Tội ác và hình phạt - Con người nhị nguyên

I. Tổng quan
1. Tác giả
Fyodor Mikhailovich Dostoevsky chào đời vào ngày 30 tháng 10 năm 1821 tại thành phố Moscow, là con trai thứ hai trong 7 người con của ông Mikhail, một bác sĩ quân y được biệt phái qua phục vụ tại Bệnh Viện Maryinski chuyên chữa trị các người nghèo. Ông bố Mikhail là một con người cứng dắn, thẳng thắn trong khi bà mẹ lại có bản tính trái ngược, rất thụ động, tử tế và rộng lượng. Các sự kiện của gia đình quý tộc xa xưa này với cha mẹ có một vùng đất và hơn một trăm nông nô, đã là hình ảnh của các nhân vật với các bản tính thái cực trong các cuốn tiểu thuyết của Dostoevsky sau này. Trong thời gian Fyodor đi học xa nhà, ông Mikhail đã bị giết chết do các nông nô trong vùng nổi loạn và hình ảnh giết người bất ngờ và tàn bạo này luôn luôn ám ảnh Fyodor Dostoevsky khiến cho các tác phẩm của ông thường dùng đề tài là các tội ác. Và vào cuối cuộc đời, cái chết của người cha đã là căn bản cho tác phẩm danh tiếng “Anh Em Nhà Karamazov” (The Brothers Karamazov).
Fyodor Dostoevsky rất yêu thích văn chương. Vào tuổi 25, Fyodor đã cầm bút, sáng tác ra cuốn tiểu thuyết đầu tiên với tên là “Đám Người Nghèo” (Poor Folk) xuất bản vào năm 1845. Đây là một câu chuyện tình cảm mô tả một cách bóng bẩy các cảnh tàn phá của kiếp nghèo. Cuốn truyện này đã được các nhà phê bình khen ngợi, đặc biệt là Vissarion Belinsky, và nhà văn trẻ tuổi Dostoevsky được gọi là một “Gogol mới”, tác phẩm của ông trở nên bán chạy nhất, bởi vì từ xưa tới nay chưa có một nhà văn người Nga nào cứu xét một cách kỹ càng sự phức tạp tâm lý của các cảm xúc bên trong tâm hồn con người. Fyodor Dostoevsky đã dùng tới phương pháp phân tích tâm lý để tìm hiểu các hoạt động rất tinh tế của tâm lý mọi người. Sau tác phẩm “Đám Người  Nghèo”, Fyodor Dostoevsky sáng tác ra cuốn “Gấp Đôi” (The Double) và tác phẩm này đề cập tới sự phân đôi cá tính (a split personality) và đây là căn bản dùng cho nhân vật Raskolnikov của đại tác phẩm Tội Ác và Hình Phạt (Crime and Punishment).

Vào năm 1865, Fyodor Dostoevsky bắt đầu viết tác phẩm “Tội Ác và Hình Phạt” (Crime and Punishment, 1866) xuất hiện dần dần trên tờ báo “Người Đưa Tin Nga” (the Russian Messenger). Tác phẩm này đã xác định vị trí đặc sắc của tác giả trên Văn Đàn Nga bởi vì nhà văn Dostoevsky đã mô tả cuộc hành trình thực sự qua tâm lý con người, khiến cho người đọc trải qua nhiều lúc phải nín thở. Qua tác phẩm này, Fyodor Dostoevsky đã cho rằng tự do là một lực lượng tàn phá nếu thứ đó không tuân theo các nguyên tắc của Thiên Chúa giáo.
Các tác phẩm của ông, như Anh em nhà Karamazov hay Tội ác và hình phạt đã khai thác tâm lí con người trong bối cảnh chính trị, xã hội và tinh thần của xã hội Nga thế kỷ 19. Ông được giới phê bình đánh giá rất cao, phần lớn xem ông là người sáng lập hay là người báo trước cho chủ nghĩa hiện sinh thế kỷ 20, chẳng hạn, Walter Kaufman xem Bút ký dưới hầm là "tác phẩm về chủ nghĩa hiện sinh tuyệt vời nhất từng được viết"[4].
     2. Tác phẩm
            2.1 Tóm tắt
Raskolnikov, nhân vật chính là một sinh viên ngành luật đang học tại trường đại học ở thủ đô Petersburg. Vốn xuất thân từ một gia đình nghèo ở nông thôn, bà mẹ của anh không đủ tiền nuôi anh ăn học cho đến ngày thành đạt. Chỉ còn Dounia, cô em gái giàu lòng hy sinh đang làm gia sư trong gia đình Svidrigailov mong kiếm tiền nuôi mẹ và nuôi anh ăn học. Nhưng Svidrigailov lại là một gã địa chủ quý tộc sa đọa đầy dục vọng; Hắn tìm mọi cách tán tỉnh nhằm chiếm được Dounia, mặc dù hắn đã có vợ con. Vốn là một cô gái thông minh, giàu nghị lực và tự trọng, Dounia cự tuyệt và phải bỏ nhà Svidrigailov ra đi. Đời sống của gia đình hết sức khó khăn, mẹ không nơi nương tựa, Raskolnikov đành phải bỏ học vì hết tiền. 
Do đời sống thiếu thốn, lại bị nhiễm triết lý người hùng, Raskolnikov đến nhà mụ cầm đồ Alyona giàu có, lấy búa bổ vỡ sọ mụ và cướp vàng bạc, châu báu. Sau khi mở được két lấy tiền, quay ra cửa, Raskolnikov gặp mụ Elidabet, em gái mụ cầm đồ; Hoảng quá, anh cầm búa bổ luôn vào đầu giết chết mụ. Trốn thoát khỏi khu nhà, anh giấu kín gói tiền dưới một tảng đá và không hề tiêu một đồng nào mặc dù anh không còn một xu dính túi. Sau vụ giết người khủng khiếp ấy, tuy chưa ai khám phá ra, nhưng lương tâm Raskolnikov bị giày vò triền miên. Anh như người mất hồn, ăn không ngon ngủ không yên, tâm thần hoảng loạn, đêm nằm mê sảng vật vã, ngày đi lang thang vơ vẩn. Anh uống rượu giải khuây, tình cờ trong quán rượu, anh chuyện trò thân mật với bác công nhân già nát rượu Marmeladov. Bác tâm sự với anh về Sonia, người con gái yêu của bác phải bán thân kiếm tiền để giúp đỡ bác nuôi đàn em nhỏ và người vợ kế trong khung cảnh đói rách bệnh tật. 
Lại nói về Dounia, được một người mối lái đưa Luzhin, viên quan cao cấp ngành Tòa án ở Thủ đô đến hỏi làm vợ, với lòng thương anh và thương mẹ, Dounia đồng ý cùng mẹ về sống ở Thủ đô và nhận lời Luzhin, chuẩn bị lễ cưới. Nào ngờ trong khi đó ở Peterburg, Raskolnikov lại hiểu quá rõ về gã tai to mặt lớn bỉ ổi này. Anh nhất quyết cự tuyệt bởi anh nghĩ nếu để cho em gái cúi đầu lấy lão Luzhin giàu có, thô bỉ không chỉ giết chết nhân phẩm của Dounia mà còn giết chết cả nhân phẩm của chính mình. Vì thế anh không ngần ngại đuổi Luzhin ra khỏi nhà ngay trước mặt mẹ và em gái anh... Hết sức đau khổ trước cảnh bế tắc của người anh, nhưng Dounia vẫn không sao tìm được lối thoát. Trong khi đó, gã Svidrigailov vẫn dai dẳng bám gót nàng, hắn tìm mọi thủ đoạn xấu xa bỉ ổi để chiếm được nàng, thậm chí hắn đã giết cả vợ, song hắn không thể chinh phục nổi người con gái trong sáng, đầy nghị lực ấy. Trong khi đó, Raskolnikov sau 9 tháng dằn vặt, một buổi sáng đã đến tòa án tự thú rằng “anh đã giết chết mụ cầm đồ và em gái mụ để lấy tiền của”. Trước vành móng ngựa, Tòa án cho rằng thần kinh đương sự bị kích động bất ngờ trong chốc lát nên được miễn tội chết mà chỉ bị kết án 8 năm khổ sai, đày biệt xứ ở Siberia. Sonia, người con gái đau khổ với trái tim tràn ngập lòng bác ái của Chúa tự nguyện gắn bó mãi mãi với người yêu nơi cùng trời cuối đất.
           2.2 Ý nghĩa nhan đề
Những sự kiện xảy ra trong gia đình, cái chết của người cha và bối cảnh thời đại đã làm Dostoevsky ám ảnh về tội ác. Tội ác xuất hiện nhiều trong tác phẩm của ông và đỉnh điểm là trong “Tội ác và hình phạt”. Từ nhan đề đã cho thấy yếu tố chính của truyện là phạm tội và trả giá. Nhà văn đã khẳng định quan điểm của mình ngay đầu đề tác phẩm: cái ác phải bị trừng phạt, mà sự trừng phạt ngay trước mắt là mặc cảm tội lỗi sau khi phạm tội.
II. Sự phân thân lưỡng thể trong “Tội ác và trừng phạt” qua nhân vật con người nhị nguyên
1.      Khái niệm nhị nguyên
Khái niệm Nhị nguyên luận (Dualisme) được dùng trong nhiều lĩnh vực của tri thức. Bất cứ một lý thuyết nào xác định sự phân ly không thể thu hẹp được giữa hai loại sự vật thì đều có thể gọi là thuyết nhị nguyên. Nhị nguyên Triết học xác định sự phân ly giữa thể xác và linh hồn với người khởi xướng là nhà triết học duy lý Descarte. Trong đạo đức học, thuyết nhị nguyên xác định sự tách biệt giữa Thiện và Ác. Trong tôn giáo thì thuyết nhị nguyên tách biệt cái Thiêng và cái Phàm, tồn tại song song và không phụ thuộc với nhau trong đời sống. Như vậy khái niệm nhị nguyên đưa ra nhiều chiều kích để diễn giải vấn đề mấu chốt trong sự lý giải về tôn giáo và số phận con người.
2.      Nhân vật mang tính cách nhị nguyên trong “Tội ác và hình phạt”
2.1  Rodion Romanovich Raskolnikov
Raskolnikov là người mang tính cách nhị nguyên rõ rệt nhất trong tác phẩm. Trước hết nhân vật này là một người có nhiều đức tính tốt. Raskolnikov là một người con rất thương mẹ, một người anh yêu quý em gái. Khi biết tin em mình sẽ lấy Luzhin, anh đã ra sức ngăn cản, dù anh biết như vậy có thể đẩy tình cảnh gia đình mình vào cảnh khó khăn hơn. Qua bức thư mẹ gửi cho mình, bằng trí tuệ, óc phân tích cũng như linh cảm, anh đã nhận ra được Luzhin là một gã bề ngoài tuy lịch thiệp, giàu có nhưng bản chất xấu xa, ích kỷ và keo kiệt. Raskolnikov không muốn em gái mình phải hi sinh để giúp đỡ mọi người. Bên cạnh đó, Raskolnikov còn là người tốt bụng, đã giúp đỡ gia đình bác công nhân Marmeladov trong những lúc khốn cùng. Raskolnikov đã dốc cả những đồng rúp cuối cùng của mình để lo liệu cho cái chết của Marmeladov cũng như an ủi, động viên tinh thần cho gia đình bất hạnh này. Hơn thế nữa, anh còn là người có trái tim nhân hậu, cảm thông, nhận ra vẻ đẹp tâm hồn con người, đặc biệt là Sonia. Trong mắt mọi người, Sonya chỉ là một cô gái hư hỏng, làm nghề không đứng đắn. Tuy nhiên, Raskolnikov nhận ra đức hi sinh của Sonya, chấp nhận làm điếm để nuôi sống gia đình. Qua đó, cho thấy Raskolnikov là một người thiện, có trái tim nhân hậu.
Đồng thời, Raskolnikov lại là một người tàn ác khi phạm tội giết người. Anh đã giết cả hai chị em mụ chủ cầm đồ Ivannova. Hành động giết người cướp của ấy đã được nhân vật lên kế hoạch một cách kĩ lưỡng, suy tính hàng tháng trời. Và cảnh giết người được tác giả miêu tả một cách cụ thể, tỉ mỉ. Ngoài ra, Raskolnikov còn thể hiện thái độ chán ghét, thậm chí vô ơn đối với những người thân xung quanh, trong đó có mẹ và em gái, người bạn thân Razumikhin. Sự quan tâm, chăm sóc, lo lắng của người thân đối với Raskolnikov dường như phiền phức, nhàm chán, có phần giả tạo.
Tính nhị nguyên trong Raskolnikov thể hiện ở sự đấu tranh nội tâm, dằn vặt lương tâm dẫn đến khủng hoảng tinh thần ở nhân vật. Đó là sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Nhân vật vừa muốn giết người cướp của, lên kế hoạch kĩ lưỡng hàng tháng trời , vừa tránh né, sợ hãi dự định đó của mình: “Hôm qua khi xuống thang gác, chính mình đã nói rằng như thế là khốn nạn, ghê tởm, hèn hạ vô cùng… Dù có thế chăng nữa mình cũng không thể làm được. Mình không thể chịu nổi, không sao chịu nổi!” (1; 120). Đến khi hành sự xong, sự đấu tranh nội tâm lại càng mãnh liệt hơn, nhân vật rơi vào khủng hoảng trầm trọng, dẫn đến chứng mê sảng, sốt cao, dường như trên bờ vực hóa điên. Anh vừa tìm cách phi tang mọi chứng cứ, dấu vết phạm tội vừa muốn tự thú về tội ác của mình. Khi có trát đòi mình đến sở cảnh sát, Raskolnikov những muốn “quỳ xuống và khai hết từ đầu chí cuối”, muốn thú nhận tội ác của mình. Cao trào nhất là lúc anh gặp và trò chuyện với Zamiotov trong quán rượu. Khi trò chuyện, anh khơi gợi, thậm chí trắng trợn kể tội mình: “Một lời thú nhận khủng khiếp  cứ nhảy bần bật trên môi chàng, như hôm nào cái móc cửa nhảy bần bật trong khâu sắt, tưởng chừng nó sắp bật ran gay tức thì: chỉ cần buông nó ra, chỉ cần thốt nó lên:
-         Thế nếu chính tôi giết mụ già và Livazeta thì sao? – chàng bỗng thốt lên… và sực tỉnh”.
Dường như, anh đã thú nhận trong cơn mộng du, cơn mê sảng và “sực tỉnh” để nhận ra tình cảnh của mình. Đồng thời, anh lại tìm cách che giấu hành vi phạm tội của mình. Khi biết cảnh sát triệu mình lên vì tờ đòi nợ chứ không phải “chuyện ấy”, anh đã thở phào nhẹ nhõm. Về nhà, anh tìm cách thủ tiêu tất cả mọi thứ, tìm nơi chon mọi của cải lấy được, phi tang cả những vật nhỏ nhất như chiếc tất và các mảnh vải dính máu.
Raskonikov đã viện dẫn chủ nghĩa siêu nhân, quan niệm con người phi thường nhằm tự an ủi về tội ác của mình. Theo anh, loài người “được chia làm hai loại, loại ‘bình thường’ và loại ‘phi thường’. Loại bình thường thì phải sống phục tòng vì không có quyền vượt ra ngoài luật pháp, bởi vì, ấy đấy, vì họ là những người bình thường, còn loại phi thường thì có quyền phạm tội ác và có thể vi phạm luật pháp đủ cách, chính bởi vì họ là những con người phi thường” (1; tr 431). Hay nói chính xác hơn, con người phi thường “bản thân họ có quyền tự cho phép lương tâm mình vượt qua… một số trở lực nào đấy” (1; tr 432). Raskolnikov tự cho rằng mình là con người phi thường, đứng chung hàng với những vĩ nhân như nhà tiên tri Mohammet, Hoàng đế Napoleon,… Đó là biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cá nhân, lí tưởng trở thành siêu nhân.
Vì thuộc loại con người phi thường, nên anh tự cho mình quyền phạm tội, giết người cho một lí tưởng, mục đích cao đẹp. Mục đích nhân vật giết mũ chủ cầm đồ vì mụ là con người độc ác, cướp của của mụ để phục vụ đời sống hàng ngàn người khác như lời tuyên bố của một anh sinh viên, cũng giống như Raskolnikov: “hàng nghìn việc thiện há lại chẳng chuộc được một tội ác cỏn con duy nhất hay sao? Chỉ hy sinh một tính mạng mà cứu được hàng ngàn sinh linh khỏi cảnh thối nát và tan rã… Không hơn tính mạng một con rận, một con gián, không bằng nữa là khác, vì mụ ta có hại hơn. Mụ ta hút máu hút mủ người khác” (1; tr 129).
Tuy nhiên, tội ác không buông tha nhân vật mà đeo đuổi anh qua những giấc mơ, cơn mê sảng và sự dằn vặt đau khổ. Trong những lần độc thoại chính mình, anh thường tự vấn về mình, về hành động của mình: “Ta là con sâu, con bọ run rẩy hay ta có quyền lực?” Anh dùng lý thuyết con người phi thường để bào chữa cho tội ác của mình, nhưng rốt cuộc chính Raskolnikov lại nghi ngờ về triết lí mình đưa ra. Câu hỏi thể hiện sự khủng hoảng trong tâm lí, trong tư tưởng và nhận thức của nhân vật. 
Tính nhị nguyên của nhân vật từ đó được tác giả miêu tả cặn kẽ, bắt nguồn từ sự tồn tại hai chiều giữa khát khao lớn và khả năng con người. Raskolnikov luôn mộng tưởng có thể thay đổi thế giới nhưng trong thực tại, anh ta chỉ là một sinh viên nghèo, sống trong một gian buồng nhỏ với các khoản nợ. Hiện thực bí bách chèn ép vào trong giấc mơ và ảo ảnh, nơi Raskolnikov thấy mình là Napoleon, nơi anh muốn thực thi thanh lọc thế giới giúp đỡ mọi người. Điều này dẫn tới mâu thuẫn trong tâm hồn và tính cách nhân vật: một mặt, anh là người tốt, có tính cảm thông và luôn giúp đỡ mọi người, một mặt, anh là kẻ sát nhân bởi các ý tưởng cuồng loạn. Kết cục, không chịu nỗi sự dằn vặt của tội lỗi và mặc cảm, Raskolnikov đã đầu thú và chịu sự trừng phạt bởi tội ác của mình.
             2.2 Pyotr Petrovich Luzhin
Trong tội ác và hình phạt, có một hình tượng đầy ẩn dụ, đó là gian buồng thuê của Raxcolnicov mà tác giả ví với "chiếc quan tài". Quan tài trên mặt đất, quan tài nhà ở, là tượng trưng cho sự cô thế tuyệt đối của con người giữa nhân gian. Trong căn buồng - quan tài ấy Raxcolnicov kinh qua một cơn khủng hoảng tinh thần, khủng hoảng thế giới quan nhân đạo và "thai nghén" một ý đồ mới, phản nhân đạo. Nằm trong căn buồng - quan tài ấy, Raxcolnicov gọi xuống để đàm thoại hai nhân vật vô hình - hai chiếc bóng khổng lồ in hẳn trên vòm trời của tiểu thuyết tội ác và hình phạt. Nhân vật Raxcolnicov là trung tâm câu chuyện, một tình tiết truyện đều được kể ra thông qua nhân vật nhị nguyên này. Tuy nhiên, ngoài một nhân vật nhị nguyên này thì chúng ta còn sẽ bắt gặp một nhân vật khác nữa cũng mang đặc điểm con người nhị nguyên. Đó là Pyotr Petrovich Luzhin
Trong con người của Luzhin cũng tồn tại song hành hai bản thể. Không giống như Raxcolnicov là người nghèo sa cơ thất thế, Luzhin là một tên quý tộc có địa vị xã hội và có tiền. Tuy nhiên, ở hai con người này lại có sự khác nhau rõ rệt, con người nhị nguyên ở họ cũng khác. Nếu lúc đầu chúng ta bắt gặp một Raxcolnicov hiền lành ít nói nho nhã, hay rụt rè, là một sinh viên nghèo có lý tưởng, có hoài bão, nhưng lại bị chính sự bồng bột và lý tưởng ảo của mình mà anh lâm vào tội ác để đến mức sau này phải chịu cảnh giày vò và nhận sự trừng phạt thì ngược lại, Luzhin là một tên nhà giàu đốn mạt xấu xa, làm nhiều điều sai trái nhưng lại đội lốt một người đàng hoàng
Luzhin là một tên tư sản mưu mô và nhỏ nhen. Nhân vật này còn như là một hình ảnh hiện thực xã hội lúc bấy giờ mà Dostoevskyn muốn tố cáo và phê phán,. Một hiện thực xã hội mà đồng tiên chia phối tất cả và những kẻ đốn mạt, đáng khinh bỉ như kẻ Luzhin tồn tại và ngày càng xuất hiện nhiều hơn tầng lớp quý tộc mục ruỗng, sa đọa và bại hoại. Luzhin một kẻ đạo đức giả, kiểu cách cẩn trọng và hay cau có…
Trong lần gặp mặt Dunhia và mẹ nàng hắn đã thể hiện mình là một người nhã nhặn, nhưng bên trong tâm địa của hắn thì lại hết sức xấu xa “Piotr Petrovich thong thả rút ra một chiếc mùi soa nhiễu sực mùi nước hoa và xỉ mũi với cái dáng của một người rất có thiện ý nhưng vẫn hơi bị xúc phạm vào phẩm giá và nhất quyết đòi người ta phải phân trần. Khi còn ở phòng ngoài ông ta đã thoáng có ý không cởi áo khoác nữa và bỏ ra về đề trừng phạt một cách đích đáng hai mẹ con Dunia, bắt họ phải nghĩ lại. Nhưng ông ta không dám. Hơn nữa ông ta vốn không thích những tình thế mập mờ, mà lúc nầy thì lại cần phải hiểu cho rõ: nếu người ta đã vi phạm vào điều kiện ông ta đề ra một cách trắng trợn như vậy, tức phải có một cái gì đây, cho nên phải biết rõ thực hư trước đã; sau nầy vẫn còn chán thì giờ trừng phạt, và ông ta chẳng thiếu gì cách.”
Luzhin là một kẻ nóng tính cực kỳ, hắn có phần hung hăng, khi tức giận quá mức hắn sẽ bộc lộ bản chất lưu manh và vô phép của mình. Đến mức Raxcolnicov phải nhận xét hắn: “ Nói chung Piotr Petrovich thuộc hạng người có vẻ hết sức nhã nhặn trong khi giao thiệp và cũng tự hào cho mình là nhã nhặn, nhưng hễ có điều gì hơi trái ý một chút là lại hầu như bất giác mất hết những thủ đoạn của mình trong chốc lát và đâm ra giống như những bao bột hơn là giống những trang công tử hoạt bát biết làm cho cử toạ náo nhiệt lên.” Hắn còn là một con người ích kỉ với lớp bên ngoài là một con người hào phóng và đạo mạo. Nhưng thực chất hắn chỉ là một kẻ chỉ biết đến bản thân mình mà không hề suy xét đến người khác, hắn dùng những lí lẻ xảo biện để che lắp cái bụng dạ hẹn hòi của mình “Tình yêu đối với người bạn đời tương lai phải vượt lên trên tình thương đối với người anh”
Một con người mưu mô và thù dai như hắn chắc chắn sẽ không bỏ qua việc Raxcolnicov thẳng thừng đuổi hắn đi. Hắn vừa đi về trong lòng thù hằn, tức giận và sự toan tính “mặt tái mét và rúm ró lại vì căm giận, rồi quay gót bước ra ngoài. Tât nhiên ít có ai mang theo trong lòng một mối căm thù sâu cay như mối căm thù của ông ta đối với Raxkonikov bây giờ. Ông ta đổ hết lên đầu chàng và chỉ mỗi mình chàng mà thôi. Có điều đáng chú ý là ngay khi xuống thang gác, ông ta còn tưởng tượng rằng có lẽ cơ sự chưa hẳn đã tuyệt vọng và nếu chỉ kể riêng hai mẹ con thì còn có thể dàn xếp được lắm.”
Luzhin, với bản chất xấu xa của hắn, không quên mối nhục và tìm cách trả thù Raskolnikov. Nhân lúc nhà Sonya có tang, hắn giả vờ xót thương gọi Sonya tới nhà mình và cho nàng 10 rúp nhưng lại lén bỏ vào trong túi nàng một tờ 100 rúp. Sau đó, hắn đến đám tang, đột ngột bước vào không thèm chào hỏi ai và đến trước mặt bà mẹ góa kêu ầm lên là mất tờ 100 rúp hắn để trên bàn vào lúc Sonya tới nhà hắn. Hắn cả quyết rằng chỉ có Sonya lấy cắp, đòi khám áo Sonya và thấy quả là từ đáy túi áo ngoài của nàng rơi ra một tờ giấy 100 rúp được gấp làm tám. Luzhin la toáng lên yêu cầu gọi cảnh sát đến bắt Sonya. Mục đích của hắn nhằm bôi xấu Raskolnikov và cứu vãn danh dự của bản thân: sở dĩ hắn không kết hôn được với Dunhia bởi ông anh trai nàng có người tình là kẻ ăn cắp. Nhưng trong lúc hắn đang hí hửng vì hạ nhục được Raskolnikov trước đông đảo mọi người, thì bạn của hắn, trước đó vô tình đứng ngoài cửa đã chứng kiến Luzhin bỏ tờ giấy bạc 100 rúp vào túi Sonya, tưởng Luzhin cho tiền để giúp đỡ Sonya. Anh bạn đã vạch mặt trò bịp này của Luzhin và không thể chối cãi, Luzhin bẽ mặt lủi thủi ra về.
Có thể thấy, Luzhin là nhân vật nhị nguyên phản diện trong tác phẩm. Một kẻ con người bên trong và bên ngoài không nhất quán, mâu thuẫn, giả tạo và xấu xa. Bề ngoài là một người hào hoa, phong nhã, giàu có, rộng lượng, luôn thể hiện mình là người biết cách sống, luôn nhã nhặn, nhưng thực chất bên trong là một con người mục ruỗng nhân cách, ích kỉ, vụ lợi, hèn hạ, thù dai, thủ đoạn, nóng tính và là một người thô lỗ.
2.3Các nhân vật phụ khác
                 2.3.1 Semyon Zakharovich Marmeladov
Bác công nhân già nát rượu Semyon Zakharovich Marmeladov “Hắn ta trạc ngoại ngũ tuần, người tầm thước, vạm vỡ, tóc hoa râm, đầu hói, da mặt vàng bủng, thậm chí ngả sang màu lá úa, sưng phị ra vì nghiện ngập, đôi mi húp híp nứt rả hai kẽ hờ để lộ đôi mắt ti hí đó ngầu nhưng sáng và tinh nhanh”.  “Râu hắn cạo nhẵn như mọi người công chức khác, nhưng nay đã mọc xanh lún phún”.
Trước kia ông ta làm việc cho chính phủ nhưng bị sa thải vì tội nghiện rượu và gần đây, đã kiếm được một chân thư ký. Trong năm ngày qua, ông này đã ăn cắp hết tiền của gia đình, dùng tiền mua rượu nên không dám trở về nhà. “Tôi đã bày mưu xảo trá đánh cắp chìa khoá hòm của Katerina Ivanovna, và như một tên kẻ trộm trong đêm tối, tôi đã cuỗm tất cả số tiền lương còn lại”.
Mặc dù chỉ gặp Raxkonikov lần đầu nhưng Marmeladov đã cảm nhận được có sự đồng cảm ở anh nên đã chút hết bầu tâm sự. Hay như chính Raxkonikov đã nhận xét “cái khuynh hướng nói năng kiểu cách của hắn chắc cũng đã thoát thai từ thói quen nói chuyện thường xuyên với những người không quen biết trong tiệm rượu. Thói quen đó đã biến thành một nhu cầu ở một số người say, và nhất là ở những kẻ bị kiểm chế và ngược đãi ở nhà. Vì lẽ đó nên họ cố tranh thủ sự đồng tình, và nếu được, cả sự nể vì nữa trong đám bạn nghiện.”
Ở Marmeladov bản chất vốn là người lương thiện, nhưng lại có thói nghiện rượu. Vì cảm thông cho hoàn cảnh éo le của Katerina Ivanovna nên đã chủ động hỏi cưới bà ta làm vợ. Thế nhưng bản tính nghiện rượu không thể nào cai được của ông đã khiến cho ông hết lần này đến lần khác đều bị mất việc làm. Sống trong cảnh nghèo đói, bệnh tật  thế nên người con gái riêng của ông là Sonya phải đi làm điếm kiếm tiền cho gia đình.
Người con gái đã bán mình để nuôi người dì ghẻ phế lao và ác nghiệt, nuôi mấy đứa con của kẻ khác? Đâu rồi, người con gái đã rủ lòng thương hại người bố phàm trần nghiện rượu, ăn hại mà không hề ghê sợ cái tính thô bỉ thú vật của hắn
Chứng kiến tình cảnh trên đã khiến Marmeladov vô cùng đau khổ và tuyệt vọng. Mặc dù ở ông có học thức, trung hậu nhưng không có ý chí chỉ biết thở than, bởi vậy mà trước hoàn cảnh khó khăn, bất công chỉ biết buồn chán và cuối cùng sa vào nghiện ngập.
2.3.2. Katerina Ivanovna
Bà vợ Katerina Ivanovna là một góa phụ thuộc giai cấp cao hơn nhưng vì nghèo túng nên phải kết hôn với Marmeladov hằng mong có chỗ dựa dẫm. Bà ta là phế lao và ác nghiệt.
Một người nóng nảy, kiêu hãnh và cương nghị. Nàng tự lau lấy sàn nhà, ăn bánh mì đen, nhưng không thể để cho ái khinh mình”
“Katerina Ivanovna rất cao thượng, nàng vẫn là một người đàn bà hay giận dữ, nóng tính và cũng biết cách hành hạ…”
Vì được bảo bọc mà bà ta đã chấp nhận đến với Marmeladov, nhưng cũng vì đồng tiền mà khi Marmeladov xa cơ lỡ nghiệp thì bà ta lại trở nên hung hãn, chửi bới Marmeladov.
“À! Mày đã về đây rồi - Bà nổi khùng quát - Đồ quỷ sứ! Đồ quái vật! Thế tiền đâu! Còn gì trong túi không! Đưa xem nào! Quần áo ở đâu thế nầy? Thế còn quần áo mặc đâu? Tiền đâu? Nói đi!”
“Thế tiền đâu? - bà ta gào lên - Ôi! Trời ơi Có thể nào hắn ta đã uống hết rồi? Còn đến những mươi hai rúp trong hòm kia mà - Đột nhiên bà ta điên cuồng túm lấy tóc lôi hắn vào nhà.”
Đối mặt với cuộc sống túng quẫn nên ở người đàn bà mảnh khảnh này luôn sống trong ảo mộng, mơ tưởng về một thời hạnh phúc và đầy sự đố kị. 
2.3.3. Svidrigailov
Lão địa chủ Svidrigailov mặc dù có gia đình vợ con nhưng có dã tâm dám theo đuổi Dounia. Chỉ vì muốn làm thỏa mãn lòng ham muốn và dùng sức mạnh của mình để chế ngự các người khác , hắn dám hiếp dâm đứa con gái 13 tuổi, đồng thời là nguyên do gây ra cái chết cho một người hầu và vợ của hắn, hắn đeo đuổi Dounia mà không sợ một thứ lực trừng phạt nào. Song hắn không thể chinh phục nổi người con gái trong sáng và nghị lực ấy. Vốn là kẻ giàu có lại sống trụy lạc, hắn định kết hôn với một cô gái rất trẻ, con một quý tộc bị phá sản đang cần nơi nương tựa. Nhưng rồi trong một cơn khủng hoảng, hắn tự tử.
“Hắn chìa nòng súng vào thái dương bên phải.
-         Kìa! Không được ở đây không phải chỗ! - Asin cuống cuồng lên, mắt mỗi lúc một giương to thêm.
Xvidrigailov bóp cò.” (chương 35)
Ở Svidrigailov có sự ám ảnh trong tâm hồn, phạm tội sát nhân vì những tham vọng điên cuồng, vì những ức chế nhưng cuối cùng cũng phải gánh chịu những cơn khủng hoảng tâm lý đến mức điên loạn, hắn chỉ còn cách tự kết liễu cuộc sống để giải thoát cho những tội ác của chính mình
3.      Giá trị nghệ thuật của tác phẩm Tội ác và hình phạt
Nhà văn Fyodor Mikhailovich Dostoevsky đã khai thác triệt để các nhân vật qua các đoạn đối thoại để họ tự bộc lộ bản thân nhằm mang tính khách quan cho tác phẩm. Những góc khuất trong tâm hồn được thể hiện qua đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật Raskolvnikov: “Ta không giết không phải một con người, ta đã giết một nguyên lí” cho thấy bi kịch lớn nhất của nhân vật này chính là bi kịch về mặt tâm hồn.
Nghệ thuật miêu tả tâm lý trong tác phẩm nhận được rất nhiều sự chú ý. Bởi nó đưa người đọc đến gần tâm lý phạm tội mà đặc biệt đây là tội phạm giết người. Từ một người sinh viên nghèo vốn sống khép kín, ít nói bắt đầu đi đến con đường của cái ác và anh ta muốn giết người. Đó là nỗi ám ảnh trong Raskolvnikov trở thành vĩ nhân như Napoleon, những bất ổn trong tâm hồn, sức ép từ hoàn cảnh cuộc sống. Tội ác của nhân vật bị lún sâu thêm khi giết tiếp người thứ hai để che giấu việc phạm pháp của mình và hành động phi tang chứng cứ. Điều này làm hấp dẫn người đọc khiến họ muốn theo dõi theo câu chuyện. Sau đó Raskolvnikol rơi vào trạng thái tinh thần hoảng loạn, không kiểm soát được hành vi của mình, sự chất vấn bản thân tạo khối mâu thuẫn cực điểm trong nhân vật. Lúc này bằng lí trí và bản chất lương thiện trong người hướng đến sự giải thoát anh đã chọn cách thú tội.
Những câu chuyện nhỏ của từng nhân vật được tác giả xây dựng và bố trí sắp xếp phù hợp tạo nên sự liên kết xuyên suốt tác phẩm. Nó tạo ra cái nhìn đa chiều về cuộc sống của những con người nghèo khổ trong xã hội nước Nga lúc bấy giờ.
Để thể hiện ý đồ nghệ thuật của mình, Đốtxtôiépxki đã sử dụng một hệ thống tình tiết, kết cấu và ngôn ngữ độc đáo, phù hợp, có truyền thống lâu đời. Để bộc lộ “con người trong con người”, ông thường sử dụng tình tiết phiêu lưu, những giấc mơ, những trạng thái tâm thần khác thường, vì trong các trường hợp ấy con người không thể sống với những gì ổn định bề ngoài, mà là sống với bản chất bên trong. Con người với những biến động bất ngờ thường xuất hiện nơi không gian “ngưỡng cửa”, nằm trên ranh giới giữa bên trong và bên ngoài như cửa ra vào, hành lang, cầu thang, phòng ngoài,… Phòng của Raxkônnikốp cửa không bao giờ đóng, thông ra quảng trường, đường phố. Thời gian tình tiết thường là thời gian khủng hoảng trong cơn bế tắc như trước khi chết, trước và sau vụ sát nhân hay một lựa chọn rung động toàn nhân cách. Đó là thời điểm con người không thể sống yên ổn. Thêm vào đó không khí đầy những nghi kỵ, khiêu khích, kích động, cãi vã, lăng nhục,… càng thúc đẩy thêm quá trình tự ý thức, khêu gợi nhu cầu suy nghĩ, thổ lộ, biện bạch, đối thoại.
IV. Tổng kết

Với quy mô khá lớn và có phần khó đọc nhưng “Tội ác và hình phạt” được đánh giá cao trên phương diện nội dung và nghệ thuật bởi nó hàm chứa tính nhân đạo về sự đồng cảm của tác giả với những con người nhỏ bé thuộc tầng lớp thấp trong xã hội. Ông đã khám phá ra những góc tối trong tâm hồn con người mà ít ai được biết đến. Tác phẩm còn là lời tố cáo một xã hội mà con người coi trọng đồng tiền hơn tất cả, nó chà đạp lên nhân phẩm, các giá trị đạo đức. Đặc biệt là giai cấp tư sản độc ác. Nhưng đồng thời nó ca ngợi tình người giữa những con người nghèo khó trong tác phẩm với nhau, giúp con người hướng đến cái thiện.
* Bài tiểu luận của lớp Văn2011
Trường ĐH KHXH&NV - Tp. HCM
Khoa Văn học và Ngôn ngữ 


> Bài viết được đăng 19/6/2014
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét