> Nguồn tin: facebook Phong Sương
Dã tâm là ác ý, là có ý “chơi khăm” người nào đó. Có những người “bằng mặt mà không bằng lòng”, nói ngọt trước mặt mà không biết đâm sau lưng lúc nào. Loại người này được gọi là “khẩu Phật, tâm xà”, miệng nam-mô mà bụng một bồ dao găm, ác ý như rắn độc. Người có dã tâm cũng khôn khéo, nhưng là khôn ranh và ích kỷ, chỉ tìm cách thỏa mãn tư lợi, còn ai ra sao cũng mặc, như người ta thường nói: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Tác giả sách Huấn Ca xác định: “Khôn ngoan đã được tác thành trước vạn vật, sự hiểu biết anh minh đã có tự muôn đời” (Hc 1:4). Ai cũng được ban cho sự khôn ngoan, dù có thể mức độ khác nhau, nhưng khôn ngoan cũng cần được trau giồi, và quan trọng là cách sử dụng sự khôn ngoan sao cho hợp lý. Tác giả đặt vấn đề: “Gốc rễ của khôn ngoan đã được mặc khải cho ai? Và những công trình kỳ diệu của khôn ngoan, ai nào biết rõ?” (Hc 1:6) “Sự viên mãn của khôn ngoan là kính sợ Đức Chúa. Khôn ngoan lấy hoa trái của mình làm cho họ say sưa, lấy bảo vật của mình chất đầy nhà cửa họ, đem sản phẩm của mình đổ đầy kho lẫm” (Hc 1:16-17).
Andri Gide định nghĩa: “Người khôn ngoan là người thấy cái gì cũng mới lạ”. Đó là con người trong cuộc sống đời thường, còn về tâm linh, người khôn ngoan là người biết kính sợ Thiên Chúa: “Lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn ngoan, mang lại bình an và sức khoẻ dồi dào. Đức Chúa đã thấy và đã đếm khôn ngoan, Người đổ mưa am tường và hiểu biết của trí tuệ, nâng cao vinh dự của những kẻ gắn bó với khôn ngoan” (Hc 1:18-19). Người khôn ngoan không cậy nhờ phàm nhân, mà chỉ cậy nhờ vào Chúa. Họ tâm niệm và thân thưa với Chúa: “Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ” (Tv 71:1). Chắc chắn họ sẽ không phải hổ ngươi, vì được Chúa soi sáng và hướng dẫn. Khi gặp thử thách, họ vẫn tín nguyện: “Vì Ngài công chính, xin cứu vớt và giải thoát con, ghé tai nghe và thương cứu độ. Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con, núi đá và thành trì bảo vệ con, chính là Ngài” (Tv 71:2-3). Có vẻ như không thấy “động tĩnh” gì, nhưng họ vẫn tin tưởng và khôn ngoan, kiên tâm cầu xin: “Lạy Thiên Chúa, xin giải thoát con khỏi bàn tay kẻ dữ, khỏi móng vuốt phường nham hiểm và bọn dã man. Vì lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con trông đợi, lạy Đức Chúa, chính Ngài là Đấng con tin tưởng ngay từ độ thanh xuân” (Tv 71:4-5).
Và họ xác tín từ những điều xem chừng rất tự nhiên: “Từ thuở sơ sinh, con nương tựa vào Ngài, Ngài đã kéo con ra khỏi lòng mẹ, con ca tụng Ngài chẳng khi ngơi” (Tv 71:6). Đó là niềm tín thác đích thực, chắc chắn Chúa vui lòng và sẽ không để họ phải thất vọng. Đức tin thêm vững chắc, và họ hiên ngang thể hiện niềm tin đó: “Miệng con công bố Ngài chính trực, suốt ngày tường thuật ơn cứu độ Ngài ban, ơn của Ngài, nhiều khôn xiết kể! Con thuật lại bao chiến công của Chúa, nhắc nhở rằng: chỉ mình Ngài chính trực công minh. Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa, con đã được Ngài thương dạy dỗ. Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài” (Tv 71:15-17). Người biết tín thác vào Chúa thì đúng là người khôn ngoan.
Trong cuộc sống, chúng ta có được gì cũng đều là hồng ân Chúa ban. Quả thật, nếu xét cho cùng, ngay những gì chúng ta đang sở hữu cũng không hoàn toàn thuộc quyền mình, vì chúng ta có thể mất chúng bất kỳ lúc nào. Thánh Phaolô nói: “Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả” (1 Cr 12:31). Khôn ngoan là biết kính sợ Chúa, mà kính sợ Chúa thì phải biết yêu thương – tức là đức mến.
Một hệ lụy lô-gích. Thánh Phaolô nói về đức mến: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13:4-7). Cách định nghĩa có vẻ dài dòng, nhưng rõ ràng đến từng chi tiết. Đây là chương nói về đức mến rất tuyệt vời trong các thư của Thánh Phaolô. Quả thật, đức mến không đơn giản như chúng ta tưởng. Đức mến là một trong ba đức đối thần (Tin, Cậy, Mến), cả ba đều quan trọng, nhưng đức mến quan trọng nhất, vì “đức mến không bao giờ mất được” (1 Cr 13:8a).
Thật vậy ư? Chắc chắn đúng như vậy: “Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn” (1 Cr 13:8b-9). Lạ thật! Cái gì cũng hữu hạn, nhưng lòng yêu thương lại vô hạn.
Người dã tâm không hề có lòng yêu thương, thế nên họ ích kỷ và luôn tìm cách ghen ghét, mưu hại người khác!
Thánh nhân lý giải về tính quan trọng của đức mến: "Khi cái hoàn hảo tới thì cái có ngần, có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con” (1 Cr 13:10-11). Cách so sánh rất cụ thể, rõ ràng và dễ hiểu. Ba đức đối thần quan trọng, nhưng các đức đối nhân cũng không kém phần quan trọng. Vì không ai tin cậy và yêu mến Chúa lại là người có dã tâm, không yêu thương đồng loại. Sống yêu thương là thể hiện đức tin, mà đức tin thì trừu tượng, không khéo sẽ hóa thành ảo tưởng. Thánh Phaolô cho biết: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1 Cr 13:12). Và ngài tái xác định tầm quan trọng của đức mến: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13:13).
Một lần tại Hội đường, khi mở Sách Thánh gặp câu nói về Thần Khí, Chúa Giêsu nói với cử tọa: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4:21), mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Ngài. Quả thật, Chúa Giêsu đúng là một “người đặc biệt nhất” trong những người đặc biệt, một “dị nhân” chính hiệu, khiến ai cũng phải tâm phục và khẩu phục. Thế nhưng vẫn có những kẻ dã tâm muốn hại Ngài. Ngài biết ác ý của họ nên Ngài nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” (Lc 4:23).
Người ta có dã tâm không phải vì Chúa Giêsu làm gì sai trái, mà vì tính đố kỵ, thói ghen ghét, không muốn người khác hơn mình, sợ mình lép vế. Ngài thản nhiên nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4:24). Câu nói này vẫn đúng ngay trong thế kỷ XXI này!Thấy họ im lặng, không đối đáp được câu nào, mà làm sao họ cãi lại chứ? Rồi Chúa Giêsu nói một hơi: "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi” (Lc 4:25-27).
Thế là họ lật mặt như trở bàn tay, mới khen nức lòng mà lại chống đối ngay. Thánh sử Luca kể: “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Ngài ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Ngài lên tận đỉnh núi để xô Ngài xuống vực” (Lc 4:28-29). Thế nhưng những con người đểu, đầy dã tâm và nham hiểm, sẽ chẳng làm gì được người chính trực. Thấy họ phẫn nộ, Chúa Giêsu thản nhiên “băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4:30). Chắc hẳn lúc đó bọn ác nhân muốn lộn ruột gan và phát điên lên được.
Ngày nay, những người mưu mô nham hiểm với người khác cũng vậy thôi. Loại người này ở đâu cũng có, chẳng trừ nơi nào, y như ma quỷ có mặt mọi nơi để rình rập người tốt vậy!
Lạy Thiên Chúa chí minh và chí thiện, xin giúp chúng con biết ghét chính mình, nhưng biết yêu thương mọi người, nhất là những con người vô danh tiểu tốt, những người bị xã hội ruồng bỏ, cô thân cô thế, và xin hoán cải tâm hồn chúng con nên giống Ngài theo đúng Tôn Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên-Chúa-Làm-Người và Đấng Cứu Độ của chúng con. Amen.
(Sưu tầm)
> Bài viết được đăng 24/4/2014
0 nhận xét:
Đăng nhận xét