Thơ ca Nguyễn Đình Thi- kháng chiến chống Pháp


BÀI THUYẾT TRÌNH
Môn: Văn học Việt Nam 1945 - 1975
Đề tài: Thơ Nguyễn Đình Thi trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp

Nhóm thực hiện: Nhóm 2 – Lớp 1
Giảng viên hướng dẫn: PGS.TS.Võ Văn Nhơn
                                                                          Ths. Nguyễn Thị Phương Thuý


***

1.      Tác giả Nguyễn Đình Thi
1.1.            Cuộc đời
Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003),  người nghệ sĩ tài hoa, là một nhà văn – triết gia, nhà văn – nghệ sĩ. Là thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sinh trưởng trong một gia đình thuộc tầng lớp tiểu tư sản, cha là một tri thức Tây học. Ông quê ở Hà Nội nhưng lại được sinh ra ở Luang Prabang (Lào). Cha của ông là một viên chức Sở bưu điện Đông Dương, từng sang làm việc ở Lào. Lên năm tuổi ông cùng bố mẹ trở về Việt Nam. Nhà thơ được cha dạy tiếng Pháp từ nhỏ nên rất thông thạo ngoại ngữ này. Từ nhỏ ông đã có những thiên bẩm về nghệ thuật như hát hay, làm thơ và cảm thu âm nhạc tốt. Được gia đình cho học trường Luật để ra làm quan nhưng mới năm nhất nhà thơ đã bị đuổi học vì tham gia phong trào học sinh, sinh viên. Năm 17 tuổi, Nguyễn Đình Thi lập gia đình với nữ sĩ Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga.
Từ nhỏ ông nổi tiếng là thông minh, ông học rất giỏi đặc biệt là môn Triết học. Mặc dù còn đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng ông đã viết một số cuốn sách như: "Triết học nhập môn" (1942), "Triết học Căng" (1942), "Triết học Nitsơ" (1942), "Triết học Anhxtanh" (1942), "Siêu hình học" (1942) và cùng một số người bạn học bí mật nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Có lẽ chính vì ông có duyên với Triết học nên sau này trong thơ ca của ông đậm chất triết lí.
Như đã nói thì ông không chỉ là một người nghệ sỹ mà ông còn là một nhà chính khách, một trong những cán bộ chủ chốt của Hội Văn hoá Cứu quốc. Là một trí thức yêu nước, Nguyễn Đình Thi đã sớm trở thành người chiến sĩ cách mạng trung kiên. Ông đã từng là đại diện của Việt Minh trong Đảng Dân chủ. Hai lần bị kẻ thù bắt, tra tấn, mua chuộc nhưng ông vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Tháng 7.1945, Nguyễn Đình Thi được đi dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào và được cử vào Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Từ đó cho đến cuối đời, Nguyễn Đình Thi liên tục đảm nhận những cương vị quan trọng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật: Tổng thư ký Hội Văn nghệ, Tổng thư ký Hội Nhà văn, Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam.
Trong Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà văn Nguyễn Đình Thi nhà thơ Hữu Thỉnh đã phát biểu và nhấn mạnh rằng:
Nhà văn Nguyễn Đình Thi đến với Văn chương từ chân trời Triết học. Ông là một người lao động chữ nghĩa miệt mài và nghiêm túc. Ở Nguyễn Đình Thi luôn hiện hữu song hành con người của cách mạng và nhà văn. Sự nghiệp Văn chương Nguyễn Đình Thi là sự nghiệp Văn chương tiền chiến với một hệ thống những tác phẩm mang đậm một cái tôi của con người hoạt động Cách mạng. Văn chương luôn kén chọn con người nhưng với nhà văn Nguyễn Đình Thi trong ông không chỉ ẩn hiện con người Văn chương mà ở ông còn có cả con người của âm nhạc sân khấu... Ông xứng đáng là một Nhà văn hóa tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh.[1]
1.2.      Sự nghiệp
Nguyễn Đình Thi là người hoạt động chính trị, đã từng là sĩ quan quân đội, nhưng nhắc đến ông là mọi người nghĩ đến một nghệ sĩ đa tài. Ông sáng tác nhạc, làm thơ, viết tiểu thuyết, kịch, tiểu luận phê bình. Ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp đáng trân trọng.
Thứ nhất, về thơ ca thì ông đã để lại cho kho tàng thơ ca khoảng 20 bài thơ. Thơ ông có một phong cách thơ riêng, độc đáo và hiện đại khác với những nhà thơ đương thời. Đọc thơ ông ta thấy được sự giản dị, phóng khoáng, tự do. Tuy nhiên sau cái sự phóng khoáng tự do ấy là những nỗi niềm chất chứa là tâm trạng là sự chiêm nghiệm của ông về con người, xã hội, đất nước. Suốt cả một đời thơ ông luôn nổ lực để đổi mới thơ ca, ta có thể thấy trong thơ của ông không câu nệ câu vần, thậm chí là những bài thơ không vần, nhưng nó vẫn giàu nhạc điệu. Và những cố gắng trong việc cách tân, đổi mới trong thơ ca của Nguyễn Đình Thi, đến bây giờ thế hệ các nhà thơ trẻ vẫn đang kế thừa và phát huy.
Thứ hai, về kịch nhiều nhà phê bình đã nhận xét về kịch của Nguyễn Đình Thi đa dạng, giàu chất thơ, giàu tính triết lý, tưởng tượng, đan xen hài hòa giữa cái thực và cái ảo khiến cho những tác phẩm của ông mang một dấu ấn riêng biệt, độc đáo. Kịch của ông không phải là những xung đột giữa con người với hoàn cảnh mà là xung đột giữa tư tưởng, hệ tư tưởng với nhau. Cũng giống thơ ca, với kịch Nguyễn Đình Thi cũng cố gắng có những cách tân, đổi mới nhằm mở rộng dung lượng sức chứa cũng như làm giàu thêm tính văn học, nâng cao tầm khái quát và chiều sâu triết lý của kịch. Nhiều vở kịch của ông đã để lại những dấu ấn khó phai trong lòng công chúng như: Con nai đen (1961), Hoa và Ngần (1975), Giấc mơ (1983), Rừng trúc (1978), Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979), Người đàn bà hóa đá (1980), Tiếng sóng (1980), Cái bóng trên tường  (1982), Trương Chi (1983), và Hòn Cuội (1983 - 1986).
Thứ ba, về văn xuôi. Chúng ta biết đến Nguyễn Đình Thi với vai trò là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhà lí luận… nhưng trước hết ông là một người chiến sỹ. Chính vì vậy mà những tác phẩm văn xuôi của ông luôn gắn liền với cuộc sống chiến đấu của những người chiến sĩ. Đặc biệt trong tác phẩm Xung kích – tiểu thuyết đầu tay thì ông đã tái hiện một cách sinh động cuộc chiến đấu của một đại đội xung kích trong chiến thắng trung du (1951). Bên cạnh đó một số tác phẩm như: "Thu đông năm nay" (1954), "Bên bờ sông Lô" (1957), "Vào lửa" (1966), "Mặt trận trên cao" (1967), đều là những tác phẩm mang tính thời sự nóng hổi về cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Những tác phẩm ấy đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân dân ta. Nhưng không phải vì thế mà nó mất đi giá trị văn chương đặc sắc, lâu dài.
Thứ tư, về lý luận, phê bình. Bên cạnh vai trò là một người chiến sỹ, một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch thì Nguyễn Đình Thi còn đóng vai trò là một nhà lý luận, phê bình với những những bài lý luận, phê bình sắc sảo với một phong cách rất riêng. Những bài phê bình của ông mang quan điểm văn nghệ Phát Xít. Đặc biệt tiểu luận "Nhận đường" của ông đã giúp thế hệ văn nghệ sĩ lúc bấy giờ tìm ra con đường đi đúng đắn. Trong tiểu luận “Nhận Đường” ông viết: “Văn nghệ phụng sự chiến đấu nhưng chính chiến đấu đem đến cho văn nghệ một sức sống mới, sắt lửa mặt trận đang đúc lên văn nghệ mới của chúng ta”.
Ngoài những vai trò nói trên thì Nguyễn Đình Thi còn đóng vai trò là một nhạc sĩ. Tuy số lượng tác phẩm ông để lại không nhiều nhưng một số bản nhạc đã đi vào lòng công chúng, trở thành một kiệt tác âm nhạc vào hàng hay nhất và lớn nhất của âm nhạc Việt Nam thế kỷ qua. Đó chính là bản nhạc “Một người Hà Nội”.
Nguyễn Đình Thi, một nhà Chính khách, một người nghệ sỹ đa tài, dù ở lĩnh vực nghệ thuật nào ông cũng để lại những tác phẩm xuất sắc, những tác phẩm có sức sống lâu bền, có ảnh hưởng sâu rộng, trở thành niềm tự hào của giới văn học – nghệ thuật nước nhà.
2.      Cảm hứng chủ đạo trong thơ Nguyễn Đình Thi
2.1. Tình yêu quê hương đất nước, tình đồng chí
Trong cuộc khánh chiến chống thực dân Pháp, đề tài về đất nước được các nhà văn, nhà thơ khai thác rất nhiều “Việt Bắc” của Tố Hữu, “Tây tiến” của Quang Dũng, “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, “Nhớ máu” của Trần Mai Ninh..., mỗi người một chất giọng nhưng đề tài chung vẫn là tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi cuộc kháng chiến khốc liệt nhưng oai hùng. Nguyễn Đình Thi cũng không nằm ngoài qui luật vận động chung ấy, trước cách mạng ông nói đến tinh thần đấu tranh của dân tộc một cách kín đáo qua một bài nghiên cứu ca dao, tục ngữ. Đến thời kỳ tiền khởi nghĩa ông say sưa hát lên “Diệt phát xít” mà cảm hứng chủ đạo là lòng căm thù cao độ bạn phát xít và lòng nhiệt tình đứng lên chiến tranh cứu nước. Trong những ngày kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp, cùng đi với bộ đội, cùng sống với nhân dân, những tình cảm suy nghĩ của ông về đất nước không sôi nổi bồng bột mà càng thấm sâu sắc, trầm tĩnh, dồi dào.
Ý thức dân tộc và lòng yêu nước đã được hình thành rất sớm ở Nguyễn Đình Thi và được biểu hiện sâu rộng ở nhiều phương diện trong đó có thơ ca. Đất nước vừa mang vẻ đẹp phóng khoáng của thiên nhiên giàu đẹp.

                                    Trời xanh đây là của chúng ta
                                    Núi rừng đây là của chúng ta
                                    Những cánh đồng thơm mát
                                    Những ngả đường bát ngát
                                    Những dòng sông đỏ mặng phù sa
                                                            (Đất nước)
Ở đây đất nước được quan niệm một cách cụ thể (trời, núi, rừng, con đường, dòng sông), ý thức con người đang đứng lên từng giờ, từng phút gìn giữ chủ quyền và lãnh thổ của mình.
Đất nước còn mang vẻ đẹp của một truyền thống chống giặc ngoại xâm.
                                    Nước chúng ta
                                    Nước những người chưa bao giờ khuất
                                    Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
                                                            (Đất nước)
Ngọn lửa cuộc kháng chiến như thắp sáng thêm cho ông lòng nhiệt thành của người thanh niên sôi nổi đầy nhiệt huyết khi đã thực sự lăn mình vào cuộc kháng chiến với tư cách một người chiến sĩ ông đã thấu hiểu những gian khổ trong cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc. Chính tình yêu nước mãnh liệt với đất nước đang bị xâm lăng đã làm cho đất nước trong ông hiện lên với truyền thống bất khuất “những buổi ngày xưa vọng nói về”.
Nhưng cũng không phải vì quá yêu đất nước mà ông cứ vẽ lên cho nước những màu sắc hào nhoáng. Với cái nhìn hiện thực, có trách nhiệm ông nhìn thấy nỗi đau xót trên đất nước mình do quân thù tàn phá.
                                    Quê hương biết mấy thân thương
                                    Bao nhiêu đời đã chịu nhiều đau thương
                                    Mặt người vất vả in sâu
                                    Gái trai cùng một áo nâu nhuộm bùn
                                                            (Bài thơ Hắc Hải)
Hay:
                                    Nước Việt Nam từ màu lửa
                                    Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
                                                            (Đất nước)
Đất nước quê hương ấy là đất nước của những người nghèo khó đang đấu tranh và đó là hiện thực để chúng ta cố gắng xây dựng cuộc đời mới. Mỗi khi nghĩ đến con người ông trân trọng nghĩ đến những vẻ đẹp chân chất, thật thà với cảnh đời thường, giản dị.
                                    Đất nghèo càng chắt chiu yêu quý
                                    Củ mài Yên Bái sắn Tuyên Quang
                                    Gian khổ đã nuôi lòng chiến sĩ
                                    Ta yêu bà mẹ Mán Cao Lan
                                                            (Quê hương Viêt Bắc)
Thiên nhiên trong thơ của Nguyễn Đình Thi không hề giống với thiên nhiên hùng vĩ nhưng thơ mộng như trong thiên nhiên Tây Bắc của Quang Dũng.
                                    Sài khao sương lấp đoàn quân mỏi
                                    Mường Lát hoa về trong đêm hơi
                                                            (Tây tiến, Quang Dũng)
Mà thiên nhiên của ông là một thiên nhiên “lộng lẫy”. Màu thời gian với thiên nhiên của Nguyễn Đình Thi như mước rửa ảnh, rất trong sáng, mạnh mẽ và không kém với bất kì thiên nhiên của một nhà thơ nào.
                                    Quê hương ta núi sông lộng lẫy
                                    Mỗi lần vùng dậy lại đẹp hơn
                                    Mỗi tất đất ngày đêm bóng rẫy
                                    Mỗi lòng như suối nước trong
                                                            (Quê hương Việt Bắc)
Rất ngắn gọn, súc tích, mạnh mẽ nó như nói lên quá trình đấu tranh lâu dài và lòng mong muốn thiết tha của người chiến sĩ từ khi ở Quê hương Việt Bắc”. Một điều đáng chú ý là Nguyễn Đình Thi nói đến đất nước thường gắn liền với thủ đô Hà Nội – thủ đô mà ông đã từng ca ngợi trong một bài hát gợi lên nhiều hình ảnh, nhiều cảnh như in sâu vào ký ức những chàng trai Hà Nội thưở ấy trong bài hát “Một người Hà Nội”. 
Khi nhận định về những trang viết của Nguyễn Đình Thi, Hoài Thanh cho rằng Nguyễn Đình Thi nhìn nhận cuộc sống từ nhiều bình diện, trong chiến đấu, nhất là trước yêu cầu cấp bách của chiến trường thời cuộc sẽ dễ thiên lệch một chiều:
Có những nhà thơ chỉ nói đến cái vui chiến đấu và chiến thắng, Nguyễn Đình Thi còn nói thêm những xót xa, mất mát và có lúc anh nhấn quá nhiều. Nhưng trái lại cần nói anh hiểu rõ cái giá chúng ta phải trả, hiểu rõ phẩm chất cao quý của đồng bào, đồng chí chúng ta, hiểu rõ hạnh phúc to lớn chúng ta đã giành được.
Trong bất kì cuộc đấu tranh, dù chính nghĩa hay phi nghĩ thì những hy sinh mất mát là điều không thể tránh khỏi. Đó là sự hy sinh thầm lặng của các anh nhưng tinh thần trong mỗi người lính lại bất khuất không gì tiêu diệt được.
                                    Các anh chết không tên
                                    Cho nước nhà sống mãi
                                    Tiếng hát các anh còn mãi
                                                            (Ai biết tên các anh)
Dù biết bước ra chiến trường là sẽ chết, là về với lòng đất mẹ, với cỏ cây đất nước, là mất đi cuộc đời thanh xuân tươi đẹp của đời người. Nhưng họ vẫn xông pha ra chiến trường, cùng nhau trải qua bao khó khăn như những người anh em. Cảnh tiễn đưa đồng đội ra pháp trường đến với “lưỡi lê” của thần chết  nhưng họ vẫn “mắt nhìn thẳng điềm nhiên”  một cách hiên ngang, bất khuất.
                                    Lưỡi lê tuốt trần hai bên
                                    Xuống ô tô các anh đi giữa
                                    Mắt nhìn thẳng điềm nhiên
                                                            (Ai biết tên các anh)
Bình tĩnh trước bạo lực của kẻ thù, tâm hồn cao thượng sáng rực đối lập thân thể tiều tụy trong cảnh đất nước các anh sắp vĩnh biệt, sự bình tĩnh không chỉ ở người mất mà chủ yếu trong tâm hồn những người sống, họ phải bỏ qua những đau thương ấy để mà bước tiếp.
Không những ngợi ca tình đồng chí, đồng đội trong nước mà ông còn nói lên tình đồng chí quốc tế. Họ chiến đấu bên nhau và chia sẻ với nhau những kỷ niệm vui, buồn cá nhân và cả nỗi đau mất mát của cả hai dân tộc khi cùng chung một kẻ thù.
                                    Anh lính Việt Nam mắt nao nao
                                    Nắm chặt tay anh bộ đội Lào
                                    Khoáng súng bên vai hai người bạn
                                    Mồ hôi đẫm áo vượt đèo cao
                                                            (Hai người chiến sĩ Việt Lào)
2.2. Tình cảm lứa đôi
Ngoài tình yêu quê hương, đất nước thì thơ ca Nguyễn Đình Thi còn thể hiện cả tình yêu lứa đôi. Nguyễn Đình Thi đã mạnh dạn sáng tạo đặt tình yêu nam nữ ngang với tình yêu đất nước. Đây là điều mà người ta không dám nói ra, nếu không có sự tự tin và thành thật:
                        Anh yêu em như anh yêu đất nước
                        Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần.
                                                            (Nhớ, 1954)
Câu thơ đã nói lên được tình yêu của nhân vật trữ tình là “anh” – người chiến sĩ. Nhân vật có ý thức chính trị sâu sắc, tuy không thật nhiều cảm xúc ướt át, nhưng lại chứa chan một tình cảm ngọt ngào ẩn sau sự nghiêm túc, trầm tĩnh khi so sánh tình yêu của nhân vật “anh” với nhân vật “em” ngang tầm với tình yêu đất nước. Đó là những “vất vả đau thương” và “tươi thắm vô ngần”. Lúc này, cảm hứng về tình yêu đã quyện lẫn với cảm hứng về Tổ quốc, tình yêu hòa với lý tưởng cách mạng.
Trong kháng chiến, người ta ít làm thơ về tình yêu vì họ nghĩ rằng tình yêu sẽ làm cho con người ta trở nên yếu đuối, mất tinh thần chiến đấu. Thế nhưng, người chiến sĩ vẫn chiến đấu và vẫn yêu, chiến tranh gay gắt làm bừng lên những bài ca yêu nước thì cũng không ngăn cản được những tình ca. Nguyễn Đình Thi đã làm cho kháng chiến và tình yêu trong thơ ca không đối lập nhau mà nhuần nhuyễn, hòa lẫn với nhau. Nhà thơ đã nhìn từ thực tại cuộc sống của mình, tin tưởng vững vàng vào cảm xúc của mình, đã mạnh dạn phản ánh những khía cạnh mới của tình yêu trong chiến đấu.
Nguyễn Đình Thi gắn tình yêu lứa đôi vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Đây chính là một nét nổi bật trong tình yêu nam nữ của nhà thơ. Hai người yêu nhau tha thiết những đau đớn tình yêu làm nên cảm xúc trong khung cảnh.
                        Mưa rơi ướt mái đầu
                        Mỗi đứa một khăn gói
                        Ngày nào lần gặp sau
                        Ngập ngừng không dám hỏi
                        Chuyến này chắc lại lâu
                        Đoàn thể gọi.
                                                (Không nói, 1948)
Đoạn thơ cho ta thấy hết sự sâu nặng của tình cảm, một sự kìm nén mạnh mẽ đến mức “ngập ngừng không dám hỏi”. Nhưng biết làm sao khi trong chiến tranh, chính đất nước cũng còn nhiều gian lao và đau thương, làm sao họ có thể vì tình yêu mà bỏ quên đất nước được.
Vì tình yêu gắn liền với nhiệm vụ nên chỗ hai người gặp nhau, khăng khít với nhau là phần lí tưởng. Có lẽ trong cuộc sống họ còn nhớ một đôi mắt, một bàn tay, một mái tóc, nhưng họ thấy nên nói nhất và dễ dàng bày tỏ tình cảm nhất trong thời loạn lạc vẫn là lí tưởng. Lí tưởng của người lính cầm súng, lí tưởng của những người đồng đội. Cho đến khi chia xa thì cái lí tưởng đồng đội bao trùm luôn cả tình yêu cá nhân trong mỗi con người họ. Họ trở nên đẹp hơn, một vẻ đẹp lí tưởng trong thời đại cách mạng.
                        Nào đồng chí – Bắt tay
                        Em
                        Bóng nhỏ
                        Đường lầy.
                                    (Không nói)
Tư tưởng tình yêu trong chiến tranh bắt gặp ở những người lính rất mới đó là: Chung một tấm lòng tin tưởng trong sáng. Trong sáng trong tình yêu lứa đôi, trong tình yêu đất nước và trong cả tình yêu với cách mạng. Họ gặp gỡ ngay trong lúc đang bận rộn chiến đấu, và nhớ nhau cũng ngay trong lúc chiến đấu bận rộn.
                        Anh đang tưởng thấy em bước vội
                        Tôi tìm em qua đêm lạnh xa xôi
                        Vào lán chật em nhìn anh mãi
                        Anh mừng trải bạt cho em ngồi
                        Giữa súng đạn ngổn ngang bờ núi
                        Đoàn quân nằm ngủ dưới mây trời
                        Thì thầm em nói em yêu quá
                        Các anh vất vả vì giống nòi.
                                    (Bài thơ viết cạnh đồn Tây)
Khi chia xa, mối quan hệ trong sáng và dễ dàng trao cho nhau trong khung cảnh ly biệt chính là mối quan hệ đồng chí – mối quan hệ của những người đồng đội với nhau. Họ chỉ dám bắt tay nhau chứ không dám trao những cái ôm siết chặt. Không dám vỡ oà những cảm xúc đến khi người yêu khuất dạng ở nơi cuối con đường, nơi cái bóng nhỏ mất dần trên con đường heo hút, lầy lội. Đó là những người yêu nhau nhưng lại không thể bộc lộ tất cả những nỗi niềm cho nhau. Họ cố gắng che giấu cảm xúc chân thực của mình để nhường bước cho kháng chiến của nước nhà.
Tất nhiên, không phải tình yêu của người chiến sĩ nào cũng có những buổi tiễn biệt người yêu mình như vậy. Trong một buổi chia tay khác, tình yêu và nhiệm vụ lại được “anh” nói đến. Chất thơ không vướng bận một chút ảm đạm thê lương mà rất khỏe khoắn.
                        Yêu em đời anh bừng sáng chói
                        Những sớm chiều dầu dãi gió sương
                        Những đêm băng mình trong đạn khói
                        Trên nhưng nẻo đường không biết mỏi
                        Anh mang em như ngọn đèn chiếu rọi
                        Như trái tim anh đập không ngừng.
                                                                        (Chia tay)
 Tình yêu làm cho người lính phấn khởi khi chia tay đi thực hiện nhiệm vụ. Đây không phải là sự xa cách trong tình cảm mà là sự xa cách không gian. Chính sự xa cách này đã giúp cho họ có thời gian bình tĩnh để hiểu tình yêu một cách sâu lắng, đúng đắn hơn.
                        Cách nghìn sông núi vẫn bên nhau
                        Em ơi đường chiến đấu dài lâu
                        Trong gian khổ vẫn chan hòa ánh sáng
                        Đời anh có em như ngày có nắng
                        Yêu em anh yêu cả mọi người.
                                                                        (Chia tay)
Đôi lúc cũng là sự mãnh liệt, thắm thiết trong tình yêu của Nguyễn Đình Thi được ông thể hiện thành công và rõ nét nhất trong bài thơ Nhớ:
                        Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
                        Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
                        Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
                        Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
                        Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
                        Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người.
Ngôi sao lấp lánh trong nỗi nhớ của người chiến sĩ khi người ta yêu nhau và kiêu hãnh làm người. Yêu nhau thắm thiết và trong sáng khi lý tưởng rọi sáng trên đầu khiến cho những người yêu nhau càng thêm tự hào vì lý tưởng làm con người chân chính đó.
Yêu xa là thế nhưng họ vẫn lạc quan, tin tưởng vào tình yêu dành cho nhau:
                        Đôi người yêu xa cách lại xa nhau
                        Yêu nhau nên họ xa nhau
                        Cho gần lại ngày mọi người đều sung sướng.
                                                (Chuyện hai người xa cách, 1945)
Đối với họ xa nhau không có nghĩa là sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa, và không ngừng hi vọng vào một tương lai tươi sáng:
                        Anh muốn em sung sướng suốt đời
                        Xa nhau hẹn ngày gặp lại.
                                                (Chia tay)
Tình yêu trong thơ Nguyễn Đình Thi rất trong sáng, là tình yêu trong xa cách, tình yêu lý tưởng, tình yêu của những người đã chín chắn và hầu như không có những giận hờn vu vơ mất thời gian. Thơ của ông thể hiện tư tưởng của ông, cách nhìn của ông về cuộc sống. Nhưng chính vì quá lí trí, cảm xúc như bị nén lại, chẹn lại, như chưa thể hiện ra được, đúng như lời nói thì thầm của người giàu tình cảm nhưng suy nghĩ nhiều mà lại ít nói.
2.3. Nghệ thuật
Thơ mới đã phá vỡ nhiều khuôn khổ ràng buộc với những quy phạm chặt chẽ của thể thơ cổ điển trước đây. Thơ mới đã có những bước những dài trong nền văn học Việt Nam, nó tạo ra một môi trường mới, một điều kiện mới cho người sáng tác. Cách thể hiện những tâm tư tình cảm trong đời sống cá nhân được khám phá một cách rộng rãi trong phong trào thơ mới trước đây. Đặc biệt là bộc lộ được cái tôi cá nhân của mỗi người. Ở một số nhà thơ mới, ngôn ngữ thơ ca của họ thường có xu hướng mỹ lệ hóa ngôn ngữ, từ ngữ trong thơ thường được trau chuốt rất cẩn thận như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… Nhưng khi bước sang giai đoạn kháng chiến thì những nhà thơ đã cùng hoà mình vào dòng nước kháng chiến. Và Nguyễn Đình Thi đã kịp bắt theo “nhịp thở” thơ ca của thời đại.

2.3.1. Về ngôn ngữ thơ
Nguyễn Đình Thi là một nhà thơ kháng chiến. Thơ của ông không sử dụng những lời lẽ mượt mà, trau chuốt, hay kiểu nhẹ nhàng, bay bổng mà nhà thơ sử dụng những từ ngữ thuần Việt, mộc mạc, tự nhiên và qua cách dùng từ trong bài thơ cho thấy Nguyễn Đình Thi là một người rất yêu dân tộc, yêu quê hương đất nước, yêu con người, yêu từ những cái lớn lao, cao cả đến những cái tầm thường, nhỏ bé nhưng lại gắn bó với người. Đó là thứ ngôn ngữ rõ ràng, đầy lý tính không hoành tráng nhưng vẫn đầy ý chí hào hùng của một người lính anh dũng:
                        Không sợ nguy hiểm
                        Sợ không biết nhìn thẳng vào nguy hiểm
                        Không sợ thiếu niềm tin
                        Sợ không nhận ra lẽ phải để tin…
                                                (Không sợ và sợ)
Thậm chí sử dụng nhiều những thán từ, những lời gọi, lời hỏi có tính chất khẩu ngữ:
                        Nào đồng chí – bắt tay
                        Em
                        Bóng nhỏ
                        Đường lầy…
                                    (Không nói)
 Việc đưa thơ về ngôn ngữ đời sống thường ngày không phải mới xuất hiện mà xuất hiện đã từ rất lâu. Thế nhưng, không phải đưa những lời ăn tiếng nói thường ngày vào văn chương mà đặc biệt là thơ mà thành công. Thế nhưng dưới bàn tay khéo léo của nhà thơ, nghệ thuật sử dụng ngôn từ được Nguyễn Đình Thi làm nó có thêm một phong cách mới. Ở nó không vướng một chút dung tục, không một chút tùy tiện mà nhà thơ đã có một sự lựa chọn thực sự nghiêm túc để ngôn ngữ trong thơ tuy đơn giản, mộc mạc nhưng vẫn len lỏi sâu vào hồn người.
2.3.2. Về thể loại trong thơ
      Trong những sáng tác thơ ca của mình, Nguyễn Đình Thi chủ động đi theo hướng sáng tác theo kiểu thơ không vần hay còn gọi là thể thơ tự do. Thời gian đầu kiểu thơ này gặp phải sự phản ứng gay gắt từ những người làm nghệ thuật. Ngô Tất Tố quan niệm rằng: “thơ phải có vần, thơ không có vần không gọi là thơ”. Nguyễn Đình Thi tuy không phủ nhận vai trò của vần nhưng vẫn kiên định ý kiến của mình “không phải hết vần là hết thơ... Không phải hễ thiếu võ khí này thì trận đánh nhất định thua, thiếu võ khí ấy trận đánh gay go hơn nhiều, nhưng người làm thơ vẫn có thể thắng” và ông còn quan niệm rằng “Khi làm thơ, thái độ của người làm thơ là ghi lại cảm xúc. Nếu gặp cảm xúc gặp vần thì hay. Nhưng gặp khi gò bó hãy vượt lên nó đã. Hình thức nghệ thuật phải tự thân nó ra”. Ông nỗ lực giải phóng thơ khỏi khuôn vần, chứng minh cho mọi người thấy rằng không cần có vần thơ vẫn mượt mà, vẫn trữ tình như thế. Mỗi bài thơ của ông là một sự sáng tạo rất đặc biệt, các thể thơ được ông sử dụng một cách nhuần nhuyễn và linh hoạt. Hầu như bài thơ nào cũng được ông sử dụng phối hợp đan xen nhiều thể thơ. Những câu thơ dài ngắn khác nhau, có những câu thơ chỉ có một chữ nhưng cũng có những câu thơ rất dài.
                        Bóng cờ bát ngát ngày vui, nước non reo cười, trên môi người cười
                        Tiếng cười
                        Ngày về
                         ( Người Hà Nội)
Hay có những câu thơ chỉ có một từ :
                        …Em
                        Bóng nhỏ
                        Ðường lầy…
                        (Không nói)
Dưới bàn tay tài hoa của Nguyễn Đình Thi thì kiểu thơ không vần vẫn tạo nên khúc nhạc truyền cảm trong mỗi bài thơ.
2.3.3. Về giọng điệu thơ
Tuy sáng tác theo kiểu thơ không vần nhưng thơ Nguyễn Đình Thi vẫn có được cái nhịp điệu của một bài thơ cần có. Ông thoát khỏi cái nhịp điệu đều đều thường thấy để đi tìm nhịp điệu bên trong, nhịp điệu của tâm hồn. Câu thơ của ông phóng khoáng tự do, không câu nệ vần nhưng vẫn giàu nhạc điệu. Mỗi bài thơ đều có chất nhạc riêng không lẫn được. Khi thì tâm hồn vui phơi phới âm thanh thường vang lên ở cung bậc cao:
                        Gió thổi rừng tre phấp phới
                        Trong biếc nói cười thiết tha
                                  (Đất nước)
Khi cảm xúc trầm buồn sâu lắng thơ ông tự tìm cho mình những thanh trầm buồn:
                        Tây Bắc rung mình nhớ người lính trẻ
                        Sông Đà gầm mãi không nguôi
                                  (Người tử sĩ)
Hay những lúc căm hờn uất nghẹn:
                        Ngoài phố ầm ầm lũ cướp
                        Bắt
                        Khám
                        Chăng dây
                        Miệng súng đen sì tua tủa…
                                    (Đêm sao)
Chính nhờ những tình cảm giàu chất trữ tình của một người lãng tử, tài hoa ẩn bên trong người lính hùng tráng đã để lại được những dòng cảm xúc lắng đọng trong lòng người mỗi khi ngâm thơ của Nguyễn Đình Thi.
2.3.4. Về hình tượng trong thơ
      Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, hình ảnh xuyên suốt trong thơ ca thời kì này chính là quê hương, đất nước. Không chỉ riêng nhà thơ Nguyễn Đình Thi mà tất cả những nhà thơ cách mạng thời kì này luôn lấy hình ảnh đất nước làm trung tâm. Nguyễn Đình Thi đã có hẳn một bài thơ mang tên là Đất nước để ca ngợi vẻ đẹp, sự hào hùng của đất nước ta. Đó là những hình ảnh vô cùng mộc mạc, thân thuộc với mỗi con người Việt Nam:
                        Trời xanh đây là của chúng ta
                        Núi rừng đây là của chúng ta
                        Những cánh đồng thơm ngát
                        Những ngả đường bát ngát
                        Những dòng sông đỏ nặng phù sa…
                                   (Đất nước)
Đến cả những bài thơ nói về tình cảm đôi lứa, Nguyễn Đình Thi cũng không sử dụng những hình ảnh quá cao xa, mỹ lệ. Ông chỉ sử dụng những “chất liệu” mà trước giờ vẫn hay xuất hiện trên những trang thơ, những trang tiểu thuyết nhưng khi đọc những câu thơ của nhà thơ Hà Nội tài hoa và lịch lãm này cứ ngỡ rằng như ông là người đầu tiên nhắc về nó:
                        Mắt em nhìn dịu dàng không nói
                        Mà nói với anh nhiều biết bao nhiêu
                        Nhìn mắt em lòng anh như lửa cháy
                        Máu anh rộn ràng như suối chảy
                        Long lanh ánh mặt trời…
                                    (Chia tay)
Ông quan niệm rằng: “người làm thơ phải để cho hình ảnh tự nói lên tình ý”. Tuy sống trong thời chiến, bị chiến tranh tác động đến tư tưởng nhưng cốt cách thanh lịch của một chàng trai Hà thành vẫn còn thấm sâu trong lối viết của ông khi nói về cảnh chia tay đầy tình cảm nhưng lại không bi luỵ, dạt dào cảm xúc nhưng lại không yếu mềm “tiểu tư sản”. Đó là tác phong hào hoa, lịch lãm và đầy mạnh mẽ của người lính cụ Hồ:
                        Người ra đi đầu không ngoảnh lại
                        Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…
                                      (Đất nước)
Hình ảnh trong thơ Nguyễn Đình Thi bên cạnh những hình ảnh khỏe khoắn, hùng dũng, chất phác tự nhiên nhưng cũng không kém phần tinh tế, uyển chuyển. Những yếu tố về ngôn ngữ, thể thơ, giọng điệu và hình ảnh trong thơ Nguyễn Đình Thi đôi lúc là phác những cử chỉ thanh lịch của người dân Hà Nội, đôi lúc lại đầy chí khí như cổ vũ cho người lính và đôi lúc không kém phần mộc mạc, chất phác tự nhiên. Người lính cụ Hồ đầy hào hoa, lịch lãm này đã thổi thêm một cái hồn mới mẽ cho thơ kháng chiến thông qua cách sử dụng ngôn ngữ điêu luyện.
3. Tổng kết    
Thơ ca Nguyễn Đình Thi thời kì kháng chiến chống Pháp đã đem lại cho thơ ca Cách mạng một âm hưởng mới với những cách tân đầy táo bạo. Không chỉ về nội dung mà còn cả hình thức nghệ thuật. Thơ ông luôn toát lên những tư tưởng mới của thời đại. Trong bối cảnh kháng chiến chống Pháp, thơ ông luôn mang cảm hứng về một đất nước kiên cường trong chiến tranh. Bên cạnh đó là tình yêu đôi lứa luôn hòa quyện với tình yêu Tổ quốc tạo nên một tinh thần tươi trẻ trong thơ phục vụ cho những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Nguyễn Đình Thi đã dung hòa được cá nhân và tập thể, cá nhân với cộng đồng, cái chung với cái riêng. Để thực hiện được những điều đó ông đã thực hiện một cuộc cách tân mang đầy tính sáng tạo. Thực tế phát triển của thơ ca Việt đã chứng minh những cách tân của ông về nghệ thuật thơ ca là hoàn toàn đúng đắn và hợp quy luật. Không thể phủ nhận những đóng góp mới lạ của ông cho thơ kháng chiến, và đặc biệt là có ảnh hưởng sâu sắc đến những nhà thơ sau này. Từ đó khẳng định vị trí Nguyễn Đình Thi trên thi đàn Việt Nam hiện đại như một nghệ sĩ tài hoa và tài năng.



TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Phan Cự Đệ (2007), Về một cuộc cách mạng trong thi ca: Phong trào thơ mới, NXB Giáo Dục, Hà Nội.
2.      Hà Minh Đức - Trần Khánh Thành (2007), Nguyễn Đình Thi về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo Dục, Hà Nội.
3.      Hà Minh Đức (giới thiệu) (2009), Nguyễn Đình Thi toàn tập tập II, NXB Văn học, Hà Nội.
4.      Thuyduongqn (2009), “Bàn về quan niệm thơ của Nguyễn Đình Thi”, http://blog.tamtay.vn/entry/view/551897/Ban-ve-quan-niem-tho-cua-Nguyen-Dinh-Thi.html.
5.      Thao Nguyễn (2013), Nguyễn Đình Thi Những dấu ấn tài hoa và lịch lãm, NXB Văn Hóa Thông Tin, Sài Gòn.
6.      Nhiều tác giả (2007), Tác giả trong nhà trường Nguyễn Đình Thi, NXB Văn Học, Hà Nội.
7.      Nguyễn Đình Thi toàn tập – tập II (2009), NXB Văn Học, Hà Nội.
8.      Nguyễn Đình Thi toàn tập – tập III (2009), NXB Văn Học, Hà Nội.
9.      Lại Nguyên Ân (2009), Mênh mông chật chội, NXB Tri Thức, Hà Nội.



[1] http://vanvn.net/news/33/3406-le-tuong-niem-10-nam-ngay-mat-nha-van-nguyen-dinh-thi.html, Bài, ảnh: Lê Xuân Hiệp - 26-04-2013 02:39:49 PM

* Bài thuyết trình nhóm:
1.      Lưu Thị Như Trang                      
2.      Trương Thị Quyên           
3.      Nguyễn Thị Quỳnh Như              
4.      Trần Lê Phương Trinh                 
5.      Phan Thị Kim Tuyến


> Bài viết được đăng 29/3/2014 
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét