"Nỗi sợ của tôi là ngày mai tôi chết mà vẫn chưa biết được chính mình. Trong đời mình, tôi đã phát hiện ra một vực thẳm đáng sợ nằm giữa tôi và người khác và nhận ra rằng cách tốt nhất là nên giữ câm lặng và cất giữ những ý nghĩ cho riêng mình chừng nào còn có thể..."
“Nỗi sợ của tôi là ngày mai tôi chết mà vẫn chưa biết được chính mình. Trong đời mình, tôi đã phát hiện ra một vực thẳm đáng sợ nằm giữa tôi và người khác và nhận ra rằng cách tốt nhất là nên giữ câm lặng và cất giữ những ý nghĩ cho riêng mình chừng nào còn có thể. Giờ đây, nếu tôi có quyết định viết ra chỉ là để tiết lộ bản thân với cái bóng của mình, cái bóng ấy vào lúc này đây đang vươn ngang bức tường trong tư thế của một kẻ ngấu nghiến từng lời tôi viết với sự khoái khẩu vô độ. Chính vì nó mà tôi muốn thử xem. Nào ai biết? Chúng tôi có thể rồi ra biết rõ nhau hơn”.
Cuốn tiểu thuyết Con cú mù đã được mở ra với “nguyên cớ” như thế. Và sự day dứt được báo trước sẽ ám lên từng câu chữ.
Một tư tưởng cách tân và bút pháp quyết liệt
Trước hết, ma lực ngôn từ trong cuốn sách này sẽ làm người đọc nhớ về cảm giác được chìm đắm trong thế giới huyền hoặc triền miên của ngàn đêm đen trong pho truyện truyền thống xứ Ba Tư hay cái vũ trụ khướt rượu của thi ca Omar Khayyam, nhà thơ, nhà toán học, thiên văn học nổi tiếng người Iran (1048 – 1123). Sadegh Hedayat, dù được xem là nhà văn có nhiều thành tựu đổi mới văn xuôi trong văn chương đương đại Iran, người mà tư tưởng lẫn kỹ thuật viết được xem gần phương Tây (có chất phi lý, huyền ảo của văn chương Kafka, Edgar Allan Poe), người từng chọn Paris để gắn bó và tự tử những hai lần mới chạm mặt cái chết, cũng đã từng thổ lộ rằng, văn hóa cổ Ba Tư mê hoặc ông và khí quyển thi ca Omar Khayyam đã khiến cho ông luôn day dứt.
Có thể nói rằng, tính siêu thực, giá trị hiện đại của văn chương Sadegh Hedeyat bắt rễ từ truyền thống văn hóa, văn chương Ba Tư. Kể cả hệ thống ám tượng được lặp đi lặp lại trong Con cú mù, cũng xuất phát từ những cổ mẫu văn hóa Ba Tư: con cú, bóng đêm, hoa triêu nhan... tất cả được đặt vào một câu chuyện nhiều lớp lang, cấu trúc phi tuyến tính của tiểu thuyết hiện đại.
Trong cách chọn lựa, hành xử, bút pháp của Sadegh Hedayat cho thấy bản lĩnh cách tân tư tưởng và bút pháp văn xuôi đầy quyết liệt – một chuyển hóa trong sáng tạo phản kháng trước bầu không khí ngột ngạt trong thời mình sống – thời độc tài Reza Shah Pahlavi (1925 – 1941). Những cuộc cách tân trong lối viết có thể xem là nỗ lực sáng tạo hướng ra bên ngoài bằng nội lực và bản sắc.
“Chỉ có cái chết không nói dối” (trang 106). Trong bốn bức tường cô độc lặng lẽ trước đời sống, trong cuộc chấn động nội tâm dữ dội, nhân vật của cuốn sách đã giết chết một cái bóng in trên tường có hình dáng một con cú mèo. Con cú mèo, biểu tượng của điềm rủi, bóng đêm và cái chết. Và, con cú mèo cũng là biểu tượng của sự mê hoặc, thấu thị, nhìn xuyên bản chất của đời sống này.
Thế giới ngợi ca, đất mẹ cấm đoán
Con cú mù có một số phận kỳ lạ. Chính không khí bi quan, nỗi cô độc của cá nhân không thể dung hòa với tha nhân, cuộc đời trong cuốn tiểu thuyết này khiến nhiều người suy ra rằng, Sadegh Hedayat đã khởi viết nó tại Paris trước thời điểm ông tự tử lần thứ nhất (nhảy xuống sông Marne và được cứu sống vào năm 1930). Nỗi u uẩn nội tâm đó có thể được truyền qua cảm giác buồn bã cô độc và những ảo giác, thị kiến, ác mộng chồng chéo lên nhau, khuấy đảo đời sống nhân vật hoạ sĩ vô danh làm nghề vẽ trang trí hộp đựng bút qua cuốn tiểu thuyết lạ lùng này. Những dấu vết của sự bất mãn tha nhân, sự đeo đuổi nhục dục, sự hoài nghi hay đổ vỡ cay đắng với tình yêu, những cuộc trốn chạy khỏi thế giới bằng á phiện, sự ẩn dật (anh ta gọi căn phòng của mình là nấm mộ), những cuộc giằng xé nội tâm trầm lặng mà khốc liệt để thoát khỏi vũng lầy vô vị và buồn chán kiếp nhân sinh thường trực trong đời sống nhân vật chính đã làm cho cuốn sách bị coi là thứ văn học hiện sinh nguy hiểm. Nó bị cấm đoán gay gắt tại Iran, quê hương tác giả.
Năm 1937 – 1939, tác giả chuyển đến sống ở Ấn Độ. Cũng trong thời điểm này, bản in ronéo tác phẩm Con cú mù ra đời ở Bombay, lập tức nhận được những lời khen ngợi từ Henry Miller và André Breton. Nhưng bản án thành kiến dành cho cuốn sách tại Iran, cho đến nay vẫn chưa được gỡ bỏ. Năm 1993, Con cú mù được xuất bản trở lại nhưng đến hội sách Tehran 2005 nó bị kiểm duyệt và cấm đoán, năm 2006 lại bị cấm xuất bản.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
(Hà Vũ Trọng dịch, tủ sách Tinh hoa văn học, Phương Nam & NXB Hội Nhà Văn, 2012)
Sadegh Hedayat sinh năm 1903 trong một gia đình quý tộc ở Tehran và tự kết liễu đời mình bằng khí gas trong một căn hộ nhỏ vào năm 1951 tại Paris.
Khởi đầu với tập truyện ngắn gồm 9 truyện có tựa Buried alive (tạm dịch: Bị chôn sống) vào năm 1930, và kết thúc với những dịch phẩm sáng tác của Kafka, Alexander Lange Kielland, Jean Paul Sartre vào năm 1950, sự nghiệp văn chương Sadegh Hedayat ngắn ngủi nhưng lê thê trong cô độc và những cuộc xê dịch, với 16 tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn, 3 vở kịch, 2 tập du ký, 16 tập nghiên cứu, phê bình, tư liệu và 7 tác phẩm dịch phẩm từ tiếng Pháp.
Cùng với Buried alive (Bị chôn sống), The stray dog (Con chó lạc loài), Three drops of blood (Ba giọt máu), thì Con cú mù (tựa gốc: Boof – e koor, tựa tiếng Anh: The blind owl) là tác phẩm quan trọng bậc nhất của Sadegh Hedayat; làm cho tên tuổi ông được xếp vào hàng đầu của nền văn học hiện đại Iran.
> Bài viết được đăng 26/4/2014
0 nhận xét:
Đăng nhận xét