” mà tác giả sử dụng thật đắt. Đắt ở chỗ không phải u mê theo kiểu mù quán, ngu dốt nhưng mà là có sự tự chủ và rất có ý thức. Minh chứng cụ thế khi Lê Cát Trọng Lý, chính cô đã luyến rất đẹp hai từ cuối cùng “lạc lối” như là lời khẳng định mạnh mẽ với mọi người. Vâng, tôi đang lạc lối!
     Muốn cho tất cả mọi người hiểu và đồng cảm, muốn cho cả thế giới này đồng tình với cái “ngông”, cái “lạc” của mình. Thì khoảng 3 nhịp sau, vào giây thứ 45 cô đã lên tiếng khẳng định và “phiêu linh” với chính mình:
“A í a í a í à à
Cha ơi mẹ hỡi
A í a í a í à à
Ông ơi bà ơi”
     Chất giọng thật tuyệt: khỏe, giữ hơi tốt và luyến láy thật tinh tế, ca từ tuy có đơn giản, nhưng chính giọng hát cô đã thể hiện nội dung thật sinh động. Bạn hiểu thế nào về nó? riêng tôi có thể hiểu như là lời độc thoại, “chính cha mẹ sinh ra tôi và ông bà đã sinh ra cha mẹ”. Vâng, thật đơn giản nhưng chính cái giản đơn đó đã sinh ra một con người “ngông cuồng” và “đi lạc” không hề biết sợ. Đến đây, ta có thể thấy cái điên của tác giả, cái điên từ chính giọng hát của ca sĩ,… không ai khác là Lê Cát Trọng Lý, cô đã “độc thoại với bản thân” và “khoái lạc” với cảm xúc của mình.
     Đến giữa bài 1 phút 5 giây, người nghe càng hiểu cái điên, cái phiêu linh của một người nghệ sĩ nói chung và một ca sĩ, nhạc sĩ trẻ nói riêng. Với tiếng nhạc ghi ta nhẹ nhàng, như những cơn gió đang kéo theo tâm trạng của người của một cô gái đang điên, một tâm hồn khoan thai và “lạc” không cần đường về.
Lời hai như là một lời giải đáp cho người đang bị cuốn theo cảm xúc và đang theo dõi từng nốt nhạc và ca từ
“Em buông hơi lạc nhịp
Em giăng thơ lạc vần
Em yêu anh lạc lòng
Em thương em lạc mệnh”
     Ta có thể đặt câu hỏi tại sao cô ấy có thể “ngông” và “điên” đến thế? Như câu trả lời, chính cuộc sống này đã làm cho cô như vậy. Vì những khó khắn, truân chuyên trong cuộc sống đã làm cô gái ấy phải “lạc” và buông xuôi mọi thứ. Từ sự nghiệp ca hát “buông hơi”, văn chương “giăng thơ” đến tình cảm “yêu anh” đã không thành. Làm ca sĩ, hát thì “lạc nhịp”, làm nhà thơ, làm thơ thì “lạc vần”. Và thương anh cũng “lạc lòng”, bị từ chối. Như thể cuộc sống này quá bất công với người đang viết, đang hát. Qua đó ta cảm thấy có một sự đồng điệu về cuộc sống với cô gái ấy và bản thân mỗi người. Không phải ai sinh ra làm việc, học tập cũng suông sẻ và may mắn, sẽ không ít gặp những khó khăn trở ngại. Nhiều lúc các bạn sẽ cảm thấy buồn và tuyệt vọng “sao mình đáng thương thế!”. Bạn đừng buồn hãy vui lên vì chính Lê Cát Trọng Lý đang cùng chung nổi niềm với bạn hay bạn đang cùng cảnh ngộ với cô gái trẻ này “Em thương em lạc mệnh”.
     Nếu như ở đoạn đầu làm tôi bất ngờ thì nghe đến đây như có sự đồng cảm tuyệt đối và đã “lai động” được tôi. Bạn có đang đồng tình, hay đang buồng cười với những gì tôi đang nói? Bạn sai hay tôi sai? Đó là những lời như muốn tự vấn bản thân hay đang chỉ vào người khác để hỏi. Tất cả đều thấy ở đoạn cuối rất rõ:
“Ai oán ai lầm lạc
Ơi hời!
Ai oán ai lầm lạc??"
     Tôi nghe đến đây, như chính người thể hiện ca khúc nói với bản thân mình “Không, bạn không cần trả lời, cũng không cần ai khuyên bảo với lối sống đó! Tôi đã và đang sống thật tươi trẻ va đầy mộng tưởng. Còn bạn có đang thất vọng về cuộc sống đang xảy ra xung quanh mình”. Đúng như thế! Hãy dứt khoát từ bỏ cái buồn vớ vẩn như cuối bài bài hát cũng dứt khoát kết thúc bằng tiếng gải ghi ta dõng dạt. Và hãy cười lên nhé! Vì “thế thời thời thế”, chẳng có ai sinh ra luôn thất bại hay luôn gặp khó khăn trong suốt cuộc đời mình cả. Chỉ có những ai không cố gắng để vượt qua. Nếu số phận đã an bày bạn là người không được may mắn, thì hãy lạc quan biến cái không may mắn thành cái “ngông”, cái “điên” cho đời, như thể bài Hương lạc đã có tinh thần ấy!
      Quả thật, bài hát mang sự triết lí nhân sinh sâu sắc, bạn nhận được gì qua bài hát này? Còn tôi, tôi nhận được khá nhiều và cũng phần nào hiểu được tựa đề “Hương lạc” và tôi biết tôi đã “ám ảnh” từ nó!

Nguyễn Tuấn Dũng
TP HCM 16/1/2014

> Bài được đăng 19/3/2014
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét