Phê bình Hậu thực dân


Mục lục
1.      Khái niệm “Chủ nghĩa hậu thực dân” và “Phê bình hậu thực dân”
1.1 Chủ nghĩa hậu thực dân………………………………………………………...3
1.2 Phê bình hậu thực dân……………………………………………………….....3

2.      Lịch sử ra đời và phát triển của thuyết hậu thực dân…………………………….................5

3.      Những nhà phê bình hậu thực dân tiêu biểu
3.1 Eward Said ( 1935- 2003 )……………………………………………………..6
3.2 Trịnh Thị Minh Hà ( 1952)……………………………………………………..6
4.      Các quan điểm chính của phê bình hậu thực dân…………………………....….....................7

5.      Phê bình hậu thực dân ở Việt Nam…………………..…………………………...................8

6.      Các kiểu phê bình hậu thực dân và đặc điểm của nó………………………….....................10

7.      Các phương pháp tiến hành phê bình hậu thực dân……………………………....................11

8.      Vận dụng phê bình hậu thực dân vào một tác phẩm…………………………... ....................11

9.      Kết luận………………………………………………………………………….................14



1. Khái niệm “chủ nghĩa hậu thực dân” và “phê bình hậu thực dân”
    1.1 Chủ nghĩa hậu thực dân:
        Hậu thực dân (postcolonial) được sử dụng đầu tiên với tư cách là một tính từ ở các sử gia phương Tây sau Thế chiến thứ hai, đơn giản chỉ là để ghi lại cột mốc hậu - độc lập ở một quốc gia thoát khỏi ách thống trị của thực dân. American Heritage Dictionary định nghĩa: “hậu thực dân. tính từ: của, liên quan đến, hoặc là thời gian sau khi một thuộc địa giành được độc lập”. Tuy nhiên, ngay sau đó các nhà nghiên cứu chịu ảnh hưởng của học thuyết Marxist đã dùng tính từ hậu thực dân như một thuật ngữ chỉ những hệ lụy mà các quốc gia hậu - độc lập phải đối mặt bởi các di sản của chủ nghĩa thực dân còn lưu cữu trên các cựu thuộc địa đó. Đối trọng với quan niệm chủ nghĩa thực dân như là sự kiểm soát về mọi mặt ở các thuộc địa, chủ nghĩa hậu thực dân được quan niệm như là sự đối diện thường trực với hệ quả của sự kiểm soát ấy. Tất nhiên, càng về sau này, khi trật tự chính trị và xu hướng phát triển kinh tế, văn hóa có nhiều biến chuyển thì chủ nghĩa hậu thực dân còn vươn ra bao quát nhiều vấn đề phức tạp hơn nữa.
       Tóm lại, chủ nghĩa hậu thực dân chủ yếu nghiên cứu sự xâm lăng văn hóa của chủ nghĩa đế quốc, sự trói buộc của chủ nghĩa thực dân, quan hệ quyền lực văn hóa giữa mẫu quốc và thuộc địa; quan tâm đến sự khác biệt địa vị văn hóa; sự tranh đấu quyền lực giữa các nền văn hóa bất bình đẳng.

    1.2 Phê bình hậu thực dân:
        Cũng như hầu hết các lý thuyết đã thành trường phái khác, lý thuyết hậu thực dân, thật ra, không phải là một cái gì thống nhất hoàn toàn. Tính chất thiếu thống nhất ấy thể hiện ngay trong cách viết: một số người đề nghị dùng gạch nối ngăn giữa tiền tố ‘hậu’ và từ ‘thực dân’ (post-colonialism) như một dấu mốc thời gian nhấn mạnh vào quá trình giải thực ở các quốc gia cựu thuộc địa; một số khác - hiện nay đang là số đông - chủ trương viết liền, không có gạch nối (postcolonialism) để nhấn mạnh vào những hậu quả kéo dài đến tận ngày nay của chủ nghĩa thực dân. Ngoài sự khác biệt về thời gian, các lý thuyết gia cũng không đồng ý với nhau về không gian mà lý thuyết hậu thực dân bao trùm.
       Với một số học giả, cái gọi là văn học hậu thực dân chỉ giới hạn trong những tác phẩm được viết ra ở các quốc gia thuộc địa và trong thời gian thuộc địa; còn tác phẩm được các cây bút thực dân viết ra thì được xếp vào một phạm trù khác, mệnh danh là ‘Diễn ngôn thực dân học’ (Colonial Discourse Studies). Một số khác, đông hơn, quan niệm lý thuyết hậu thực dân bao trùm toàn bộ mọi nền văn hoá chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa đế quốc từ thời bành trướng của thực dân cho đến tận ngày nay. Nghĩa là, không phải chỉ có nền văn hoá các nước thuộc địa mà cả văn hoá các quốc gia đi chinh phục và bóc lột các nước khác cũng nằm trong quỹ đạo của các ảnh hưởng ấy.    
       Bởi vậy, trong phạm vi văn học, đối tượng nghiên cứu của lý thuyết hậu thực dân gồm hai nhóm chính: một, các nhà văn và nhà thơ thuộc các quốc gia thực dân khi họ tiếp cận với các đề tài liên quan đến thực dân và thuộc địa; và hai, quan trọng nhất, những cây bút sống trong các thuộc địa, trong đó, có một số thuộc địa được hình thành chủ yếu từ những người di dân đến từ mẫu quốc (như Úc, Tân Tây Lan, Canada và, trong chừng mực nào đó, có thể kể cả Mỹ), còn lại, các thuộc địa gồm tuyệt đại đa số là dân bản xứ, tức thuần là dân bị trị, như hầu hết các quốc gia Phi châu, các quốc gia vùng Caribbean, vùng đảo Nam Thái Bình Dương, Pakistan, Scri Lanka, Malaysia, Singapore, Bangladesh... và, dĩ nhiên, Việt Nam. Với nhóm trên, các nhà phê bình thuộc thuyết hậu thực dân tìm cách phân tích quá trình bóp méo kinh nghiệm, hiện thực và lịch sử chinh phục và bóc lột của các nhà văn, nhà thơ thực dân. Với nhóm dưới, họ tìm cách nhận diện những nỗ lực viết lại lịch sử và tái tạo bản sắc của các dân tộc thuộc địa qua văn học.
       Vấn đề trung tâm của các nền văn hoá và văn học hậu thực dân là quan niệm về ‘cái khác’ (otherness). ‘Cái khác’ khác với sự khác biệt (difference) vì ‘cái khác’ bao gồm cả sự khác biệt lẫn bản sắc: ‘cái khác’, tự nó, là một bản sắc và bản sắc ấy được hình thành chủ yếu trên sự phân biệt với những bản sắc khác đang chiếm giữ vị trí trung tâm. Nó là một thứ con rơi: vừa được sinh ra vừa bị từ bỏ. Nó được tạo lập từ bảng giá trị mà nó luôn luôn tìm cách phủ nhận: nếu thực dân là trật tự, văn minh, duy lý, hùng mạnh, đẹp đẽ và tốt lành thì thuộc địa lại là hỗn loạn, mông muội, cảm tính, yếu ớt, xấu xí và xấu xa. Sự phủ nhận ấy được thực hiện ở thế yếu, do đó, không bao giờ thực sự triệt để. Tính chất phân vân ấy làm cho người thuộc địa không những là những ‘cái khác’ so với thực dân mà còn là những ‘cái khác’ so với chính quá khứ của họ. Bởi vậy, dân tộc thuộc địa nào cũng, một mặt, ngưỡng vọng quá khứ, mặt khác, họ lại thấy rất rõ trong quá khứ ấy có vô số khuyết điểm cần được khắc phục. Hậu quả là quá khứ chỉ được khôi phục từng mảnh và với những mảnh vụn ấy, người ta không thể tái tạo được cả lịch sử: người dân thuộc địa, do đó, có thể nói là có rất nhiều quá khứ nhưng lại không có lịch sử.
        Bên cạnh ý niệm về ‘cái khác’ là tính chất đề kháng. Một trong những biểu hiện quan trọng nhất của tính chất đề kháng của các dân tộc thuộc địa là sự ra đời của chủ nghĩa quốc gia. Nằm ở trung tâm của chủ nghĩa quốc gia là ý niệm về bản sắc dân tộc. Trong nỗ lực xây dựng bản sắc dân tộc, các dân tộc thuộc địa thường loay hoay giữa sức đề kháng trước áp lực của văn hoá thực dân và những quyến rũ của tính hiện đại vốn gắn liền với nền văn hoá ấy, giữa hiện thực bản xứ và bảng giá trị xem chừng có tính sang cả và phổ quát ở Tây phương. Có thể xem thế áp đảo của các bảng giá trị này là một trong những chiến thắng lớn lao nhất của chủ nghĩa thực dân: nó biến khái niệm Tây phương từ một thực thể địa lý thành một phạm trù tâm lý để với nó, người ta sẽ thấy phương Tây ở mọi nơi, thành cả thế giới văn minh, hơn nữa, thành mẫu mực của văn minh.

2.  Lịch sử ra đời và phát triển của thuyết hậu thực dân:      
        Lý thuyết hậu thực dân ra đời vào khoảng đầu thập niên 1990, trước hết, từ ảnh hưởng của cuốn Orientalism của Edward W. Said, xuất bản lần đầu năm 1978, trong đó, Said giải mã quan hệ quyền lực giữa phương Ðông và phương Tây qua các hình thức diễn ngôn, chủ yếu qua việc sáng tạo nên khái niệm ‘phương Ðông’ như một “cái Khác” (Other) so với phương Tây.
       Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc hình thành lý thuyết hậu thực dân chính là sự bất lực của các lý thuyết Tây phương trong việc lý giải tính chất phức tạp trong nền văn học các nước cựu thuộc địa. Hầu hết các lý thuyết về mỹ học, thể loại cũng như phong cách ở Tây phương trước đây đều được xây dựng trên tiền đề về tính phổ quát của văn học và triết học: những gì đúng và hay ở nơi này thì cũng sẽ đúng và hay ở những nơi khác. Thực chất đó là một thứ chủ nghĩa độc tôn (monocentrism) về văn hoá và chính trị, kết quả của chủ nghĩa đế quốc và thực dân kéo dài nhiều thế kỷ trong lịch sử.
       Từ giữa thế kỷ 20, khi tất cả các thuộc địa dần dần đều được giải thực, người ta nhận thấy văn học từ các xứ cựu thuộc địa có cái gì không nằm hẳn trong các quy phạm vốn phổ biến ở Tây phương. Khám phá này trở thành tự giác và có sức thuyết phục mạnh mẽ với lý thuyết về một thứ chủ nghĩa phương Ðông của Edward W. Said: lý thuyết hậu thực dân ra đời.

3. Những nhà phê bình hậu thực dân tiêu biểu:
       Những tên tuổi tiêu biểu nhất của văn học hậu thực dân trên thế giới, về phương diện sáng tác, có Chinua Achebe, Marguerite Duras, Nadine Gordimer, Jamiaca Kincaid, V. S. Naipaul, Ngugi Wa Thiong’o, Michael Ondaatje, Salman Rushdie, Leopold Senghor, v.v...; về phương diện lý thuyết, có Homi Bhabha, Frantz Fanon, Edward Said, Gayatri Chakravorty Spivak... và đặc biệt là một người Việt Nam: Trịnh Thị Minh Hà.

3.1 Edward Said (1935-2003):
       Ông là một nhà phê bình tiêu biểu nhất của phê bình hậu thực dân, ông mang quốc tịch Hoa Kỳ nhưng gốc Palestin. E.W.Said học tiểu học ở Cairo thơ ấu của mình như là sống "giữa các thế giới", thế giới của Cairo và Jerusalem. Sau này ông theo học ở nhiều trường khác nhau và đạt được những thành quả: Cử nhân Nghệ thuật từ Đại học Princeton ( 1957), và sau đó một Thạc sĩ Văn học (1960) và một học vị tiến sĩ Triết học (1964), Văn học Anh, Đại học Harvard.
        Nói gọn lại, theo E. Said: “Phương Tây luôn ở vị thế ‘trung tâm’, trong khi phương Đông là ngoại biên ‘khác biệt’”. “Khác biệt” theo nghĩa thua kém về mọi phương diện, tạo nên sự đối lập như ánh sáng và bóng tối. Một cách nhìn như vậy là hoàn toàn phi lý vì đó chỉ là sản phẩm của sự “bịa đặt” mang ý đồ tăm tối của phương Tây bị nhất quán chi phối bởi cái nhìn nặng tính thực dân mà thôi. “Một cách khái quát hơn - Vẫn theo lời dẫn giải của Lê Thị Vân Anh -, đặc tính nhược tiểu của thuộc địa và đặc tính văn minh của thực dân vốn không phải là những căn tính có sẵn, tất cả là sản phẩm của diễn ngôn - diễn ngôn thuộc địa. Và khi khẳng định nhược tiểu là thuộc tính của thuộc địa, văn minh là thuộc tính của thực dân, thì có nghĩa là đằng sau diễn ngôn đó chắc chắn có sự chi phối của quyền lực” .
         Edward  Said  người có thể được coi như ông tổ của phê bình hậu thực dân.

  3.2 Trịnh Thị Minh Hà (1952):
        Bà sinh tại Việt Nam vào năm 1952 và định cư ở Mỹ vào năm 1970 sau khi có quá trình học tập tại Việt Nam và Philippines. Bà theo học ngành sáng tác âm nhạc, âm nhạc dân tộc, và văn chương Pháp ở đại học Illinois, Champaign - Urbana, và nhận bằng thạc sỹ, rồi tiến sỹ tại đó.  Trịnh Thị Minh Hà đã giảng dạy khắp nước Mỹ, cũng như tại một số nước châu Âu, châu Á, Australia và New Zealand về điện ảnh, nghệ thuật, thuyết nữ quyền, và chính trị văn hóa. Bà là giáo sư danh dự đặc tuyển về nghiên cứu phụ nữ tại đại học Berkeley, California. Trịnh Thị Minh Hà đã từng nhận được rất nhiều giải thưởng nghệ thuật cao quý. Đặc biệt, vào ngày 23/2/2011, Trịnh Thị Minh Hà vinh dự nhận giải thưởng Thành tựu trọn đời vì sự nghiệp phê bình nghệ thuật.
        Tác phẩm nổi tiếng liên quan tới thuyết hậu thuộc địa của bà là tập sách Nữ giới, bản địa và những vấn đề khác: bàn về thời kỳ hậu thuộc địa và chủ nghĩa nữ quyền được Indiana University Press xuất bản vào năm 1989. Tác phẩm phê bình văn học và văn hóa từng bị từ chối xuất bản vì lý do “kén độc giả” này không ngờ lại được giới phê bình đánh giá cao và bán rất chạy. Tiến sỹ E. Ann Kaplan hiện là giảng viên tiếng Anh và văn học đối chiếu tại Đại học Quốc gia New York, Stony Brook cho rằng: “Ảnh hưởng của Trịnh Thị Minh Hà về mặt tác hợp được một tầm nhìn có tính chất hậu thực dân và hậu hiện đại lên các nghệ sỹ và lý thuyết gia theo xu hướng đa văn hóa là khá rõ rệt.  Như Trịnh từng lưu ý, thật sai lầm khi có ý tưởng cho rằng, ‘chủ nghĩa hậu hiện đại’, dù cách này hay cách khác, là một lý thuyết hay khám phá của phương Tây. Chủ nghĩa hậu hiện đại ngụ ý tới tất cả mọi người và các nền văn hóa phi phương Tây cũng đã góp phần và tham gia vào việc lý thuyết hóa chủ nghĩa hậu hiện đại chẳng kém gì các nền văn hóa khác”.

4. Các quan điểm chính của phê bình hậu thực dân:
Theo Edward  Said việc xem Phương Tây luôn ở vị thế “trung tâm”, trong khi phương Đông là ngoại biên “khác biệt” Edward Said chỉ rõ rằng, những hình ảnh sai lạc và lãng mạn hoá về Trung Đông và châu Á đã được phương Tây sử dụng để bào chữa cho chủ nghĩa thực dân và đế quốc. Đó cũng chính là nền tảng trong hoạt động tìm hiểu về phương Đông của các học giả phương Tây giai đoạn sơ khai của ngành Đông phương học. “Đông phương luận” chỉ ra rằng phương Đông – như một đối tượng liền lạc, thống nhất bao gồm phần lớn châu Á và vùng Trung Đông – thực chất là “cái khác” trong thế tương quan kẻ mạnh người yếu, kẻ chinh phục và người bị chinh phục, kẻ khai sáng và người được khai sáng. Bởi vì lịch sử luôn được kể lại từ một góc nhìn nhất định, nó luôn mang tính chính trị rõ nét, và trong bối cảnh văn hóa thực dân thì trung tâm tạo nghĩa cho lịch sử chính là quan điểm phương Tây.
        Còn theo nhà mỹ học Marxist nổi tiếng Hoa Kỳ, giáo sư các đại học California, Yale,…với công trình “Văn hóa của thế giới thứ ba trong thời đại tư bản đa quốc gia”, ông cho rằng các nước Âu Mỹ tự cho ý thức hệ của mình là ưu việt, có giá trị toàn thế giới, giữ quyền chủ đạo trong việc truyền bá và cưỡng chế văn hóa vào các nước thế giới thứ ba, làm cho văn hóa truyền thống ở những xứ nàyrơi vào địa vị phụ thuộc, lép vế và biến chất. Jameson chủ trương phải để văn hóa truyền thống ở thế giới thứ ba được “đối thoại” bình đẳng vớivăn hóa Âu Mỹ, trở thành một bộ phận xứng đáng trong nền văn hóa nhân loại đa trung tâm và nhiều màu sắc.
         Linda Hutcheon thì nỗ lực làm sáng tỏ một trong những vấn đề này bằng cách vẽ ra một đường ranh giữa những mục đích riêng rẽ và những vấn đề chính trị. Vậy nên, chủ nghĩa hậu hiện đại và thuyết hậu kết cấu chỉa mũi phê phán của họ vào đề tài nhân văn hợp nhất, trong khi chủ nghĩa hậu thực dân tìm kiếm khai thác các đề tài về đế quốc chủ nghĩa. Bà cho rằng cái đầu tiên (chủ nghĩa hậu hiện đại) phải “đứng lại” để cho chủ nghĩa hậu thực dân và thuyết nữ quyền “đầu tiên đòi và khẳng định một tính chủ quan bị xa lánh hay bị phủ nhận”. Nhưng điều này giam giữ những nền văn hóa phi Tây phương (như nó đã buộc tội phụ nữ) vào trong một kiểu chủ quan và một câu chuyện (chặt ém) của riêng một cá nhân và tự hợp pháp hóa trên toàn quốc mà định nên tính tự do con người phương Tây. Rõ ràng, điều nguy hiểm chính là “các đề tài thuộc địa” khẳng định có chống đối với các lối tư tưởng phương Tây mà vai trò bá chủ cùng lúc được tăng cường.
        Còn ở Việt Nam, chúng ta còn có thể xem tiểu thuyết “Vàng lửa” của Nguyễn Huy Thiệp như một dụ ngôn về quá trình “viết” và “viết lại” lịch sử từ những lối nhìn khác nhau. Điều này một phần giúp giải quyết được cuộc tranh cãi không cần thiết về tính trung thực lịch sử của tác phẩm hư cấu này. Theo các nhà nghiên cứu, Nguyễn Huy Thiệp không tái hiện lại lịch sử, mà ông viết về sự biến dạng của lịch sử qua những góc nhìn khác nhau, nhấn mạnh yếu tố “hư cấu” ít nhiều đều chứa đựng trong những góc nhìn ấy, từ đó giải thiêng cho tất cả những dạng thức diễn ngôn mang tính áp đặt, kể cả diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa cực đoan lẫn diễn ngôn thực dân chủ nghĩa.

5. Phê bình hậu thực dân ở Việt Nam:
       Tri thức nền về hậu thực dân ở Việt Nam hầu như còn rất xa lạ bởi sự hạn chế của dịch thuật. Đó là một nguyên do dẫn đến sự “ngỡ ngàng” của Hoàng Lương Xá khi ông phân tích về sự tiếp nhận Orientalism/ Đông phương học của Edward Said, công trình nghiên cứu hậu thực dân đầu tiên được chuyển sang Việt ngữ, vào lúc lý thuyết này “du hành” tới Việt Nam và Đông Á. Bởi có một thực tế, có hàng loạt những dẫn chứng văn bản học trong bản in của nhà xuất bản Chính trị quốc gia (1998) cho thấy với những dịch giả và biên tập viên, Đông phương học được hiểu như một công trình nghiên cứu khu vực học (area studies) hơn là một nghiên cứu về diễn ngôn thực dân (colonial discourse), đóng góp cốt yếu của E.Said, tạo thành bước ngoặt lý thuyết hậu thực dân, đưa lý thuyết trở thành lý thuyết đương đại có nhiều ảnh hưởng: tri thức về nghiên cứu hậu thực dân còn khá mới mẻ với người Việt. Không quá khó lý giải về điều này, khi mặt bằng nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn ở Việt Nam bấy giờ, chưa có sự phổ biến của lý thuyết phương Tây hiện đại, nhất là lý thuyết về tri thức/ quyền lực của Michel Foucault mà Said chịu ảnh hưởng, cũng như sự thiếu khuyết của lý thuyết Marxist phương Tây, một bệ đỡ khác khởi đầu cho sự hình thành của lý thuyết hậu thực dân, một chiều hướng nghiên cứu ngoại quan không bị khuôn cứng vào phản ánh luận và xã hội học dung tục.
         Nếu như việc dịch thuật có rất ít chuyển động thì tình hình cũng gần tương tự như vậy đối với việc giới thiệu và thực hành nghiên cứu hậu thực dân. Từ 1998, khi công trình tiêu biểu và có ảnh hưởng sâu rộng nhất của Said được dịch trong chương trình Tủ sách tham khảo cơ bản khoa học xã hội và nhân văn, khoảng gần hai mươi năm, nghiên cứu hậu thực dân chỉ thảng hoặc mới xuất hiện, và chỉ vài năm trở lại đây, mật độ nghiên cứu hậu thực dân bớt phần thưa vắng và có cảm giác bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của một số nhà nghiên cứu.
          Về giới thiệu, chỉ có hai công trình của Phương Lựu (Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX, 2001) và Nguyễn Hưng Quốc (Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học, 2007) có giới thiệu sơ lược về lý thuyết hậu thực dân. Lưu Văn Bổng cũng có dành một tiểu luận trong công trình Những bình diện chủ yếu của văn học sánh (2004), để điểm qua về xu hướng phát triển của văn học so sánh trong không gian hậu thuộc địa.
        Các thực hành nghiên cứu Việt Nam hậu thực dân nói chung và văn học Việt Nam hậu thực dân bằng Việt ngữ chưa để lại những ấn tượng sâu đậm. Người đầu tiên thảng hoặc có đề cập đến văn học Việt Nam từ giác độ hậu thực dân là Hoàng Ngọc Tuấn, trong công trình Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lý thuyết (2001. Người đầu tiên trực diện vấn đề này là Nguyễn Hưng Quốc với một tiểu luận có tham vọng bao quát: Tính chất thuộc địa và hậu thuộc địa trong văn học Việt Nam, sau đó là sự đâm cành rẽ nhánh vào các vấn đề đương đại của văn học như: giải lãnh thổ hóa, toàn cầu hóa, tính lai ghép, mạng hóa,… Các tiểu luận này, ngoài việc tập hợp thành sách in, hầu hết đã được đăng tải trên các diễn đàn liên mạng.
        Nhìn chung, cho đến nay, nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam dù có chuyển động nhưng vẫn là thưa thớt và chậm chạp, chưa tương xứng với tiềm năng của lý thuyết. Bởi từ sự đa dạng trong các vấn đề và cách tiếp cận thể hiện trong các công trình ở trên đây và những khả năng mà lý thuyết/ nghiên cứu hậu thực dân có thể vươn tới, có thể thấy:
·        Lựa chọn nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam là hợp xu thế và hợp quy luật.
·        Các nghiên cứu hậu thực dân bổ sung những cách thức và kết quả khoa học khẳng định một số thành tựu nghiên cứu đã có, thậm chí ở một số trường hợp, cắt nghĩa được những vấn đề mà các phương pháp truyền thống tỏ ra chưa thuyết phục.
·         Các khả năng mà lý thuyết và không gian bản xứ có thể tạo ra cho các nghiên cứu từ điểm nhìn của chủ nghĩa hậu thực dân. Nghiên cứu hậu thực dân, vì vậy, là một vấn đề mới mẻ và có ý nghĩa, có tính khả thi và hứa hẹn cho những suy tư lý thuyết cũng như những thực hành phê bình của người nghiên cứu.

6.  Các kiểu phê bình hậu thực dân và đặc điểm của nó:
       Thứ nhất, nghiên cứu tình hình sau độc lập của các cựu thuộc địa châu Âu: những thuộc địa này trong quá trình độc lập, đã ứng đối, thích ứng, đề kháng hoặc vượt qua những di tồn văn hóa của chủ nghĩa thực dân như thế nào? Hậu thực dân ở đây chỉ các nền văn hóa sau khi kết thúc thời đại thực dân, tức là giai đoạn lịch sử khoảng nửa sau thế kỉ 20.
       Thứ hai, nghiên cứu tình hình cựu thuộc địa châu Âu từ thời đại thực dân đến nay: những thuộc địa này sau khi bị thực dân đã ứng đối, thích ứng, kháng cự và vượt qua di tồn văn hóa của chủ nghĩa thực dân như thế nào? Ở đây, “hậu thực dân” chỉ các loại văn hóa thuộc về khoảng thời gian sau khi thời đại thực dân bắt đầu, thời kì này bắt đầu từ thế kỉ 16 đến bao trùm cả thời hiện đại.
      Thứ ba, nghiên cứu quan hệ quyền lực giữa các nền văn hóa, xã hội, quốc gia, dân tộc khác nhau, những người chinh phục văn hóa đã làm như thế nào để khiến cho văn hóa bị chinh phục chịu phục tùng theo ý muốn của nó; văn hóa bị chinh phục đã ứng đối, thích ứng, kháng cự và khắc phục như thế nào trước sự đàn áp chính trị này? Tại đây, “hậu thực dân” bao gồm quan điểm của chúng ta được hình thành trong cuối thế kỉ XX về quan hệ giữa chính trị và văn hóa. Giai đoạn lịch sử này bao trùm toàn bộ lịch sử nhân loại.

7. Các phương pháp tiến hành phê bình hậu thực dân: 
các bước tiến hành:
    1) Dịch thuật dưới sự khác biệt quyền lực văn hóa: gồm 2 cách:
   +Một là, áp dụng thái độ của chủ nghĩa dân tộc, khiến văn bản nước ngoài phù hợp với giá trị quan văn hóa nước mình, khiến nguyên ngữ phục tùng dịch ngữ.
   +Hai là, phục tùng ngôn ngữ và văn hóa của văn bản nước ngoài, đem độc giả nước mình vào hoàn cảnh ngoại quốc.
   2) Tiến hành phân tích hoàn cảnh sáng tác, bối cảnh lịch sử xã hội ra đời của tác phẩm.
   3) Phân tích đề tài, nội dung, tư tưởng, nhân vật chính trong tác phẩm.
   4) Phân tích nền văn hóa, xã hội và chân dung nhân vật chính được phản ánh trong tác phẩm.
   5) Phân tích những ảnh hưởng, mối liên hệ tác động, sự giao thoa của nền văn hóa đế quốc và nền văn hóa thuộc địa.
   6) So sánh, đối chiếu với các tác phẩm cùng thời điểm sáng tác ở các nước thuộc địa.

8. Vận dụng:
Truyện ngắn “Vàng lửa” của Nguyễn Huy Thiệp.
       Vàng lửa là một truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp được ra mắt lần đầu năm 1988 trên tạp chí Văn Nghệ. Qua “Vàng lửa”, chúng ta ghi nhận những nỗ lực của Nguyễn Huy Thiệp để “viết” và “viết lại” lịch sử từ những góc nhìn khác nhau. Vàng lửa đã đặt ra những vấn đề hết sức nhạy cảm đối với người đọc trong quá trình đánh giá lịch sử và văn hóa dân tộc mà từ lâu, bởi nhiều lý do khác nhau khiến chúng ta nhận diện chưa đúng bản chất của nó.
·         Vàng lửa – dụ ngôn về lịch sử và quá trình viết lại lịch sử:
        Dụ ngôn (allegory) là một dạng thức trần thuật biểu tượng, trong đó toàn bộ hệ thống trần thuật đều được xây dựng theo hướng sở chỉ đến một đối tượng khác, một tình huống khác bên ngoài câu chuyện. Lối viết dụ ngôn ngày càng nổi bật trong văn học hậu thực dân thế giới đang đánh dấu bước ngoặt trong lý thuyết về dụ ngôn – không chỉ khiến các nhà phê bình quay trở lại chú ý đến dụ ngôn sau nhiều thập kỷ bỏ quên, nó còn khiến họ phải đặt vấn đề định nghĩa lại lối viết này, bởi dụ ngôn hậu thực dân đang có chiều hướng phá bung những ràng buộc lý thuyết cũ. 
       Vàng Lửa được xem là tác phẩm đã vận dụng tốt lý thuyết dụ ngôn hậu thực dân. Trong khi cách nhìn truyền thống vẫn tập trung vào tính chân thực của lịch sử, dù là văn học hư cấu thì những gì liên quan đến lịch sử đều phải được ghi nhận một cách chân thực nhất dù là những chi tiết rất nhỏ còn “Vàng Lửa” của Nguyễn Huy Thiệp lại là dụ ngôn về nỗ lực “viết” và “viết lại” lịch sử từ những góc nhìn khác nhau. Những nhận xét của nhân vật Phăng trong tác phẩm về Gia Long, về Nguyễn Du lại có phần khác hơn so với những gì lịch sử cố ghi lại, có lúc “Vàng lửa” bị các nhà phê bình lên án gay gắt rằng nó đang dần phá hoại những gì lịch sử chép lại, nhưng xét kỹ hơn thì Nguyễn Huy Thiệp không có lỗi, ông không tái hiện lại lịch sử như một nhà sử học mà ông viết về những biến dạng của lịch sử, nhấn mạnh yếu tố “hư cấu” ít nhiều đều chứa đựng trong những góc nhìn ấy, từ đó giải thiêng cho tất cả những dạng thức diễn ngôn mang tính áp đặt, kể cả diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa cực đoan lẫn diễn ngôn thực dân chủ nghĩa.
       Qua những vấn đề “hư cấu lịch sử” Nguyễn Huy Thiệp muốn chúng ta rời khỏi việc phê bình tính đúng sai của nhà văn trong phản ánh hiện thực theo kiểu chính trị xã hội máy móc để dần hướng tới tiếp cận những đổi mới trong nghệ thuật trần thuật hiện đại mà ở đó văn bản nghệ thuật, không phải những lời nói của nhân vật là tuyên ngôn cho quan điểm của nhà văn như nhân vật Chí Phèo của Nam Cao hay Huấn Cao của Nguyễn Tuân trước đây. Thông qua những gì liên quan đến nhân vật, Nguyễn Huy Thiệp muốn chúng ta thông qua những nhận xét của Phăng về Gia Long hay Nguyễn Du để nhìn thấy những điều chồng chéo trong diễn ngôn lịch sử khác nhau thậm chí đối chọi nhau.
        Từ những cái kết mang tính “giả sử” của tác giả ta có thể thấy nhiều lớp nghĩa nổi lên sau những cố gắng viết về lịch sử khác đi theo một góc nhìn mới. Mỗi kết thúc đã gợi mở cách đọc và viết lại lịch sử theo những hướng nhìn khác nhau. Nếu cái kết thứ nhất được cho là khá lãng mạn nhưng thực chất tất cả những gì Phăng đã trải nghiệm qua, rốt cục, chỉ là “những lý thuyết chắp vá đầy ngụy biện; những mối bất hòa kỳ thị dân tộc và đẳng cấp; những kinh nghiệm sống của chúng ta mong manh và vụn vặt xiết bao”thì cái kết thứ hai lại hướng người đọc cách đọc và “viết lại” lịch sử dưới con mắt của phương Tây, theo đó thì lịch sử phương Đông bằt đầu từ ngày phương Tây khám phá ra nó. Kết thúc thứ ba không chỉ thuần túy nói về sự cô lập văn hóa xã hội của một triều đại trong lịch sử, kết thúc này nhắc đến khả năng “đọc” lịch sử một cách biệt lập, lấy chính mình làm trung tâm và cắt đứt những tương tác từ bên ngoài.
·         “Vàng lửa” - Những góc nhìn mới về văn hóa:
        Vàng lửa là một truyện ngắn nhưng lại mang tính chất luận đề, khô khan nhưng khi đọc lại có sức hấp dẫn mạnh với phần nội hàm phong phú với nhiều nhận định sắc sảo về cách thẩm định lại một số giá trị văn hóa vốn dĩ được mặc định là bất biến. Nhân vật chính của câu chuyện là nhân vật hư cấu Phăng, một gã thực dân phương Tây sang phương Đông tìm vàng và có những nhận xét về văn hóa Việt dưới góc nhìn hết sức lạ, có phần khác biệt nhiều so với dân ta xưa nay. Vàng lửa, qua cái nhìn của Phăng đã phác họa rõ nét hai gương mặt nổi tiếng của Việt Nam thời cận đại đó là vua Gia Long và đại thi hào Nguyễn Du dưới ngòi bút hư cấu mà Phăng cho là cả hai nhân vật này đều chịu sự ảnh hưởng nặng nề của nền văn hóa Trung Hoa. Qua việc đánh giá qua cách nói chuyện, nhìn nhận về người khác của Gia Long, Nguyễn Du, Phăng đã đưa ra kết luận: “Cộng đồng Việt là một cộng đồng mặc cảm. Nó bé nhỏ xiết bao bên cạnh nền văn minh Trung Hoa, một nền văn minh vừa vĩ đại, vừa bỉ ổi lại vừa tàn nhẫn,..”.
        Phăng nhìn ra Gia Long là một con người “không xem học vấn có thể cải tạo giống nòi khi Phăng kể cho Gia Long về ần tượng khi gặp Nguyễn Du thì Gia Long đáp “Trẫm có biết người ấy, cha nó là Nguyễn Nghiễm, anh nó là Nguyễn Khản”, chính câu trả lời “lấy lệ” cho thấy Gia Long “không xem Nguyễn Du ra gì hoặc coi Nguyễn Du là con ngựa giống tốt trong cả đàn ngựa, lợn , bò mà ông chăng dắt”. Chính sự “cù lần” đó của Gia Long đã khiến cho nền kinh tế nước nhà bị trì trệ, không thể phát triển theo kịp nhữngg cường quốc lớn. Đây là ảnh hưởng lớn của thói hủ nho và thủ dâm chính trị mà Gia Long bị tác động mạnh từ Trung Hoa. Từ Vàng lửa, tác giả cho ta nhận định mới về Gia Long là ngoài công lớn mở mang bờ cõi và thống nhất đất nước thì ông và các hậu duệ cũng để lại những thói quen văn hóa tai hại.
       Còn đối với Nguyễn Du, Phăng nhìn Nguyễn Du là sản phẩm cưỡng dâm của nền văn minh Trung Hoa nên con người ông chứa đầy điền tích, theo Phăng “Nguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình. Nguyễn Du ngập trong mớ bùng nhùng của đời sống, còn vua Gia Long đứng cao hẳn ngoài đời sống ấy. Người mẹ của Nguyễn Du (tức nền chính trị đương thời) giấu giếm con mình sự ê chề và chịu đựng với tinh thần cao cả, kiềm chế. Phải ba trăm năm sau người ta mới thấy điều này vô nghĩa”. Đây được xem là nhận xét vô cùng “khó nuốt” với người Việt chúng ta nhưng nếu xét trên góc độ khác quan thì không phải là vô lý. Đem “Truyện Kiều” ra làm ví dụ có thể thấy tuy Nguyễn Du là đại thi hào văn học, là nghệ sĩ sáng tạo ngôn ngữ tuyệt vời nhưng Truyện Kiều vẫn được vai mượn cốt truyện của Trung Hoa.
        Xét cho cùng, văn hóa, tự cổ chí kim, bao giờ cũng là động lực chính thúc đẩy xã hội phát triển. Nhưng đó phải là một nền văn hóa lành mạnh được tích hợp và kế thừa từ sự nỗ lực không mệt mỏi của những bộ óc thông minh qua nhiều thế hệ, chứ không phải là sự bắt chước một cách máy móc rồi "Việt hóa" nó thành một bản sao nhợt nhạt.
       Đọc “Vàng lửa”, bên cạnh bề nổi là câu chuyện đào vàng của những người ngoại quốc được tác giả sáng tạo ra ba cái kết độc đáo và ly kì mà  vấn đề sâu hơn Nguyễn Huy Thiệp muốn đặt ra là cần xem xét lại cả nền văn hóa nước nhà dưới một góc độ lịch sử thực tế. Vàng lửa chẳng những đã giải thiêng thần tượng, xét lại lịch sử  mà còn chỉ ra nguyên nhân của đời sống trì trệ cùng những bất cập của xã hội phương Đông bị ràng buộc bởi hệ ý thức bảo thủ, lạc hậu kéo dài nhiều thiên niên kỷ. Vấn đề là, liệu chúng ta có thắng được chính mình trên bước đường đi tới tương lai.

9. Kết luận:
        Nhìn chung, nghiên cứu hậu thực dân là một vấn đề mới mẻ và có ý nghĩa, có tính khả thi và hứa hẹn cho những suy tư lý thuyết cũng như những thực hành phê bình của người nghiên cứu. Cùng với những phương pháp nghiên cứu khác, phê bình hậu thực dân ra đời đã mở ra những hướng nghiên cứu mới, cung cấp cho người đọc những hướng nhìn mới về lịch sử, văn hóa ở các nước thuộc địa và các nước mẫu quốc với nhiều triển vọng trên cả phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn. Qua tìm hiểu của nhóm thì phê bình hậu thực dân đã có những tiếp thu, kế thừa từ phương pháp phê bình xã hội học trong việc xem xét sự tác động của xã hội đối với văn học và ngược lại.
       Tuy nhiên, như các nhà phê bình đã nói, đến nay vẫn chưa có sự thống nhất trong lý thuyết và khái niệm của phương pháp phê bình này, cho nên việc phát triển về nghiên cứu thực hành phương pháp phê bình hậu thực dân vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng lý thuyết ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.


Tài liệu tham khảo:
   Nguồn intenet:
http://www.pqtrung.com/tac-pham-moi/thuyet-hau-thuoc-dia-o-viet-nam ( bài viết “Thuyết hậu thuộc địa ở Việt Nam”)
http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=14229 ( bài viết “Nghiên cứu hậu thực dân ởiViệt Nam- kỳ 1”)
http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=3836 (bài viết “Các lý thuyết phê bình văn học”)
http://tonvinhvanhoadoc.vn/van-hoc-viet-nam/phe-binh/3595-nghien-cuu-hau-thuc-dan-o-viet-nam-ki-ii-.html (bài viết “Nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam- kỳ 2)
http://khoavanhoc.edu.vn/attachments/554_Postcolonial%20Theory.doc‎ ( bài viết: “Văn học hậu thực dân” trên web khoa Văn học đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội).
http://4phuong.net/ebook/48304247/nhan-dien-truyen-ngan-vang-lua-qua-yeu-to-van-hoa.html (Nhận diện “Vàng lửa” qua yếu tố văn hóa - Đặng Văn Sinh).
http://vanhoanghean.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/vang-lua-cua-nguyen-huy-thiep-nhu-mot-du-ngon-ve-lich-su-va-qua-trinh-viet-lai-lich-su (“Vàng lửa” của Nguyễn Huy Thiệp như một dụ ngôn về lịch sử và quá trình viết lại lịch sử - Phạm Ngọc Lan).
    Nguồn sách, tiểu luận:
Mấy vấn đề phê bình và các lý thuyết văn học - Nguyễn Hưng Quốc.
Lý luận phê bình văn học phươg Tây thế kỉ XX - Phương Lựu.

Bài tiểu luận chủ đề “Phê bình hậu thực dân” khóa 2010.

* Bài viết nhóm thuyết trình gồm có 9 thành viên
     Đặng Thị Thanh                       
    Trịnh Văn Thể                            
    Nguyễn Quỳnh Như                  
    Trần Thị Thùy Trang                 
    Nguyễn Ngọc Trâm                   
    Trần Thị Hương                        
     Nguyễn Thị Thanh Tuyền        
    Lý Kim Ngân                            
    Nguyễn Văn Thủy 

>>> Bài được đăng vào ngày 16/3/2014                   
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét