VH 1945 - 1975, Phạm Tiến Duật


DẪN NHẬP
Có lẽ khi nhắc đến núi rừng Trường Sơn trong những năm tháng lửa đạn đã qua ta vẫn nhớ như in câu thơ:
Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn 
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
 
Ðường ra trận mùa này đẹp lắm
 
Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây.
 
Câu thơ ghi lại bao dấu ấn hào hùng của thế hệ trẻ “ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu quốc”. Hơn ai hết người lính Trường Sơn - Phạm Tiến Duật  đã khắc họa rõ ràng nhất, ấn tượng nhất cho một thời anh dũng năm nào. Nhiều bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Trường Sơn như: Nhớ, Gửi em cô thanh niên xung phong, Lửa đèn, Bài thơ về tiểu đội xe không kính...Thơ Phạm Tiến Duật làm chúng ta sống lại cái không khí của những năm tháng hào hùng, gian khổ nhưng hết sức lạc quan của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ ông cũng gieo vào lòng người đọc niềm tin tưởng vào những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong lịch sử.

Chương 1: Giới thiệu chung
1.1 Phạm Tiến Duật (1941-2007)
1.1.1 Cuộc đời
Phạm Tiến Duật sinh 4/1/1941 tại thị xã Phú Thọ - tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ) trong một gia đình có cha làm nhà giáo dạy chữ Hán, mẹ làm ruộng.
Năm 1964, ông tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá Miền Bắc, ông đã hăng hái lên đường nhập ngũ và chiến đấu chủ yếu trên tuyến đường Trường Sơn.
            Năm 1970, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ, ông được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam.
Chiến tranh kết thúc, ông về làm việc tại Ban Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam - Phó Trưởng Ban đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam.
Ngày 4 tháng 12 năm 2007, ông mất tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì căn bệnh ung thư phổi.
1.1.2 Sự nghiệp
Ông đóng góp chủ yếu là tác phẩm thơ, phần lớn thơ được sáng tác trong thời kỳ ông tham gia quân ngũ. Phạm Tiến Duật được coi là "ngọn lửa đèn" của một thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Nhắc đến Phạm Tiến Duật người ta nhắc ngay đến nhà thơ của Trường Sơn những năm chống Mỹ.
Thơ ông hồn nhiên, hóm hỉnh, giàu tính lạc quan với những phát hiện thú vị, đầy chất lính. Nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc thành bài hát trong đó tiêu biểu nhất là "Trường Sơn đông, Trường Sơn tây". Những tập thơ chính:
·         Vầng trăng quầng lửa (thơ, 1970), nổi tiếng nhất với tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
·         Ở hai đầu núi (thơ, 1981)
·         Thơ một chặng đường (tuyển tập, 1994)
·         Nhóm lửa (thơ, 1996)
·         Tiếng bom và tiếng chuông chùa (trường ca, 1997)
·         Tuyển tập Phạm Tiến Duật (in xong đợt đầu ngày 17-11-2007, khi Phạm Tiến Duật đang ốm nặng).
Các tác phẩm của ông được nhiều người yêu mến và ông đã dành được nhiều giải thưởng có giá trị: giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1969-1970, năm 2001 nhận được giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I, năm 2004 ông được nhận giải thưởng của hội nhà văn cho tập tiểu luận Vừa làm vừa nghĩ.
1.2 Bối cảnh
Giai đoạn 1954 – 1975 là giai đoạn đất nước ta đang trong thời kì kháng chiến chống Mĩ gian khó. Trong hoàn cảnh đó nền văn học những ngày đầu cách mạng đã mau chóng tìm được nguồn cảm hứng mới, hướng vào thể hiện hiện thực mới. Và trong đó có sự bùng dậy mạnh mẽ của cảm hứng lãng mạn cách mạng. Ngọn lửa kháng chiến bùng lên khắp đất nước sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) đã có sức thu hút đông đảo của những người cầm bút đến với các khu chiến khu và những làng quê kháng chiến. Đảng đã triệu tập đội văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất để chiến đấu và phục vụ cho cách mạng và giành độc lập. Những văn nghệ sĩ của chúng ta có vai trò quan trọng không kém trong việc cổ vũ tinh thần cho chiến sĩ nhân dân. Một trong số đó, Phạm Tiến Duật được đánh giá là một gương mặt độc đáo của văn học Việt Nam 1945  -  1975.
Chương 2: Đặc điểm thơ Phạm Tiến Duật trước năm 1975
2.1 Hình tượng người lính Trường Sơn
            Phạm Tiến Duật đến với đề tài người lính bằng sự trải nghiệm của người trong cuộc nên những người lính vừa gần gũi, vừa chân thực, vừa sâu sắc. Họ không chỉ là con người lý tưởng, con người có hành động cao đẹp mà còn là con người của đời thường với đời sống nội tâm phong phú. Hình tượng người lính là hình tượng trung tâm trong thơ kháng chiến của Phạm Tiến Duật (kể cả những tác phẩm viết sau 1975) nói riêng và thơ trẻ chống Mỹ nói chung.
            Vẻ đẹp của người chiến sĩ trong chiến tranh trước hết ở nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của họ đối với đất nước và bản lĩnh vượt lên khó khăn. Phần lớn những người lính này còn rất trẻ, nhưng tuổi đời của họ không ngăn cản ý thức trách nhiệm với Tổ quốc.  Họ đã cùng lên đường gánh vác nhiệm vụ chung, cả một thế hệ cầm súng, một thế hệ dàn hàng "gánh đất nước trên vai". Nhận thức được trách nhiệm của mình, người lính trong thơ Phạm Tiến Duật sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân, "Để lại trong rừng những gì quý nhất, mất mọi thứ để nhân dân không mất " (Đi trong rừng). 
Trong thơ Phạm Tiến Duật, hình ảnh anh  bộ đội lái xe trên tuyến đường Trường Sơn gây ấn tượng thật đặc biệt. Giữa bom rơi, chiến trường cây đổ ngổn ngang,...trên những con đường “Bụi mù trời mùa hanh, nước trắng khe mùa lũ(Gửi em cô thanh niên xung phong) những đoàn xe vẫn trùng trùng ra trận. Dù trong hoàn cảnh nào “xe cũng luôn chạy về miền Nam phía trước” và người lái xe cũng đã thể hiện được sự mưu trí, bản lĩnh của mình trước kẻ thù:
Ta bật đèn pha ô tô trong chớp lòe ánh đạn
Rồi tắt đèn xe quay
Đánh lạc hướng giặc rồi rồi ta lại lái xe đi.
(Lửa đèn)
            Có thể nói hình tượng người bộ đội lái xe được Phạm Tiến Duật tập trung miêu tả rất sâu và  Bài thơ về tiểu đội xe không kính  là một tiêu biểu. Những con người ngang tàng, khí phách sống trong hoàn cảnh chiến trường trần trụi vẫn lạc quan, ung dung tự tại:
                                                Không kính không phải vì xe không có kính
                                                Bom đạn bom rung kính vỡ mất rồi.
                                                                                    (Bài thơ về tiểu đội xe không kính)
                                                            Ung dung buồn lái ta ngồi
                                                Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
                                                                                    (Bài thơ về tiểu đội xe không kính)
            Trên đường Trường Sơn còn có những người lính khác cũng đang ngày đêm đối diện với kẻ thù. Đó là những người lính công binh, lính pháo thủ, lính thông tin và lính coi kho:
                                                Những đồng chí công binh lầm lì
                                                Mùi bộc phá trộn vào trong tiếng hát
                                                                                    (Vầng trăng và quầng lửa)

                                                Đồng chí coi kho ơi...
                                                mười năm sống xa phố xa làng
                                                tám năm sống trong núi trong hang
                                                tất cả riêng chung...
                                                Dành cho miền Nam tất cả...
                                                                                    (Tiếng cười của đồng chí coi kho)
Những người lính ra chiến trường làm công việc gì để chiến đấu thì ở họ vẫn mang điểm rất chung của những người lính kháng chiến chống Mỹ. Tất cả họ đều mang trong mình tình yêu quê hương đất nước, một bản lĩnh kiên cường để thực hiện trách nhiệm của mình. Và hơn thế nữa họ luôn lạc quan, yêu đời, luôn tỉnh táo và ngang tàng,  điều này chỉ có ở hình tượng người lính của Phạm Tiến Duật.
2.2 Hình tượng cô thanh niên xung phong
            Đến thời kháng chiến chống Mỹ, vai trò của những thanh niên xung phong trở nên nổi bật và làm cảm động lòng người. Bên cạnh hình tượng những người lính, hình tượng những cô thanh niên xung phong luôn trở đi trở lại trong thơ của Phạm Tiến Duật ngay cả khi chiến tranh đã kết thúc. Họ là những cô gái xinh đẹp lại vừa anh hùng. Họ mang những nét đẹp trẻ trung, hồn nhiên là tuổi thanh xuân, là cô gái tràn trề sức sống. Giữa nguy hiểm, đạn bom, giữa khó khăn khốc liệt,  họ vẫn không quên mình là con gái. Chất nữ tính của họ làm xao xuyến bao người:
Em là cô bộ đội lái xe
Giặc nhằm bắn bốn bề lửa cháy
Cái buồng lái là buồng con gái
Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang.
(Niềm tin có thật)
            Gửi cô em thanh niên xung phong, niềm tin có thật, cô bộ đội ấy đi rồi,...đó là những bài thơ tiêu biểu về hình tượng những người con gái trẻ trung đang ngày đêm hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước. Sự xuất hiện của “những người con gái ở rừng”, những cô thanh niên xung phong lấp hố bom mở đường khiến những chàng trai xao động:
Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Đại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất.
(Gửi em cô thanh niên xung phong)
Bom đạn, sốt rét không ngăn cản được nụ cười con gái, hay một chút làm duyên tinh nghịch dễ thương:
Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón
Em đóng cọc rào quanh hố bom
                                                                        (Gửi em cô thanh niên xung phong)
             Phạm Tiến Duật không chỉ nhìn các cô như những nữ anh hùng, vượt lên gian khổ không ngại hi sinh thân mình mà còn nhìn họ ở những con người hi sinh nghề nghiệp, hạnh phúc lứa đôi:
Đã sáu, bảy năm em gái xa nhà
Ba lăm tuổi chuyện chồng con chưa nói
(Cô bộ đội ấy đã đi rồi)
            Các cô đang ngày đêm thầm lặng lấp hố bom, phá đá mở đường, chuyển thư, tiếp lương, tải đạn, đem lời ca tiếng hát cho chiến sĩ... Tình yêu quê hương, đất nước, sự hi sinh cho Tổ quốc ở những người con gái ấy thực sự là một tình yêu lớn.
2.3 Hình tượng nhân dân
            Phạm Tiến Duật viết về những con người cụ thể: bà mẹ ở Nam Hoành, ông già thuốc bắc...mà ở đó ta có thể nhận ra hình bóng của nhân dân với những phẩm chất truyền thống: sống gian khổ, giàu đức hi sinh, sẵn sàng dành tất cả những gì mình có cho đất nước.
            Hình tượng nhân dân trước hết là ở hình tượng người mẹ. Vẻ đẹp của người mẹ được Phạm Tiến Duật cảm nhận trước hết ở sự đôn hậu, ở tình cảm đằm thắm dành cho các con:
Bà mẹ thôn Nghi Vạn
Con tòng quân vắng nhà
Trẩy cam mỗi buổi sáng
Bồn chồn nhớ con xa.            
(Mùa cam trên đất Nghệ)
            Nhưng tình yêu lớn nhất mẹ dành cho tổ quốc và khi đất nước bị xâm lăng mẹ sẵn lòng để con ra trận và niềm vui của mẹ là niềm vui của dân tộc:
Giặc Mỹ thua tơi bời
Thế là lòng mẹ vui.
                                                                                    (Mùa cam trên đất Nghệ)
            Cuộc kháng chiến làm cho người dân thay đổi và ai mà ngờ rằng một ông già thuốc bắc ở phố phường Hà Nội bỗng chốc trở thành chiến sĩ tự vệ ở thủ đô:
                                                Hôm nay bom Mỹ rơi Hà Nội
                                                Ông già ra trực ngã tư đường
                                                Phòng thuốc rời nhà, tủ làm ụ súng
                                                Mắt ông già lấp lánh như gương.
                                                                                    (Ông già thuốc bắc)
            Thực sự cuộc chiến tranh đã đi vào lòng của nhân dân và Phạm Tiến Duật đã chọn cho mình một góc nhìn riêng để thâm nhập vào đời sống tinh thần của họ để đồng cảm và để nói về họ. Họ là bộ đội, là thanh niên xung phong hay những người mẹ sống lặng lẽ nơi quê nhà, họ là nười làm ruộng, người buôn bán...là bất cứ ai họ đều có chung một lòng yêu nước.
2.4 Cái tôi trữ tình
Cái tôi trong thơ Phạm Tiến Duật gắn với cái tôi thế hệ, cái tôi công dân và li có nhng sc thái biu hin riêng, mang sc điu riêng, đc đáo, hp dn.
            Cái tôi trữ tình trước hết là một cái tôi tr trung, tinh nghch, hóm hnh, lc quan, đm cht lính. Cuộc sống và sự khốc liệt của chiến tranh được nhìn qua lăng kính ca tui tr và tình yêu. Trong con mắt của ông hiện thực chiến trường là nơi “đất rất hồng và người rất trẻ”, cái tôi đầy lạc quan luôn tràn đầy tiếng cười và tiếng hát hồn nhiên:
-         Nhìn nhau mt lm cưi ha ha.
(Bài thơ v tiu đi xe không kính)
-         Tiếng cưi trêu khúc khích như câu hò.
(Nghe hò đêm bc vác)

-         Cái cu tr măng ct lên tiếng hát
Khi biết trong hầm có cô bé đang nghe
(Vng trăng và nhng qung la)
Không ch quan tâm đến nhng vn đ trng đi, ln lao ca dân tc, ca đt nưc mà Phạm Tiến Duật còn luôn suy tư, trăn tr v l mt còn, nhng giá tr nhân sinh thế s. Chng thơ sau chiến tranh, cái tôi trong thơ ông tr nên trm mc, suy tư. Nhng sáng tác n i bt ca ông sau chiến tranh như: Đưng i và nhng đm la, Tiếng bom và tiếng chuông ca (Tng ca) hu như vẫn viết vTng Sơn và nhng con ngưi thi kháng chiến. Cuc sng thay đổi, cm hng và i tô i tr tình trong thơ ông cũng ngày càng đi vào chiu sâu, suy tư, chiêm nghim. Cái tôi y luôn trong cm giác cô đơn bơ vơ và chìm sâu vào quá kh cuộc chiến, và ông nhn ra mình không thuc nhng "lut chơi" mi ca cuộc đi:
Điu cn biết thì chưa biết
Điu nên quên thì chưa quên. (Lut chơi)
Tuy nhiên, cái tô i trong thơ Phm T iến Dut không ngã gc tc cuộc sng đi thưng. Cái tôi y ch không còn sôi ni, ào t, mãnh lit, mà tr nên trm lng. Có th nói, Phm T iến Dut đã đi trn vn mt chng đưng thơ nhưng dù ông viết v hin thc chiến tranh hay đi trong hoài nim thì hình tưng cá i tôi tr tình vn là mt trong nhng nhân vt quan trng to nên s độc đáo trong thơ ông.
Chương 3: Nghệ thuật thơ Phạm Tiến Duật
3.1 Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ
            Ngôn ngữ thơ ông là ngôn ngữ đời thường giản dị, tự nhiên. Ta bắt gặp ngay cái gồ ghề,mộc mạc, thô ráp của từ ngữ:
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung, kính vỡ đi rồi.
(Bài thơ tiểu đội xe không kính)
            Phạm Tiến Duật sử dụng nhiều hư từ, quán ngữ dùng trong cuộc sống thường ngày. Đó là những phụ từ, quan hệ từ: hơi, đã, cứ, để , mà, thì, là; những quán ngữ: buồn cười, đáo để , vô khối, hoá ra, đặc biệt là từ “mà”. Bên cạnh đó ông còn đưa những từ ngữ mang phong cách khẩu ngữ vào trong thơ và đặt vào đúng vị trí của nó làm cho câu thơ mang phong cách rất riêng của mình:
                                                Cái miệng em ngoa cho chúng bạn cười giòn
                                                Giọng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để.
                                                                                    (Gửi em cô thanh niên xung phong)
Thơ Phạm Tiến Duật là thơ gần gũi với chiến trường và người lính nên ngôn ngôn ngữ thơ cũng chắc nịch để bật lên cái hồn nhiên, cương nghị của người lính với cuộc chiến khốc liệt:
Điếc gì thì điếc
Với giặc phải tinh.
(Ngãng thân yêu)
            Ngôn ngữ trong thơ Phạm Tiến Duật không chỉ là ngôn ngữ bình dị, thô ráp, tự nhiên mà đó còn là thứ ngôn ngữ của sự tài hoa và sáng tạo. Ông sử dụng những từ ngữ mang sắc thái biểu cảm và hay tìm đến thủ pháp trùng điệp để thể hiện cảm xúc. Đó có thể là tình cảm hồn nhiên của chàng lính:
-         Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều.
-         Thương em, thương em, thương em biết mấy.
(Gửi em cô thanh niên xung phong)
3.2 Nghệ thuật xây dựng cấu tứ
            Nói đến thơ là phải nói đến cảm xúc, làm thơ phải tìm được tứ thơ. Từ những chi tiết hết sức bình thường và không có tính thơ Phạm Tiến Duật đã khái quát thành những chi tiết hết sức có ý nghĩa.
            Trước hết tứ thơ được xây dựng trên cơ sở những liên tưởng so sánh. Khảo sát thơ của ông ta thấy hàng loạt những bài thơ cấu tứ được xây dựng trên cơ sở phát hiện vấn đề qua những mâu thuẫn trái ngược: Công việc hôm nay, Tiếng bom ở Seng Phan, Vầng trăng và những quầng lửa, Ngãng thân yêu...
Bên cạnh đó, Phạm Tiến Duật còn xây dựng cấu tứ bài thơ trên cơ sở những so sánh tương đồng. Các bài thơ này, ông phát hiện những mối liên quan giữa các sự vật hiện tượng, từ đó làm điểm tựa cho mạch cảm xúc và suy nghĩ. Chẳng hạn chỉ một tiếng mèo bên bếp lửa quê nhà và một tiếng mèo ở một làng xa cũng đủ thức dậy cả một miền nhung nhớ nơi người chiến sĩ trên đường hành quân ra trận:
Nhớ cái tiếng mèo đến sôi lòng, sôi dạ  
Mở đường lên, phía trước là làng.
(Vô đề I)
Ngoài việc lập tứ thơ bằng những liên tưởng, so sánh Phạm Tiến Duật còn thành công trong việc xây dựng những hình ảnh độc đáo làm điểm tựa cho cảm xúc và ý thơ. Phạm Tiến Duật thích làm thơ về sự thiếu hụt, hình tượng những chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một ví dụ cụ thể. Hiện thực chiến tranh và phẩm chất anh hùng lạc quan của người chiến sĩ lái xe Trường Sơn đều được quy tụ xoay quanh chiếc xe không kính. Hay hình tượng nhân vật Ngãng trong bài thơ  Ngãng thân yêu  cũng là một hình tượng độc đáo. Ngãng bị điếc tai nhưng sự thiếu hụt này không phải do bẩm sinh mà nguyên do từ phía kẻ thù. Ngãng bị điếc nhưng  với kẻ thù thì lại rất tinh. Hình tượng độc đáo ấy gợi ra nhiều điều mà đặc biệt là sự ác liệt của chiến tranh.  
3.3 Giọng điệu          
            Chính giọng điệu thơ đã làm nên cái đẹp, cái hay cho thơ Phạm Tiến Duật. Trong ấy bao gồm sự hóm hỉnh ngang tàng, nét tâm tình dịu ngọt hòa quyện với tính triết lý, suy tư.
Trước hết nét đặc trưng mang tính tự nhiên, vốn có làm nên Phạm Tiến Duật là ở giọng điệu hóm hỉnh, ngang tàng. Sự hóm hỉnh pha chút tinh nghịch, bông đùa lại trẻ trung, nhiệt thành con người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong đấu tranh mà hoàn thành sứ mệnh. Sự ngang tàng trở thành bản lĩnh của người lính:
Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
(Bài thơ về tiểu đội xe không kính)
            Nhìn mọi trải nghiệm của đời lính với tinh thần lạc quan, tinh nghịch:
Anh đi xuyên ngày, anh đi xuyên tối,
Xe không mui cây cối đến quây quần.
(Một đoạn thư riêng)
           
            Thơ Phạm Tiến Duật còn có giọng điệu tâm tình, dịu ngọt với các cung bậc cảm xúc nhớ thương, trăn trở. Đó là sự thán phục, cảm thông kèm theo nỗi nhớ nhung, giải bày tâm sự gửi cô thanh niên xung phong thật cảm động. Hay những cuộc chia tay có kẻ ở người đi mang theo niềm ngập ngừng, nuối tiếc, giọng thơ như trầm lắng, tha thiết đi sâu vào tâm khảm người đọc:
Đến chào anh sáng mai em đi
Như ngày nào chào bà con hàng xóm
Sự xa cách nhỏ trong sự xa cách lớn
Một cuộc chia tay trong triệu cuộc chia tay.
(Cô bộ đội ấy đã đi rồi)
Nhớ nhau, nhớ nhau những buổi mưa dầm
Căn nhà dột tóc em ướt hết
Anh ngồi nghĩ gì em chẳng biết
Cứ hát tràn những câu hát bâng quơ.
( Cô bộ đội ấy đã đi rồi)

            Ngoài hai giọng điệu nói trên, trong thơ Phạm Tiến Duật còn giọng thơ hướng về sự chiêm nghiệm với những suy tư trăn trở trước sự mất mát, hy sinh trong chiến tranh, ngay cả việc diễn tả kỷ niệm về bếp lửa cũng đã khái quát được tinh thần và sức mạnh về cộng đồng và những giá trị tình cảm thiêng liêng:
Lòng vẫn khát khao đốt lửa giữa trời
Đến với mọi cộng đồng, đến với mọi màu da trên toàn trái đất
Nhưng chỉ bếp nhà mình là ấm nhất
Bởi yêu em, nhân loại thấy yêu thêm.
(Bếp lửa)
Khi chiêm nghiệm về cuộc đời, bằng giọng thơ triết lý, ông đã bộc bạch những  vần thơ giàu tính suy tư, khái quát thành các quan niệm, quy luật của cuộc đời. Là người lính mang sứ mệnh lớn lao của dân tộc, ông thầm lặng vẽ nên bức tranh về một lớp người hy sinh cho hòa bình, no ấm của dân tộc chỉ thông qua hình ảnh “Cây cúc đắng”:
Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng
Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay.
(Đi vào rừng)
Từ ba đặc điểm chính trong giọng điệu thơ của Phạm Tiến Duật giúp ta có cái nhìn cụ thể, xác thực về phong cách thơ Phạm Tiến Duật. Từ đó, thêm hiểu hơn về tâm hồn và tài năng của thi nhân, ông đã thành công trong việc khẳng định được giọng điệu riêng, độc đáo trong thế hệ nhà thơ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
3.4 Nghệ thuật lựa chọn và sử dụng hình ảnh
            Hình ảnh trong thơ Phạm Tiến Duật là những hình ảnh được đưa vào từ cuộc sống, hiện thực hiện lên qua những hình ảnh sống động, mang hơi thở của cuộc sống chiến trường. Đó là hình ảnh những chiếc xe chạy trong lửa đạn, cây cối đổ ngổn ngang bởi bom đạn, con đường gập ghềnh đầy những hố chông, cuốc xẻng... những vật liệu, công cụ dùng trong chiến đấu:
                                                Đạn một trăm mili mét xếp ngang
                                                Đạn cao xạ một trăm xếp dọc
                                                Súng bắn tỉa để riêng một góc.
                                                                                    (Nghe hò đêm bốc vác)
Những sự việc, sự kiện hàng ngày diễn ra trên đất nước:
Trong những tờ trình thủ tướng đọc trong đêm
                                                Còn có việc hoàn thành bộ thông sử đầu tiên.
 (Công việc hôm nay)
            Sự lựa chọn những hình ảnh thực, sống động, không tô vẽ là một cách biểu hiện nhận thức của tác giả đối với cuộc chiến. Trong thơ ông, cuộc chiến càng ác liệt, gian khổ đến đâu thì con người lại càng dũng cảm, lạc quan.
Hình ảnh con người được đặt trong mối quan hệ đối lập với hình ảnh về chiến trường. Nếu cây cối ngả rạp, xe không kính thì con người chiến sĩ lái xe “có một trái tim”. Nếu bom có dập liên hồi thì người công binh vẫn ung dung đứng vá đương. Bom mìn nằm dưới mặt đất và cô thanh niên ngày ngày vẫn phá bom mở đường...
            Bên cạnh những hình ảnh bình thường là những hình ảnh mang tính sáng tạo. Phạm Tiến Duật còn sử dụng những hình ảnh so sánh để  đưa vào trong thơ. Các hình ảnh so sánh của ông thường bất ngờ, táo bạo, giúp người đọc nhận biết đối tượng một cách cụ thế, sinh động:
                                                Hố bom dày như lỗ hà ăn chân.
                                                                                    (Qua cầu Tùng Cốc)
                                                Hố cá nhân ôm trẻ con như tổ ong ôm nhộng.
                                                                                    (Ông già thuốc bắc)
            Ngoài ra Phạm Tiến Duật còn thành công ở việc xây dựng những hình ảnh mang tính biểu tượng, mang tính khái quát lớn. Ta bắt gặp nhiều hình ảnh biểu tượng: lửa đèn, vầng trăng - quầng lửa, người mẹ, những người con gái... Lửa đèn trong bài thơ cùng tên là biểu tượng cho sức mạnh,truyền thống ngàn năm của dân tộc. Lửa theo Phạm Tiến Duật không bùng cháy trên bề mặt mà âm thầm cháy và đồng hành cùng con người:
                                                Những ngọn đèn cứ thắp lên
                                                Ngọn đèn chui vào ống nứa
                                                Cho em thơ đi học ban đêm
                                                Chiếc đèn chui vào lòng trái núi
                                                Cho xưởng máy thay ca vời vợi.
                                                                                    (Lửa đèn)
Rừng là nơi xảy ra chiến tranh ác liệt,là nơi gặp gỡ và chia tay, nơi bình yên và dữ dội. Vầng trăng là vầng trăng hiền hòa, một biểu tượng của sức sống mạnh mẽ. Kèm theo đó là những biểu tượng về sự phá hủy: quầng lửa, mùi cháy khét, ... mà đặc sắc nhất là những chiếc lá tàn và màu đen hủy diệt. Tất cả những biểu tượng trên đều khiến người đọc hình dung được cuộc chiến vô cùng ác liệt và sức sống mạnh mẽ, kiên cường của con người.

KẾT LUẬN
            Phạm Tiến Duật thuộc thế hệ các nhà thơ sinh ra từ cách mạng, lớn lên trên ghế nhà trường xã hội chủ nghĩa và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hiện thực chiến trường, con đường Trường Sơn, cuộc sống sinh hoạt của những người lính được Phạm Tiến Duật đưa vào trong thơ hết sức chân thực và sinh động. Hiện thực ấy thông qua hệ thống hình tượng người lính, hình tượng cô thanh niên xung phong, về nhân dân...Những phẩm chất tươi trẻ, đầy lãng mạn mà anh hùng của những anh lính lái xe, anh công binh hay những cô thanh niên xung phong...Những người mẹ, ông già thuốc bắc, tất cả đều nhận thức về trách nhiệm của bản thân cùng tình yêu quê hương đất nước sâu đậm. Họ dưới ngòi bút của Phạm Tiến Duật trở nên lung linh, đẹp đẽ khiến mọi người phải ngưỡng mộ.
            Thơ Phạm Tiến Duật là thơ chiến trường nên chất liệu trong thơ cũng được sử dụng từ những vật liệu trên chiến trường. Cái tôi trữ tình đậm chất lính. Phạm Tiến Duật đã tạo được dấu ấn riêng của mình khi xây dựng cái tôi trữ tình bằng ngôn ngữ thơ trẻ trung, hóm hỉnh, tuy là những hình ảnh mộc mạc bình dị nhưng đậm chất thơ. Giọng điệu ngang tàng, tâm tình dịu ngọt, hình ảnh chọn lọc có sự sáng tạo, tứ thơ độc đáo cũng góp phần tăng phần thuyết phục và hấp dẫn trong thơ của ông.
            Khép lại những năm tháng lửa đạn đã qua cũng như khép lại một cánh chim của núi rừng Trường Sơn đã mỏi , nhà thơ Phạm TIến Duật đã đặt dấu chấm rất đẹp cho cuộc đời mình.Núi rừng Trường Sơn sẽ nhắc mãi tên người ông và bao đồng đội . thơ ca ông sẽ mãi là những trang vàng chói lọi cho thế hệ trẻ Việt Nam . ông là "ngọn lửa đèn" của một thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Trác, Trần Hữu Tả (1988, 1990), Văn học Việt Nam 1945-1975, Nxb Giáo dục.
2.      Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân (1987), Một thời đại văn học mới, Nxb Văn học, Hà Nội.
3.      Đỗ Trung Lai (1986), Một chặng đường thơ Phạm Tiến Duật, Tạp chí văn học , số 4.
4.      Nhiều tác giả(1997), Văn học Việt Nam chống Mỹ cức nước, Nxb Khoa học Xã hội.
5.      Nhiều tác giả (1985), Thơ Việt Nam 1945-1985, Nxb Văn học.

6.      Nguyễn Thị Thung, Phong cách thơ Phạm Tiến Duật, Luận văn Thạc sĩ văn học.

  * Bài tiểu luận Văn2011
  Trường ĐH KHXH&NV - Tp. HCM
  Khoa Văn học và Ngôn ngữ



> Bài viết được đăng 19/6/2014
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét