TT - Hiện một số nhà nghiên cứu cũng như các bậc nhân sĩ, thức giả đã đặt vấn đề về nơi khai sinh ra loại chữ viết này.
Những luận cứ khác nhau bước đầu đã được đưa ra, nhưng câu trả lời xác đáng vẫn còn ở phía trước...
Hội An - Thanh Chiêm?
"Từ những năm 1960-1970, khi nghĩ về di tích Nước Mặn với việc hình thành chữ quốc ngữ, một số nhân sĩ, trí thức ở Bình Định chúng tôi đã nghĩ việc làm sao để đánh động nhà chức trách tổ chức ngày cả nước kỷ niệm chữ quốc ngữ hằng năm, nhưng vẫn chưa làm được vì chiến tranh. Mình sở hữu được loại chữ viết vô cùng tiện dụng, khoa học như vậy mà không có ngày quốc ngữ thì thấy thiếu sót quá, đáng tiếc quá..."
Ông TRẦN ĐÌNH TRẮC
|
Người mạnh dạn cho rằng Hội An và Thanh Chiêm là nơi ra đời của chữ quốc ngữ là nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương. Bản tham luận mang tên “Hội An - Thanh Chiêm và sự ra đời của chữ quốc ngữ” của ông ở tọa đàm khoa học về danh xưng Quảng Nam hồi năm 2001 mặc nhiên nói lên điều đó.
Với luận cứ rằng giáo sĩ Francisco de Pina là người mở đầu việc Latin hóa tiếng Việt tại hai cư sở Hội An (thành lập năm 1615) và Thanh Chiêm (1623), nhà nghiên cứu này đã cho rằng đây chính là nơi chữ quốc ngữ được làm ra. Giáo sĩ F. de Pina đến Đàng Trong - mà cụ thể là Hội An - vào năm 1617, rồi đến Thanh Chiêm năm 1623, nhưng vẫn thường đi lại giữa hai nơi bởi hai cư sở này cách nhau chỉ mươi cây số, theo tác giả Nguyễn Phước Tương, đây là những nơi có nhiều thuận lợi để học hỏi, nghiên cứu tiếng Việt cho các nhà truyền giáo lúc ấy. Ông dẫn lời của giáo sĩ F. de Pina trong bức thư viết dở của mình: “Đối với tôi, việc nghiên cứu tiếng nói Kẻ Chiêm (tức Thanh Chiêm) vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của triều đình: ở đây người ta nói rất hay, có sự đổ dồn những người trẻ tuổi đến mà họ là những cống sinh và bên cạnh họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy sự giúp đỡ”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thiếu Dũng lại đặt nặng vai trò của Thanh Chiêm trong sự ra đời của chữ quốc ngữ bởi đây là đô lỵ của dinh trấn Quảng Nam thời đó. “Đây là nơi hội đủ điều kiện để các giáo sĩ học hỏi ngôn ngữ bản xứ, văn hóa bản xứ, tâm lý người bản xứ để từ đó sáng chế ra chữ quốc ngữ theo mẫu tự Latin... Chính F. de Pina, bậc tiên khởi có công khai sinh chữ quốc ngữ, đã cho biết vì sao ông chọn Thanh Chiêm là nơi nghiên cứu chữ quốc ngữ chỉ vì một lý do đơn giản ở đây quy tụ nhiều văn nhân thức giả có thể giúp ông nhiều hơn ở nơi khác, đô thành thì bao giờ cũng có người học thức hơn là nơi thị tứ chỉ có thương nhân...” - nhà nghiên cứu Nguyễn Thiếu Dũng viết.
Và tác giả Nguyễn Phước Tương đúc kết: “Rõ ràng ở nước ta trước hết là cảng thị Hội An rồi tiếp đến dinh trấn Thanh Chiêm là cái nôi ra đời sớm nhất và quan trọng nhất của chữ quốc ngữ so với Nước Mặn - Quy Nhơn và một địa điểm nào đó ở Nghệ An mà đến nay chưa được xác định cụ thể... Đã đến lúc cần tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về lịch sử ra đời chữ quốc ngữ để trả lại sự công bằng cho Francisco de Pina như là nhà tiên phong sáng tạo chữ quốc ngữ chứ không phải giáo sĩ Pháp Alexandre de Rhodes như lâu nay chúng ta vẫn lầm tưởng...”.
Hay Nước Mặn?
Với người Bình Định, có lẽ ý niệm về “chiếc nôi” của chữ quốc ngữ đến với họ sớm hơn. Cũng căn cứ vào những dữ liệu được họ coi là xác tín từ các thư tịch, những báo cáo mang tính biên niên của các giáo sĩ dòng Tên ở Đàng Trong vào giai đoạn sơ khai đầy ấn tượng của chữ quốc ngữ, từ những năm 1969-1970 một số nhân sĩ, trí thức ở Bình Định đã nghĩ đến việc “làm cái gì đó” để ghi dấu việc chữ quốc ngữ được khai sinh ở di chỉ Nước Mặn (nay thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) của tỉnh nhà.
“Làm cái gì đó” - thầy Trần Đình Trắc, cựu giáo viên Trường Sư phạm Quy Nhơn (trước năm 1975), hiện ở tại TP Quy Nhơn - kể năm 1972, qua bàn bạc, nhóm nhân sĩ, trí thức ở Bình Định, trong đó có thầy Trắc, đã chọn phương án dựng tượng Alexandre de Rhodes ở ngã ba Phú Tài bên quốc lộ 1. “Hồ sơ về vai trò của Nước Mặn trong việc mở đầu chữ quốc ngữ, về công lao giáo sĩ Đắc Lộ chúng tôi nhờ các nhà nghiên cứu ở Sài Gòn làm để trình hội đồng cố vấn giáo dục của chính phủ (Sài Gòn) duyệt. Về kinh phí để giải tỏa 29 gia đình ở ngã ba Phú Tài đã được tỉnh Bình Định chuẩn duyệt, nhưng rồi vì tình hình xã hội bất ổn kéo dài nên chúng tôi chưa thể làm kịp...”, thầy Trắc nhớ lại.
Nhà nghiên cứu Võ Ngọc Liễn cho rằng bởi vào năm 1617 chúa Nguyễn trục xuất các giáo sĩ ở cư sở Hội An, họ buộc phải quay về Áo Môn. Vì tàu gặp gió ngược, giáo sĩ Francesco Buzomi không đi được phải quay vào nương náu ở bãi biển, lại lâm bệnh. Cũng vào năm 1617, F. de Pina vừa từ Bồ Đào Nha đến Hội An lần đầu, phải liều lẩn trốn ở nhà các Nhật kiều tại đây. May nhờ gặp được quan khám lý Trần Đức Hòa - tri phủ Hoài Nhơn, nhân chuyến ra kinh đô Đàng Trong, gặp giáo sĩ Buzomi bị nạn, trên đường trở về Quy Nhơn đã rước các giáo sĩ F. Buzomi, F. de Pina, Cristophoro Borri và thầy giảng António Dias đưa vào bên cảng thị Nước Mặn, giúp đỡ mọi điều để lập ngay cư sở ở đây vào năm 1618. “Cũng nhờ được quan khám lý Trần Đức Hòa ưu đãi, các giáo sĩ được có cơ hội tiếp xúc với các nho sĩ địa phương, với những người mới vào đạo nhanh nhạy, giỏi giang nên Pina đã sớm học được tiếng Việt tại đây...”, nhà nghiên cứu Võ Ngọc Liễn giải thích.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân cũng nhấn mạnh về vai trò “chiếc nôi” quốc ngữ của cư sở Nước Mặn: “Nước Mặn, với tư cách là cảng thị, lại có cư sở của các giáo sĩ dòng Tên, thuở phồn vinh không chỉ là một trung tâm thương mại, trung tâm tôn giáo, trung tâm thiên văn mà còn là một trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Và cũng là nơi Latin hóa tiếng Việt”.
Trích dẫn từ các tư liệu có được, linh mục Gioan Võ Đình Đệ - hiện ở tại tòa giám mục Quy Nhơn - cho rằng cư sở Nước Mặn của các thừa sai dòng Tên chẳng những là một trung tâm truyền giáo mà còn là nơi các thừa sai dòng Tên nghiên cứu và sáng chế chữ quốc ngữ trong giai đoạn thô sơ nhất. “Theo linh mục Joaõ Roiz, năm 1620 đã có hai thừa sai nói thạo tiếng Việt đó là cha Francisco de Pina và cha Cristophoro Borri. Trong đó cha Borri chỉ làm việc tại Nước Mặn từ năm 1618 đến khi ra khỏi Đàng Trong vào năm 1622. Cha Pina đến Hội An năm 1617 trong thời kỳ bị trục xuất, phải lén lút, cha chỉ tiếp xúc được với người Việt khi làm việc tự do tại Nước Mặn từ năm 1618-1620. Trong khoảng thời gian từ 1620-1623 cha Pina đi về giữa Nước Mặn và Hội An, rồi năm 1623 cha lập cư sở tại Thanh Chiêm. Ngoài ra, cư sở Nước Mặn cũng là “trường quốc ngữ” đầu tiên cho các thừa sai đến sau như linh mục Emmanuel Borges -1622, linh mục Gaspar Luis, linh mục Girolamo Majorica -1624...
HUỲNH VĂN MỸ - BẢO TRUNG
Theo báo tuổi Trẻ
> Bài viết được đăng 30/6/2014
0 nhận xét:
Đăng nhận xét