Yếu tố hiện thực và Kỳ ảo trong tác phẩm Chiếc áo khoác và Những Linh hồn chết- Nicolas Vassilievitch Gogol


1. Khái quát về tác giả
Nikolai Vasilyevich Gogol  sinh ngày 1-4-1809 tại vùng Sorochintsi của Gubermiya (nay là Ukraina). Năm 14 tuổi Gogol đã bắt đầu vào sự nghiệp sáng tác tại trường học Lycee Nezhinski.
 Năm 1829, Gogol cho xuất bản tác phẩm đầu tay Hans Kuchelgarten
Golgol thành công trên cả hai lĩnh vực văn xuôi và kịch  nhưng thành công trên hết vẫn là văn xuôi với các tác phẩm tiêu biểu như “Nhật ký của một người điên”, “Chiếc áo choàng “, “Cái mũi “…. đồng thời với vở kịch “Viên Tổng thanh tra “đã gây nên chấn động mạnh mẽ trong công chúng bởi giá trị to lớn mà nó mang lại. Năm 1842, Gogol cho ra đời  quyển tiểu thuyết tuyệt vời nhất  của văn chương thế giới mang tên “Những linh hồn chết “.
Gogol mất ngày 8-3-1852 tại  Moskva –Nga bởi một căn bệnh kỳ lạ ở mũi. Kết thúc cuộc đời , lại một lần nữa ông tự tay đốt đi sáng tác của mình lần này là tác phẩm”Những linh hồn chết”(phần 2).
2. Tác phẩm
2.1  Chiếc áo khoác
Xuất xứ tác phẩm: Chiếc áo khoác là một trong những tác phẩm văn xuôi hàng đầu Gogol. Truyện được sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1839 đến 1842 tại  Peterburg. Ban đầu tác phẩm có tên là “Truyện người công chức đi cướp áo khoác “nhưng khi xuất bản Gogol đổi lại nhan đề là Chiếc áo khoác.
Chiếc áo khoác xoay quanh câu chuyện của một viên thư ký bàn giấy đã lớn tuổi, có tên là Akaky Akakievich Bashmachkin. Công việc chính của Akaky chỉ là sao chép các loại giấy tờ nhưng ông lại rất say mê công việc ấy. Cuộc sống của ông tuy nghèo khổ, bình dị nhưng lại chăm chỉ  và hăng say với công việc. Một làn sóng mới đi vào cuộc sống bình dị , đời thường của ông khi  ông cần một chiếc áo khoác mới với giá tám mươi rúp. Akaky phải làm việc cật lực, dè xẻn từng đồng một để thực hiện ước nguyện của mình. Ngày Akaky mặt chiếc áo khoác mới đến nơi làm việc mọi người đều trầm trộ khen ngợi, tỏ ra niềm nở khác với thái độ coi thường, khinh rẻ như trước đây, họ còn mời ông lão đến nhà dự tiệc. Trong đêm từ buổi tiệc trở về nhà ông bị bọn xấu xa cướp mất chiếc áo khoác. Ông lão vô cùng đau khổ, ông đi khắp nơi để cầu cứu mong nhận được sự giúp đỡ của những vị cấp cao để giúp  ông tìm lại chiếc áo khoác nhưng hoàn toàn vô vọng. Trở về nhà Akaky lên cơn suốt , lặng lẽ chết trong sự cô đơn và tuyệt vọng. Akaky hóa thành bóng ma đi khắp khu phố cướp áo khoác của các công chức. Nạn nhân cuối cùng của con ma là “nhân vật quan trọng”nhưng không dừng ở đó, người ta vẫn thi thoảng nhìn thấy bóng ma xuất hiện trong khu phố hẻo lánh của thủ đô.
2.2 Những linh hồn chết
Xuất xứ tác phẩm Những linh hồn chết được xuất bản năm 1842 nhưng chỉ mới có 3 tập đầu , được viết bằng tiếng Nga. Đến năm 1942, tác phẩm mới được biết đến rộng rãi khi được dịch sang tiếng Anh qua bản dịch của Bernard Guibert Guerney. Và đến năm 1965, Những linh hồn chết mới du nhập vào Việt Nam thông qua bảng dịch của Hoàng Thiếu Sơn.
Những linh hồn chết thuật lại chuyến phiêu lưu của nhân vật Chichikov, một người trẻ tuổi và thuộc tầng lớp trung lưu của xã hội Nga lúc bấy giờ. Mục đích những chuyến đi của y là đi mua lại những tá điền hay những nô lệ đã chết nhưng chủ đất chưa khai báo, chưa xóa tên nhằm phục vụ cho dã tâm lìa bịp của bọn địa chủ. Qua đó đã vẽ nên một bức ký họa đầy đủ nhất về đời sống con người và xã hội mang tính chất “lừa bịp “dưới chế độ nông nô vào thế kỷ 19. Tác phẩm còn hướng đến một giá trị cao đẹp hơn là lên án, tố cáo giai cấp thống trị đồng thời thể hiện niềm tin , niềm lạc quan và khát vọng tự do hạnh phúc của nhân dân dưới chế độ Nga lúc bấy giờ.
Có thể nói Gogol là một hiện tượng của nền văn học Nga bởi vì hầu như trong các nhà văn trước và sau thời đại của ông ít ai lấy “cái chết “làm đề tài cho ngòi bút sáng tác của mình.”Cái chết”trong các sáng tác của Gogol được khai thác dưới nhiều góc độ và nhiều giai đoạn từ lúc cái chết mới bắt đầu manh nha rồi đến khi chết thật và rồi thành tro bụi..Mặt khác,trong các tác phẩm của Gogol ông không chừa một ai cả kể cả hoàng đế là đấng tối cao nhất trong xã hội rồi đến tầng lớp thấp bé nhất là nông nô,địa chủ.Ông thường đề cập đến những vấn đề mang tính cộng đồng như về xã hội Nga hơn là những vấn đề tủn mủn,riêng tư như tình yêu hay phụ nữ.Bởi thế,mới thấy lí do tại sao đến cuối đời mà Gogol vẫn độc thân.

3.  Yếu tố hiện thực và kì ảo trong văn học
   ''Văn học phản ánh hiện thực'', từ thời trung học chúng ta đã được dạy như vậy. Và đến nay các nhà nghiên cứu cũng vẫn khẳng định điều đó như một mệnh đề đúng đắn. Văn học và hiện thực vẫn là vấn đề trung tâm của lí luận văn học. Ngày nay chúng ta hiểu rằng sẽ thật cực đoan và thiển cận nếu cho rằng văn học hiện thực là sao chép, mô phỏng người thật, việc thật xảy ra trong xã hội, phản ánh đúng một khuôn mẫu nhân vật, mâu thuẫn thời đại mà không được thoát ra khỏi hiện tại ấy. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là văn học có thể vượt thoát hoàn toàn khỏi đời sống xã hội. Một tác phẩm văn học dù có cách tân, sáng tạo, lệch chuẩn thế nào thì nó vẫn được soi chiếu trong một hệ quy chiếu hiện thực nhất định nào đó. Tính tái hiện là yếu tố không thể phủ nhận của văn học.''Khoa học thì không có biên giới nhưng nhà bác học thì có quê hương''. Trong một góc độ nào đó ta có thể vận dụng câu nói trên vào văn học và giải thích vì sao văn học không thể xa rời hoàn toàn hiện thực. Trong một tác phẩm văn học bất kì, người ta đều có thể tìm ra dấu vết vết của hiện thực xã hội mà tác phẩm đó phản ánh.
   Trong tương quan với cái hiện thực là cái kì ảo. Bởi vì nhận thực về hiện thực của chúng ta không ổn định mà nó thay đổi theo thời đại và không gian văn hóa . Do đó đi tìm định nghĩa cho cái kì ảo cũng là việc gây nên nhiều tranh cãi trong quan điểm của các nhà nghiên cứu. Chúng ta tạm hiểu cái kì ảo là cái siêu nhiên, cái không thể xảy ra, cái vượt ra ngoài tầm nhận thức hiện tại của chúng ta. Trong văn học cái kì ảo là những sự việc, những hiện tượng có tính huyễn hoặc, gây nên sự nghi ngờ, do dự của đọc giả, rằng liệu sự việc, hiện tượng đó là có thật hay là không? Cái kì ảo trong văn học có thể đã xuất hiện từ trong văn học dân gian, từ truyện cổ tích. Nhưng cho đến thế kỉ 18, 19 xã hội mới đủ khả năng tạo ra những nhà văn có thể xây dựng cái kì ảo trong tác phẩm của mình như một hình thái nhận thức thẩm mĩ. Cái kì ảo trong văn học là cần thiết trong một thời đại mà lí tính khô khan và máy móc đang làm xơ cứng, thoái hóa tâm hồn con người vốn rất mềm yếu và giàu chất thơ. Cái kì ảo trong văn học cũng là cách để thỏa mãn những nhu cầu tâm linh trong một xã hội đầy bất trắc, phức tạp, được bao bọc bên ngoài một lớp vỏ êm đềm, bình an. Đôi khi trong một vài trường hợp cái kì ảo là giải pháp để tác giả và cả độc giả đi tìm sự công bằng và như một sự khát khao công lý phải được thực hiện( trường hợp Chiếc áo khoác của Gogol). Cuối cùng, chúng ta cần phân biệt cái kì ảo trong văn học và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của nền văn học hậu hiện đại. Đây là hai hướng tiếp cận có phần gần gũi nhưng lại rất khác biệt, cần có nhiều thời gian kiểm chứng và ý kiến có tính khoa học của các nhà nghiên cứu.
4.  Bức tranh xã hội nước Nga qua hai tác phẩm Chiếc áo khoác Những linh hồn chết của Gogol
 Những linh hồn chết là tác phẩm mang đậm bút pháp văn học hiện thực, bằng ngòi bút tả thực Gogol đã xây dựng nên bối cảnh xã hội của nước Nga trong giai đoạn thế kỉ XIX.
4.1 Cuộc sống xoay quanh các nhân vật quý tộc, điền chủ và mối quan hệ giữa các giai cấp trong xã hội
Pavel Ivanovich Chichokov anh ta là công chức điển hình  mà chính Gogol đã tạo nên trong các tác phẩm của mình: nhẫn nại như Akaky Akakyevich trong Chiếc áo khoác, ham danh lợi như Kovalev trong Cái mũi, ranh ma, mánh lới như Khlestakov trong Quan thanh tra; tuy nhiên ở Chichikov có những điểm khác hơn so với kiểu công chức mà trước đó Gogol đã tạo nên: anh ta từ nhỏ đã được nuôi dưỡng, dạy dỗ, anh ta tằn tiện, sẵn sàng từ bỏ mọi nhu cầu, mọi thú vui để dành dụm từng đồng tiền, tận dụng mọi cơ hội để thăng tiến, tìm mọi mánh khóe để đem lại lời ích cho riêng mình. Dường như tác giả đã cố tình dấu đi nguồn gốc xuất thân của anh ta song tập trung miêu tả hành động của nhân khi hé lộ cho biết anh ta cũng không giàu có gì nhưng lại mang khát vọng chui vào tầng lớp điền chủ quý tộc.
  Để có tiền, hắn đã nảy sinh ý định mua lại những tên tuổi những nông nô đã chết của các điền chủ khác với giá rẻ mạt, nhằm mục đích thế chấp cho ngân hàng để vay nợ, hắn tới thành phố có tên là NN gặp gỡ với các nhân vật và thực hiện hành vi mua bán bẩn thỉu.
  Những quý tộc xoay quanh tác phẩm là những con người mang đậm dấu ấn của những nhà quý tộc điển hình, giàu có, keo kiệt, xa hoa...song họ lại là những kiểu nhân vật mang đậm dấu ấn riêng của cá nhân, mà qua ngòi bút tả thực của Gogol họ bộc lộ được cá tính và cả những mưu toan và tính xấu của họ.
    Các nhân vật như tay bợm rượu Nozdrev, hắn là kẻ chuyên khoác lác và hay gây sự; hay như tên trọc phú thô lỗ Sobakevich; hay như lão Plyushkin một kẻ giàu có sống hà tiện tới mức bủn xỉn, lão được ví như cái chổi quét đường mỗi khi lão đi qua...
 Hòa chung với nhịp đập của lịch sử, các nhân vật quý tộc lần lượt hiện lên qua tác phẩm là những nhà quý tộc giàu có, những cuộc sống đầy đủ, những bữa tiệc xa hoa “canh chưa dọn lên mà hắn đã rót cho khách mỗi người một cốc to tướng Prôt và một cốc Xôtecn hạng nặng, vì trong tỉnh của chúng ta rượu vanh Xôtecn hạng thường, không ai biết bao giờ. Hắn lại bảo đem ra một chai Mađêrax mà chưa bao giờ một vị nguyên soái được uống...”
Với những điều hiểu biết của một nghệ sĩ thiên tài, thông qua Những linh hồn chết Gogol đã "vẽ lại cuộc đời với bộ mặt thật của nó”đó chính là cái bộ mặt của xã hội Nga đương thời với các tầng lớp thống trị ghê tởm, tầng lớp nông nô nghèo khổ túng quẫn, một xã hội hoàn toàn trì trệ về chính trị và văn hóa, Gogol đã thẳng thừng bắt các đại diện của chúng ta, "giật bộ trang phục mỹ lệ và cái mặt nạ anh hùng”của chúng, bắt chúng "đem thân cho thiên hạ mua cười". 
Những linh hồn chết của Gogol là một cuốn sách kỳ diệu, một lời trách cứ với nước Nga đương thời, tuy chua cay mà không tuyệt vọng. Ở đâu mà tầm mắt có thể nhìn xuyên qua đám sương mù sặc mùi...là nhà văn nhận ra ngay trong đó tính dân tộc với một sức tin tưởng gan dạ, mãnh liệt. Những bức truyền thần của nhà văn thật hoàn mỹ tới mức kỳ diệu; sức sống được bảo tồn trong đó thật dồi dào; không có điển hình nào trừu tượng cả, chỉ có những con người chân chính xác thực mà mỗi người chúng ta đã từng gặp tới trăm lần.

Gogol thông qua Những linh hồn chết nhà văn đã khẳng định lý tưởng tổng quát mang tính toàn dân và từ đỉnh cao của lý tưởng ông tìm kiếm những triển vọng cải tạo con người “con người thú”đang tác oai tác quái với xung quanh, muốn cải tạo phải mổ xẻ, phê phán thực tế, nhà văn cho rằng khi chưa trình bày tất cả chiều sâu của mọi cái ghê tởm trong thực tại thì chưa thể hướng xã hội vào cái đẹp được

Gogol hiểu rất rõ mọi thứ đặc quyền vô hạn trong xã hội nhiều giai cấp, hiểu rõ chính quyền quan liêu xa rời nhân dân về mọi phương diện và ông cũng hiểu được quyền lực đồng tiền trong thời ỳ khủng hoảng kinh tế chính trị nửa đầu thế kỉ 19, Gogol đã vạch trần tất cả bộ mặt xã hội không hề có chút nương nhẹ nào, phơi bày sự trống rỗng, vô nghĩa bao trùm lên cuộc sống của những con người ở tỉnh lẻ N.N nói riêng và bộ mật toàn thể nước Nga nói chung. Đó là mối quan hệ xã hội bị chi phối bởi địa vị và vật chất tầm thường, mọi thứ từ hàng hóa, danh dự, con người đều được quy đổi ra đồng Kopek, chế độ nông nô quá sâu sắc đến nỗi xuyên suốt  tiểu thuyết là câu chuyện mua bán người bẩn thỉu (thậm chí là mua bán những người đã chết), qua đó có thể thấy được cái thối nát, vô nhân đạo của chế nông nô thời kỳ này.
Thông qua các cuộc mua bán nông nô của Chichikov với các điền chủ ta có thể thấy mối quan hệ giữa điền chủ và nông nô chỉ là mối quan hệ sở hữu hàng hóa của của kẻ cầm quyền và kẻ nô lệ, mọi quyết định đều được điền chủ áp đặt cho nông nô của mình hết sức nghiêm ngặt còn nông nô là những kẻ thi hành mệnh lệnh một cách ngoan ngoãn, mỗi một điền trang giống như một nước phong kiến chuyên chế, mọi quyền hành đều nằm trong tay lãnh chúa, chế độ độc quyền và hà khắc, cụ thể như người điền chủ đầu tiên Manilov Chichikov đến thăm là một con người đa cảm và ngọt ngào như đường nhưng lại hết sức sáo rỗng, lười biếng Manilov là con người không có lấy một niềm say mê nào cả, suốt ngày chỉ lặng lẽ trầm ngâm suy tư, công việc quản lý điền trang hoàn toàn bị bỏ bê, hoàn toàn phó mặc cho người quản gia cũng không có gì là chăm chỉ của mình. Sự sống chết của nông nô cũng không mảy may nghĩ ngợi, bởi dường như nông nô với Manilov chỉ như những công cụ sản suất, nếu một số có chết đi thì cũng sẽ có một số kẻ khác thay thế. Vì sự sao lãng bỏ bê công việc của mình nên những nông nô còn sống của Manilov thì chỉ toàn là những kẻ bẩn thỉu, nghiện ngập…, ngay cả mụ quản gia cũng “ăn cắp như ranh”, với những người điền chủ như Manilov thì giới quý tộc sẽ ngày càng sa sút, xã hội sẽ trì trệ không thể phát triển được.
Với Xôbakiêvits một điền chủ hay chính là một con buôn chính cống, thô lỗ keo kiệt tinh ranh, ma mãnh thì mối quan hệ giữa hắn và nông nô lại hoàn toàn khác, nông nô được coi là vật sở hữa, một món hàng đắt giá đến nỗi ngay cả khi những nông nô có tài làm ra của cải vật chất như thợ đóng xe tài ba như Mikhêiep, Xtêpan Nút chai thợ mộc ,  Miluskin, thợ nung gạch, Têliatnikôp, thợ giày tài giỏi  … chết đi thì Xôbakiêvits vẫn luôn nhớ và luôn coi như còn sống luôn là vật sở hữu đáng giá được quy ra những đồng Kopek khá đắt để mua bán với Chichikov, y sẵn sàng dùng đủ các thủ đoạn từ nâng, hạ giá, đến thêm thắt vào danh sách bán nông nô cả tên phụ nữ( phụ nữ thì không được tính trong sổ đinh nên không có giá trị khi bán) để nhằm kiếm thêm vài đồng kopek.
Một điền chủ khác mà Chichikov viếng thăm đó là Pliuskin một lão điền chủ đa nghi và keo kiệt đến mức dị dạng, bệnh hoạn, mới gặp tưởng chừng lão như một kẻ ăn mày đói rách nhưng Pliuskin lại là một quý tộc giàu có với hơn một ngàn nông nô, nhà cửa, kho trại của lão chất ứ của cải, đồ đạc, nhưng lòng tham của lão thì vô đáy. "Lão hàng ngày vẫn đi khắp các con đường trong làng, xem xét dưới từng cây cầu, từng bậc thang và bất cứ cái gì lọt vào tay lão ta: miếng đế giày cũ, mảnh giẻ rách của mấy mụ đàn bà, cây đinh sắt, mảnh gốm vỡ – tất cả lão đều tha về nhà”, để rồi những thứ đó sẽ chẳng sử dụng được và đều sẽ mục nát, mặc dù vậy thu nhập của điền trang vẫn đều đặn: nông dân vẫn nộp tô như trước, đàn bà hái hồ đào vẫn nộp một phần mười như trước, thợ dệt vẫn nộp số tấm vải gai như trước. Nói chung về mọi mặt thì điền trang vẫn được xem như vẫn phát triển nhờ những người nông phu siêng năng chăm chỉ tạo ra,  khi được Chichikov đưa ra ý định muốn “giúp đỡ”nhận những nông nô đã bị chết để đóng thuế đinh mỗi năm thì lão tỏ ra hết sức vui mừng vì đã thoát khỏi gánh nặng phải chi trả những khoản kopek cho những kẻ không còn tạo ra của cải và lợi nhuận cho lão nữa.
Hay mụ Naxtaxia Phêtrôpna được mô tả đó là một kiểu bà già luôn "nghiêng đầu kêu than về mùa màng thất bát, thua lỗ”, một kẻ sùng đạo, mê tín, đa nghi và ngốc nghếch. Bà ta ban đầu sợ hãi khi nghe Chichikov đề nghị mua nông nô chết (vì tưởng phải đào mồ của họ lên). Bị đồng tiền hấp dẫn, song bà ta vẫn chần chừ chưa muốn bán. Sự chần chừ đó không phải vì sợ bị quỷ sứ trừng phạt (mặc dù bà ta chỉ cần nghe đến quỷ đã sợ phát run lên), mà chủ yếu là vì sợ bị lừa ("thứ hàng này lạ quá, tôi không biết bán"). Sau khi bán cho Chichikov mười tám nông nô chết với giá 15 rúp, bà ta mất ngủ ba đêm liền và sau đó quyết định lên tỉnh để đi hỏi giá nông nô chết để yên tâm rằng mình không bị thiệt trong cuộc mua bán đó. Naxtaxia Phêtrôpna cũng  như Xôbakiêvits đều vô nhân đạo, tham lam, tính toán, kiếm lời từng đồng kopek nhờ những nông nô chết.
Như vậy thông qua việc mua bán nông nô của Chichikov với các điền chủ Gogol đã phác họa thành công bức tranh biếm họa những thói xấu của giới quý tộc điền chủ. Bức tranh ấy đã phơi bày một cách sâu sắc tính chất hiện thực hiện diện trong mỗi con người, mỗi mối quan hệ giữa điền chủ và nông nô.
Bên cạnh mối quan hệ xã hội giữa điền chủ và nông nô ta còn bắt gặp mối quan hệ giữa những quý tộc công chức quan liêu như quan tỉnh trưởng, quan thị trưởng, phó tỉnh trưởng, chưởng lý, chánh án, cảnh sát trưởng, vị trưng thuế rượu, vị quản đốc các công xưởng nhà nước.. cho tới những vị phu nhân đài các đến “phu nhân yêu kiều về mọi phương diện’’ tất cả bọn họ tuy làm việc công nhưng đều vơ vét tư lợi cho riêng bản thân mình, họ hành xử với nhau theo đúng chuẩn mực của giới thượng lưu như biết nồng hậu đón tiếp với bất kì một vị khách quý tộc quyền lực hoặc một quý tộc giàu có nào bằng những bữa tiệc tùng xa hoa, những vũ hội hào nhoáng đặc biệt những vị phu nhân của họ thì “biết cách đứng ngồi, theo đúng từng li, từng tí, phong thể của giới xã giao, theo đúng các nghi thức, lễ mạo; nhất là họ theo thời trang đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất, và về việc ấy thì ăn đứt cả chị em họ ở Pêterbua hay Mạc-tư-khoa”. Và trên hết họ biết che giấu cảm xúc thích thú một kẻ nào đó không phải chồng mình mà vẫn hết sức chung thủy và hãnh diện. Đó là với giới quý tộc với nhau còn với nông dân, tầng lớp cai trị của họ thì họ bắt bẻ hết sức, dùng mọi thủ đoạn để mưu lợi cá nhân, như tên cảnh sát trưởng bất cứ khi nào muốn tổ chức một bữa tiệc nào đó thì việc duy nhất chỉ việc ra chợ chọn lấy những loại thực phẩm tươi ngon nhất mà không phải trả bất kì một đòng kopek nào, “chỉ gật đầu một cái khi đi qua khu hàng cá hay khu bán rượu là xin cam đoan với các ngài, có ngay một bữa tiệc linh đình”..  bởi “bọn con buôn mến ông ta vì tính giản dị; ông làm cha đỡ đầu cho con cái họ, gọi họ là lão và khi bắt họ nộp tiền cho mình thì dùng cách nhã nhặn, vỗ vai họ, nói đùa với họ, hứa đến đánh cờ đam, hỏi thăm những việc lặt vặt của họ. Nghe một đứa trẻ ốm, ông sẵn sàng mách các thứ thuốc. Tóm lại là một người phúc hậu!”
Còn Ivan Anôtôvits một công chức ở phòng văn khế thì với mỗi chứng từ cần được xác nhận người ta phải đút lót cho y hẳn một tờ giấy bạc.
Như vậy mối quan hệ giữa quý tộc với nhau chỉ là mối quan hệ đề cao hình thức, vụ lợi về mọi mặt, bất kể ai đều đặt quyền lợi cho bản thân lên hàng đầu, đánh giá con người qua vật chất, và qua những đồng kopek, với những nông nô mà họ cai trị sẽ chỉ được coi là một món hàng, một công cụ lao động không hơn không kém, khi không còn giá trị sử dụng thì đào thải hay vô nhân đạo hơn là đem ra mua bán để vớt vát những đồng kopek cuối cùng có thể có được. Vì vậy xã hội nước Nga thông qua Những linh hồn chết là một xã hội trì trệ về mọi mặt, sự bành trướng của bộ máy nhà nước quan liêu kèm theo sự tốn phí ngân quỹ rất lớn. Bộ máy nhà nước Nga cồng kềnh, đã tạo nên một tình trạng phạm pháp và những tệ lậu quái gở ngay chính trong giới công chức, tầng lớp lao động đông đảo thì bị coi nhẹ chỉ là những công cụ lao động, một món hàng không hề có một quyền hành một tiếng nói riêng cho bản thân nào, mọi sự quyết định đều bị lệ thuộc bởi những bộ máy cai trị mục ruỗng.
4.2  Hình tượng con người nhỏ bé trong tác phẩm
          Sáng tác của Gogol đề cập đến một trong những đề tài tiêu biểu của văn học Nga: hình tượng “con người nhỏ bé”. Đó là kiểu nhân vật văn học thời đại của chủ nghĩa hiện thực, thường ở vị trí thấp kém trong bậc thang đẳng cấp xã hội, chẳng hạn như những công chức quèn, những kẻ tiểu thị dân hay thậm chí là quý tộc nghèo. Khi văn học càng mang tinh thần dân chủ, thì hình tượng “con người nhỏ bé”càng thu hút sự quan tâm của các nhà văn. Bản thân khái niệm “con người nhỏ bé”lần đầu tiên được đưa vào phê bình văn học bởi V.G.Belinsky, trong bài báo viết năm 1840 về vở kịch “Đau khổ vì trí tuệ”của A.Griboedov.
Có thể xem Pushkin là người khởi xướng đề tài này trong văn học Nga, với những tác phẩm như “Người coi trạm”, “Kỵ sĩ đồng”, trong đó mô tả bi kịch của những người công chức nghèo bị vùi dập bởi cường quyền, bởi những hoàn cảnh phi nhân tính, bởi sức mạnh cái ác, bởi số phận nghiệt ngã. Gogol là người tiếp tục Pushkin.
Đầu tiên về nhân vật Akaki trong Chiếc áo khoác được mô tả là một viên công chức với ngoại hình “vóc người thấp bé, mặt hơi rỗ hoa, tóc hơi hung hung, mắt đã hơi cận, trán hơi hói, hai bên má hằn những nếp nhăn và có nước da được gọi là của kẻ bị bệnh trĩ”, cổ áo quá hẹp đến nỗi cái cổ ông ta trở nên “dài một cách lạ kỳ”, mũ áo lúc nào cũng vương cọng rơm, sợi chỉ, vỏ dưa, bởi vì “ông có tài nghệ đặc biệt là lúc đi trên đường luôn bước ngay dưới cửa sổ đúng lúc người ta vứt ra từ đó đủ thứ rác rưởi”
          Với vẻ bề ngoài được mô tả thì Akaki với chức danh là một người công chức đã rất lạc loài so với những đồng nghiệp của mình, như ta được biết giới công chức thường là những kẻ có quyền thế, địa vị trong xã hội, có ít nhiều của cải nhưng với bác Akaki thì hoàn toàn khác, nhân vật của Chiếc áo khoác là công chức xuất thân từ tầng lớp bình dân, có phẩm hàm là “titulyarny sovetnik”- tạm dịch là “cố vấn danh nghĩa”. Đó là phẩm hàm thứ 9 trong 14 bậc công chức dưới thời Nga hoàng, và thuộc nhóm phẩm hàm thấp nhất, người công chức nếu không thuộc dòng dõi quý tộc, đa phần kết thúc sự nghiệp của mình ở phẩm hàm này, không thể lên đến bậc cao hơn, bởi vậy mới có những “cố vấn danh nghĩa vĩnh cửu”như Akaki, ngồi bàn giấy đến bạc đầu và trở thành đối tượng trêu chọc, khinh thường của đồng nghiệp, kể cả những người trẻ tuổi.
Akaki chính là con người hết sức nhỏ bé so với xã hội Nga thời bấy giờ, ngay cả nguồn gốc của cái tên Akaki cũng hết sức ngẫu nhiên và không có gì là đặc biệt  Akaki Akakievich (tức Akaki con của ông Akaki), mà lúc sinh ra được mẹ đặt cho cũng là một sự sao chép (“tên bố nó làm sao thì cứ gọi nó như vậy”), đã nhấn mạnh cái bản chất “chỉ biết chép mà không biết nghĩ”của nhân vật. Ngoài ra theo các nhà nghiên cứu cái tên Akaki theo gốc Hy Lạp còn mang ý nghĩa “nhu mì, hiền lành”. Bởi vậy người công chức Akaki luôn nhẫn nhịn chịu đựng những trêu chọc, quát tháo, xúc phạm từ các đồng nghiệp, từ cấp trên và từ “nhân vật quan trọng”để rồi cho đến lúc nhắm mắt bác vẫn là một người âm thầm cam chịu ra đi trong sự tuyệt vọng của bản thân mà không hề dám trách cứ ai cả.
           Như vậy nhìn một cách bao quát con người Akaki chính là một người mang danh nghĩa là công chức nhưng lại hết sức bình thường đến nỗi bị động, thụ động không có một niềm hào hứng, vui thú với công việc, không có chí tiến thủ, không một ước mơ, hoài bão, đấu tranh cho số phận, mà chỉ tồn tại một cách hết sức bình lặng, chìm ngỉm trong góc nhỏ của xã hội.
Và khi chiếc áo khoác mới bị đánh cắp, bác Akaki thì sợ hãi hốt hoảng cuống cuồng đi tìm, đi nhờ cậy những người có thẩm quyền tìm kiếm bao nhiêu thì những kẻ đáng ra phải có trách nhiệm tìm kiếm lại đùn đẩy nhau, không một ai thật sự muốn giúp bác cả, ngay cả “nhân vật quan trọng”được người ta mách bảo bác đến để nhờ cậy cũng hết sức thờ ơ, coi những lời nói của bác là hỗn xược để ra oai, để củng cố thêm cái vẻ bề ngoài đạo mạo của mình cho người ta nể mà thôi, bởi vậy hình tượng Akaki trong Chiếc áo khoác tượng trưng cho sự nghèo khổ, tình trạng thảm hại, vị trí xã hội thấp hèn nhỏ bé của những con người thị dân, cách thức sống chỉ là tồn tại với bổn phận công chức quèn, với sự đam mê trong tuyệt vọng một đồ vật xoàng xĩnh, với một thế giới không tình người, chỉ toàn là sự hào nhoáng của danh vọng, của vật chất tầm thường và bác Akaki là một con người  nhỏ bé bị bỏ rơi bị quên lãng khỏi cái xã hội Nga nửa phong kiến nửa tư bản thời bấy giờ.
    Trong Những linh hồn chết hình ảnh con người nhỏ bé không được thể hiện rõ nét như Chiếc áo khoác nhưng ta có thể điểm qua một vài chi tiết như thân phận nông nô ở các điền trang, số phận những linh hồn nông nô đã chết, suốt từ dầu đến cuối tiểu thuyết ta không bắt gặp một tiếng nói cá nhân nào từ những người nông nô, họ hầu như sống mà chỉ là sự tồn tại, không nhu cầu, không ước muốn, không khát vọng và đấu tranh, từ đầu đến cuối chỉ nhất nhất tuân theo một mệnh lệnh duy nhất của chủ nhân, họ là những công cụ lao động sản xuất là những món hàng được trao đổi bằng những đồng kopek, được định giá thông qua sức khỏe, tài năng, sự khôn khéo để chỉ nhằm một mục đích có lợi nhuận cao nhất cho điền chủ, cho đến khi chết tuy lợi nhuận buôn bán đã giảm sút nhưng đều được những điền chủ cố gắng thu lợi nhuận về cho mình với giá cao nhất từ việc cho không những nông nô bị chết để khỏi phải đóng thuế đinh đến bán từng linh hồn chết với giá 30 xu một người. Như vậy những nông nô dù sống hay chết đều chỉ là những con người hết sức nhỏ bé tồn bất công giữa xã hội nước Nga đầu thế kỉ XIX. Những con người nhỏ bé này sống bế tắc không có lối thoát bởi bộ máy chính trị cồng kềnh trì trệ của nhà nước Nga phong kiến quan liêu, coi rẻ con người, đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu và đề cao vật chất, lấy đồng kopek để đo nhân phẩm con người, vì vậy số phận nhỏ bé của những nông nô sẽ luôn bị vùi dập chà đạp và bị quên lãng, tách rời khỏi xã hội. 
5.  Yếu tố kỳ ảo cùng cái kết bất ngờ cho mỗi tác phẩm làm nên nét đặc sắc của Gogol
           Cuối cùng nếu Chiếc áo khoác của Gogol kết thúc ở cái chết của nhân vật Akaky, thì giá trị nhân đạo, giá trị phản ánh hiện thực, hay phê phán vạch trần cái ác đều đã đạt ở đỉnh cao. Tuy nhiên, nhà văn chưa dừng lại đó, mà thêm vào một phần “vĩ thanh”mà chính bản thân nhà văn như cũng bất ngờ về sự hiện diện của nó: “Nhưng ai có thể ngờ rằng mọi chuyện về Akaky Akakievich đến đây nào đã hết…câu chuyện nghèo nàn này của chúng ta bỗng nhiên lại có thêm cái kết huyền ảo”.
Trước hết, “cái kết huyền ảo”, như chính cách nói của nhà văn, là một sự đối lập, bổ sung cho “câu chuyện nghèo nàn”về nhân vật “con người nhỏ bé”: một con ma nhưng hết sức sống động, được coi là hồn của ông công chức Akaky, tung hoành cướp bóc, trả thù những kẻ đã hành hạ mình, trả thù cho những ngày đã phải sống âm thầm nhẫn nhịn.
Về ý nghĩa hình tượng “hồn ma nổi loạn”, “hồn ma báo thù”trong “Chiếc áo khoác”có những giải thích khác nhau. Đó là “chiến thắng của lẽ phải”(I.F.Annensky), là biểu hiện của cuộc trỗi dậy tất yếu và tất thắng của cách mạng (I.Grossman-Roshchin), là khả năng phản kháng cường quyền khủng khiếp của những con người nhỏ bé, nhưng chưa có điều kiện để thành hiện thực. Người ta còn nhìn thấy ở đây là sự đánh thức lương tri, không chỉ nơi “con người nhỏ bé”mà cả nơi những kẻ thuộc hàng “nhân vật quan trọng”.
Người ta cũng nhìn thấy trong cái kết này mối liên hệ với đời sống hiện thực: khi viết đoạn kết, cũng như toàn bộ “Chiếc áo khoác”, Gogol hướng tới độc giả đương thời, những người có thể hiểu những ám dụ của Gogol đằng sau các chi tiết trong truyện, liên tưởng đến những người thực, việc thực. Việc con ma xuất hiện, lột áo khoác của người đi đường, bất kể “đệm bông hay bằng bông, cổ da mèo hay cổ hải ly, áo khoác da cáo hay da gấu…”là một ám dụ có thể tác giả dẫn dắt cho ta biết được rằng  com ma cướp đọa chiếc áo khi nó cũng quan ko  tâm đến chất liệu để chứng tỏ rằng đó là một sự phản kháng công lý .Ngoài ra, đây còn là sự phản ánh thực trạng cướp bóc, mất an ninh phổ biến ở thành phố Petersburg và sự bất lực của chính quyền.
Bóng ma Akaky chỉ được biết đến qua “những lời đồn”(một hiện thực khủng khiếp được Gogol nói đến không chỉ một lần trong các tác phẩm của mình), chứ bản thân tác giả chưa bao giờ đồng nhất con ma với Akaky. Như vậy, hình tượng con ma mang đầy tính huyền hoặc, phi lý, nhưng đồng thời sự hiện diện của nó không hề phá vỡ tính hiện thực của tác phẩm, khiến “Chiếc áo khoác”hoàn toàn có quyền được xem là tác phẩm khai sinh ra một chủ nghĩa hiện thực sống động mà về sau sẽ được phát triển trong văn học Nga.
Trong tác phẩm Những linh hồn chết ngay cái tên cũng mang một chút màu sắc kỳ bí, tâm linh. Xuyên suốt tác phẩm là những yếu tố hoang đường.
Ngay đầu tác phẩm, về nhân vật Chichikov, sự xuất hiện của nhân vật cũng mơ hồ không rõ ràng, dường như tác giả muốn che dấu những hoàn cảnh cụ thể về nhân vật. Nhân vật như hòa lẫn với thành phố NN, một thành phố cũng không có thông tin cụ thể nào… điều này làm cho người đọc như đang lạc vào thế giới giữa hư và thực. Và tự trong mỗi người, một câu hỏi luôn hiện hữu liệu mọi sự việc có đang diễn ra thực hay không?
Xoay quanh chuyến đi của Chichikov với mục đich thu mua nô lệ chết - Các yếu tố phi lý được đẩy lên cao trào với đủ loại người (các địa chủ), đủ mọi gương mặt và tính cách nhưng chung quy lại chỉ là hiện thân của lòng tham lam, ích kỷ và mưu lợi giữa một xa hội trần trụi nhân phẩm con người.
Điều đang nói ở đây là tác phẩm đã phác họa được mặt trái trong tâm hồn con người, sự ám ảnh và ẩn ức trong tiềm thức tạo nên từ sự hoang tưởng trong các nhân vật. 
Các xác khô đầy thương tích vì đánh đập hành hạ tới chết, những tên chủ nô giàu có nhưng tàn ác, cái ác ngự trị trong họ như những bóng ma, nhưng con người quyền quý còn hôi thôi và đáng ghê tởm hơn cả những xác chết.
Khi Thiếu Sơn dịch tác phẩm này, ông đã bất lực trước ngôn từ và hình tượng đầy ám ảnh mà Gogol sử dụng, các yếu tố nội tâm được đẩy lên cao trào lúc nhẹ nhàng thâm thúy, lúc dữ dội cấu cào trong các lớp ngữ nghĩa xây dựng thành hình tượng mà nó ghi sâu vào tâm trí người đọc như những bóng ma.
Cái tàn ác, dã man đã biến những tâm hồn đang sống trong tác phẩm trở nên cỗi cằn và chết hẳn, trở nên chai sạm và vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, và thế giới của quyền lực và đồng tiền xâm lấn tất cả các giác quan suy nghĩ của họ.
          Tâm hồn con người gào khóc, máu me, đọa đày, đau đớn, giãy giụa trước hiện thực trần trụi của xã hội Nga lúc bấy giờ. Sự thật được Gogol phơi bày ấy là cái bóng của chiếc gương soi vào sâu trong tâm thức con người, nơi sự lương thiện bị cái ác ăn mòn trở thành những linh hồn chết
Bộ sưu tập Những linh hồn chết trong tác phẩm cùng tên của Gogol, nếu nhìn kỹ một tí, hóa ra đều là những linh hồn đã sa vào thú tính, đã “hóa thú”.
 Hình tượng điển hình sắc nét nhất có lẽ là Sobakevich. Ở nhân vật này, thú tính chiến thắng đã lộ ra ở ngay ngoại hình và tác phong của nó - ngoại hình thô kệch và tác phong ục ịch vụng về của “một con gấu hạng vừa”. “Trong cái thân thể ấy hình như hoàn toàn không còn linh hồn nữa, hay nếu có chăng nữa thì linh hồn ấy không ở cái chỗ nó phải ở, mà trái lại ở đâu đâu bên kia núi, như linh hồn của một Kôsei bất tử, và một cái mai đã phủ lên nó, dày cứng đến nỗi tất cả những gì cựa quậy ở dưới đều chẳng gây ra chút chấn động nào trên mặt cả”. Linh hồn hóa thú, như Gogol khắc vẽ nó, là linh hồn bị nô dịch bởi thân xác và bởi môi trường. Nó tìm kiếm trước hết những lạc thú thân xác và nó bằng mọi cách thích nghi với môi trường xã hội.
Cái chết của viên chưởng lý, một quan chức cấp cao nơi tỉnh lỵ, được mô tả như sau: “... về đến nhà, ông ta đâm ra suy nghĩ và nghĩ dữ đến nỗi chết vì nghĩ. Bị trúng phong chăng? Hay vì một chứng bệnh bất ngờ nào khác? Dẫu sao thì cũng chẳng có lý do nào cả; tự nhiên đang ngồi trên ghế, ông ta ngã uỵch xuống.
Người nhà chạy đến, vừa kịp giơ tay kêu lên: “Ôi, lạy Chúa!”và cho người đi gọi thầy thuốc đến trích huyết cho ông thì thấy ông chưởng lý đã chỉ còn là một cái xác không hồn. Bấy giờ người ta mới thương tiếc nhận ra rằng ông chưởng lý sinh thời cũng có một cái hồn, nhưng vì khiêm tốn ông không bao giờ cho ai thấy đó thôi”. Ký ức duy nhất mà ông quan quá cố này để lại cho những người quen biết ông là cặp lông mày rậm!

Ngoài bộ sưu tập người, trong Những linh hồn chết còn có bộ sưu tập súc vật, hai bộ ấy xem ra dị biệt một cách không có lợi cho những con người. Đây, một trong vài chi tiết làm sinh động cảnh quan một màu tẻ ngắt của ấp Manilovka, nơi đầu tiên mà Chichikov tìm đến tậu mua Những linh hồn chết.
 “Để cho bức tranh phong cảnh được đầy đủ còn có một con gà trống gáy báo hiệu thời tiết thay đổi; dù đầu nó đã bị mỏ của những con gà trống khác mổ thủng sâu đến tận óc để trừng phạt tội phong tình nổi tiếng, nó vẫn gáy oang oang và lại còn vỗ liên hồi cả đôi cánh tả tơi như chiếu rách”.
 Con gà trống này có phải có cá tính mạnh mẽ hơn, khắc sâu hơn vào trí nhớ của người đọc so với quan chưởng lý vừa được nói đến? ở chương sau, tác giả tả tiếng chó sủa khi giữa đêm mưa, Chichikov gõ cổng nhà nữ điền chủ Korobochka, xin vào ngủ nhờ: “Trong khi ấy thì bầy chó tiến hành một cuộc biểu diễn thanh nhạc đón chào tân khách. Buổi hòa nhạc đầy hứng khởi và tài nghệ của đàn chó là hình tượng âm nhạc hiếm hoi trong tiểu thuyết - trường ca này. Năng khiếu và lòng say mê âm nhạc của loài khuyển tựa hồ bổ khuyết cho sự thiếu vắng nhạc tính đáng trách lắm lắm trong đời sống của loài người.
Và đây nữa, ba con ngựa kéo cỗ xe tam mã của Chichikov: chúng xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm, trong những tình huống khác nhau, và có thể khẳng định rằng chúng là ba nhân cách sống động nhất và đáng mến nhất, đặc biệt con ngựa vằn thông minh, láu cá, quảng giao - đối tượng của bao nhiều lời giáo huấn, phủ dụ của người xà ích Selifan lúc tỉnh cũng như khi say... Những con vật trong tiểu thuyết - trường ca của Gogol con nào cũng như thèm khát ánh sáng tinh thần, ngưỡng vọng một cuộc sống đầy ý nghĩa, giàu yếu tố sáng tạo. Chúng không tồn tại biệt lập như trong các truyện ngụ ngôn, chúng là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của cái thế giới tự nhiên bao quanh các nhân vật, thế giới ấy không chết một tý nào, ngược lại, dưới ngòi bút Gogol nó khắp nơi và luôn luôn bộc lộ hoạt tính, phát ra những tia sáng của sự sống có cá tính, có linh hồn, có tinh thần. Trong thực tại, nó là cái phông tương phản làm hiện lên đậm nét hơn cái xã hội của Những linh hồn chết, của những con người đã quên đi sứ mệnh cao quý của loài người để sống theo lối sống của loài vật và vì thế đã trở nên thấp kém hơn những con vật; nhưng trong viễn cảnh, chỉ cần những linh hồn đang ngủ như chết bàng hoàng mở mắt nhìn xung quanh, thì cái thế giới tự nhiên đầy sức sống muôn màu muôn vẻ và hướng tới thăng hoa tinh thần ấy có thể xúc tác mãnh liệt cho sự phục sinh của chúng.
 Trong Những linh hồn chết, “con đường”trở thành hình thức tổng hợp được sử dụng để tổ chức không gian. Hình ảnh con đường hấp dẫn đối với Gogol vì, như ông hình dung, nó tạo ra bức tranh đồng dạng với đời sống. Không phải ngẫu nhiên, xuyên suốt toàn bộ tác phẩm là lời nhắc nhở về “cuộc đời lớn lao – phóng vùn vụt”, về “con đường trần gian nhiều khi cay đắng và buồn nản”(VI, 134). “Lên đường! Lên đường nào! Nếp nhăn bò trên trán, vệt tối khắc khổ trên khuôn mặt hãy biến đi! Bất thần và đột nhiên chúng ta trầm mình vào cuộc đời với tất cả tiếng lách cách lặng thầm và trống chiêng của nó”(VI, 135). Gộp vào bản thân tất cả các loại không gian của Gogol, “con đường”không thuộc về bất kì một loại không gian nào – nó chỉ đi qua chúng. Ứng với điều đó “nhân vật của con đường”cũng không thuộc về một hoàn cảnh nào cả.
Qua tất cả những gì tác giải thể hiện ta tìm thấy những đắng cay của số phận và sự gắn kết yếu tố tâm linh nhắm phê phán những cái ác của cuộc đời thông qua số phận con người.
Sự kết hợp hài hoà giữa việc vạch trần hiện thực đen tối của nước Nga với những cái kết mang ý nghĩa “tái sinh”hay “phục sinh”trong tác phẩm Chiếc áo khoác. Cùng với hình ảnh cỗ xe bay vút vào không gian ở đoạn kết phần một trong Những linh hồn chết, Gogol xứng đáng là bậc thầy trong sáng tác văn chương.
6. Tác dụng của yếu tố hiện thực và kỳ ảo trong tác phẩm
Việc kết hợp giữa yếu tố hiện thực và kỳ ảo đã mang đến thành công lớn trong sáng tạo của Gogol.
Trong tác phẩm Chiếc áo khoác, “cái kết huyền ảo” như chính cách nói của nhà văn, bổ sung cho câu chuyện nghèo nàn về nhân vật “con người nhỏ bé”; một con ma nhưng hết sức sống động, được coi là hồn của công chức Akaky, tung hoành cướp bóc, trả thù những kẻ đã hành hạ mình, trả thù cho những ngày đã phải sống âm thầm nhẫn nhịn. Yếu tố kỳ ảo ấy mang một ý nghĩa tái sinh,  quay trở lại và đứng lên phản kháng cái xã hội hiện thực đó. Tại sao đến cuối tác phẩm yếu tố kỳ ảo mới xuất hiện? Hình tượng “bóng ma” ấy, chỉ đến khi lấy được chiếc áo khoác của viên “tai to mặt lớn” mới ngừng việc cướp áo khoác lại? Phải chăng nó mang một ẩn khuất nào đó trong ý đồ sáng tác của Gogol mà chúng ta cần bàn luận thêm.
Trong những linh hồn chết, hiện thực kỳ ảo lại đan xen và hỗ trợ lẫn nhau, làm cho tác phẩm mang một chất huyền bí đối với người đọc. Hình ảnh thành phố NN, nhân vật Chichikov… đều trở nên bí ẩn, không rõ ràng. Điều đó khiến cho người đọc mơ hồ tự hỏi không biết sự kiện đó có thực đang xảy ra hay không? Đến cuối phần một, hình tượng cổ xe tam mã phóng như bay như muốn nói đến hình ảnh của nước Nga mãnh liệt đang lao về phía trước -  “Nước Nga, người đi về đâu?”, câu hỏi đó đối với Gogol, cũng như những con người thời đại ông, còn băn khoăn chưa tìm ra lời giải đáp, nhưng với tình yêu và cảm quan của người nghệ sĩ, nhà văn tin rằng những chuyển động của nước Nga là hết sức quan trọng và hết sức to lớn, khiến cho “các dân tộc khác phải rẽ ra và nhường lối”
Vậy yếu tố hiện thực và kỳ ảo trong tác phẩm có mang tính cách đối kháng nhau không? Theo chúng tôi thì không. Chính sự kết hợp hài hòa, đan xen, bổ sung  giữa hiện thực và kỳ ảo làm cho tác phẩm đặc sắc hơn, tính nghệ thuật cao hơn. Cùng với đó, yếu tố kỳ ảo bổ sung vào trong tác phẩm làm cho vấn đề hiện thực được khắc họa rõ nét hơn. Một tác phẩm mà như Gogol nói “cả nước Nga hiện ra trong đó”, hiện thực nước Nga được lột tả một cách trần trụi nhất. Và khi kết hợp với yết tố kỳ ảo làm cho tác phẩm mang màu sắc tâm linh.
7. Nghệ thuật
Có thể nói, Gogol là bậc thầy trong việc châm biếm xã hội Nga qua các tác phẩm của ông.
Chiếc áo khoác mang dáng dấp của truyện cười dân gian thành thị được truyền miệng, nhưng đến khi qua ngòi bút tinh tế của mình, ông đã biến nó thành một câu truyện ngắn, với những câu từ giản dị, hàm súc. Truyện phơi bày sự trống rỗng, vô nghĩa bao trùm lên cuộc sống những con người Nga, trong số đó có các công chức thành thị, cuộc sống đó đã bị thay thế bằng sự tồn tại vật chất tầm thường. Câu chuyện về Akaky và Chiếc áo khoác được kể từ ngôi thứ nhất. người kể chuyện hiện diện từ đầu đến cuối truyện: đó là một người am hiểu về giới công chức: công việc, tính nết, nếp sống, thói quen, cách ăn mặc, thú tiêu khiển, tâm lý… của họ, tất cả đều được kể lại một cách rất tỉ mỉ, kĩ càng.
Trong tác phẩm Những linh hồn chết, ta thấy rõ cái tôi trữ tình xuất hiện theo kiểu “nhân vật song hành”với các nhân vật truyện. Người kể chuyện ở ngôi thứ ba, đứng ngoài cuộc: người hoàn toàn không tham gia vào hành trình đi mua Những linh hồn chết của nhân vật trung tâm. Tuy nhiên, chức năng của người kể chuyện ở đây lại khá phong phú, đa dạng chứ không chỉ nằm nguyên ở ngôi thứ ba: bên cạnh “chức năng trần thuật”câu chuyện, người kể chuyện còn mang “chức năng quản lí”, tổ chức văn bản bộc lộ rất rõ qua “chức năng thông báo”giữa “tác giả”với “độc giả”. Sau cùng, về cuối tác phẩm, nổi lên “chức năng xúc cảm”, tức làm cho người đọc thấu hiểu, cảm giác được những cảm xúc mà nhân vật trong truyện cũng như chính tác giả Gogol mang đến và những suy nghĩ về con người. thực trạng xã hội của Nga thời kì ấy.

Và, ở hai tác phẩm ta đều thấy Gogol sử dụng nghệ thuật miêu tả rất tỉ mỉ. có nhiều chi tiết miêu tả thiên nhiên giàu tính trữ tình, đầy chất thơ. tuy nhiên vẫn khiến độc giả cảm nhận được sự u ám của “bức tranh”cuộc sống con người Nga lúc bấy giờ.với lối sử dụng ngôn từ gần gũi, giản dị giúp ngừoi đọc dễ hiểu, dễ hình dung được những ý tưởng mà ông mang đến nhưng vẫn không mang nét dung tục, trần trụi.
Mối liên hệ với truyện cười dân gian với các tác phẩm mà bản chất thể loại là hài hước, trào phúng, nghịch dị, đa nghĩa… đã góp phần tạo nên đặc trưng sáng tác của Gogol.
Sử dụng tiếng cười: tiếng cười hai chiều đối nghịch,  nơi những “linh hồn”(những nông nô) đã chết hóa ra lại là những nhân cách hoạt bát nhất, sống động nhất còn những người sống (những điền chủ và quan chức) thì lại để mất linh hồn của mình - nhưng tất cả đều thuộc về một dân tộc và một đất nước.
Hình tượng con người: hình tượng con ngừoi nhỏ bé, càng nhỏ thấp bấy nhiêu, bởi vì những phẩm chất kể trên chỉ là cái bẩm sinh nơi hắn mà hắn vừa không ý thức được giá trị, vừa không có ý chí vượt qua, là cái định mệnh mà hắn chỉ biết cam chịu một cách đần độn.
Cảm thức về tôn giáo: cảm thức đặc biệt mạnh mẽ và thường trực về sự có mặt của quỷ dữ trong thế gian này và những tác động của nó tới chính ông
Đặc điểm chủ yếu và thường trực nhất trong bút pháp của Gogol là tính biểu cảm ngôn từ. Ông viết không chỉ nhằm vào hiệu quả âm thanh tác động đến tai người nghe, mà chủ yếu là hiệu quả xúc cảm tác động lên bộ máy phát âm của người đọc. Vì thế văn xuôi của ông thật đặc sánh, dồi dào đến bão hòa. Nó cấu thành từ hai yếu tố, tương phản nhau một cách lãng mạn và đối cực nhau cũng một cách lãng mạn - chất tu từ cao cả nên thơ và chất hề kịch nghịch dị. Gogol không bao giờ viết giản dị - ông luôn hoặc tạo tiết tấu, hoặc mô phỏng cũng kỹ lưỡng như vậy. Và giọng điệu khẩu ngữ có mặt trong tác phẩm của ông không chỉ trong các đối thoại. Văn xuôi của ông không bao giờ trống rỗng. Nó luôn sống động và ngân rung bởi hành ngôn sinh động. Và vì thế việc chuyển ngữ nó là hoàn toàn vô vọng - nó không dịch được hơn với bất kỳ văn xuôi Nga nào khác.

Đặc điểm quan trọng khác của thiên tài Gogol - đó là sự sắc sảo và sinh động khác thường của thị giác nơi ông. Cái cách mà ông nhìn thấy thế giới bên ngoài hoàn toàn không thể so được với cách nhìn thông thường của chúng ta. Ông nhìn thấy nó trong sự biến hoá lãng mạn, và ngay cả khi nhìn thấy những chi tiết như chúng ta thấy, ở ông chúng thu nhận những tỷ lệ khiến cho cả về kích cỡ lẫn về mặt ý nghĩa chúng biểu thị cái gì đó hoàn toàn khác.

Nhưng ông vĩ đại tuyệt đối và vô song là ở cách nhìn thấy các hình tượng con người. Những con người ở ông là những bức biếm họa, và chúng được vẽ bằng các thủ pháp của một họa sĩ vẽ tranh châm biếm – nghĩa là chúng được ban cho những đường nét phóng đại nhấn mạnh và gần như trở thành một bức hình họa. Song những bức tranh biếm họa ấy thật thuyết phục, thật chân thật và ấn tượng - điều đó đạt được, như thường thấy, nhờ những nét vẽ nhẹ nhàng nhưng chính xác và hiện thực một cách bất ngờ, - đến mức có cảm tưởng chúng còn thật hơn là thế giới nhìn thấy được. Sự hài hước, giọng điệu phê phán của tác phẩm đối với con người, cuộc sống Nga đương thời là rất rõ qua tính chất ngoa dụ, qua các hình ảnh, thậm chí thiên nhiên qua một số trang miêu tả rất trữ tình, rất nên thơ, nhưng vẫn đượm vẻ u ám, ảm đạm.
8. tổng kết
Tóm lại, Những linh hồn chết là một tác phẩm bất tử, Chiếc áo khoác của Gogol không chỉ là một câu chuyện về đạo đức con người, nó là thái độ đứng về phía những con người nhỏ bé chống lại bạo lực cường quyền. hai tác phẩm cho chúng ta thấy rõ những hình ảnh, những thực trạng xã hôi, cuộc sống của người Nga thời bấy giờ.  Gogol mạnh dạng khai thác những đề tài chưa ai dám “khai”nói đúng hơn là chưa dám nghĩ đến để làm nên tính chất khác biệt cho những sáng tác của mình. Chính những yếu tố hiện thực và kỳ ảo đã làm nên sự “kinh điển “cho Những linh hồn chếtChiếc áo khoác. Ngòi bút của Gogol  là tiếng nói của những con  người nhỏ bé với khát vọng vượt lên trên chính mình và mong muốn một cuộc sống tự do ,hạnh phúc..
Với tác phẩm Chiếc áo khoác, nó đã làm nên tên tuổi ông. Đưa văn học Nga đến với nền văn học thế giới. Bởi thế, có thể nói Gogol không chỉ là nhà văn cực lớn của nước Nga, của nhân loại mà ông còn là nhà tư tưởng lớn nhất nước Nga thế kỷ 19.
                                                                                              

Tài liệu tham khảo:
2.     Gogol, “Những linh hồn chết”(Hoàng Thiếu Sơn dịch 1965), Tiểu thuyết,  Nxb. Văn học.
3.     Trần Thị Phương Phương, “Tiểu thuyết hiện thực Nga thế kỷ XIX”(2005), Nxb. Khoa học xã hội.
4.     Nguồn: Viện văn học (TỪ THỊ LOAN dịch)

GVHD: PGS TS. Trần Thị Phương Phương
* Tài liệu bài thuyết trình Văn 2011
(Chú ý: khi bạn sử dụng tài liệu để tham khảo thì nhớ trích dẫn nguồn cụ thể)



> Bài viết được đăng 11/4/2014






Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét