Từ vựng Công giáo: Phong thánh- tuyên thánh

Ngày 30/06/1987, bằng văn thư số 196.245, Đức TGM Eduardo Martinez Somalo, khi đó là Tổng Thư Ký Ban Thường Vụ của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh (tương đương Tổng Trưởng Nội Vụ) chính thức thông báo cho ba cáo thỉnh viên Việt, Pháp và Tây Ban Nha là ngày phong thánh cho các chân phúc tuẫn đạo tại Việt Nam đã được ĐTC Gioan Phaolô II xác định là ngày 19/06/1988. Đây là một tin vui vô cùng trọng đại cho Giáo Hội tại Việt Nam. Đến nay chúng ta vẫn sử dụng thuật từ phong thánh. Giáo Hội tại Trung Quốc trước đây cũng dùng thuật từ này, nhưng ngày nay đã thay bằng thuật từtuyên thánh. Chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của những thuật từ này.

1. Nghĩa của những chữ canon, canonizare, canonization.
Phong thánh hay việc phong thánh dịch từ tiếng La tinh là canonizare và canonization, hai thuật từ này xuất phát từ chữ canon.
1.1. Canon (dt. Latin: quy luật, quy tắc xử sự, bảng tóm tắt; do tiếng Hy Lạp là kanon: gậy, thước đo). Chữ này có nhiều nghĩa:
a. Trong lãnh vực Công Giáo:
(1) Luật dòng; sách luật dòng: Một bản luật hay quy tắc được thẩm quyền Giáo Hội ban hành với sự chấp thuận của Đức Gíáo Tông.
(2) Câu định nghĩa ngắn về một tín điều nào đó, có kèm theo án tuyệt thông, được các công đồng chung đưa ra làm quy tắc.
(3) Bộ Giáo Luật; điều, điều luật (trong bộ luật).
(4) Kinh Bộ, Quy Điển Thánh Kinh: Danh mục các sách mà Giáo Hội nhìn nhận là đã được linh hứng góp thành bộ Thánh Kinh.
(5) Danh bộ các thánh: Danh sách các thánh được Giáo Hội công nhận.
(6) Lễ Quy Roma: Phần cốt yếu trong thánh lễ Misa từ sau kinh Thánh Thánh Thánh đến Kinh Lạy Cha, nay còn gọi là Kinh Nguyện Thánh Thể I.
(7) Kinh sĩ: thành phần của một tập thể giáo sĩ làm việc ở một nhà thờ chính tòa hay một nhà thờ lớn khác có những nhiệm vụ đặc biệt như hát kinh thần vụ chung với nhau; tu sĩ một số dòng tu: Augustinian canon: kinh sĩ dòng thánh Augustinô.
(8) Ca tiếp liên giờ Kinh Sáng (Giáo Hội Đông Phương)
Trong mấy thập niên vừa qua, thuật từ canon với ý nghĩa là "điển phạm" (phép tắc làm khuôn khổ để theo) được dùng khá phổ biến trong ba lãnh vực chính:
b. Trong lãnh vực tôn giáo nói chung:
Chỉ toàn bộ những cuốn sách được xem là thánh thư, nơi chứa đựng những chân lý tuyệt đối do Đấng Tối Cao mặc khải của một tôn giáo nào đó, từ Thánh Kinh của Kitô Giáo đến Kinh Koran của Hồi Giáo... Tam tạng thánh điển (Tipitaka) của Phật Giáo cũng gọi là Pali Canon.
c. Trong lãnh vực văn hoá:
Là toàn bộ những tác phẩm được xem là đạt đến đỉnh cao của triết học và văn học: từ những tác phẩm của Plato, Aristotle, Euripides, Lutarch,... thời cổ đại Hy Lạp đến Tứ Thư và Ngũ Kinh thời cổ đại Trung Hoa, từ những kiệt tác của Chaucer, Cervantes, Shakespeare, Goethe, Joyce, Proust,... ở Tây phương đến những tác phẩm bất hủ trong thể phú đời Hán, thể thơ đời Đường, thể từ đời Tống và thể tiểu thuyết đời Minh và Thanh ở Trung Quốc. Ví dụ: Điển phạm Shakespear(Shakespearian canon): Danh mục các tác phẩm (gồm 37 vở kịch) được công nhận là đúng của Shakespear.
d. Trong lãnh vực giáo dục:
Là danh sách những tác phẩm được đưa vào chương trình giảng dạy như là những thành tựu tiêu biểu nhất cho từng thể loại hoặc từng thời kỳ, những kho tàng của kiến thức và là những khuôn mẫu để người ta học tập cũng như mô phỏng.
Điểm chung của khái niệm điển phạm trong cả ba lãnh vực này là: tính chất toàn bích và tính chất thẩm quyền. Một điển phạm là một tác phẩm xứng đáng để được bảo tồn hơn những tác phẩm khác, hơn nữa, nó còn được xem như mẫu mực của cái đẹp, và hơn cả thế nữa, nó trở thành một tiêu chuẩn để đánh giá mọi cái đẹp khác như cái ý nghĩa tiềm ẩn trong từ nguyên của nó: một cái thước đo. Như vậy, tự bản thân nó, bất cứ một điển phạm nào cũng đều hàm chứa một quy phạm (norm) nhất định.
e. Ngoài ra, canon còn được sử dụng trong nhiều lãnh vực khác với nhiều nghĩa như:
(Quân sự) (1) Pháo, súng đại bác; (2) Nòng (súng): Canon d’un révolver (nòng súng lục), Canon d’un seringue (ống, ống tiêm);
(Kỹ thuật) Cái móc chuông;
(Ngành in) Tên gọi riêng của cỡ chữ bằng 48 pt. (sở dĩ gọi như vậy là vì đó là cỡ chữ lớn nhất trong ngành in xưa kia thường dùng để in Lễ Quy (Canon) hay các sách dùng trong nhà thờ);
(Khoa đo lường) Canông (đơn vị đong rượu bằng 1/8 lít);
(Động vật học) Còng, cẳng (chân ngựa, trâu bò);
(Địa chất, địa lý) Hẻm vực;
(Sử học) Trang sức che đầu gối;
(Âm nhạc) (1) Canông, luân khúc, hát đuổi: Việc lặp lại liên tiếp từng nốt nhạc của một giai điệu bởi một bè khác, bắt đầu sau bè đầu (một khoảng thời gian nào đó); (2) Bài ca được một hay nhiều giọng thay phiên nhau hát lại một giai điệu, và nhờ đó tạo ra sự hòa điệu; (3) Tên gọi tắt của Canon in D (Luân khúc cung Rê trưởng) của nhà soạn nhạc Johann Pachelbel;
(Thông tục) Chai rượu; cốc rượu;
(Nghệ thuật) Tiêu chuẩn, chuẩn mực, điển phạm: Các quy tắc, nguyên lý hay tiêu chuẩn được chấp nhận như tiên đề, có tính ràng buộc phổ quát trong một lãnh vực nghệ thuật hay học thuật: neoclassical canon (điển phạm tân cổ điển).
1.2. Canonizare: (đt.) (1) Liệt kê (một quyển sách) vào Quy Điển Thánh Kinh (2) Liệt kê vào quy điển, danh mục có tính quy phạm; (3) Tuyên thánh: Tuyên bố (một vị chân phúc) là thánh, ghi danh vào Danh Bộ Các Thánh và ấn định việc tôn kính trong toàn thể Hội Thánh; (4) Đối xử như bậc thần thánh; vinh quang.
1.3. Canonization: (dt.)
(1) Việc tuyên thánh: là việc ĐGH tuyên bố và truyền cho các tín hữu tôn kính một vị chân phúc nào đó như một vị thánh. (Với việc tuyên chân phúc [1], các tín hữu được phép tôn kính vị chân phúc đó ở một số nơi hay trong một số cộng đoàn nào đó, nhưng với việc tuyên thánh, thì các tín hữu được phép tôn kính vị thánh ở mọi nơi trong toàn thể Hội Thánh). Quyết định tuyên thánh chỉ được công bố sau khi Bộ Đặc Trách Án Vụ Tuyên Thánh (Congregatio de Causis Sanctorum, quen gọi là Bộ Phong Thánh) chấp nhận chứng cứ của hai phép lạ - đã xảy ra sau khi tuyên chân phúc - qua việc khần cầu với vị chân phúc hoặc ba phép lạ trong trường hợp vị chân phúc không theo tiến trình điều tra thông thường. Vị hiển thánh được tôn kính đầy đủ trên bàn thờ, mặc dù có thể không được mở rộng trong phụng vụ Thánh Lễ và trong Kinh Nhật Tụng của toàn thể Hội Thánh.
(2) Điển phạm hóa: là việc xem một số tác giả hoặc tác phẩm nào đó như những khuôn vàng thước ngọc của văn học.
2. Nghĩa của những chữ phong, thánh, tuyên.
2.1. Phong: Có những Hán này: 封, 風, (风), 鋒, (锋), 峰, 峯, 豊, (丰), 楓, (枫), 蜂, 蠭, 烽, 犎, 瘋, (疯), 酆, 葑, 渢, (沨), 灃, (沣), 碸, (砜). Trường hợp ở đây là chữ封 (phong), nghĩa là dt. (1) Bờ cõi: Chức quan giữ việc coi ngoài bờ cõi nước gọi là phong nhân; (2) Mồ mả; (3) Dùng như mạo từ: lá, bức: Nhất phong thư (một bức thư); (4) Họ Phong; (5) Túi đựng thư: Tín phong (bìa thư); đt. (6) Ban cho, vua cho các bầy tôi đất tự trị lấy hay tước hiệu gọi là phong; (7) Đắp: Phong phần (đắp mả); (8) Dán lại: phong khẩu; (9) Giàu có: Tố phong (vốn giàu); (10) Ngăn cấm: Cố bộ tự phong (không biết giảng cầu cái hay mới mà cứ ngăn cấm mình trong lối cũ); (11) Đóng, phong bế: niêm phong; tt. (12) To lớn.
Nghĩa Nôm: (1) Bọc: Phong gói quà; (2) Vật được bọc: Phong bánh khảo.
2.2. Thánh: Có hai chữ Hán: 聖, 清 [2] : Chúng ta dùng chữ聖này. Chữ này gồm phần dưới là chữ nhâm (壬), nguyên gốc của chữ nhâm (壬) là chữ nhân (人); phần trên là chữ nhĩ (耳) và chữ khẩu (口); hàm ý: thánh là người thông sáng: thính tai, lợi khẩu. Trong cổ văn "thánh" và "thính" (聽) là cùng một chữ. Chữ thánh (聖) có những nghĩa này: dt. (1) Đối với người đời thường, chỉ những người đạo đức như thánh nhân; (2) Những người tài giỏi tột bực về một việc nào đó cũng gọi là thánh, như Lý Bạch giỏi uống rượu, người ta gọi ông là tửu thánh; (3) Tên cũng gọi là thánh; (4) Họ Thánh; (5) Thuộc về thần: thánh mẫu, thánh đãn; đt. (1) Làm cho trở thành thánh; (2) Tinh thông: Đỗ Phủ thánh ư thi (Ông Đỗ Phủ giỏi làm thơ); tt. (1) Thông minh; (2) Tài giỏi; (3) Thuộc về thánh; (4) Tôn xưng những gì thuộc về Đức Khổng Tử; (5) Tôn xưng những gì thuộc về vua: Thánh chỉ; (6) Thuộc về Đấng tối cao.
Chữ thánh đã được hoá Nôm, nên người ta nói Thánh Kinh hay Kinh Thánh cũng được [3]. Thánh (chữ Nôm) cũng có nghĩa là âm thanh dễ nghe: thánh thót.
2.3. Tuyên: Có nhiều chữ Hán: 宣, 亘, 瑄, 脧, 鐫, (镌), 揎, 楦, 楥. Ở đây là chữ宣 (tuyên), nghĩa là: dt. (1) Họ Tuyên; (2) Nhà to: Tuyên thất (căn nhà to), vì thế nên tường vách xây tới sáu tấc cũng gọi là tuyên, thông với chữ瑄; đt. (3) Rao cho mọi người nghe: Tuyên bố; (4) Báo cáo cho mọi người cùng biết: Tuyên ngôn; (5) Ban bố: Tuyên chiếu (ban bố chiếu chỉ ra); (6) Thông suốt: Tuyên triết duy nhân (Duy người ấy thông suốt mà khôn); (7) Bảo rõ: Tuyên thị (bảo rõ); (8) Hết sức: Tuyên lao, tuyên lực (cố hết sức); (9) Hết: Cuối tờ bồi nói rằng bất tuyên (chẳng hết), nghĩa là không thể tỏ hết khúc nhôi được; (10) Gạn cho cạn: tuyên tiết hồng thuỷ (xả cạn nước lụt).
3. Nghĩa của thuật từ phong thánh và tuyên thánh.
3.1. Phong thánh: Trung Quốc có một cuốn tiểu thuyết rất danh tiếng gọi là Phong Thần Bảng hay Phong Thần Diễn Nghĩa, do ông Trần Trọng Lâm (hay Hứa Trọng Lâm) viết vào thời triều Minh, bao gồm một trăm hồi. Bối cảnh lịch sử là Chu Vũ Vương (1066-771 trước Công nguyên) đánh giết vua Trụ nhà Thương. Câu truyện kết thúc bằng việc Khương Tử Nha được Nguyên Thủy Thiên Tôn trao quyền phân phong các thần, còn Chu Vũ Vương cũng được quyền tấn phong các chư hầu. Các quan trong triều Chu chưa có chức tước, vua ban cho và trở thành chư hầu, cũng như Khương Tử Nha ban chức tước cho các vị thần. Phong có nghĩa là ban cho, ban chức tước và đất đai. Vậy chúng ta có thể hiểu "phong thánh" là ban cho người nào đó - chưa phải là thánh - tước hiệu "thánh", khi được phong thánh rồi, thì người đó trở thành thánh. Hiểu như vậy thì không hợp với đức tin Công Giáo, vì Đức Thánh Cha cũng như Hội Thánh không được trao ban thẩm quyền đó: "Việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được" (Mt 20,23; Mc 10,40). Do đó, không ai có thể phong thánh cho bất kỳ ai ngoại trừ Thiên Chúa.
3.2. Tuyên thánh: Trong Lễ Nghi Tuyên Thánh (Canonization ceremony), Đức Giáo Tông thường sử dụng công thức:
"Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh và Duy Nhất, để phát huy Đức Tin Công Giáo và củng cố Đời Sống Kitô Hữu, với quyền năng của Đức Giêsu Kitô Chúa, chúng ta, của hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và của riêng Tôi; sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đã tham khảo ý kiến của nhiều chư huynh Hồng Y, Thượng Phụ, Tổng Giám Mục và Giám Mục khả kính; Tôi quyết định và tuyên bố chân phúc T. là thánh và ghi danh ngài vào Danh Bộ Các Thánh. Tôi cũng thiết lập việc tôn kính ngài trong toàn thể Hội Thánh hàng năm vào ngày... tháng.... Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen. [4]”
Chúng ta đã hiểu canonize nghĩa là liệt kê, ghi tên một người quá cố vào Danh Bộ Các Thánh, sau khi điều tra cuộc sống, hạnh tích của người ấy, Đức Giáo Tông tuyên bố người đó là đối tượng tôn kính của Hội Thánh, ghi danh vào Danh Bộ Các Thánh. Đức Giáo Tông chỉ tuyên bố, còn việc vị thánh đó được hưởng hạnh phúc cùng Thiên Chúa từ lúc nào thì không ai biết.
4. Ai là thánh?
Có nhiều cách hiểu về các vị thánh. Một số nhân vật lịch sử Việt Nam được tôn làm thánh. Ví dụ: Thánh Gióng. Trong văn học cổ, người ta gọi Khổng Tử là thánh, một số tác giả dùng để gọi người đáng kính trọng như thánh Gandhi. Những vị thánh trong Giáo Hội Công Giáo gọi là saint, bắt nguồn từ chữ La tinh sacer, sancire, sanctus. Những vị thánh trong Thánh Kinh là tất cả những người tin vào Chúa Giêsu (Cv 9, 32,41; Rm 1,7; Pl 1,1), những tín hữu đã qua đời (Mt 27,52; Kh 18,24) và các vị tuẫn đạo (Kh 16,6). Tất cả những người tin vào Chúa Giêsu đều được gọi là thánh.
Các giáo phái quan niệm về vị thánh không giống nhau. Hiện giờ chỉ có Công Giáo, Chính Thống Giáo, Anh Giáo và một ít giáo phái Tin Lành có thánh nhân.
Trong Giáo Hội sơ khai, tôn kính các thánh là để kỷ niệm các vị tuẫn đạo và noi theo gương lành của các ngài. Năm 787 Công Đồng Nicêa II mới có việc kính tưởng các thánh. Việc tuyên thánh đầu tiên trong Giáo Hội xảy ra dưới triều Đức Giáo Tông Gioan XV. Trong công đồng chung ngày 11/06/993, hạnh tích và nhiều phép lạ của ĐGM Ulric (mất năm 973) đã được công bố và tất cả nghị phụ có mặt đều đồng thanh xác nhận, do đó Đức Giáo Tông đã công bố ĐGM Ulric là thánh và truyền cho toàn thể Giáo Hội tôn kính. Đây là cuộc tuyên thánh chính thức đầu tiên trong Giáo Hội Công Giáo. Sau một thời gian dài nghiên cứu, bản văn "Việc tôn tuyên chân phúc và hiển thánh" do ĐHY Lambertini biên soạn, sau ngài lên ngôi giáo tông lấy niên hiệu là Bênêđitô XIV (1734-1738) được chính thức áp dụng đến ngày nay.
5. Kết luận.
Chúng ta thấy được việc nhìn nhận là thánh có nhiều chuyển biến, nhưng thực tế là con người công nhận một người nào đó là thánh dựa vào cuộc sống của họ và để người khác theo gương sống của họ. Người Công Giáo còn xin họ cầu bầu giúp. Cho nên qua cuộc điều tra, Đức Giáo Tông chỉ tuyên bố một người Công Giáo gương mẫu đã qua đời là đối tượng tôn kính của Hội Thánh mà thôi, chứ không thể phong ban cho người đó được lên thiên đàng, cho nên Đức Giáo Tông chỉ tuyên bố, tức là tuyên thánh thôi.
Ghi chú:
[1] Beatification.
[2] Xem “Bài Giảng Chúa Nhật” của Tổng Giáo Phận Saign, số 05/2006.
[3] Về vấn đề này chúng tôi phải viết một bài riêng.
[4] Ad honorem Sanctae et Individuae Trinitatis, ad exaltationem Fidei Catholicae et Christianae Religionis augmentum, auctoritate Domini Nostri Iesu Christi, Beatorum Apostolorum Petri et Pauli ac Nostra; matura deliberatione praehabita et divina ope saepius implorata, ac de Venerabilium Fratrum Nostrorum Sanctae Romanae Ecclesiae Cardinalium, Patriarcharum, Archiepiscoporum et Episcoporum in Urbe existentium consilio; Beatum N. Sanctum esse decernimus et definimus ac Sanctorum Catalogo adscribimus, statuentes ab Ecclesia Universali illius memoriam quolibet anno die eius natali, nempe ... pia devotione recoli debere. In nomine Patris, et Filii, et Spiritus Sancti. Amen".

> Bài viết được đăng 29/4/2014
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét