VH 1930 - 1945, Các nhà thơ tiên phong trong phong trào Thơ Mới



Dẫn nhập
Sau chiến tranh thế giới lần thứ I (1914-1918), ở Việt Nam xuất hiện một giai cấp mới, đó là giai cấp Tư sản. Chủ nghĩa tư bản đồng thời xâm nhập và thống trị đất nước ta, gây nên một cuộc xáo trộn lớn chưa hề thấy trong mấy nghìn năm lịch sử Việt Nam. Đi đôi với chính sách đẩy mạnh khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, làn gió mới Tây Âu cũng tràn vào Việt Nam. Tầng lớp tiểu tư sản thành thị có điều kiện hình thành sớm hơn sau đợt khai thác kinh tế lần thứ I của thực
dân Pháp. Do sự tiếp xúc với văn học Pháp đặc biệt là văn hóa lãng mạn Pháp những đổi thay về sinh hoạt dần tới sự thay đổi về ý nghĩ và cảm xúc, đem đến cho thanh niên tiểu tư sản thành thị những năm 30 của thế kỷ này những tình cảm mới, những rung động mới. Họ yêu đương mơ mộng, vui buồn khác các nhà thơ xưa. Chính vì sự khác nhau sâu xa đó giữa hai thế hệ mà những câu thơ ngâm hoa vịnh nguyệt sáo mòn và cũ rích trên Nam Phong, Văn học tạp chí, Tiếng dân không còn hợp với tình cảm mới của họ. Phong trào Thơ mới lãng mạn ra đời năm 1932 chính là để đáp ứng nhu cầu tình cảm của một tầng lớp thanh niên mới. Một phong trào văn học ra đời bao giờ cũng phản ánh những đòi hỏi nhất định của xã hội. Nó là tiếng nói của một tầng lớp người, của một giai cấp vừa mới ra đời, đang lớn lên hoặc già cỗi trong xã hội. Thơ cũ trong Nam Phong, Văn học tạp chí là tiếng nói của một tầng lớp phong kiến đã thất bại và đầu hàng đế quốc. Văn học lãng mạn 1932 trở đi là tiếng nói của tư sản và tiểu tư sản thành thị. Thơ mới chủ yếu là tiếng nói của giai cấp tư sản và tiểu tư sản thành thị là nguyên nhân chính cho phong trào Thơ mới ra đời. Một số nhà thơ tiên phong cho phong trào Thơ mới có thể nói đến như là: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp, Huy Thông, Nguyễn Thị Manh Manh, Vũ Đinh Liên,… Tuy nhiên, trong thời gian cho phép nhóm chúng tôi chỉ giới thiệu trong bài thuyết trình hai nhà thơ mà nhóm chúng tôi cho là tiêu biểu nhất trong giai đoạn tiên phong này đó là: Lưu Trọng Lư và Thế Lữ.

 I.                        Lưu Trọng Lư
1.                       Giới thiệu chung
Lưu Trọng Lư (1911-1991) là một con người đa tài và đa tình. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho tại làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, sau cư ngụ ở Huế, rồi Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Là một trong những người mở đầu cho phong trào Thơ mới, ông còn là người viết văn xuôi và hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, trong tư cách người viết kịch bản và lãnh đạo ngành sân khấu Việt Nam sau 1945.
Năm 1932, ông là một trong những nhà thơ khởi xướng và tích cực cổ vũ cho Phong trào Thơ mới. Năm 1933-1934, ông chủ trương mở Ngân Sơn tùng thư ở Huế. Năm 1941, ông và thơ ông được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong quyển “Thi nhân Việt Nam”. Sau Cách mạng tháng Tám (1945), ông tham gia Văn hóa cứu quốc ở Huế. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông tham gia hoạt động tuyên truyền, văn nghệ ở Bình Trị Thiên và Liên khu IV. Sau 1954, ông công tác ở Bộ Văn hóa và làm Tổng Thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Năm 1957, ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 1971 là Tổng thư kí Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Tổng biên tập Tạp chí sân khấu, là ủy viên ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam (Khóa II). Từ 1983, là uỷ viên Hội đồng cố vấn của Hội nhà văn và Hội nghệ sĩ sân khấu. Năm 1991, Lưu Trọng Lư mất tại Hà Nội. Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.
Với phong cách sáng tác đa dạng, bút pháp tự nhiên, dễ dàng, không quá bận tâm về bố cục, về cấu trúc, tựa như là nghĩ sao viết vậy mà trở nên lủng củng, rời rạc. Một số tác phẩm tiêu biểu như: “Tiếng thu” (1939), “Người sơn nhân” (1933), “Khói lam chiều”(1936)


2.      Lưu Trọng Lư – người thổi nhạc điệu vào từng vần thơ
2.1.                Tiên phong về nội dung
Lưu Trọng Lư thuộc thế hệ đầu, tiên phong của phong trào Thơ mới. Những bài thơ của ông mang âm hưởng trữ tình lãng mạn, thanh thoát và giàu nhạc điệu. Được công chúng đương thời nồng nhiệt đón nhận, góp phần đem lại sự chiến thắng cho Thơ mới trong thời buổi ban đầu, lúc còn có rất nhiều sự định kiến về thơ cũ và muốn phủ định Thơ mới. Nội dung Thơ mới trong Lưu Trọng Lư là một thứ tình cảm dồi dào, mới mẻ, tinh tế được ông truyền tải vào hầu hết các lời và ý thơ với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Trong cuộc chiến thoát ra khỏi ràng buộc của thơ cũ, tiên phong cho phong trào Thơ mới với những cuộc luận chiến và bút chiến hào hùng với phong trào thơ cũ. Những thi phẩm Thơ mới đặc trưng và xuất sắc, Lưu Trọng Lư đã góp phần tích cực giành toàn thắng cho phong trào Thơ mới. Như chúng ta đã biết, phong trào Thơ mới không khác nào một vườn hoa hồng ngàn tía, đã tạo nên cả một thời đại thi ca rực rỡ trong lịch sử văn học Việt Nam. Thơ mới bao gồm nhiều trường phái và hầu như mỗi nhà thơ đều có phong cách riêng biệt. Thơ Lưu Trọng Lư ngay từ đầu khi xuất hiện đã cát cứ một góc của vườn thơ, đó là thứ thơ “Tình-Sầu-Mộng” hết sức nhẹ nhàng, man mác, chơi vơi. Ông có một giọng thơ buồn, hồn nhiên và lạ, trong đó chúng ta có thể nghe thấy một giọng thơ, một nhạc điệu muôn thuở của tâm hồn ông, không những thế thơ ông còn tìm đến những cái khoan khoái trong nỗi đau, một thức ăn khá hợp khẩu vị của những tâm hồn trễ nải khi chưa tìm được lối thoát cho cuộc đời mình.
“ Xin để gối nằm yên chỗ cũ
Hãy lịm người trong thú đau thương
Giờ đây ta đốt nén hương
Trên tay ta buộc dải tang cho mình” (“Thú đau thương”)
Thơ Lưu Trọng Lư là một thứ thơ quen thuộc của dân tộc, một chút xưa của thơ Đường. Lưu Trọng Lư đến với thơ bằng cả tâm hồn sầu mộng của mình. Trong thơ ông, mọi hình ảnh, mọi âm thanh của cuộc sống đều vào thế giới thơ mộng. Chỉ có một làn nắng mới, một tiếng chim hót cũng có thể đưa thi sĩ về dĩ vãng, thế giới của những kỷ niệm buồn thương. Lưu Trọng Lư rất nhạy cảm với những rung động mơ hồ của thiên nhiên, của nội tâm. Từ tiếng thổn thức của trăng mờ “Còn đâu ánh trăng vàng/ mơ trên làn tóc rối?” đến con nai vàng ngơ ngác trong rừng thu cũng đem lại một cảm giác buồn man mác trong thơ ông. Hay đôi mắt buồn của người đẹp bên cửa sổ “Đôi mắt em lặng buồn/ nhìn thôi mà chẳng nói” tất cả đều chập chờn như trong mơ và bàng bạc một mối sầu hoài cảm. Lưu Trọng Lư hầu hết diễn tả cái buồn từ bên trong. Tiếng thổn thức của mùa thu, cái rạo rực trong lòng người cô phụ không nghe được từ bên ngoài. Bài thơ “Tiếng thu” là bài thơ nổi tiếng của Lưu Trọng Lư, bài thơ không chỉ tạo hình tạo dáng cho mắt thấy tai nghe mà cho tâm hồn, cho cảm xúc, cho tưởng tượng, về tình yêu như con tàu khách rời bến, diễn tả cái tôi đang say xưa thoát li vào mộng tưởng.
“Em ngồi bên song cửa
Anh đứng tựa tường hoa
Nhìn nhau mà lệ ướt
Một ngày một cách xa” (“Một mùa đông”)
Thơ của ông xuất hiện có thể ví như một vận động viên quyền anh nặng kí, điểm đúng huyệt, đứt điểm cuộc giao tranh giữa thơ cũ và Thơ mới, thơ ông là tiếng nói của cái tôi trong thời kì đầu, hăng hái tự khẳng định tuy còn nhiều dè dặt, tình yêu còn mức độ, chứ chưa buông tuồng, ích kỉ trắng trợn về sau. Thơ Lưu Trọng Lư say xưa thoát li khỏi hiện thực, diễn tả cái buồn, cái buồn trở thành một thứ trang sức của trí thức tiểu tư sản, bàn bạc khắp nơi, cả trong giấc mộng, trong phong cảnh thiên nhiên.
So với trước đây, thơ cũ luôn luôn gắn với những thể thơ Đường luật, lúc nào cũng đặt trong một khuôn khổ ràng buộc nhất định. Tháng 11 năm 1917, trên Nam phong tạp chí bàn về thơ Nôm, Phạm Quỳnh viết: “Thơ cũ là phiền phức, luật lệ ràng buộc, khắc nghiệt không khác luật hình. Luôn luôn buộc người làm thơ phải theo khuôn mẫu tỉ mỉ nhất định, mất cả hứng tự do, ý tưởng dồi dào. Nếu ngày nay ta cứ sung theo lối thơ ấy mãi thì làng văn Nôm không có ngày đổi mới được”. Nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm đăng đàn diễn thuyết lên án thơ cũ rằng:“Thơ đường luật là thứ thơ rất bó buộc về từng câu, từng chữ, chặt chịa về luật bằng trắc, về phép đối câu chữ. Vì khuôn khổ luật pháp phiền phức nên người làm thơ phải đứng ở một vị trí eo hẹp lúng túng…” và đó cũng chính là quan điểm của rất nhiều nhà thơ trong thời điểm đó như Thế Lữ, Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Hồ Văn Bảo v.v…. Và là một trong những quan điểm mạnh mẽ chống lại thơ cũ và đưa thể loại Thơ mới ra đời.
Thơ mới ra đời vừa tạo lập vừa chứa đựng những nỗi niềm, là một phong trào thơ, một nền thơ. Các nhà Thơ mới có các quan điểm thẩm mĩ. Có những cách thể hiện riêng được định hình thông qua các nhà thơ tiêu biểu, từ đó chi phối cả nền thơ. Trước hết Thơ mới thể hiện cái tôi cá nhân một cách rõ rệt. Cái tôi trong Thơ mới có cái tinh tươm, tinh tường cảu nó và cái lớn, luôn hòa vào đại dương, muốn đẩy xa không ngừng những lớp sóng trường giang. Cái tôi vừa mới phát hiện ra, nó đã đem lại cho ta nhiều giá trị mới. Nó thể hiện ở sự cách tân thơ vì cuộc đời và lẽ sống. Cái tôi trong Thơ mới xuất hiện gắn liền với tần lớp thị dân, gắn liền với nền văn minh công nghiệp, vừa là sản phẩm vừa là chủ đề của nền văn hóa mới. Các nhà thơ đều khẳng định mình như một thực thể duy nhất không lặp lại. Bởi vậy, Lưu Trọng Lư đã mỉm cười trong đau thương. Thơ mới ra đời đã mang lại mảnh đất mới, vùng tư tưởng mới, đoạn tuyệt với thể thơ truyền thống mà họ cho là gò bó về cả nội dung lẫn hình thức, Thơ mới không gò bó khuôn phép về niêm luật khác hẳn với tứ tuyệt, đường luật, lục bát…Phá vỡ tất cả nhưng phải có tính chất thơ và tính chất nhạc.
Thơ mới đã tìm đến sự giải phóng bản ngã, giải phóng cá nhân. Trong nhiều thế kỉ trước đây, thơ ca ít nói tới cái tôi cá thể, các nhà thơ luôn bị ràng buộc những quy tắc chung, ít dám khẳng định bản sắc của mình mà bản chất thơ ca là sự bộc lộ cảm xúc riêng trước cuộc đời. Có thể phong trào Thơ mới góp phần giải phóng cái tôi, đây là hiện tượng mang ý nghĩa xã hội rộng rãi. Các lời thơ nói lên bản sắc riêng của cá nhân, nói lên quyền chủ động trong cuộc sống, có quyền suy nghĩ về cái đẹp mà trước đây luôn bị hạn chế, mà các nhà Thơ mới đã tìm cách tự khẳng định và tạo cho mình một thế giới tinh thần riêng. Có nhà thơ bộc lộ nhiều trăn trở, những đau khổ trước cuộc đời như Huy Cận, Chế Lan Viên; Có nhà thơ nói lên niềm khao khát được sống, được hạnh phúc, được giao cảm với đời và đặc biệt là tình yêu đôi lứa như nhà thơ Xuân Diệu, hoặc cái buồn, cái sầu riêng tư về tình yêu, thiên nhiên như nhà thơ Lưu Trọng Lư.
2.2.                Tiên phong về hình thức
2.2.1.           Thể loại thơ:
Là một cây bút tiên phong của phong trào Thơ mới, Lưu Trọng Lư đã đi trước trong việc sử dụng nhiều thể loại thơ vô cùng đa dạng và phong phú. Bên cạnh việc tiếp nhận những thể thơ truyền thống như lục bát, thất ngôn hay ngũ ngôn,…Lưu Trọng Lư còn ra sức tìm tòi nhiều cách thể hiện Thơ mới hơn như thơ 4,5,6,7 tiếng xen lẫn, thể thơ 5 chữ nhưng kết thúc bằng câu 7 chữ, thể thơ tự do,….
Với cách thay đổi hình thức trình bày, Lưu Trọng Lư cho người đọc thấy rõ khát khao và sự tiên phong trong việc tạo ra những thể loại Thơ mới. Nếu trước đây thơ thường được làm theo phong cách thơ Đường với các quy tắc chặt chẽ, khuôn mẫu thì sự cách tân này giúp làm phong phú hơn thế giới cảm xúc trong thơ ông, làm cho thơ Lưu Trọng Lư mang nhiều sắc thái và cung bậc biểu cảm hơn như các bài thơ “Tiếng thu”, “Đã khuya rồi”, “Thơ sầu rụng”, “Đôi mắt”,…
Ví dụ trong bài thơ “Lại nhớ”:
“Hôm nay dạ lại bần thần 
Nhìn đám mây chiều lại nhớ Vân. 
Này mây hỡi! Mây chiều hỡi! 
Dừng lại đây, chờ ta với. 
Theo dấu chim xanh 
Rẽ lối trời tình. 
Cậy cùng làn gió 
Tìm nơi Vân ở; 
Vượt mấy rừng cây, 
Bay qua chùa Thầy, 
Đến nơi thôn nhỏ, 
Ngừng bên cửa sổ 
Chờ lúc nàng vén mành thưa; 
Ngang trời ta đổ trận mưa.”
Bài thơ sử dụng thể thơ tự do, không bị gò bó bởi số câu, số chữ, chính vì thể loại tự do này mà Lưu Trọng Lưu có thể thể hiện những cảm xúc cá nhân một cách chân thực, sinh động hơn. Bài thơ là tiếng lòng nhớ nhung da diết của người con trai với người yêu tên là Vân, cách thể hiện bài thơ với những câu dài ngắn khác nhau, đặc biệt Lưu Trọng Lư là người rất tài tình trong việc ngắt nhịp từng câu thơ hết sức sáng tạo, khiến cho người đọc cảm nhân được từng nhịp thơ như từng hơi thở, từng tiếng đập loạn xạ của con tim một người đang nhớ mong người yêu.
2.2.2.           Hình ảnh thơ:
Hình ảnh thơ có một vai trò hết sức quan trọng và đặc biệt trong quá trình sáng tạo và định hình phong cách của từng nhà thơ. Thông qua những hình ảnh mà các nhà thơ thể hiện được cảm xúc của chính mình.
Trước khi phong trào Thơ mới ra đời thì những hình ảnh được sử dụng trong thơ thường là hình ảnh mang tính to lớn, ước lệ cao. Như hình ảnh người nam nhi đầu đội trời chân đạp đất Từ Hải trong “Truyện Kiều”: “Râu hùm hàm én mày ngài/ Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”, hình ảnh nam nhi trong vũ trụ “Làm trai phải lạ ở trên đời/ Há để càng khôn tự chuyển dời” mà Phan Bội Châu nhắc đến trong “Lưu biệt khi xuất dương”…Hình ảnh đi vào thơ Lưu Trọng Lư thường là những con người nhỏ bé nhất và cá nhân nhất, được thể hiện vô cùng đa dạng và mới mẻ mà trước đây chưa từng xuất hiện, như hình ảnh người mẹ tần tảo xuất hiện trong bài thơ “Nắng mới”, hình ảnh quần chúng nhân dân trong kháng chiến đã đi vào thơ ông với một vẻ đẹp bình dị và một sức sống vô cùng lạc quan trong bài thơ “Người con gái sông Gianh”.
Thiên nhiên xuất hiện trong thơ Lưu Trọng Lư cũng không được tính toán kĩ lưỡng như các nhà thơ trước đây vẫn làm mà nó có thể là những gì nhỏ bé đơn giản nhất mà nhà thơ vô tình bắt gặp được như hình ảnh lá mồng tơi trong bài thơ cùng tên, hình ảnh mây, núi, chim trời, dế, thuyền…chính sự đa dạng về thiên nhiên làm cho những câu thơ của Lưu Trọng Lư trở nên vô cùng tinh tế và chi tiết.
2.2.3.           Ngôn ngữ thơ:
Bên cạnh hình ảnh thì ngôn ngữ thơ Lưu Trọng Lư cũng rất đặc biệt tạo nên nét tiêu biểu cho Thơ mới và tạo nên nét cá tính riêng cho nhà thơ. 
Với mong muốn tạo nên những nét đặc sắc mới mẻ cho việc định hình phong cách Thơ mới, Lưu Trọng Lư đã sử dụng ngôn ngữ hết sức đơn giản, bình dị và gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày… Chúng ta dễ dàng bắt gặp trong thơ ông những từ ngữ hết sức đời thường như từ “nện” trong câu “chán nản hung hăng nện gót giày” (“Bâng khuâng”), từ “hở” trong “Phải chòm sao rụng trước lầu hở em” (“Bao la sầu”), hay “chỉ” trong câu thơ “Nhờ em chỉ hộ cảnh thiên đường” (“Cảnh thiên đường”),…Chính sự giản dị rất đỗi đời thường ấy làm cho thơ Lưu Trọng Lư gần gũi hơn với nhiều tầng lớp người đọc.
Trên nền chất liệu ngôn ngữ đời sống, ngôn từ được nhà thơ lạ hóa bằng cách lắp ghép một cách ngẫu hứng, đầy bất ngờ nhưng vẫn gắn với thiết chế của nội cảm để tạo dựng một trường thi ảnh mang màu sắc tượng trưng. Vừa làm cho những câu thơ mang dáng dấp hiện đại, tươi mới, vừa tạo nên hiệu quả bất ngờ trong việc biểu hiện, từ đó tạo nên một cái nhìn mới về ngôn ngữ thơ mà các nhà thơ trước đây chưa từng làm. Ví dụ câu thơ “Rặng liễu điều hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngân hàng” hay câu “Để tóc vướng vần thơ sầu muộn”, nhà thơ đã cho lắp ghép những từ ngữ hết sức ngẫu hứng nhưng lại tạo nên sự mới mẻ và mang tính tượng trưng cao.
Một đặc điểm nổi bật trong ngôn ngữ thơ Lưu Trọng Lư là ông là ngôn ngữ giàu hình ảnh và đặc biệt đó đều là những hình ảnh thực, gần gũi như thuyền, hoa, lá, con người,.. để sáng tạo nên những hình ảnh ấy, Lưu Trọng Lư sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật như ví von, ẩn dụ, nhân hóa, đảo ngữ,... và một loạt những từ láy để làm tăng khả năng biểu đạt của ngôn ngữ thơ.
Lưu Trọng Lư đã rất thành công khi biến những ngôn ngữ bình dị của đời sống hằng ngày trở thành một thứ ngôn ngữ nghệ thuật trong thơ mà vốn từ thời xa xưa ngôn ngữ thơ vẫn thường được cấu thức bởi các điển cố, điển tích.
2.2.4.          Giọng điệu:
Bên cạnh việc sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ gần gũi, giản dị mà tinh tế, Lưu Trọng Lư còn tạo nên nét mới mẻ và đặc sắc cho thơ mình bằng việc sử dụng âm thanh, nhạc điệu đã đạt tới mức điêu luyện. Nghệ thuật hòa âm được thể hiện qua cách ngắt nhịp, gieo vần, sử dụng thanh điệu, phép lặp, phép láy,…
Tính nhạc đã tạo cho thơ Lưu Trọng Lư có một nét độc đáo trong phong trào tìm đến Thơ mới. Nếu trước đây các nhà thơ đều chú trọng đến hình ảnh, tư tưởng mà tác giả muốn lồng ghép vào từng ý thơ thì Lưu Trọng Lư lại phá vỡ những nguyên tắc đó, bên cạnh hình ảnh, ngôn từ đơn giản, ông luôn đề cao sự trầm bổng nhịp nhàng  mà hài hòa, cân đối của ngôn ngữ thơ với âm thanh, nhạc điệu.
Nhạc tính được thể hiện rõ nét qua nhiều bài thơ như: “Đây mùa thu tới”, “Tiếng Thu”, “Một mùa đông”, “Xuân về”,….Nhắc đến tính nhạc trong thơ Lưu Trọng Lư thì “Tiếng Thu” có thể xem là khúc nhạc hài hòa và hay nhất:
“Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?”
“Tiếng thu” là một bản nhạc có sự phối hợp hài hòa giữa âm thanh và hình ảnh, tạo nên một âm điệu thật thanh tao, trong trẻo. Bài thơ được sử dụng hàng loạt những câu thơ toàn thanh bằng như “Em không nghe mùa thu” hay “Em không nghe rạo rực” mà mỗi câu thơ như một câu hỏi, một lời thắc mắc, nhắc khéo rằng phải chăng Lưu Trọng Lư đã nghe thấy những âm thanh của mùa thu còn người em gái sao chưa nhận thấy. Mỗi câu giữa bài thơ lại được tác giả chốt lại bằng những từ láy: “thổn thức, rạo rực, xào xạc, ngơ ngác” tạo nên một cảm giác nôn nao trong lòng con người. Không chỉ cảm nhận vạn vật bằng âm thanh, ông còn cảm nhận đất trời vào thu bằng những hình ảnh: “trăng, kẻ chinh phu, người cô phụ, lá thu”,… Qua đây, nhà thơ đã khéo léo kết hợp những điểm trầm bổng hài hòa của âm thanh và hình ảnh, làm cho người đọc không chỉ thấy được cảnh thu bên ngoài mà còn cảm nhận được những xao động trong tâm hồn. “Tiếng thu” sử dụng rất nhiều thanh bằng, việc dùng thanh bằng sẽ giúp tạo nên một giọng thơ êm đềm, thanh thoát mà tao nhã, nhẹ nhàng. Kiều Thanh Quế khi viết “Thi sĩ Lưu Trọng Lư với “Tiếng thu”” có nhấn mạnh: “Đừng ai cố tìm tư tưởng trong thơ Lưu Trọng Lư. Vì vô ích. Lưu Trọng Lư bao giờ cũng chỉ biết chú trọng có âm thanh và nhạc điệu”.
Bên cạnh bản nhạc “Tiếng thu”, ta còn có thể bắt gặp những cung đàn đầy ai oán, não nùng trong “Hoa bên đường”; lúc thì cao vời khi lại buồn tênh trong “Mưa…Mưa mãi”,…Lê Tràng Kiều từng nhận xét: Muốn chứng tỏ các nhà thơ cổ biết rằng Tmới là một thứ thơ có âm nhạc hẳn hoi, không gì hay hơn là đưa thơ của Lưu Trọng Lư mà nói, một thi sĩ xưa nay rất chú trọng về mặt âm nhạc của thơ.. qua những nhận xét trên, ta có thể thấy những đóng góp to lớn của Lưu Trọng Lư cho phong trào Thơ mới nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung.
Đọc thơ Lưu Trọng Lư ta như bị cuốn theo cái chất trữ tình, đằm thắm, giản dị, nồng nàn. Ông luôn ưa chuộng sự dịu nhẹ hơn những gì quyết liệt, mạnh mẽ. Giọng thơ của Lưu Trọng Lư không bao giờ ngại ngùng, giấu kín mà luôn chân thực bộc bạch ra ngoài, minh chứng là trong các câu thơ của ông, ông vẫn thường cất lên tiếng gọi thân thương “Em ơi!” và xưng anh gọi em hết sức trìu mến, ngọt ngào, đó là một việc mà trước đây những nhà thơ không bao giờ dám thể hiện trong câu thơ của mình, có chăng cũng chỉ được ẩn dụ qua một hình ảnh cổ điển nào đó. Không chỉ trò chuyện với người yêu Lưu Trọng Lư mới dùng giọng điệu tâm tình mà cả khi nói với mẹ (“Nắng thu”) hay nói về những đau thương, mất mác, những vấn đề trọng đại ( “Tâm sự đôi bờ”), ông vẫn dùng một giọng tâm tình chủ đạo. Bên cạnh đó giọng thơ Lưu Trọng Lư còn đa dạng ở sự lạc quan, tin tưởng (“Tiếng hát thanh niên”), hay giọng thơ nghẹn ngào, day dứt (“Sóng vỗ cửa Tùng”).
Chính sự đa thanh trong giọng điệu đã tạo nên nền tảng định hình phong cách thơ đầy sức hấp dẫn và mới mẻ của Lưu Trọng Lư.
Lưu Trọng Lư thuộc thế hệ mở đầu của phong trào Thơ mới không chỉ ở sự mới mẻ trong nội dung mà cả trong hình thức nghệ thuật. Những sáng tạo cách tân trong thể loại, ngôn từ kết hợp với những hình ảnh vô cùng giản dị, gần gũi, có sự giao thoa giữa hiện đại và cổ điển, đặc biệt chính giọng thơ trữ tình lãng mạn, thanh thoát và giàu nhạc điệu đã giúp lưu Trọng Lư không chỉ định hình được phong cách nghệ thuật riêng mà còn tạo cho ông một chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ Thơ mới nói riêng và nền văn học nước nhà nói chung.
II.                     Thế Lữ
1.                        Giới thiệu chung
Thế Lữ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ (1907-1989) còn có bút danh Lê Ta, là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam . Ông sinh ra tại ấp Thái Hà- Hà Nội. Quê quán ở làng Phù Đổng, Huyện Tiên Du (nay là Tiên Sơn), Bắc Ninh.
Thuở nhỏ, ông theo người nhà lên sống ở Lạng Sơn cho đến năm 11 tuổi. Năm 1918, Thế Lữ về sống ở Hải Phòng. Từ năm 1925 đến năm 1928 học thành chung ở trường Bonnal (nay là trường Ngô Quyền). Năm 1929, sau khi đã học xong Thành chung, ông vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Đến năm 1930 thì ông bỏ học. Năm 1932, tham gia “Tự lực văn đoàn”, là một cây bút chủ lực của báo Phong hóa, Ngày nay, Tinh hoa. Năm 1937, ông bắt đầu hoạt động sân khấu, làm diễn viên, đạo diễn và đi lưu diễn tại các tỉnh miền Trung. Lúc này ông càng đêm mê có hoài bão xây dựng nền sân khấu dân tộc. Từ 1957, ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt nam cho đến khi nghỉ hưu năm 1977, ngoài công tác lãnh đạo hội ông tập trung nhiều cho công tác đạo diễn sân khấu. Năm 1979, sau khi nghỉ hưu, Thế Lữ chuyển vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và mất ở đây (3/5/1989). Con trai ông, Nguyễn Đình Nghi cũng là Nghệ sỹ Nhân dân, đạo diễn kịch nói nổi tiếng. Thế Lữ được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Nhà thơ Thế Lữ sáng tác không nhiều nhưng ông được đánh giá rất cao. Ông xuất hiện với phong cách viết rất nghiêm cẩn, chặt chẽ trong bố cục, rất chọn lựa trong chi tiết để đạt hiệu quả gây hồi hộp, bất ngờ trong những truyện trinh thám hoặc kỳ ảo.
Một số tác phẩm tiêu biểu: “Vàng và máu” (truyện vừa, 1934), “Mấy vần thơ” (thơ, 1935), “Bên đường Thiên lôi” (truyện ngắn, 1936)…

2.                       Thế Lữ - người đặt nền móng vững chãi cho Thơ mới Việt Nam
2.1.                Tiên phong về nội dung
Như chúng ta được biết Phan Khôi là người có công đầu trong việc xây dựng nền Thơ mới, và nếu nói đến Phan Khôi và cả Lưu Trọng Lư thì họ chỉ là những người làm cho người ta chú ý đến Thơ mới mà thôi, còn Thế Lữ mới chính là nhà thơ làm cho người ta tin cậy ở tương lai Thơ mới. Thơ của Thế Lữ không chỉ mới ở lời mà còn mới ở cả ý nữa. Như nhà phê bình Hoài Thanh đã có đôi lời nhận xét về thơ Thế  Lữ như sau “Độ ấy Thơ mới vừa ra đời. Thế Lữ như vừng sao đột hiện, ánh sáng chọi khắp cả trời thơ Việt Nam. Người ta không chỉ nhìn nhận cái công Thế Lữ đã dựng thành nền Thơ mới ở xứ này”.
Trong khoảng 7 năm sáng tác từ năm 1933 đến năm 1941 chỉ in có hai tập thơ, nói đúng ra thì chỉ có một tập “Mấy vần thơ” 1935 nhưng sau đó có cho in bổ sung thêm mấy tập thơ  “Mấy vần thơ tập mới” 1941, có ý nghĩa khai sinh ra một nền Thơ mới và có liên quan đến sự phát triển của một chặng đường thơ Việt Nam. Thế Lữ là nhà thơ góp phần khởi xướng thành công phong trào Thơ mới. Như chúng ta đã biết bước vào những năm đầu 1930 thì thơ cũ, thể thơ Đường luật không còn đủ sức để phô diễn hay làm nổi bật những tình cảm nữa. Cũng vì lý do đấy mà thi sĩ Tản Đà cũng tìm mọi cách để cách tân thơ của mình, và không chỉ có Tản Đà mà đến những năm 1932 còn có một loạt các nhà thơ khác cũng tìm đủ mọi cách để đem mọi cái mới vào thơ của mình nhằm mục đích thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức thơ. Lúc này những cuộc tranh luận, đấu tranh giữa Thơ mới và thơ cũ của các nhà thơ diễn ra rất sôi nỗi và quyết liệt thì Thế Lữ chỉ âm thầm lặng lẽ sáng tác thơ theo lối mới. Cho đến khi ông cho công bố tập thơ “Mấy vần thơ” thì mới làm cho những phái theo thể loại thơ cũ không còn ý kiến công kích dòng Thơ mới nữa. Thơ Thế Lữ đã làm cho mọi người như được tận hưởng một thi vị hoàn toàn mới mẻ, một dòng thơ xúc động mới, một tâm hồn tươi trẻ mới.
Khi thơ đương thời cũng đang có nhu cầu cần được đổi mới, các nhà thơ cũng muốn cách tân làm mới mẻ thể loại thơ, đổi mới về nội dung và cả cách mà để là ra cái nội dung ấy. Thì Thế Lữ đã làm cho rộng ra cái “hồn thơ” để rồi từ đó dẫn đến sự thay đổi bút pháp. Nếu cảm hứng của thơ cổ điển là những cảm xúc từ những chuyện xảy ra hằng ngày, những cái quanh quẩn đời sống của chúng ta. Như thơ của Tú Xương chủ yếu lấy cảm xúc từ những chuyện đời thường, việc đời hay do cuộc sống vật chất đeo bám tác giả. Một cảnh “bức sốt mà mình vẫn áo bông”, một tình yêu thương vợ thốt ra từ tình cảnh đời sống “quanh năm buôn bán ở nom sông”, hầu hết các nhà thơ cũ và những nhà Thơ mới giai đoạn này phần lớn còn chịu gò bó hay nói cách khác trong sáng tác của họ vẫn còn bị ảnh hưởng của dòng thơ cũ. Theo họ “thơ phải có tích mới dịch nên tuồng” họ căn cứ vào những cái sự thật những cái có thực để dệt nên những trang thơ, thơ mang tính chất hiện thực cuộc sống xã hội. Còn với Thế Lữ thì khác, ông không còn như các nhà thơ cổ điển nữa, phong cách sáng tác của ông không phản ánh hiện thực, mà ông dùng thơ để phản ánh tâm hồn mình. Thế Lữ ưu tiên cho tư duy logic và chính Hoài Thanh cũng đã có nhận xét về Thế Lữ: “Thế Lữ ít khi ghép những lời văn xuôi, khi nào viết là có những chuyện gì để nói”. Thường là chuyện tưởng tượng: chuyện nàng chinh phụ, chuyện chàng chinh phu, chuyện nàng mỹ thuật, chàng nghệ sĩ, chuyện lẫn thẩn nhưng vẫn có chuyện, nghĩa là có sườn luận để bài thơ ngăn nắp và trong sáng. Kết quả là những câu thơ rất dễ nhớ và Thế Lữ thường lý sự: “cái thưở ban đầu.. nghìn năm chưa dễ…: anh đi đường anh… tôi…tình nghĩa đôi ta…đã quyết,,, bận lòng chi nữa…; Vì chưng… mà… trong lúc … phải chăng…” . Thế Lữ là nhà thơ làm thơ rất ý thức và sáng suốt, làm cho nội dung của bài thơ câu thơ cũng khác hẳn thơ cũ, làm cho câu thơ thêm mới mẻ vô cùng sinh động hấp dẫn người đọc như hai câu thơ sau đọc vào ta sẽ thấy rõ:
Ái ân bờ cỏ ôm chân trúc
Sau trúc, ô kìa, xiêm áo ai.
(“Vẻ đẹp thoáng qua”)
Xiêm áo trúc sau tre ấy chỉ trong cõi mộng. Hãy lấy mơ và mộng, càng hư ảo càng dễ cảm thụ cõi tinh vi huyền diệu của thơ Thế Lữ. Thói quen cảm nhận phẩm chất thơ quá câu nệ vào hiện thực, có thể dẫn đến những suy diễn lệch lạc về thơ Thế Lữ. Hai câu thơ trên gợi cảnh những nàng tiên đang tắm, diễn tả niềm ngạc nhiên thích thú làm cho nội dung bài thơ câu Thơ mới hơn hẳn nội dung trong thơ cũ.
Hay cái đổi mới trong bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ đã cho thấy sự đổi mới về mặt nội dung phong cách thơ của ông. Bài thơ mượn lời con hổ ở vườn Bách thú “gặm một khối căm hờn trong cũi sắt” nằm nhớ cảnh rừng xưa, thuở hổ tự do tung hoành giữa cõi “sơn lâm bóng cả cây già/Với tiếng gió gào ngàn/Với giọng buồn hét núi”. Hình ảnh chúa sơn lâm được đặc tả, đẹp và oai, rất tạo hình, bắt đầu là bàn chân chắc nịch, móng vuốt dũng mãnh, sau là tấm thân sóng cuộn đường hoàng. Cảnh sống oai hùng và thơ mộng của chúa sơn lâm đầy chi tiết tráng lệ, phi thường trong hơi thở anh hùng ca âm vang hào sảng. Đọc bài thơ, nếu con hổ nhớ rừng là biểu hiện khát vọng tự do của dân ta trong cảnh bị người đô hộ. Bài “Nhớ rừng” thực chất là một tuyên ngôn của chủ nghĩa lãng mạn, không chấp nhận cái tầm thường (“Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng/ Dải nước đen giả suối chẳng thông dòng/ Len dưới nách những mô gò thấp kém...”) để đòi cái phi thường, phi thực (“Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi” hoặc với “những đêm vàng bên bờ suối/ Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan” và “những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn/ Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới”…).
Nội dung trong thơ Thế Lữ mang một tinh thần tươi trẻ giàu sức sống, với nhiều màu sắc hấp dẫn người đọc, góp phần cách tân phong trào thơ cổ điển, từ đó phát triển phong trào Thơ mới giai đoạn này.
Thế Lữ là một người quan tâm đến cái mới, ông ý thức sâu sắc rằng làm nghệ thuật là phải tìm được cái mới, phải dứt khoát tìm ra cái mới, chính vì thế mà ông trở thành người mở đầu một trào lưu thi ca.
Khởi xướng một trào lưu Thơ mới, Thế Lữ đã khẳng định một cái tôi yêu đời, ham sống, “ham vẻ đẹp”, của cuộc sống với “muôn hình, muôn thể” mở đường cho các nhà Thơ mới thi nhau sáng tác để từ đó khẳng định cái tôi của mình.
Thế Lữ là nghệ sĩ tiên phong, trong cái nghĩa trọn vẹn nhất của hai chữ tiên phong. Thế Lữ chỉ thoải mái trên những bước đường, say mê những hoa trái đầu mùa, với cái thuở “lần đầu hết, lòng cô mang tình ái”. Thế Lữ là nhà thơ là người làm Thơ mới khi Thơ mới chưa có nền. Với sự xuất hiện của Thế Lữ, Thơ mới đã nhanh chóng giành được “toàn thắng” (chữ dùng của Hoài Thanh) khiến cho “trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan rã”.
2.2.                Những cách tân hình thức nghệ thuật trong thơ Thế Lữ tạo bước phát triển vượt bậc cho phong trào Thơ mới.
2.2.1  Hình ảnh thơ:
Trong thơ trữ tình Trung đại cái tôi cá nhân bị mờ lấp sau cái ta rộng lớn của vũ trụ của tổng thể. Sự thiếu vắng chủ từ biểu thị chủ thể trong thơ Trung đại khiến lời thơ trở nên mơ hồ phiếm chỉ. Lời thơ như là “không của ai cả” (Trần Đình Sử). Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ siêu cá thể theo qui luật đối, niêm, vận… Bút pháp thơ trung đại mang tính chất gián tiếp đầy ngụ ý, kí thác.
Đến Thơ mới của Thế Lữ dòng ý thức chủ quan của chủ thể được bộc lộ một cách trực tiếp. Trước hết nó thể hiện ở sự tự khẳng định của ý thức cá nhân. Trong rất nhiều biểu hiện của ý thức cá nhân, cái tôi chủ thể Thơ mới khát khao bộc lộ “thành thực” cảm xúc, được nói lên “sự thật” của tâm hồn bằng tiếng nói riêng của mình. Sự thức tỉnh của ý thức cá nhân đã tạo cho cái tôi trữ tình trong thơ của Thế Lữ một tư thế mới. Thế Lữ đã lấy cái tôi – một cái tôi đầy cảm xúc làm điểm tựa để nhìn ngắm thế giới. Ngôn ngữ trong thơ ông đã được chủ thể hóa cao độ, cái tôi Thơ mới trở thành cái tôi chủ ngữ.
Đóng góp riêng, độc đáo của Thế Lữ là vận dụng đầu óc khoa học, logic của phương Tây, nhà thơ đã đưa ra rất nhiều định nghĩa về cái tôi, về con người mới ở thời đại mới. Con người với cái tôi cá nhân, cái tôi trữ tình khác với cái ta của cộng đồng, của vũ trụ. Sau đây là một vài ví dụ:
“ Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ đẹp của muôn hình, muôn thể.”   
                                                 ( “Cây đàn muôn điệu” )
“Tôi chỉ là người ước mơ thôi
Là người mơ hão than ôi”
                                              ( “Bên sông đưa khách” )
“Tôi là một khách chinh phu”
                                              ( “Tiếng gọi bên sông” )
   Thế Lữ ví mình như “khách tình si”, ham mê, đắm đuối trong “vẻ đẹp muôn hình, muôn thể”. Người nghệ sĩ mượn cây bút “nàng Ly Tao”, mượn “cây đàn ngàn phím” để rung lên nốt nhạc lòng. Từ những cảm xúc lãng mạn riêng tư, những nhu cầu, những đòi hỏi, trong khát khao được thành thực là sự bộc bạch niềm yêu đến mê say cái đẹp. Người nghệ sĩ là người có nhiệm vụ tôn thờ cái đẹp:
“Tôi là một kẻ mơ màng
Yêu sống trong đời giản dị,bình thường,
Cùng với Nàng Thơ tháng năm ca hát,
Chúng tôi quen cảnh mịt mùng bát ngát
Của non cao, rừng cả; cảnh đìu hiu
Chốn đồng xa sương trắng chập chờn gieo”
                          (Trả lời – Thế Lữ)
Dựa vào sự tự mở đường của Thế Lữ các nhà thơ sau này như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử đã vận dụng một cách hiệu quả để diễn tả và trải lòng mình vào thơ ca góp phần tạo nên nét đặc sắc cho phong trào Thơ mới.
2.2.2 Thể loại thơ:
Do ảnh hưởng của tư duy khoa học phương Tây, Thế Lữ đã sáng tạo ra câu thơ với định nghĩa: “Ta là một khách chinh phu” hay “Thế Lữ là một chàng kỳ khôi”  theo mẫu Danh từ + là+ Danh từ. Đây là cú pháp thuần túy khoa học nhằm làm nổi bật bản chất của sự vật, hiện tượng. Cú pháp này sau được Xuân Diệu sử dụng có biến hóa hơn: “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây…” Trên cơ sở cú pháp này các nhà thơ khác như Bích Khê, Hàn Mặc Tử …đã vận dụng và phát triển thành công vào thơ của mình để sáng tạo ra loại “thơ định nghĩa” cao hơn loại “thơ miêu tả”.
Thế Lữ đã làm nổi bật tính duy lý- người ta gọi là tư duy lôgic – mới được du nhập vào văn thơ Việt Nam thời kỳ đó. Trong thơ văn xưa tư duy logic không phải là giá trị chính: Ta thưởng thức ca dao, “Truyện Kiều”, “ Chinh phụ ngâm” không phải bằng lý luận, ta thích các nhân vật trong đó dù họ không logic. Ở Thế Lữ thì khác, trong thơ, ông ưu tiên cho tư duy logic. Ông không chịu dồn ý vào một câu thơ, nên mỗi câu thơ của Thế Lữ không tương ứng với câu ngữ pháp, mà mỗi câu ngữ pháp là một mảng thơ, cấu trúc theo văn phạm tiếng Pháp. Tiêu biểu là một khổ thơ trong “Cây đàn muôn điệu’’
“Dáng yêu kiều tha thướt khách giai nhân;
Ánh tưng bừng linh hoạt nắng trời xuân;
Vẻ sầu muộn âm thầm ngày mưa gió;
Cảnh vĩ đại, sóng nghiêng trời, thác ngàn đổ;
Nét mong manh, thấp thoáng cánh hoa bay;
Cảnh cơ hàn nơi nước đọng bùn lầy;
Thú sán lạn mơ hồ trong ảo mộng;
Chí hăng hái đua ganh đời náo động:
Tôi đều yêu, đều kiếm, đều say mê”
  Một đoạn thơ dài chín câu, tám câu đầu là những tân từ, đảo ngược, đặt trước câu động từ với chủ từ nằm ở cuối đoạn. Lối đặt câu như thế, ta không thấy ở thơ văn nước ta trước kia; có thể đây là một câu thơ nặng nề, nhưng có tác dụng tốt là giải phóng tư duy logic ra khỏi khuôn khổ gò bó của câu thơ cũ. Một đoạn thơ dài chỉ gồm có một câu văn phạm, trong đó Thế Lữ đã đưa ra cả một tuyên ngôn về nghệ thuật trong tám vai trò khác nhau: mô tả vẻ đẹp của phụ nữ, cảnh trời xuân, ngày mưa gió, cảnh vĩ đại, nét mong manh, cảnh xã hội, thú mộng mơ và chí tranh đấu. Mà câu thơ vẫn trong sáng.
Câu thơ cũ vì hạn chế khuôn khổ nên thường hàm súc, cô đọng, khúc chiết. Các nhà thơ cũ sẵn sàng gạt bỏ các liên từ, hư từ, giới từ mà dồn ý tưởng vào câu năm chữ, bảy chữ, câu thơ khó hiểu vẫn được chấp nhận, người đọc phải tự suy ngẫm. Ví dụ hai câu đầu trong “Cung oán’’:
Trải vách quế gió vàng hiu hắt
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng”
Cách hiểu phụ thuộc rất nhiều vào người đọc. Mỗi người đọc có cách hiểu khác nhau. Còn ở thơ Thế Lữ thì đề cao tính dư thừa và nhu cầu diễn đạt khúc chiết, có logic. Do đó câu thơ ông thường dùng rất nhiều hư từ như: “mà, trong lúc, vì chưng” (“Vì chưng ta cũng biết yêu đương,/ Mà cuộc tình duyên gặp giũa đường, Trong lúc non sông mờ cát bụi/ Phải đâu là hội kết uyên ương?”). Cũng do nhu cầu diễn đạt khúc chiết nên câu thơ của Thế Lữ thường chảy tràn từ câu thơ trên xuống câu thơ dưới hoặc chấm câu giữa dòng để diễn đạt trọn ý. Ví dụ như trong bốn câu thơ sau đây:
“Tôi muốn sống cuộc đời thi sĩ, để
Dốc chén mơ màng, nhưng chỉ thấy chua cay”      (“Lựa tiếng đàn” )
“Cát bụi tung trời. Đường vất vả
Còn dài. Nhưng hãy tạm dừng chân.      ( “Giây phút chạnh lòng” )
Tuy nhiên, những cách tân của Thế Lữ ở lĩnh vực này đôi lúc có phần quá đà. Ngày nay đọc lại thấy nhiều câu chữ thơ ông có phần thừa thải và không hợp lý làm tổn hại đến chất thơ. Ví dụ như câu: “Với chiếc áo đã lợt màu vì sương nắng”, nếu bỏ đi chữ “vì” thì câu thơ vẫn đảm bảo nghĩa như ý muốn của nhà thơ mà còn có thể đa dạng nghĩa hơn nữa, vì “áo màu sương nắng” sẽ rất thơ, rất đa nghĩa.
  Thế Lữ là người đầu tiên xông xáo đi tìm điệu mới cho thơ và dần dần đưa Thơ mới trở thành thể thơ thông dụng sau này. Trong tập “ Mầy vần thơ “ của ông (1941), ta thấy một bài năm chữ trường thiên vần chéo (“Mộng ảnh”), một bài hoàn toàn phá thể (“Tiếng trúc tuyệt vời”), còn đa số là thơ 7 chữ trường thiên, phân đoạn 4 câu vần chéo (“Khúc ca hoài xuân”, “Khúc hát bên sông”), hoặc 4 câu 3 vần lối cũ (“Lời than vãn của nàng mỹ thuật”, “Tiếng gọi bên sông”, “Ngày xưa còn nhỏ”, “Bên sông đưa khách”, “Hái hoa”) và thơ 8 chữ trường thiên vần liền đôi một, đắp đổi bằng trắc ( “Nhớ rừng”, “Lựa tiếng đàn”, “Hoa thủy tiên”, “Giục hồn thơ”…). Ngoài ra còn có bốn bài lục bát (“Mấy vần thơ”, “Bông hoa rừng”, “Lời tuyệt vọng”, “Ma túy”) và một bài song thất lục bát (“Hồ xuân và thiếu nữ”), nhưng không hề có bài đường luật bát cú nào.
2.2.3            Giọng điệu thơ:
Làm thơ, Thế Lữ đã luôn tuân theo một nguyên tắc mà buổi đầu các nhà Thơ mới cho là chí lý, là tìm cho mỗi cảm hứng, mỗi đề tài một nhịp điệu riêng, nhịp điệu chính ở đây là số chữ, số câu, cách ngắt trong câu, ở vần thơ, giọng đọc, âm chữ tất cả diễn đạt cái hay, cái mới lạ của đặc biệt của đề tài. Và làm cho Thơ mới có vị trí vững chắc hơn trong nền văn học dân tộc. Ví dụ như dùng câu lục bát uyển chuyển để diển tả tiếng sáo thiên thai:
“Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi
    Bên rừng thổi sáo một hai kim đồng”
Dùng câu thơ 8 chữ rộng rãi để diễn tả con hổ trong bài thơ “Nhớ rừng”:
“Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng”
Thế Lữ là một thi công cần mẫn, không những ông là người tiên phong trong việc tìm nhịp điệu như trên mà còn ở cách đặt câu, lựa vần. Ông đã sử dụng rất thành công các biện pháp đảo ngữ, lặp ngữ, hoán ngữ trong câu thơ tạo nên thành công cho thể loại Thơ mới. Nghệ thuật ngôn ngữ, âm điệu, hình ảnh… ở Thế Lữ đã đạt tới độ tinh xảo đủ để chuyên chở cái cõi mộng của hồn ông. Qua bao nhiêu năm nay đọc lại vẫn còn nguyên mới mẻ.
Tả âm thanh:
“Êm như hơi gió thoảng cung tiên
Cao như thông vút, buồn như liễu
Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên”          (Tiếng gọi bên sông)
Lưu khoảnh khắc:
Mây hồng ngừng lại sau đèo
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi”                (Tiếng sáo Thiên Thai)
 Có một điều lạ là Thế Lữ tuy là người tiên phong, người có công đầu trong việc giành lấy vị trí đáng kể cho phong trào Thơ mới trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, nhưng quá trình sáng tác thơ của ông không kéo dài, nếu không nói là sớm kết thúc cho thấy Thế Lữ đã không đi tận cùng với thơ. Những nhà thơ xuất hiện sau ông, được ông giới thiệu, nâng đỡ đã có những thành tựu vượt qua ông. Điều đó cho thấy Thế Lữ là một hồn thơ dồi dào nhưng không bền bỉ.

III.                 Tổng kết
Thơ mới được xem như một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam với sự xuất hiện của một loạt các tài năng kiệt xuất cùng phong cách độc đáo. Sự xuất hiện và thắng thế của Thơ mới đã “làm rạn vỡ những khuôn khổ ngàn năm không di dịch” của thơ cũ bó hẹp trong từng câu chữ. Thơ mới cũng đã góp phần làm phong phú ngôn ngữ của dân tộc cũng như ngôn ngữ trong văn thơ, và được coi như là “Một thời đại trong thi ca” (Hoài Thanh). Và với những đóng góp của mình Thế Lữ cùng Lưu Trọng Lư xứng đáng được coi là những người tiên phong xuất sắc cho phong trào Thơ mới.

Tài liệu tham khảo
1.                  GS. Phong Lê, Lưu Trọng Lư – người viết văn xuôi, http://vanvn.net , truy cập ngày 10.4.2014
2.                  Nguyễn Thị Thọ, Lưu Trọng Lư những dấu ấn khó quên về đời và thơ, http://baoquangbinh.vn , truy cập ngày 10.4.2014
3.                  Thương Thương, Nhà thơ Thế Lữ, http://thpt-so1botrach-quangbinh.edu.vn , truy cập ngày 10.4.2014
4.                  Hà Minh Đức, Lưu Trọng Lư về tác gia và tác phẩm, Nxb.Giáo dục, 2011
5.                  Nhiều tác giả, Lưu Trọng Lư, trái tim tài hoa làm thổn thức bao thế hệ, Nxb. Văn hóa thông tin, 2010
6.                  Phạm Đình Ân, Thế Lữ - tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, 2007
7.                  Trang thơ Thế Lữ, http://thivien.net , truy cập ngày 10.4.2014
8.                  Trang thơ Lưu Trọng Lư, http://thivien.net , truy cập ngày 10.4.2014

* Bài tiểu luận Văn2011
Trường ĐH KHXH&NV- Tp. HCM
Khoa Văn học và Ngôn ngữ


> Bài viết được đăng 19/6/2014
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét