Thế nào là tự do?


Chúng ta sẽ tìm hiểu: từ ngữ, bản chất, các thuộc tính của nó.

A. Từ ngữ: tự do - giải phóng

Tự do là một danh từ rất quen thuộc trong ngôn ngữ hằng ngày cũng như trong ngôn ngữ chính trị (Độc lập - Tự do - Hạnh phúc). Tuy nhiên, nếu chúng ta lật lại văn chương cổ điển Việt Nam (thí dụ tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh), có lẽ chúng ta sẽ không gặp thấy danh từ này. Tại sao vậy? Bởi vì danh từ “tự do” mới được du nhập vào tiếng Trung hoa vào đầu thế kỷ XX[1] để chuyển dịch danh từ liberté (tiếng Pháp) và freedom (tiếng Anh). Phải chăng như vậy là khái niệm tự do hoàn toàn xa lạ với tư tưởng Á đông? Không phải thế đâu! Văn hoá cổ truyền Á đông dùng những từ khác để diễn tả quan niệm “liberté”, chẳng hạn như: giải phóng, giải thoát, thoát ly. Trong trận chiến tranh Việt Nam, một lực lượng chính trị quân sự mang danh là “Mặt trận giải phóng” được dịch sang tiếng Pháp là “Front de la libération”. Thử hỏi: “tự do” và “giải phóng” có khác nhau không? Dưới khía cạnh từ ngữ, phải nhận là có sự khác biệt.



1/ “Tự do” là một từ ngữ Hán việt. “Tự” có nghĩa là chính mình (tự ý, tự quyết); “do” có nghĩa là nguồn gốc, căn nguyên bởi đâu mà ra (lý do, nguyên do). Như vậy, “tự do” có nghĩa là cái gì xuất phát từ mình: cái gì do tôi làm ra, căn do bởi mình[2] (chứ không bởi ai khác), nó mang tính cách tích cực.

2/ “Giải phóng” (giải thoát, thoát ly) gợi lên một ý tưởng tiêu cực, đó là đưa ra khỏi tình trạng ràng buộc, giam cầm.

Việc phân tích từ ngữ đã đưa tới hai khía cạnh trong khái niệm về tự do: tiêu cực và tích cực.

- Khía cạnh tiêu cực: tôi không bị gò bó, ràng buộc, cưỡng bách bởi một lực lượng bên ngoài.

- Khía cạnh tích cực: tôi tự ý chọn lựa, quyết định hành động.

Chúng ta nên ghi nhận cả hai khía cạnh khi theo dõi những cuộc tranh luận về bản chất của tự do.


B. Những quan điểm về tự do

Một câu hỏi thường được nêu lên: Con người có tự do không? Các ý kiến thường được xếp vào hai nhóm: có và không, và mỗi nhóm sẽ đưa ra những lý lẽ để biện minh cho quan điểm của mình. Thực ra câu hỏi này rất phức tạp, không những do những quan điểm khác nhau về tự do (phải chăng tự do có nghĩa là muốn làm gì làm?), nhưng còn vì những bối cảnh khác nhau của vấn đề: chính trị xã hội, tôn giáo, tâm lý. Chúng ta hãy lược qua lịch sử vấn đề[3].

1/ Thời cổ

Vào cổ thời, tự do không phải là một vấn đề đáng quan tâm, một phần do khung cảnh tôn giáo thời đó. Con người nhận thấy thân phận mình quá mong manh, và nghĩ rằng mọi cái đều do trời định, hay số mạng, hay tiền kiếp. Bên Hy-Lạp và Rôma, vấn đề tự do được đặt ra trong khung cảnh pháp luật xã hội: duy các công dân mới được hưởng quyền tự do; các nô lệ hoàn toàn tuỳ thuộc ông chủ. Điều này cũng có thể áp dụng cho mối tương quan giữa Đế quốc và các dân tộc bị chinh phục.

2/ Kitô giáo 

Kitô giáo đã mở ra một nhãn giới mới trong mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa: con người không phải là con quay bị ràng buộc bởi định mệnh, nhưng có tự do trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa[4]. Công phúc và tội lỗi là hệ quả của quyết định con người. Tuy nhiên, chính trong viễn ảnh của tương quan tự do ấy mà nhiều vấn nạn được đặt ra:

- Tại sao Thiên Chúa lại để cho con người lạm dụng tự do để phạm tội? Tại sao Thiên Chúa không ngăn chặn tội lỗi? Đó là vấn nạn của thánh Augustinô.

- Con người có thực sự hưởng tự do hay không, bởi vì Thiên Chúa đã đấng tạo dựng và quan phòng hết tất cả mọi sự từ A đến Z? Đó là vấn nạn của thánh Tôma Aquinô, và cũng là đầu mối cho cuộc tranh luận về tương quan giữa tự do và ân sủng đã nảy lên từ thời thánh Augustinô.

- Thần học kinh viện đôi khi cũng kéo dài cuộc tranh luận sang thế giới thần linh nữa: Thiên Chúa có toàn quyền tự do không? Phải chăng Thiên Chúa muốn làm gì cũng được? Một câu hỏi tương tự cũng được nêu lên cho các thiên thần: các thiên thần có thể phạm tội không? nếu các ngài không có khả năng phạm tội thì các ngài có tự do không? Bản chất của tự do là gì?


3/ Thời cận đại

Vào thời cận đại, các triết gia không bận tâm đến mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa nhưng họ chỉ chú trọng đến con người.

- Tự do được bàn trong viễn tượng của nhân học: con người có thực sự được tự do không, có thể kiểm soát làm chủ các khuynh hướng và đam mê không? Đó là câu hỏi của các nhà tâm-lý-học.

- Các chuyên gia chính trị và pháp luật tranh luận về tự do dưới bình diện khác: phải chăng con người bẩm sinh được tự do, muốn làm chi cũng được? Hay con người (cá nhân) chỉ là một bộ phận của xã hội, và chỉ được hưởng tự do trong mức độ mà xã hội (luật pháp nhà nước) ấn định? Khỏi nói ai cũng biết, những lá cờ cách mạng chính trị và xã hội đều được phất lên dưới chiêu bài tranh đấu tự do (hay giải phóng).


4/ Những ý kiến thuận - nghịch

Chính vì những bối cảnh khác nhau, cho nên các ý kiến phủ nhận hay chấp nhận tự do có thể mang nhiều hình dạng.

a) Nói chung, những ý kiến phủ nhận tự do được đặt tên là “thuyết tất định” (determinism), dưới nhiều lý lẽ và hình thức.

- Tất định siêu việt: con người bị điều khiển bởi số mệnh, bởi các quyền lực thần thiêng, bởi ý Chúa.

- Tất định sinh lý: con người bị chi phối bởi những xung động. Các hành vi tâm lý chỉ là phản ứng các kích thích.

- Tất định tâm lý: con người chịu điều khiển bởi nhận thức hoặc các bản năng.

- Tất định xã hội: con người bị ảnh hưởng bởi áp lực xã hội, truyền thống.

- Tất định chính trị: con người bị đè nén bởi quyền lực của nhà nước hay nhóm tài phiệt.

b) Những ý kiến khẳng định con người có tự do cũng hàm hồ không kém bởi vì những chủ trương khác nhau về tự do.

- Con người là hữu thể tự do, bởi vì nó cảm thấy phân vân do dự, không biết ngả theo hướng nào.

- Tự do nằm trong bản tính cao quý của con người: con người có quyền tự do định đoạt, muốn làm gì thì làm, không cần tuân theo luật lệ nào hết. Việc nhìn nhận Thiên Chúa sẽ hạn chế tự do của con người.


C. Thực chất của tự do

Qua việc trình bày lược sử cuộc tranh luận về tự do, chúng ta thấy có nhiều quan điểm khác nhau về tự do. Những người phủ nhận hay chấp nhận tự do thường chỉ bàn một khía cạnh nào đó của tự do mà thôi, chứ không nhìn tất cả mọi khía cạnh.

Thực vậy, nếu quan niệm rằng tự do có nghĩa là “muốn làm gì thì làm”, thì phải kết luận rằng chẳng có ai tự do hết, bởi vì chúng ta đâu có phải là Đấng Toàn năng?

Nói rằng “con người sinh ra đã mang bản tính tự do rồi” thì cũng không hoàn toàn đúng. Việc chúng ta ra chào đời không phải là chuyện tự do: chúng ta không được tham khảo ý kiến về việc có muốn ra đời hay không? muốn sinh ở đâu? muốn làm con ai? muốn thuộc giống nào (nam hay nữ)? Chúng ta cũng không được tham khảo ý kiến về bao nhiêu câu chuyện liên quan đến cuộc đời: muốn cao hay lùn? Muốn đẹp hay xấu? Muốn “đầu đội trời chân đạp đất”, hay là muốn ngược lại? Không những chúng ta không được hỏi ý kiến khi bước vào đời, chúng ta cũng không được tham khảo khi lìa đời (trừ khi tự tử)! Điều này cho thấy thân phận hữu hạn của con người! Hơn thế nữa, cho dù Thiên Chúa là Đấng Toàn năng đi nữa nhưng có những điều mà Ngài không thể làm được, chẳng hạn như Ngài không thể làm điều xấu, không thể tự tử được! Phải chăng Thiên Chúa cũng không có tự do? Xin thưa rằng câu trả lời tuỳ theo quan điểm về tự do: nếu hiểu tự do như là muốn làm gì thì làm, kể cả làm điều phi lý xấu xa thì quả là Thiên Chúa không có tự do; còn nếu hiểu tự do như là hành động theo chân lý thì Ngài là Đấng Tự do thượng hạng.

Từ những nhận xét vừa rồi, chúng ta cần chấp nhận rằng khi bàn về tự do, thì phải hiểu rằng tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, nhưng phải hiểu theo nghĩa là khả năng quyết định hợp với bản tính con người. Con người là một hữu thể có lý trí; vì thế cần phải hành động theo lý trí. Để hiểu rõ hơn, thiết tưởng nên phân tích tự do từ hai khía cạnh: a) dựa theo bản chất của ý chí; b) trong tương quan xã hội.

1/ Thánh Tôma Aquinô giải thích nguồn gốc của ý chí tự do như thế này[5]. Bản tính của ý chí của con người là gắn bó với điều Thiện (hạnh phúc), cũng như bản tính của lý trí là gắn bó với Chân lý (sự thật). Đứng trước chân lý, lý trí bắt buộc phải chấp nhận. Một thí dụ: 2 cộng với 2 bằng 4; đây là chân lý hiển minh mà lý trí phải chấp nhận; ai muốn nói khác đi (chẳng hạn 2 với 2 bằng 5) thì không chứng tỏ rằng mình tự do hơn, nhưng là người khùng. Một cách tương tự như vậy, ý chí con người bắt buộc phải chọn lựa yêu thích điều tốt; ai chọn làm điều xấu thì không chứng tỏ rằng mình là người tự do, nhưng là kẻ điên rồ. Tuy nhiên, trên đời này, không phải lúc nào chúng ta cũng biết được Chân lý tuyệt đối, cũng như không lúc nào chúng ta cũng gặp được điều Thiện tuyệt đối, vì thế chúng ta trải qua nhiều mò mẫm do dự. Duy chỉ có điều Thiện tuyệt đối (tức là Hạnh phúc vĩnh cửu) mới có sức thu hút hoàn toàn ý chí của ta, còn những điều thiện khác thì chỉ hấp dẫn một phần nào thôi (bởi vì chúng bất toàn). Vì thế ta phải lựa chọn: cái gì đưa ta đến điều Thiện tuyệt đối, và cái gì có thể làm cho ta mất hạnh phúc? Đó là tiêu chuẩn để phân định một hành vi tốt hay xấu: nó có dẫn tới hạnh phúc vĩnh cửu hay không. Từ đó, tự do được định nghĩa như là: “khả năng lựa chọn những phương tiện để đạt đến mục đích”[6].

Nói khác đi, tự do cần được đặt trong tương quan với chân lý. Con người thực sự là tự do khi quyết định sáng suốt, phù hợp với điều ngay lẽ phải. Thực ra không ai chọn lựa cái xấu; duy có điều là họ đã bị thu hút bởi điều mà họ nghĩ là tốt, nhưng kỳ thực là xấu. Ta có thể lấy thí dụ của anh nghiện rượu: anh thích uống rượu vì thấy nó tốt đối với mình; nhưng anh quên rằng rượu làm hại sức khỏe của anh. Từ đó, ta thấy sự cần thiết của việc huấn luyện để biết sử dụng tự do đúng đắn, không bị thúc bách bởi đam mê hoặc dốt nát.

2/ Trong tương quan với xã hội, tự do được hiểu về “khả năng hành động mà không bị cưỡng bách” bởi áp lực từ bên ngoài, chẳng hạn: tự do đi lại (không bị cùm chân), tự do hoạt động (không bị công lực ngăn cấm). Đây là một yêu sách của phẩm giá con người. Dưới khía cạnh này, tự do có thể bị giới hạn từ hai nguyên nhân: a) bị cưỡng bách phải hành động; b) bị ngăn cản không được hành động.


D. Phân loại

Qua việc trình bày bản chất của tự do, phần nào chúng tôi đã phác họa các cấp độ của tự do. Tự do có thể được phân loại dựa trên hai hành vi căn bản là “quyết định” (muốn) và “hành động” (làm).

1/ Tự do chọn lựa quyết định (libertas arbitrii, liberum arbitrium). Nó mang tính cách nội tại, ở bên trong chủ thể. Sự quyết định này mang hai dạng:

a) thực hiện (libertas exercitii): muốn hay không muốn;

b) định loại (libertas specificationis): muốn làm cái này hay làm cái kia.

Dưới khía cạnh luân lý, thánh Tôma Aquinô (De veritate q.22,a.6) còn thêm một dạng thứ ba được đặt tên là tự do tương phản (libertas contrarietatis): chọn làm điều tốt hay làm điều xấu. Sự lựa chọn này mang theo trách nhiệm trước lương tâm.

2/ Tự do hành động, xảy ra bên ngoài chủ thể. Nó đòi hỏi sự thong dong, không bị cưỡng bách (libertas a coactione). Nó mang nhiều hình dạng.

- Tự do thể lý: có thể di chuyển và hành động, không bị trói buộc (cùm xích) hay ngăn chặn (tường rào).

- Tự do công dân: trong khung cảnh của cộng đoàn chính trị, người công dân có thể hành động mà không bị luật pháp cấm đoán. Người ta cũng nói đến “tự do chính trị”, nghĩa là quyền có thể tham gia vào việc điều khiển cộng đoàn (trái lại với các chế độ độc tài). Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong chương Bảy cuốn TLHTXH, khi nói đến nhân quyền và dân quyền.

- Tự do xã hội: không bị ràng buộc bởi luật lệ hay phong tục xã hội.

- Tự do luân lý: không bị ràng buộc bởi nghĩa vụ bổn phận, không bị áp lực của đe dọa, hình phạt, phần thưởng.


E. Tự do và trách nhiệm

Tự do không chỉ là đề tài nghiên cứu của tâm lý nhưng còn là đề mục căn bản của thần học luân lý7. Thực vậy, chính nhờ tự do mà con người biểu lộ chính mình, qua những hành vi mà mình nắm phần chủ động.

Thực vậy, như đã nói trên đây, có những chuyện trên đời mà ta không có quyền lựa chọn: tôi không thể lựa chọn cha mẹ tôi, giờ sinh ra đời, nơi sinh, giới tính. Ngay cả trong đời sống hằng ngày, có bao nhiêu chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát của tôi: thí dụ các hoạt động tiêu hóa, tuần hoàn. Từ nhận định sơ khởi như vậy, luân lý đã phân biệt giữa các “hoạt động của con người” (actus hominis) và “hành vi nhân linh” (actus humanus). “Hoạt động của con người” là những chuyện xảy ra trong con người của tôi, còn “hành vi nhân linh” là những chuyện do tôi chủ động. Ta có thể lấy một thí dụ từ việc ăn uống dinh dưỡng. Tôi có thể quyết định ăn hay không ăn, ăn nhiều hay ăn ít, hay món này hay ăn món kia; đó là hành vi nhân linh. Nhưng một khi đã nhai và nuốt qua cuống họng rồi thì tôi không thể theo dõi các sinh hoạt trong bao tử, ruột non, ruột già: nếu không may xảy ra chuyện đau bụng khó tiêu thì tôi đành phải chấp nhận thôi!

Sự phân biệt này đưa đến nhiều hệ luận

1/ Hành vi nhân linh được thực hiện do ý chí (voluntas), vì thế cũng gọi là hành vi “tự ý” (voluntarius), đối lại với những hành vi “trái ý” (hay “nghịch ý”: involuntarius) làm vì miễn cưỡng hoặc bó buộc, cũng như đối lại với “ngoài ý”, xảy ra ngoài ý muốn.

2/ Hành vi nhân linh mang theo trách nhiệm: bởi vì tôi chủ động các hành vi cho nên tôi chịu trách nhiệm về chúng. Nói tổng quát, hành vi mang tính cách “tốt” hay “xấu”, đáng công hay đáng tội.

3/ Trên thực tế, khi hành động, vấn đề được đặt ra không phải chỉ là: “tôi có tự do hay không?”, nhưng còn là: “tôi có tự do đến đâu?”. Thực vậy, quyết định tự do của tôi có thể gặp nhiều giới hạn, từ bên ngoài và từ bên trong.

a) Từ bên ngoài, tự do gặp phải những giới hạn vật lý (vũ lực, bạo hành, cưỡng bách) hoặc tâm lý (áp lực xã hội, phong tục, tập quán, văn hoá).

b) Từ bên trong: quyết định tự do có thể bị hạn chế về phía nhận thức (thiếu hiểu biết vì u mê, dốt nát, ngộ nhận), hoặc về phía cảm xúc (bị khống chế bởi đam mê, sợ hãi, vv).

4/ Tự do: bẩm sinh và luyện tập

Tự do là một đặc tính cao quý của con người. Dưới một phương diện nào đó, ta có thể quả quyết được rằng “con người sinh ra đã có tự do”, theo nghĩa là nó có khả năng lựa chọn (khác với thú vật). Dưới một phương diện khác, con người cần được huấn luyện để được tự do, nghĩa là để sử dụng tự do cách đúng đắn. Có người lầm tưởng rằng tự do có nghĩa là tha hồ muốn làm gì cũng được, nhưng họ không ngờ rằng đó là quan niệm sai lệch về tự do. Chúng ta lấy một thí dụ: cái anh chàng say rượu hay nghiện xì ke xem ra rất tự do, bởi vì anh không còn coi trời đất ra gì nữa, và anh có thể tha hồ ăn nói đập phá. Nhưng anh không ngờ rằng anh mất cái tự do căn bản nhất, đó là anh không thể chống lại cái tật nghiện rượu hay nghiện thuốc của anh: khi cơn ghiền nổi lên thì anh không thể cưỡng lại. Thế thì anh đâu có còn tự do nữa? Vì thế tự do có thể ví như một số vốn được trao cho chúng ta: nó không bất di bất dịch, nhưng mà có thể tăng, có thể giảm và cũng có thể mất tiêu luôn. Tự do có thể tăng lên khi mà chúng ta hành động theo “lý do tự mình” hơn, nghĩa là khi chúng ta càng làm chủ mình hơn, khi mà chúng ta hành động theo lý lẽ suy tính chứ không chiều theo những dụ dỗ hay đam mê. Tiếc rằng ít ai đạt tới điều đó. Thánh Phaolô cũng đã từng thốt lên: “tôi thấy điều tốt, tôi đã chấp nhận nó, nhưng rồi tôi lại đi làm cái điều xấu mà tôi không muốn” (Rom 7,19)!

Để kết luận, ta có thể trưng dẫn số 1731 của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo bàn về bản chất và phẩm giá của tự do:

Tự do là khả năng bắt nguồn từ lý trí và ý chí, để hành động hoặc không hành động, làm cái này hoặc làm cái kia, nhờ đó con người có thể thực hiện những hành vi có ý thức. Nhờ có ý chí tự do, con người tự quyết định về bản thân. Tự do trong con người là một sức mạnh để tăng trưởng và trưởng thành trong chân lý và sự tốt lành. Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi nó quy hướng về Thiên Chúa là diễm phúc của chúng ta.

-----------------------------------------------------------

1 Erwin Schawe, “Dz-you: quelques remarques sur la compréhension chinoise de liberté” in: AA.VV., Autonomie. Dimensions éthiques de la liberté, Fribourg 1978, p.71-84.
2 Bên Tây phương, thánh Tôma (Ad II Cor., III, III, n. 112) cũng định nghĩa tự do như là “nguyên nhân tự mình” (causa sui).
3 B. Mondin, L’uomo: chi è?, Massimo, Milano 1975, p.120-127.
4 Thánh Phaolô bàn đến tự do như một thành quả của công trình cứu chuộc của Đức Kitô (Gl 5,1). Chúng ta được giải thoát khỏi nô lệ của tội lỗi và sự chết (Rm 8,2), và được hưởng tự do của con cái Chúa (xc. Gl 4,6; 5,13; 2Cr 3,13)
5 Xc. Summa Theologica, I-II, q.13, aa.3-6.
6  “Vis electiva mediorum servato ordine finis”. Summa Theologica I, 83, 4.
7 Xc Sách GLCG số 1731-1738.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Nguồn tin: Học Viện Đaminh

> Bài viết được đăng 26/3/2014
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét