TD- Kỹ năng sinh hoạt

Nguyễn Tuấn Dũng
Sưu tầm và biên soạn
  Kỹ năng sinh hoạt
Linh hoạt viên- hoạt náo viên

Lời nói đầu
Các bạn thân mến, có thể nói sinh hoạt đã từ lâu luôn gắn liền với cuộc sống con người, nhất là giới sinh viên, học sinh. Bất kỳ một sinh viên, học sinh nào cũng đã ít nhất một lần tham gia sinh hoạt tập thể, hội đoàn. Sinh hoạt không chỉ tạo nên vui tươi, thân mật, đoàn kết, thư giãn… mà còn được coi như một phương thế để giáo dục nhân bản hoặc hỗ trở việc học rất hiệu quả. Như vậy, mục đích của sinh hoạt theo 3 cấp độ:
1.     Tạo bầu khí vui tươi, thân mật, đoàn kết
2.     Giáo dục nhân bản
3.     Rèn luyện kỹ năng

          Bạn là một linh hoạt viên, quản trò, hoạt náo,…bạn phải có một số vốn kỹ năng sinh hoạt tối thiểu, để bất kỳ lúc nào bạn cũng trở thành một người đem lại niềm vui cho tập thể. Để làm được như thế bạn cần tích lũy nhiều kinh nghiệm về bài hát, trò chơi, băng reo, vũ điệu, ảo thuật, nghệ thuật nói trước công chúng, kỹ năng dẫn chương trình, tổ chức sự kiện, tổ chức hội trại…
Trong cuốn sách nhỏ này, tôi xin được giới thiệu và trình bày ngắn ngọn những nội dung chính được trình bày sau đây:
1.     Kỹ năng làm quản trò, linh hoạt viên
2.     Kỹ năng tập một bài hát sinh hoạt
3.     Kỹ năng sáng tác cử điệu một bài hát sinh hoạt
4.     Kỹ năng lập ngân hàng trò chơi
5.     Một số trò chơi thông dụng
Đây là những gợi ý mang tính giáo khoa, còn việc ứng dụng trong thực tế là do sự sáng tạo, kinh nghiệm tích lũy của mỗi người. Vì thế các bạn cần thực hành trong các buổi sinh hoạt cộng đoàn, từ đó rút ra những kỹ năng quý báu cho bản thân. Chúc các bạn thành công!
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 4 năm 2014
Jos. Nguyễn Tuấn Dũng

***
Bài 1:
Kỹ năng làm quản trò- linh hoạt viên
***
Dẫn nhập:
Có thể dùng danh từ “nghề” để nói về công việc Quản trò, linh hoạt viên, mặc dù “nghề” này không nhắm đến kinh tế hay danh vọng trong xã hội. Nhưng nếu được gọi là “nghề” thì một người được xem là linh hoạt viên, quản trò phải thật điệu nghệ, có nghệ thuật và chuyên nghiệp.
Ở đây, tôi xin trình bày 3 nét làm nên một quản trò, linh hoạt viên chân chính:Tính cách- Vốn Liếng- Kinh nghiệm
1.     Tính cách của người quản trò
Người ta thường quan niệm một cách khá bạc bẽo rằng: người quản trò là một anh, một chị chuyên làm “trò hề” cho thiên hạ mua vui, có chút tiếu lâm, tính tình lại hay bông đùa hời hợt, khi nào vào việc quan trọng chẳng ai dám tin tưởng giao phó, sợ người ấy biến thành trò đùa.
Thiết nghĩ, quan niệm như thế là nông cạn, hẹp hòi và “tàn nhẫn”. Để làm được một “anh hề” dễ thương, một quản trò tài giỏi trước hết bạn phải có: một tâm hồn cởi mở, một ý thức sâu sắc, một bản lĩnh vững vàngmột khả năng đa dạng.
1.1.         Tâm hồn cởi mở:
Quản trò phải có tâm hồn bình dịvị tha có thế sẵn sàng đóng góp phần mình một cách nhiệt thành cho cuộc vui chung, cho bầu khí tập thể thêm đạm đà, ý vị và thân tình gắn bó. Không làm eo, làm phách; không chút nhút nhát, tự ti
1.2.         Ý thức sâu sắc:
Quản trò phải có ý thức, phán đoán tốt thì sẽ biết mình đang làm gì, biết nói thế nào cho đúng lúc, đúng nội dung, đúng đối tượng,…Nhờ vậy, thông qua những trò chơi, những bài hát dần dần bồi đắp cho mỗi người và tập thể những giá trị giáo dục sâu sắc.Người quản trò có ý thức luôn tránh những bài hát, những trò chơi phản giáo dục, phản khoa học.
1.3.         Bản lĩnh vững vàng:
Quản trò có bản lĩnh vững vàng thì có thể biến báo nhanh nhẹn trong mọi việc, mọi tình huống; không tranh việc, không dựa vào người khác; thành công không kêu, thất bại không nản; và đến lúc nào đó sẵn sàng nhường bước cho người giỏi hơn, cho thế hệ trẻ hơn kế thừa mà không buồn, không mặc cảm và ganh tỵ.
1.4.         Khả năng đa dạng:
Khả năng càng đa dạng thì người quản trò càng có thể biến mọi việc, mọi dịp thành một trò chơi đúng nghĩa và lý thú; biết rộng mọi lĩnh vực để vận dụng trong mọi hoàn cảnh; biết cách ăn nói dõng dạc và mạch lạc, biết cư xử hài hòa với mọi người. Quản trò cần có đủ sở trường và sở đoản thì dễ “nhập vai”: kể truyện, tập hát, diễn viên kịch, dẫn chương trình,…
Như thế, chúng ta không thể coi quản trò là một anh hề, có tài vặt và lém miệng.Ngược lại, phải nhìn nhận đây là một thủ lĩnh (leader) đầy trình độ và thiện chí, có thể làm chủ một tập thể 6 đến 600.000 người trong một thời gian tương ứng.
2.     Vốn liếng của người quản trò
Vốn liếng ở đây chúng ta hiểu không chỉ người quản trò được thiên phú như một năng khiếu quý và hiếm, mà còn nỗ lực rèn luyện, học tập và kiến thức thực tập, thực tế từ các buổi sinh hoạt cộng đoàn.
2.1.         Giọng nói và khuôn mặt
Người quản trò cần có giọng nói to, dõng dạc để trình bày trò chơi, hướng dẫn luật chơi thật ngắn gọn và dễ hiểu, gây được sự chú ý tập trung và bất ngờ hấp dẫn cho cả tập thể đông người, mặc dù có thể họ đã chơi trò ấy nhiều lần.
Khi quản trò làm nhiệm vụ trọng tài, cần phải có những quyết định công minh mà vẫn giữ được bầu không khí vui tươi, khi đưa ra một số khẩu lệnh phải dứt khoát nhưng pha một chút dí dỏm, khiến mọi người dễ dàng tự nguyện làm theo.
Khuôn mặt của người quản trò luôn tươi tỉnh, cởi mở, ánh mắt nhìn bao quát toàn bộ, tránh để sự nóng nảy hoặc nản lòng thoát chí, không ra lệnh gay gắt.
2.2.         Cử chỉ và dáng điệu
Người quản trò có dáng điệu tự nhiên, cư xử dễ thương, tạo thiện cảm, tạo được sự chú ý,… có như thế mới làm cho tập thể vui nhộn, tương tác, giao kết với nhau thoải mái.
Cần tránh những cử chỉ thừa, vụng về, tự mình sẽ dễ mất tự chủ trước đông đảo người tham dự đang chú ý về mình.
2.3.         Kiến thức và ý niệm
Kiến thức bước đầu của người quản trò là “học lỏm” và sau đó học trong sách, học từ thầy, học bạn bè,… để dần dần hệ thống thành những lý luận kiến thức, làm vốn riêng cho mình.
Đã làm quản trò thì không bao giờ được cạn trò chơi, mà phải tìm tòi và sáng tác các trò chơi mới để mỗi lần xuất hiện là một lần hứa hẹn sẽ đem đến một chương trình mới hấp dẫn, có duyên, có ý nghĩa và đáp ứng được nhu cầu của tập thể.
3.     Kinh nghiệm của người quản trò
3.1.         Số lượng người chơi
Có một hàm số nghịch biến về tâm lý tập thể ở đây là: khi số lượng người tham gia sinh hoạt càng đông thì tính chất của trò chơi lại càng “trẻ con” đi. Vì thế người quản trò phải biết biến báo, lựa chọn các trò chơi sao cho phù hợp với “độ tuổi tâm lý”. Ở đây chúng ta khảo sát những cấp độ của số người chơi:
a.     Trên dưới 12 người:
Dù là các đối tượng thanh thiếu niên còn rất trẻ thì trò chơi phải ở cấp độ cao, thường đòi hỏi sự quan sát, óc lý luận, trí tưởng tượng và tính khôi hài dí dỏm, có vẻ “ông cụ non”. Trò chơi không nhằm đến việc thắng thua, mà chủ yếu làm nóng, khởi động thú vị khiến mọi người hào hứng là thành công.
b.     Trên dưới 50 đến 60 người:
Trò chơi sẽ ở cấp độ trung bình, đòi hỏi sự nhanh nhẹn, tháo vát, dẻo dai, đầy sôi động. Ví dụ: các trò chơi vận động, trò chơi phản xạ, đối kháng, thi đua,…
Sinh hoạt với khoảng trên dưới 60 người là hoàn cảnh phù hợp cho các quản trò trẻ, mới bước vào nghề. Nếu cần các bài hát sinh hoạt nên chọn những bài ở mức trung bình, dễ tập và dễ nhớ.
c.      Trên dưới 300 người:
Trò chơi ở mức độ đơn giản, chỉ đòi hỏi sự đồng loạt sao cho nhịp nhàng, vui nhộn, dễ bắt chước, luật chơi dễ hiểu và dễ thực hiện. Nếu không gian chơi là một hội trường nên dùng các trò chơi Phản xạ. Nếu ở ngoài sân rộng thì sử dụng các trò chơi Vận động nhẹ.Cũng đừng quên các Băng reo là loại trò chơi vừa hợp với đám đông và tạo hiệu quả cao.
3.2.         Đối tượng tham gia
Khi nhận nhiệm vụ bất ngờ, quản trò cần chú ý đến đối tượng mình chuẩn bị sinh hoạt (đối tượng đã quen với việc sinh hoạt- đối tượng chưa quen hoặc chưa từng sinh hoạt). Sau khi nhận định, người quản trò tìm ra phương án sinh hoạt thích hợp. Đặc biệt, cần lưu tâm đến những đối tượng chính sau đây:
a.     Có đội  ngũ
b.     Không có đội ngũ
c.      Chưa quen sinh hoạt
d.     Đã quen sinh hoạt
e.      Có nhiều trẻ em
f.       Có nhiều người lớn
3.3.         Điều kiện tổ chức sinh hoạt
Người quản trò có quyền lựa chọn và tính toán kỹ địa điểm mà mình sẽ tổ chức sinh hoạt.Nhưng điều kiện không cho phép, bạn cần linh hoạt ở các địa điểm bất ngờ mà vẫn không giảm hiệu quả buổi sinh hoạt. Tôi xin nêu 3 tình huống đặc trưng sau đây:
a.     Sân bãi rộng:
Nếu số người tham gia không quá đông, quản trò cho lập một vòng tròn tương đối vừa, không quá lớn tránh không để bầu không khí bị loãng.
Với diện tích đó, quản trò có thể vận dụng các trò chơi vận động mạnh, di chuyển nhiều và nhanh, có tính đối kháng.Tuy nhiên khi thấy các bạn có vẻ mệt, thì xen kẻ các trò chơi vận động nhẹ, ngồi tại chỗ.
b.     Phòng quá chật:
Nếu số người tham gia khá đông, quản trò nên chơi các trò chơi vận động nhẹ, tại chỗ, có thể tận dụng cả ghế bàn và các vật dụng có sẵn trong phòng đưa vào nội dung của những trò chơi.
Bạn cũng nên thêm vào một số bài hát tập thể, vui nhộn tạo bầu không khí vui tươi.Chú ý không nên sinh hoạt quá lâu (không quá 1 giờ) tránh bị quá tải.
c.      Không có micro điều khiển
Nếu không gian rộng, số lượng người tham gia quá đông, mà lại không có micro điều động thì quả là một tình huống khó khăn, có thể đây là tình huống khó khăn nhất đối với người quản trò, nếu chưa có kinh nghiệm.
Quản trò có thể mời một số bạn trẻ biết sinh hoạt làm quản trò phụ tá, chơi một số trò chơi mở đầu chung, sau đó chia nhỏ ra thành 2 hoặc 3 nhóm nhỏ sinh hoạt riêng, cuối cùng tập hợp chung và sinh hoạt kết thúc.
Nếu trường hợp tập thể chưa quen sinh hoạt mà không có ai trợ giúp, thì quản trò phải ít dùng khẩu lệnh hơn là thủ lệnh. Dùng các trò chơi đơn giản, phổ biến ngắn ngọn, có nhiều động tác để bắt chước.
Đồng thời bạn đừng quên các bài hát tập thể quen thuộc, các băng reo ngắn  để gây bầu khí thêm sinh động. Chú ý trong trường hợp này không quá 30 phút, như thế sẽ ảnh hưởng chất lượng buổi sinh hoạt và nhất là sức khỏe người quản trò.

3.4.         Bản thân người quản trò
a.     Chuẩn bị trò chơi
Ngoài trường hợp “bắt cóc bỏ dĩa” , thì người quản trò có điều kiện tiên liệu và chuẩn bị nghiên cứu trước các mặt sau đây:
·        Đại điểm tổ chức sinh hoạt: có những thuận lợi và bất lợi nào? Đối với những bất lợi, cần chuẩn bị đối phó ra sao?
·        Đối tượng sinh hoạt: đối tượng sinh hoạt là ai? Độ tuổi nào? Có những nhu cầu gì? Nếu là sinh hoạt định kỳ, thì phải có một kế hoạch thế nào?
·        Phân công cụ thể: người quản trò chuyên nghiệp phải biết phân công hiệu quả, chọn đúng đối tượng, giao đúng việc và phân bố thời gian hợp lý.
·        Các vật dụng liên quan đến trò chơi: gồm có những vật dụng gì cho mỗi trường hợp và mỗi trò chơi. Hiện để ở đâu? Do ai đang giữ? Phải đưa ra lúc nào?
·        Kịch bản cuộc chơi: diễn tiến ra sao? Có khả năng xảy ra những sự cố bất ngờ nào? Sẽ biến báo ra sao?

b.     Hướng dẫn luật chơi
Quản trò phải biết cách tập trung mọi người, sao cho tập thể thu hút, im lặng và chú ý nghe phổ biến luật chơi. Quản trò phải tương tác với các bạn bằng cách hỏi mọi người đã hiểu chưa, đã nắm vững luật chơi chưa?Có thể vận dụng một số chuyện vui, bài hát để dẫn nhập vào trò chơi, nên chơi mẫu, chơi nháp trước khi chơi thật.
c.      Tiến hành trò chơi
Quản trò phải trực tiếp hòa mình một cách nhiệt tình cùng với người chơi trong mọi lúc. Luôn nêu cao tinh thần tự nguyện, tự giác, trung thực,…
Quản trò cần khéo léo, tế nhị với những ai còn nhút nhát, chưa quen sinh hoạt hoặc khách mời mới đến còn lạ lẫm với tập thể.

 *** 
 Bài 2:
Kỹ năng tập một bài hát sinh hoạt
***

Trong các dịp sinh hoạt tập thể, đặc biệt với các em thiếu nhi và các bạn trẻ sinh viên, học sinh thì không thể thiếu các bài hát sinh hoạt quen thuộc. Một bài hát thành công phải ít nhất có những tiêu chí như: gây bầu khí, chuyển tải ý nghĩahỗ trợ giảng dạy.
Đồng thời có thể vận dụng những bài hát tập thể có thêm cử điệu đơn giản góp thêm phần sinh động.

1.     Bài hát trong sinh hoạt
1.1.         Gây bầu khí
Nhanh chóng tạo được bầu khí vui tươi cho tập thể không phân biệt nam nữ, tuổi tác. Xóa sự e dè ngại ngần hay bang quan khép kín, vốn là thứ tâm lý bị “đóng băng” gây khó khăn cho linh hoạt viên trong sinh hoạt.
          Ví dụ: các bài hát mở đầu như Chào mừng, Về nơi đây, Anh em ta về,…
1.2.         Chuyển tải ý nghĩa
Dễ dàng chuyển chở những ý nghĩa chủ đề chung của chương trình sinh hoạt, giáo dục nhân bản trong xã hội. Đặc biệt nâng cao hiệu ứng thành công cho chương trình, cụ thể qua các bài hát “chủ đề” cho chương trình diễn ra.
1.3.         Hỗ trợ giảng dạy
Đặc biệt, bài hát trong sinh hoạt là một phương tiện sư phạm sinh động và rất hiệu quả. Nó giúp cho các linh hoạt viên, hoạt náo viên có thể dẫn nhập, minh họa và củng cố cho đề tài, bài thuyết trình, hay một buổi nói chuyện với tập thể.

2.     Chọn bài hát sinh hoạt
          Để chuẩn bị cho một chương trình sinh hoạt, linh hoạt viên, hoạt náo viên chọn sẵn một số bài hát sinh hoạt với các tiêu chuẩn sau:
2.1.         Phù hợp với chủ đề:
          Bài hát sinh hoạt (BHSH) được chọn làm bài hát chủ đề hay bài hát chủ đạo cho chương trình, thường là một bài hát ngắn ngọn, giai điệu vui tươi phấn khởi, tiết tấu rõ, đơn giản, có cử điệu sinh động,…
2.2.         Phù hợp với đối tượng:
          BHSH cần có nội dung phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, với từng giới tham dự. Ngoài ra cần nhớ những nguyên tắc tỉ lệ nghịch giữa khối lượng người tham dự với tầm cỡ bài hát: càng đông thì lại càng đơn giản (tương tự như chọn trò chơi).
2.3.         Phù hợp với khung cảnh:
          BHSH cần hợp với khung cảnh gặp gỡ ở hội trường, đám tiệc, trong phòng sinh hoạt, ngoài sân chơi, giưa thiên nhiên, những nơi thờ tự (Nhà thờ, Chùa, Đình,..).
          Có các loại bài hát sáng tác riêng để mở đầu làm quen, để kết thúc chia tay hoặc kèm theo trò chơi, để thưởng- phạt sau một trò chơi. 
2.4.         Phù hợp với khả năng bản thân:
          Các bạn linh hoạt viên, hoạt náo viên luôn phải nhớ BHSH được chọn cần phải quen, thuộc thông thạo, vừa sức với bản thân linh hoạt, hoạt náo viên.Hát được một bài hát có thể tới mức thuộc nằm lòng trước khi tập cho mọi người.Tránh tình trạng lúng túng khi đứng trước tập thể.

3.     Cách thức tập một bài hát sinh hoạt
Có nhiều cách tập một bài hát sinh hoạt khác nhau, mỗi người có một phong cách khác nhau, nên uyển chuyển thay đổi cho phù hợp với từng loại bài, với từng tình huống và từng đối tượng tham dự. Có thể chọn một trong những cách dưới đây hoặc phối hợp cho nhiều cách thêm phong phú và sinh động”
3.1.         Hát trước cả bài nhiều lần
      Cách này cho tập thể nghe quen tai về bài hát, lời và nhịp điệu, sau đó lần lượt tập lại từng câu.
3.2.         Hát mẫu từng câu ngắn
      Cách này tập thể lập lại ngay, lại qua câu kết tiếp cho tới hết bài. Loại này thường chỉ có 4 câu, nhịp là 2/4, có thể dùng cho 2 bè hát láy với nhau.
3.3.         Vừa hát mẫu vừa minh họa cử điệu
      Cách này bạn vừa hát mẫu vừa có cử điệu minh họa, sau đó lập lại cả bài. Mời tập thể cùng hát theo cử điệu đã gợi ý, mỗi câu thường diễn tả bằng 1, 2 cử điệu đơn giản.
3.4.         Vừa hát mẫu vừa dẫn dắt
          Cách này vừa hát mẫu vừa dẫn dắt bằng câu chuyện hoặc cắt nghĩa từng câu một cách lý thú và sinh động, thường là loại bài có tính tự sự, dành cho thiếu nhi.
3.5.         Chép trọn cả bài hát lên bảng
          Sau khi tập thể hát đã tương đối vững, sẽ xóa dần một số chữ hoặc từng câu cho đến khi xóa sạch bảng khi mọi người đã thuộc lòng bài hát. Thường là loại bài ngắn, nhiều đoạn lập lại…
3.6.         Chia phe hát đuổi
          Sau khi tập hát đã tương đối vững, có thể hát chồng lên nhau mà vẫn khớp về hòa âm, hài hòa với tiết tấu nhịp điệu.

4.     Kết luận
          Linh hoạt viên, hoạt náo viên trong công việc này được gọi là một Quản ca, nghĩa là người điều khiển cả tập thể hát chung một bài hát. Mức độ thành công của chương trình là phụ thuộc vào rất nhiều khả năng của người Quản ca. Thông thường mỗi linh hoạt viên, hoạt náo viên phải biết, thuộc ít nhất là 30 bài hát sinh hoạt thật thành thạo.
    
          Bạn thử kiểm tra lại vốn liếng bài hát sinh hoạt của mình xem được bao nhiêu?

                                           *** 
Bài 3:
Kỹ năng sáng tác cử điệu một bài hát sinh hoạt
***
Linh hoạt viên, hoạt náo viên cần biết
1.     Phân loại và nhận định
Bài hát có vỗ tay: Trong sinh hoạt, để gây bầu khí vui tươi nhộn nhịp, Linh hoạt viên có thể đề nghị vỗ tay theo nhịp hoặc theo tiết tấu của bài hát, vỗ toàn bài hay chỉ vỗ cuối câu, hoặc chỉ vỗ một số từ nào đó trong câu thay vì hát thành lời.
Ví dụ:      Tang tang tang tình tang tính, ta ca ta hát vang lên...
                Vỗ tay, vỗ tay, cùng nhau hát mà vui cười…
Bài hát có động tác: Trong sinh hoạt, Linh hoạt viên có thể dùng các động tác đơn giản, dứt khoát, kèm theo từng câu của Bài Hát Sinh Hoạt, thường là 4 động tác ( nếu là nhịp 2/4 và 4/4 ) hoặc 3 động tác (nếu là nhịp 3/4 ) cứ lập đi lập lại, ăn với các phách mạnh nhẹ của câu nhạc. Loại bài hát này có tác dụng gây bầu khí sôi nổi, giúp thư giãn, tỉnh ngủ khi phải ngồi mỗi một chỗ đã lâu.
Ví dụ:      Lu lu lá lù, lù lá lu là lu la lế...
                Ta hát to hát nhỏ nhò nho...
Bài hát có vũ điệu: Loại bài dùng làm các tiết mục trình diễn của một Nhóm, một Đội, hay một toán bạn trẻ trên các sân khấu bỏ túi, văn nghệ quần chúng, hoặc trong các dịp đốt lửa trại. Vì mang nhiều tính nghệ thuật nên cần phải được tập luyện nhuần nhuyễn, đạt mức độ tương đối khá về nghệ thuật.
Ví dụ:  Anh em ta về cùng nhau ta quây quần...
            Tình bằng có cái trống cơm...
Bài hát có cử điệu: Loại bài hát sinh hoạt đặc biệt này cho tới nay vẫn còn ít được sử dụng. Thật ra, dạng này rất dễ sáng tác, dễ lồng các cử điệu vào, lại dễ tập cho cả tập thể đứng vòng tròn hoặc ngồi hoặc đứng ngay trong lớp học. Mọi lứa tuổi đều có thể tham gia một cách hứng thú, sinh động, gây ấn tượng sâu xa nhờ ý nghĩa của lời hát được minh họa bằng các cử điệu đơn sơ gần gũi với đời sống thường nhật.
Ví dụ:      Người khôn xây trên đá ngôi nhà…
                Chiều nay em đi câu cá...
2.     Định nghĩa bài hát có cử điệu
Cử chỉ: Cách làm, cách minh họa, cách biểu diễn một sự vật, một sự việc hay một ý tưởng trừu tượng bằng bàn tay.
Dáng điệu: Vẻ bề ngoài của khuôn mặt, của toàn thân mình ăn khớp với nhịp độ của công việc, của âm nhạc.
Vậy, Bài hát có cử điệu chính là một dạng bài hát ngắn có kèm theo các cử chỉ và dáng điệu đơn giản rõ nét, để diễn tả tối đa nội dung của từng câu, từng ý trong bài hát.
3.     Giá trị của cử điệu
Các cử điệu mang tính cách tế nhị, kín đáo, lại vừa phong phú về mặt biểu hiện cảm xúc của người Đông Phương (Ấn-Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam…) thì các cử điệu, dẫu không dùng đến lời nói, vẫn có thể diễn đạt nhiều ý tứ sâu sắc.
Thậm chí, các cử điệu còn được ứng dụng một cách tự nhiên trong việc giáo dục nhân bản và tâm linh không chỉ đối với trẻ em mà cho cả người lớn trong các mối tương quan với chính mình, với tha nhân, với thiên nhiên. Cử điệu diễn tả lòng tri ân, sự kính trọng, quan niệm sống bác ái, vui tươi lạc quan… Cử điệu giúp bầy tỏ những tính cách và ước nguyện kín ẩn của nội tâm như vâng phục, khiêm tốn, hồn nhiên trong sáng…
4.     Chuẩn bị một bài hát có cử điệu
Để đạt được thành công, Linh hoạt viên cần ý thức về bầu khí, về khung cảnh, về đối tượng tham gia, về mục tiêu nhắm tới để chuẩn bị cho xứng hợp. Cần chú ý các yếu tố sau đây:
Về BHSH: nên sáng tác hoặc chọn các bài hát ngắn, cân phương, 4 hoặc 8 câu, có âm vận, có ý tứ đơn giản dễ thương, trải ra trong 16 trường canh, theo nhịp 2/4 tươi tắn khỏe mạnh hoặc nhịp 3/4 duyên dáng nhẹ nhàng.
Ø Về cử điệu kèm theo: mỗi câu hát chỉ nên chọn minh họa bằng 1 hoặc 2 cử điệu đơn giản, nhịp ăn khớp với tiết tấu nhạc, thường sử dụng các ngón tay, bàn tay, cánh tay, phối hợp với động tác chân và sự di chuyển thân mình, đồng thời hài hòa với ánh mắt và nét mặt.
Ø Về tập thể tham dự: nên chọn hình thức vòng tròn cho sinh hoạt ngoài trời, bán cung nếu nhắm đến một nghi thức như cầu nguyện, tĩnh tâm, cũng đôi khi phải ứng biến ngay trong lớp học.
Về Linh hoạt viên: nên hát mẫu kèm theo cử điệu mẫu một cách chậm rãi rõ ràng, tập cho tập thể, sau đó làm nháp và chính thức. Có thể cho điểm số 1–2, nếu cần có các cặp làm cử điệu đối xứng.Có thể giới thiệu ý nghĩa bài hát trước hoặc sau khi đã cùng làm.
5.     Diễn xuất các cử điệu
Linh hoạt viên đòi hỏi có nhiều sáng kiến, biến báo và có tâm hồn sâu sắc, giàu cảm xúc, nên có thể dễ dàng chọn, sáng tác và thể hiện các cử điệu cho đúng ý nghĩa, cân đối, duyên dáng, đạt mức nghệ thuật tối thiểu. Dưới đây là một số nguyên tắc cần lưu ý về các cử điệu:
-         Thống nhất đầu-cuối: nhanh hay chậm, dí dỏm hay trang trọng, sôi nổi hay dịu dàng, sao cho thích hợp với nội dung và tính cách của bài hát, tuy vậy đôi khi vẫn có thể thay đổi nhịp độ và tiết điệu để gây ấn tượng, đồng thời kết hợp các tiếng hò, tiếng hô, tiếng gọi, băng reo để tạo bầu khí sinh động.
-         Thứ tự trái-phải: tay trái thường làm trước tay phải, chân trái cũng bước trước chân phải, do vậy thân mình cũng quay sang trái trước rồi quay sang phải sau.
-         Đối xứng trước-sau: cử điệu thường sẽ được đưa lên rồi lại đưa xuống đưa sang trái rồi lại đưa sang phải, vươn tới trước rồi lại thu về phía mình, mở rộng ra ngoài rồi lại kéo vào trong.
Với 3 yếu tố căn bản nêu trên, các cử điệu cần phải liền lạc, không đứt quãng đột ngột, tất cả làm thành một chu kỳ hài hòa, đẹp mắt mà lại có ý nghĩa.
6.     Hiệu quả một bài hát có cử điệu
Bài hát có cử điệu thường được các Linh hoạt viên vận dụng nhằm các mục đích như sau:
Xáo trộn vị trí: một số bài có cử điệu sẽ khéo léo xáo trộn chỗ của mỗi người trong vòng tròn một cách tự nhiên, không gượng ép, tránh được việc cụm lại thành các Nhóm nam-nữ riêng rẽ.
Gây dựng bầu khí: bài hát có cử điệu luôn tạo được sự vui tươi linh hoạt, làm nên tâm tình hiệp nhất trong tập thể, xóa nhòa mọi cách biệt tuổi tác, phái tính, trình độ và tâm lý bỡ ngỡ hoặc khép kín trong các dịp họp mặt, lửa trại, sinh hoạt vòng tròn ngoài trời...
Góp phần giáo dục: bài hát có cử điệu chuyển tải được các nội dung giáo dục hướng thiện và vị tha một cách nhẹ nhàng mà lại thấm thía, tránh được kiểu nói nặng về giáo huấn khô khan.

***
Bài 4:
Kỹ năng lập ngân hàng trò chơi
***

1.     Định nghĩa về trò chơi
Trò chơi có thể được định nghĩa chi tiết sau:
-Một cuộc vận động sinh hoạt
-Tổ chức cho một số người tham gia
-Theo một quy ước được hướng dẫn trước
-Diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định
-Tại một nơi chốn, trong phòng hay ngoài trời
-Với mục đích đem lại một giá trị hữu ích, có ý nghĩa riêng cho mỗi người và tập thể.
Theo định nghĩa này, trò chơi sinh hoạt đương nhiên bao gồm tất cả các trò chơi lành mạnh, nhưng đồng thời cũng bao gồm cả các bài hát ngắn, các vũ điệu đơn giản, các tiết mục ảo thuật bỏ túi, các câu đố vui, các câu băng reo… vẫn thường được dùng trong các buổi sinh hoạt tập thể như là những tiết mục sinh hoạt nho nhỏ.

2.     Yêu cầu của trò chơi
      Có 3 yêu cầu nhất thiết phải đạt được để có thể coi là một trò chơi đúng nghĩa. Đó là: Gây dựng bầu khí, rèn luyện kỹ nănggiáo dục chiều sâu.
      Gây dựng bầu khí:trước tiên trò chơi sinh hoạt phải góp phần cho bầu khí tập thể thêm sống động tươi trẻ, nhanh chống xóa bỏ những thụ động khép kín, xóa bỏ mọi cách biệt, ngại ngùng và giải tỏa sức căn tâm lý.
      Rèn luyện kỹ năng: với yêu cầu này, các bài tập thể dục thể thao đã được chuyển thành các trò chơi vận động đòi hỏi sức khỏe, phản xạ nhanh, động tác tháo vát; các bài toán trí óc chuyển thành các trò chơi suy luận, phân tích tổng hợp nhanh; các khóa huấn luyện kỹ năng khô khan, tẻ nhạt đã thoát thành các trò chơi ứng dụng thực hành hết sức hấp dẫn và hiệu quả.
      Giáo dục chiều sâu:khác với 2 yêu cầu trên, yêu cầu này có khi được biểu hiện kín đáo, nhẹ nhàng nhưng lại rất quan trọng. Góp phần nâng cao ý thức nhân bản, giúp nhận thức về tính kỷ luật, trung thực trong thi đua một cách công bằng, tương quan ứng xử tốt trong xã hội; sự vâng phục bề trên, các linh hoạt viên, hoạt náo viên. Nói chung, trò chơi sinh hoạt góp phần giáo dục tính cách của công dân.

3.     Phân loại trò chơi
      Có nhiều cách để phân loại trò chơi. Ở đây, tôi xin đề nghị 5 hạng mục để phân loại trò chơi:
-Theo tính chất nội dung
-Theo đối tượng tham gia
-Theo tầm cỡ dàn dựng
-Theo điều kiện không gian
-Theo nhu cầu phục vụ

3.1.         Theo tính chất nội dung
a.     Trò chơi phản xạ:
      Đây là loại trò chơi quy ước phản xạ về động tác, về lời nói. Luật chơi ngày lại một khó hơn, dễ gây rối loạn, phán đoán sai… có thể có nhiều kiểu phản xạ khác nhau:
-Phản xạ thuận
-Phản xạ nghịch
b.     Trò chơi lý luận:
      Đây là trò chơi vận dụng đến trí óc để phân tích, lý luận, loại suy, tổng hợp, nêu các giả thuyết hợp lý và đi đến những kết luận chính xác. Trò chơi sẽ diễn ra trong một thời gian nhất định hay một số lần nhận định thăm dò đã được quy ước trước giữa quản trò và tập thể tham dự.
      Ví dụ: thám tử, các câu đố,…
c.      Trò chơi vận động nhẹ
d.     Trò chơi vận động mạnh
e.      Trò chơi cảm giác:
      Đây là loại trò chơi phải dùng đến một hoặc nhiều giác quan cùng một lúc như:
-Thính giác (nghe bằng tai)
-Thị giác (nhìn bằng mắt)
-Vị giác (nến bằng lưỡi)
-Khứu giác (ngửi bằng mũi)
-         Xúc giác (sờ bằng tay, dò bằng chân)
      Cũng có thể cho cô lập một giác quan nào đó để người chơi phải vận dụng tối đa các giác quan còn lại trong việc nhận định, ghi nhớ, lý luận loại suy và đi tới kết luận chính xác.
3.2.         Theo đối tượng tham gia
      Linh hoạt viên, hoạt náo viên cần lưu ý  chọn lọc các trò chơi thích hợp với độ tuổi và phái tính của những người tham gia buổi sinh hoạt, cần nhớ đó là yếu tố quyết định khá lớn dẫn đến thành công chung cuộc. Gồm các đối thượng sau:
-Tuổi ấu (8 đến 11 tuổi)
-Tuổi thiếu (12 đến 15 tuổi)
-Tuổi kha (16 đến 18 tuổi)
-Tuổi tráng ( 19 đến 24 tuổi)
-Tuổi trưởng (25 tuổi trở lên)
3.3.         Theo tầm cỡ dàn dựng
-Trò chơi chiến dịch
-Trò chơi liên tỉnh
-Trò chơi quốc gia
-Trò chơi quốc tế
3.4.         Theo điều kiện không gian
-Trò chơi ngoài trời
-Trò chơi trong nhà
3.5.         Theo nhu cầu phục vụ
-Trò chơi sinh hoạt vòng tròn
-Trò chơi sinh hoạt thi đua
-Trò chơi sinh hoạt thân hữu
-Trò chơi sinh hoạt cao điểm
-Trò chơi sinh hoạt giáo dục
-Trò chơi thưởng phạt

 ***
 Bài 5:
Một số trò chơi thông dụng
***
 ·        Trò chơi sinh hoạt vòng tròn
1.     Trò chơi phản xạ
Trời – Đất – Nước
Người Điều Khiển chỉ từng người hô:
- NĐK: trời           -NC: nói một loài vật bay trên trời (con cò)
- NĐK:  Đất          -NC: nói một loài vật sống trên đất (con heo)
- NĐK: Nước        -NC: nói một loài vật sống dưới nước (cá rô)
* Lưu ý: Ai nói một loài vật không rõ, nói sai hoặc lập lại cái đã nói rồi thì bị phạt.
Sống – Chết, Thiên Đàng – Hỏa Ngục
(Tất cả đứng vòng tròn)
- NĐK: (hô) Sống         -TC: Chạy tại chỗ
- NĐK: Chết                  -TC: Đứng nghiêm
- NĐK: Thiên đàng       -TC: Giơ hai tay lên trời
- NĐK: Hỏa ngục          -TC: Ngồi xuống
*Lưu ý: NC chỉ làm theo những gì NĐK hô. Ai sai bị phạt.
Cây Mấy Đầu
NĐK chỉ từng người hỏi:
- NĐK: Một cây mấy đầu?          NC: (nói) 2 đầu
- NĐK: Nửa cây mấy đầu ?         NC: 2 đầu

- NĐK: Một cây rưỡi ?                 NC: 4 đầu
* Lưu ý: Cứ thế tiếp tục hỏi bất cứ mấy cây cũng được (vì một cây cũng 2 đầu, nửa cây cũng 2 đầu), do đó một cây rưỡi cũng bốn đầu.
Súng – Sói – Người
* Nguyên tắc : Súng bắn sói
                      Sói cắn người
                      Người điều khiển được súng
+ Súng : 2 tay chắp chĩa vào người kia.
+ Sói : 2 tay giơ lên hai lỗ tai xòe ra
+ Người : đứng nghiêm xuôi tay.
NĐK chỉ vào người chơi và làm những động tác:
- NĐK: làm động tác súng     NC: phải làm động tác người
- NĐK: làm động tác sói        NC: phải làm động tác súng
- NĐK: làm động tác người    NC: phải làm động tác sói
* Lưu ý: NC phải thắng NĐK ai thua bị phạt
Chưởng – Chỉ – Chỏ – Chảo
+ Chưởng: Tay đẩy về phía trước
+ Chỉ: Chỉ ngón trỏ về phía trước
+ Chỏ: Làm động tác đánh chỏ
+ Chảo: Đưa tay phải ra trước, lòng bàn tay úp xuống rồi đánh hất ngửa lòng bàn tay lên.
NĐK hô:
- NĐK: Chưởng,rồi làm động tác chưởng - TC: Lập lại và làm động tác chưởng
- NĐK: Chỉ,rồi làm động tác chỉ - TC: Lập lại và làm động tác chỉ
- NĐK: Chỏ,rồi làm động tác chỏ - TC: Lập lại và làm động tác chỏ
- NĐK: Chảo,rồi làm động tác chảo - TC: Lập lại và làm động tác chảo
* Lưu ý: NĐK có thể hô một đàng làm một nẻo, còn TC chỉ làm theo NĐK hô chứ đừng làm theo cử điệu
Ai Là Vua
NĐK chỉ từng người và nói:
- NĐK:  Ai là vua ?
- NC : Ta là vua (giơ 2 tay lên)và hai người bên cạnh người được chỉ nói: Tâu bệ hạ (chắp tay cúi phục người xuống)
* Lưu ý: Người tâu phải cúi thấp hơn vua ai sai bị phạt.
Cõng Mẹ – Đánh Cọp
- NĐK: (hô) Cõng mẹ              NC: Đưa trỏ ra trước
- NĐK: Đánh cọp                    NC: Tay phải đẩy về trước
- NĐK: Đánh mẹ                      NC: Đứng im
- NĐK: Cõng cọp                    NC: Đứng im
* Lưu ý: Khi NĐK hô: đánh mẹ và cõng cọp, NC không được làm động tác nào, ai sai bị phạt.
Cua – Cò – Cá
- NĐK: (hô) Cua     NC: Đưa tay phải ra trước-úp bàn tay xuống
- NĐK: Cò              NC: Đưa tay phải lên cong như cổ cò
- NĐK: Cá              NC: Úp hai bàn tay lại
* Lưu ý: Làm theo lời nói của NĐK
Dài – Ngắn; Cao – Thấp
            + Dài : Giang 2 tay ra
            + Ngắn : Chấp hai tay phía trước
            + Cao : Tay phải giơ lên cao, tay trái xuôi xuống
            + Thấp : Úp 2 bàn tay phía trước
* Lưu ý: NĐK hô và làm bất cứ động tác nào NC phải làm theo. Chỉ làm theo lời NĐK hô.NĐK có thể hô một đàng nhưng làm một nẻo.

2.     Trò chơi vận động nhẹ
Đếm sao
Mục đích: rèn luyện trí nhớ, khéo léo
* Số lượng: 30 người trở lên, có thể chia nhiều nhóm
* Địa điểm: trong phòng, ngoài sân
* Thời gian: 5 - 7 phút.
*Cách chơi: quản trò hát bài hát: “Một ông sao sáng, 2 ông sáng sao tôi đố anh chị nào từ 1 hơi đếm hết đến 10 ông sáng sao”. Người chơi được chỉ định sẽ đếm: 1 ông sao sáng, 2 ông sáng sao, 3 ông sao sáng, 4 ông sáng sao, …, 10 ông sáng sao – nếu như người chơi đếm không dứt 1 hơi th́ì sẽ bị phạt
Xếp thư
Chơi theo cặp 1 nam & 1 nữ, các cặp thi đấu với nhau.
Dụng cụ:các tờ báo khổ lớn.
Cách chơi:
a. Nam & nữ cùng đứng trên 1 tờ báo.
b. Quản trò gấp tờ báo làm đôi.
c. Nam & nữ tiếp tục đứng lên tờ báo sao cho chân 2 người không lọt khỏi phạm vi tờ báo.
d. Quản trò tiếp tục gấp tờ báo lại.
>Trò chơi cứ thế tiếp tục...Đôi nào còn có thể đứng gọn theo yêu cầu cuối cùng là người thắng cuộc.
Kỷ lục đã lập là đôi nam nữ đứng trên tờ báo còn khoảng...1 nắm tay (nam cõng nữ & ... nhón 1 chân).
Đứng - ngồi – nằm – ngủ
Tạo không khí vui vẻ trong sinh hoạt, phát triển phản xạ, rèn luyện trí nhớ.
* Nội dung:
Quản trò cho tập thể chơi học các cách sau:
-Đứng: Bàn tay phải nắm, giơ thẳng lên đầu.
-Ngồi: Bàn tay phải nắm, hai cách tay vuông góc, bàn tay giơ ngang mặt.
-Nằm: Bàn tay phải nắm, duỗi tay thẳng phía trước.
-Ngủ: Bàn tay phải nắm, áp vào má và hô: khò.
* Cách chơi:
+ Quản trò hô những tư thế, động tác theo quy định trên.
+ Quản trò có thể hô đúng làm đúng hoặc hô đúng làm sai.
+ Người chơi phải làm đúng theo lời hô của người quản trò và các động tác quy định của người quản trò.
* Phạm luật:Những trường hợp sau phải chịu phạt:
+Làm động tác sai với lời hô của quản trò.
+Không nhìn vào quản trò.
+ Làm chậm, làm không rõ động tác.
Chú ý:
+ Tốc độ nhanh chậm tuỳ thuộc vào đối tượng chơi.
+ Quản trò dùng những từ khác để đánh lừa người chơi như tiến, lùi, khò... tạo không khí
Truyền tin
Giúp đối tượng chơi có phản xạ nhanh, nhớ chính xác, bí mật, tạo tinh thần đồng đội.
Số lượng: Tùy quy mô tổ chức được chia thành các đội.
Nội dung:
Truyền thông tin của chỉ huy (quản trò) rồi báo cáo.
Cách chơi:
- Quản trò chia tập thể chơi thành các đội, số lượng các đội bằng nhau.
- Các đội đứng thành hàng dọc, cách quản trò cùng một kích thước. Mỗi đội cử một người lên nhận lệnh.
- Khi có lệnh chơi, người nhận lệnh của các đội chạy lên nhận tin của quản trò và về nói cho người thứ 1, người thứ 1 nói nhỏ cho người thứ 2 (nói thầm vào tai) cứ như thế cho đến người cuối cùng. Người cuối cùng chạy lên nói với quản trò "tin" mà quản trò đã phát ra.
Luật chơi:
- Đội nào báo tin nhanh, chính xác đội đó thắng.
- Đội nào để lộ tin coi như thua.
- Nếu các đội lên trùng nhau quản trò cho ghi tin vào giấy.
- Tin được truyền từ người số 1 đến người cuối cùng, không được truyền tắt.
Chú ý:
- Quản trò chuẩn bị sẵn các tin vào giấy khi các đội lên nhận, đưa cho người nhận, đọc xong quản trò thu lại.
- Người cuối cùng viết vào một mảnh giấy, nộp cho quản trò rồi so sánh hai mẩu giấy ghi tin (Quản trò và các đội).
- Đối tượng nhỏ tin ngắn, lớn tin dài.
- Các chữ trong bản tin bằng nhau.
- Nội dung các tin chọn những câu vui, mang tính hài hước.
- Nghĩ các câu đố các đội phải giải luôn câu đó, tăng mức độ hấp dẫn của trò chơi.
Gây rối
Cách chơi: Người điều khiển hướng dẫn như sau: tất cả đưa tay phải nắm tai trái, và dùng tay trái nắm mũi. Khi tất cả làm xong, người điều khiển bất ngờ hô “đổi tay”.Các bạn sẽ mục kích được những sự việc thật buồn cười khi đồng bạn cảm thấy lúng túng.Trò chơi nầy chỉ nên làm một hoặc hai lần thôi và người điều khiển không nên tập trước cho người chơi.
Chim sổ lồng
Cách chơi: Vòng tròn đếm số (1,2,3) - (1,2,3)... cho đến hết vòng. Số 1 và 3 của mỗi nhóm làm chuồng, số 2 làm chim.Người không thuộc nhóm nào đứng giữa vòng làm chim. Khi người điều khiển hô “chim bay” tất cả “chim” trong lồng phải đổi chổ, trong khi những người đứng giữa phải tìm cách kiếm lồng của mình. Khi người điều khiển hô “chim bay - lồng bay” tất cả “chim” và “lồng” phải đổi chổ. Khi người điều khiển hô “lồng bay” tất cả “lồng” phải đổi chổ, “chim” có thể đứng yên hoặc đi tìm “lồng” của mình.
Chú ý: Những con chim trong ba lần trong cuộc chơi không tìm được lồng sẽ bị loại khỏi vòng chơi.
Tìm kho tàng
Cách chơi: Một người tình nguyện bước ra khỏi vòng, trong khi những người khác chọn một người trong vòng làm “kho tàng”. Khi người tình nguyện bước vô vòng, người trong vòng vỗ tay để hướng dẫn; người tình nguyện bước càng gần “kho tàng” tiếng vỗ tay càng to, càng xa tiếng vỗ tay càng nhỏ.
Chú ý: Tiếng vỗ tay phải liên tục. Người tình nguyện có thể chỉ được 3 lần.Nếu sau ba lần người ấy đoán sai phải bước ra khỏi vòng, và trong vòng phải chọn người khác làm kho tàng.
3.     Trò chơi vận động mạnh
Bão thổi- Bão thổi
Quản trò hô to: “Bão thổi, bão thổi”, mọi người hỏi lại: “Thổi ai ? Thổi ai ?” Quản trò bảo: “Thổi những ai đeo đồng hô !”Những ai có đeo đồng hồ đều phải chạy đổi chỗ cho nhau trong vòng tròn.Ai chậm chân nhất sẽ phải ra thay quản trò tiếp tục điều khiển.
Lưu ý: Câu hô “bão thổi, bão thổi” có thể thay bằng các câu khác như: “Kiến cắn, kiến cắn”, “Điện giựt, điện giựt”...
Tự họa chân dung
Quản trò bắt bài hát chỉ có ba chữ “Trán-cằm-tai” theo điệu nhạc phần đầu của bài “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, mọi người hát theo, tay chỉ đúng vào vào trán, vào cằm hay vào tai của mình khớp với lời đang hát. Tốc độ hát ngày một tăng.
Tôi bảo thì làm
Quản trò hô: “Tôi bảo đứng !”Mọi người phải đứng. Quản trò bất ngờ không nói “Tôi bảo” mà chỉ hô: “Ngồi xuống !”, những ai lỡ ngồi xuống thì sẽ bị phạt sau khi trò chơi đã kết thúc. Cứ thế quản trò cứ đổi hành động và khẩu lệnh ngày một nhanh cho đến khi có được khoảng 10 bị phạt thì chuyển sang trò chơi phạt.
Đăng ký tạm trú
Luôn luôn số ghế (hoặc dép) ít hơn một so với số người chơi. Tất cả nắm tay nhau vừa hát một bài hát sinh hoạt quen thuộc, vừa đi vòng tròn quanh các chiếc ghế (hoặc dép). Bất ngờ, quản trò hô to: “Đăng ký !”, tất cả phải đáp lại: “Tạm trú !” rồi nhanh chân nhảy vào ngồi lên một chiếc ghế (hoặc giẫm chân phải lên một chiếc dép). Chắc chắn sẽ có một người chậm chân bị lọt sổ, loại ra khỏi vòng tròn. Quản trò cứ thế lấy bớt đi một chiếc ghế (hoặc dép) cho đến khi còn có 5, 6 người có nhà ở. Quản trò sẽ hô: “Thường trú !”, những người này sẽ mở vòng tay ra và hô to: “Xin mời !” rồi đón những người bị loại “vào nhà mình” bằng bài hát “Cái nhà là nhà của chung, xin đón anh em vào chung, sống chung trong tình thương mến, vui chung thân thiết vô cùng !”
·        Băng reo
1.     Băng reo là gì?
Là những câu xướng đáp ngắn gọn có ý nghĩa, làm theo những cử điệu phù hợp với nội dung chương trình:
-         Khơi dậy bầu khí vui tươi, sống động
-         Hỗ trợ các sinh hoạt khác
-         Giáo dục các em (phản ứng nhanh, dễ nhớ…)
2.     Công dụng
-         Giúp cho tinh thần hang hái, vui say
-         Nhấn mạnh nội dung (một chiến dịch, phong trào) đang thực hiện
-         Nâng cao tinh thần đoàn kết
-         Chào mừng, hoan hô, tán dương
-         Để kết thúc một chương trình, thay đổi bầu khí
3.     Phương pháp sáng tác băng reo
3.1.         Nguyên tắc
Hình thức: Ngắn gọn, dễ nhớ, dễ làm (2,3 câu, mỗi câu 2,3 chữ)
Nội dung:
-         Mang ý nghĩa giáo dục lành mạnh
-         Phù hợp với hoàn cảnh, lứa tuổi, bài hát, nơi chốn (đúng lúc, đúng nơi, đúng đối tượng, bài hát)
3.2.         Sáng tác theo những chủ đề
-         Theo chủ đề một bài hát
-         Theo chủ đề một trò chơi
-         Theo chủ đề, phong trào, chiến dịch
-         Theo chủ đề hoàn cảnh
4.     Một số bang reo hay
          Đi đường xa:
QT: anh em ơi!     - Ơi!
QT: đường xa       - Xông pha!
QT: anh em ra      - Quyết tiến bước!
Bà ba đi chơi:
QT: Bà ba đi chợ- đụng phải con cá, bà đi bà đá
QT: Bà ba đi chợ- đụng phải con cò, bà nhảy cò cò
Tương tự:    cái chum- lum khum
                   Con bò- bò
                   Con ếch- lếch
                   Cá lóc- khóc
                   Ông mười- cười
                   Con mắt- cà nhắc
                   Con ma- ca
                   …
Chào mừng:
QT: Hân hoan
-         Đón chào (đưa tay trái lên)
QT: Hân hoan
-         Chúc mừng (đưa tay phải lên)
QT: Hân hoan
-         Kính dâng (đưa 2 tay lên cao)
Cám ơn:
QT: Xin cám ơn        - bằng lời (2 tay trên miệng)
QT: Xin cám ơn        - bằng lòng (2 tay trên ngực)
QT: Xin cám ơn        - bằng tay ( một tràn vổ tay dài)
***


TỔNG HỢP CÁC TRÒ CHƠI  VÒNG TRÒN THEO HỆ THỐNG
o0o
MÚA VUI
1.  Mình nhấc cái chân cho đều (nhấc chân, lắc mông, đấm lưng, nhún vai, vỗ tay)
2.  Đưa tay ra nào…
3.  Tay trái tay phải, giơ tay trái vỗ bên phải/ chân trái chân phải giơ chân trái đá bên phải.
4.  Vòng tròn có một cái tâm, cái tâm ở giữa vòng tròn…
5.  Đi một vòng, là đi thật nhanh
6.  Mình ngồi bên nhau, mình hát với nhau.
7.  Cùng quây quần ta vui vui vui (vỗ tay hụt)
8.  Bên nhau giã gạo
9.  Chịu chơi/ chịu chơi/ chịu chơi. (vỗ tay hụt)
10.   Nào cùng hát lên nào cùng hát lên, cho quả tim nối kết quả tim, cho con người biết…
11.   Vỗ tay theo nhịp điệu (12/ 123; 12/ 12345; 12/ 1234567; 12/ 123456789.
TRÒ CHƠI VẬN ĐỘNG
1.  Muỗi bay
2.  Bão thổi/ kiến cắn
3.  Chanh chua, cua kẹp
4.  Dì Hai đi chợ
5.  Kết chùm, kết chùm
6.  Ta là vua
7.  Xắc cái nị/ là Xắc cái nị/là xáo xáo xáo
Púm cái nị /là púm cái nị  /là páo páo páo
Xắc cái nị là xáo/ púm cái nị là páo
Xắc cái nị /là púm cái nị /là xáo xíu páo.
8.  Chặt thịt gà/ là chặt thị gà /là xào xào xào
Chấm xì dầu /là chấm xì dầu /là vào vào vào
Chặt thịt gà là xào/ chấm xì dầu là vào
Chặt thịt gà/ là chấm xì dầu/ là xào vào nhào.
9.  Tôi bảo gì thì làm (nếu không có chữ “tôi bảo” thì không làm)
10.     Sóng vỗ nhấp nhô
11.     Ghế chúng mình
12.     Đua ghe ngo (của người Dân tộc Khme): (Cách chơi: xếp thành 2 hàng dọc, ngồi phệt xuống sân, hai chân của người ngồi sau gác lên đùi người ngồi trước. Khi có hiệu lệnh tất cả cùng di chuyển tời vạch đích các đó chừng 3m.)
NGỒI SINH HOẠT VÒNG TRÒN THÀNH TỪNG NHÓM
1.  Nào bạn ơi ra đây xem chúng tôi thi nhau chơi; tùng (tùng cắc tùng)/ kèn (tò tí tò)/ đàn (tình tính tình).
2.  Nhạc trưởng: (làm theo bài “Hát to hát nhỏ” chữ A, I, U, O; Có thể điều khiển bài hát này bằng chân)
3.  Tang tang tang tình tang tính (ngồi: bàn chân/ đầu gối/ hai vai/ vỗ tay trên đầu)
4.  Đếm sao hoặc đếm Kinh Thánh, đếm bún riêu.
5.  Gà trống gà mái
6.  Tôi/ uống/ coca/ cola. (Chia thành bốn nhóm)
7.  Tôi/ yêu/ mến/  Chúa. Chúa/ yêu/ mến/ tôi (Chia thành bốn nhóm)
TRÒ CHƠI PHẢN XẠ
1.  Chỉ/ trỏ/ trưởng
2.  Bánh bao/ bánh dẻo/ bánh cuốn/ bánh gù
3.  Thể dục (chạy nhẹ tại chỗ)/ thể thao (vặn mình)/ thể hình (làm động tác tập)/ thể lực (hai tay nâng tạ).
4.  Dài/ ngắn/ cao/ thấp. (Ngắn dài, ngắn dài/  thấp cao. Thấp cao/ thấp cao/ ngắn dài)
5.  Nhảy ra/ nhảy vào
6.  Vịt cạp cạp (theo bước chân của quản trò)
7.  Sống/ chết/ thiên đàng/ hỏa ngục.
8.  Cò/ cua/ cá.
9.  Thụt thò, thò thụt
10.     Tiểu đoàn 307
11.     Trán/ cằm/ tai
12.     Đăng ký tạm trú: (10 người chơi có 9 chiếc dép, mọi người đứng vòng tròn quay lưng vào nhau, di chuyển theo chiều kim đồng hồ, khi nghe hiệu lệnh “Đăng ký” Mọi người phải hô: “Tạm trú” sau đó, mỗi người phải ngồi xuống một chiếc dép, ai không ngồi kịp thì bị loại.)
13.     Con bò/ bếp lò/ cái giò/ con cò.
14.     Con cò/ cong cái cổ/ co cái cẳng/ căng cái cánh.
15.     Nhập khẩu / nhập khẩu (hai tay đưa lên miệng)
Vận chuyển/ vận chuyển (Hai tay vuốt phía trước bụng)
Xuất khẩu/ xuất khẩu (hai tay đưa ra phía đằng sau mông)
LỄ PHÉP I
Chào cô (vòng tay từ trái qua phải)
Chào thầy (Khoanh tay cúi đầu)
Chào cụ (chắp tay trước ngực, cúi đầu)
Chào xếp (chào kiểu lính)

LỄ PHÉP II
Chào cụ (hai bàn tay đan chéo vào nhau để trước ngực)
Chào thầy đồ (Khoanh tay, cúi đầu)
Chào cô (vẽ 1 nửa vòng tròn từ vai trái xuống qua chân phải, người hơi khom)
Chào xích lô (Búng ngón tay cái và ngón tay giữa)
Chào Ni-cô (chắp tay trước ngực)
Chào xếp (chào kiểu lính)
TRÒ CHƠI PHẠT
1.  Múa một con vịt
2.  Kìa con bướm vàng
3.  Một đàn vịt già
4.  Rửa mặt như mèo
5.  Ta ca ta ngồi ta đứng.
6.  Ra mà xem, con gì nó ngồi trong góc
7.  Naponeon 100 tên lính xung phong
8.  Nặn tượng
9.  Bơm xe
10.   Gội đầu cho nhau
11.   Vịt đe đe đe, vịt đe đe đe, vịt đẻ
Gà ấp ấp ấp, gà ấp ấp ấp, gà nở
Diều xớt xớt xớt, diều xớt xớt xớt, gà đá.
12.   Vịt đi đi đi/ vịt đi đi đi/ vịt đi vịt vịt
Vịt đe đe đe/ vịt đe đe đe/ vịt đe vịt đẻ
Vịt ngu ngu ngu/ vịt ngu ngu ngu/ vịt ngu vịt ngủ.
13.   Máng lợn, mắm tôm… (hỏi gì cũng nói như trên)
14.   Đua tôm (hai tay nắm cổ chân, đi giật lùi)
15.   Xay thóc/ nhọc mệt/ hết hơi/ ai ơi/ giúp tôi/ một tí (cộng đoàn đọc nhanh dần)
16.   Các dấu chấm câu (chấm, hỏi, ngã, nặng, chấm than, chấm hỏi, hai chấm). Đọc một bài thơ: “Trăm năm trong cõi người ta…”
Bò lúc lắc, bò nhúng giấm (QT: Bò lúc lắc/ bò bò bò, bò nhúng giấm/ bò bò bò (QT hô bao nhiêu chữ bò thì phải lúc lắc hoặc nhúng giấm bấy nhiêu cái)
***



> Bài viết được đăng 16/4/2014
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét