TD- Những khát vọng, ẩn ức và mặc cảm trong tác phẩm Con cú mù- Sadegh Hedayat

> Phê bình Phân tâm học


     Phân tâm học ra đời cách đây từ rất lâu, do Sigmund Freud khởi xướng vốn để nghiên cứu và điều trị bệnh tâm thần. Nhưng đến thế kỉ XX thì Phân tâm học được ứng dụng nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có Văn học và nghệ thuật. Cái “vô thức” là sản phẩm vô cùng có giá trị của Phân tâm học, nó đã gợi mở và tiếp cận phần nào những gì sâu kín nhất của con người. Từ đó ta giải mã những ẩn ức, mặc cảm, khám phá những giấc mơ có trong từng cá thể và mỗi nhân vật được xem là một ca “giải phẫu tâm lý” qua nhiều tác phẩm. Một trong những tác phẩm đó là Con cú mù- Sadegh Hedayat là kiệt tác của văn học Iran thế kỉ XX. Sadegh Hedayat đã kể một câu chuyện đầy bí ẩn và siêu thực, bóng tối và cái chết,… dường như đáp ứng đẩy đủ những gì có trong Phân tâm học. Quả thật Con cú mù là tác phẩm đáng để đọc với những ai đang đam mê, tìm tòi và muốn nghiên cứu Phân tâm học.

     Con cú mù kể về nhân vật chính làm nghề họa sĩ trang trí hộp đựng bút, cũng là người kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Anh ta viết ra tất cả chỉ là như để tự thú với cái bóng của chính mình với hình hài như “con cú mù”. Nhân vật xuất hiện với nỗi ám ảnh, luôn điên cuồng tìm kiếm dấu vết của nàng thiên nữ cầm đóa hoa triêu nhan và một ông lão kỳ dị. Tất cả diễn ra kỳ lạ đầy ảo giác và ma mị và rồi nàng bất ngờ đến với anh ta trong thinh lặng, liền theo đó là cái chết không rõ nguyên do. Nhân vật tôi cố gắng xóa nhòa dấu vết của cái chết đó và sau đó công việc của anh ta làm bây giờ là viết, viết ra như muốn giải thoát chính mình “điều duy nhất khiến tôi viết là nhu cầu, một nhu cầu không thể cưỡng lại, vào lúc này nó cấp bách hơn bao giờ hết”(trang 56). Viết ra như nỗ lực tìm lại những hồi ức về những quãng đời đã mất hay là sự tự truy vấn về bản chất sự tồn tại của bản thân, người đọc nhận ra rằng anh ta đang tự thú cho tội giết người đã phạm.

1. Sự trổi dậy từ bản năng tính dục
     Có thể nói, sự say sưa và mê đắm về một thiên nữ ngay lần đầu tiên thấy qua một hốc tường, đã làm anh chàng họa sĩ phải tương tư và mộng tưởng về vẻ đẹp quyến rũ và đầy ma lực “Gần như tôi nhìn ngắm thân hình cao và mảnh dẻ của nàng, với những đường nét hài hòa của bờ vai, cánh tay, ngực, eo, mông và đôi chân, thì như thể nàng tach khỏi vòng tay phối ngẫu của nàng, như một nữ mê thảo bị bứt lìa khỏi bạn đời.”(trang 19) .Sự việc kì ảo đó đã làm bừng tỉnh một tâm hồn tưởng như chết liệm không còn là một con người thực thụ, làm hồi phục thể xác đang quằn quại những căn bệnh hiểm nghèo. Vốn anh ta tồn tại và cảm nhận cuộc sống chỉ bằng những cơn mê và mộng ảo từ nha phiến đem lại. Thế nhưng mọi chuyện đã khác, khi bản năng con người trong anh ta bắt đầu trổi dậy “Tôi cởi quần áo rồi nằm xuống cạnh nàng trên giường. Chúng tôi kết vào nhau như loài mê thảo đực và cái.”(trang 29, 30). Ta thấy ở nhân vật chính có sự sung lực và ham muốn tình dục đến đỉnh điểm cùng với cô thiên nữ mà anh ta chờ đợi như thể sự ham muốn đó là sự dồn nén từ rất lâu. Tuy đã có vợ nhưng vợ anh không làm thỏa mãn cơn “dục tình” của mình “Tôi biết một điều: người đàn bà này, con đĩ, mụ phù thủy này, đã trót vào linh hồn tôi, vào đời tôi, một loài độc dược khiên tôi ham muốn những phân tử của thân thể ả, chúng thét đòi dục vọng của chúng”(trang 72). Điều này như có sự đồng điệu từ cái xung năng tính dục (Libido) của Freud, một năng lượng tình dục nằm trong vùng vô thức của từng cá thể. Những khát vọng ham muốn tình dục xuất phát từ bản năng sinh tồn, bản năng tính dục của nhân vật tôi. Nhân vật chính đã quá đổi say mê “người tình thiên nữ” của mình và xem như một loài kí sinh bám vào người khác để sinh tồn xuất phát từ một tình yêu mộng ảo, một tình yêu với cái xác vô hồn “Chừng nào nàng còn sống, chừng nào đôi mắt nàng tràn trề sự sống, tôi còn chịu cực hình vì nhớ tới đôi mắt nàng […] Giờ đây trong căn phòng này, nàng dâng cả hình và bóng nàng cho tôi. Một hồn phách mong manh, chống tàn... rồi đi vào thế giới của những hình ma bóng quế lang thang và tôi cảm thấy như thể nó mang theo hồn phách tôi.”(trang 30). Anh ta bày tỏ tình yêu, sự ham muốn với “tình trong mộng” đến đâu thì như thể nói lên sự “ngược đãi”, vô tình dẫn đến cái vô cảm đáng sợ từ “con đĩ” mà anh ta luôn mong muốn và khao khát mãnh liệt. Những chi tiết như “ngày thứ 13 tháng Farvadi”, “đôi mắt thổ xếch”, “cặp lông mày mảnh mai và giao nhau”, “miệng nàng có vị cay và đắng như cuống quả dưa chuột”,… đang hiện lên trước mắt nhân vật chính trên hình hài của thiên nữ. Nhưng anh ta có nhận ra đó là sự lập lại, một sự rập khuôn đúng nghĩa chính xác là ngày kỉ niệm và những chi tiết đó chính là vợ của mình mà anh ta thường gọi là “con đĩ”. Sự tổn thương, đau khổ trong quá khứ mà anh ta nhận được từ tuổi thơ, gia đình, đặc biệt là người vợ mà anh luôn khinh bỉ là quá lớn. Tất cả như là một ngọn đuốc để thiêu trụi tâm hồn anh, một màn đêm dày đặc đến nổi dồn anh ta phải rơi xuống vực của sự cô độc và tuyệt vọng. Như là một bản năng sinh tồn, khao khát được thỏa mãn tính dục gắn với nhu cầu yêu thương đó là cái ẩn ức bên trong tinh thần của nhân vật tôi.


2. Bản năng chết (Thatanos) có trong nhân vật tôi

     Ám ảnh về sự cô độc và cái chết được xuất hiện xuyên suốt trong tác phẩm. Đối diện căn phòng với bốn bức tường, những cảm xúc không thể giải tỏa tất cả dẫn đưa nhân vật chính đi vào một ngõ cục, một sự tuyệt vọng thật sự “Như thể những đau đớn đã hành hạ tôi vẫn còn chưa đủ, cuối cùng cũng trở nên kiệt sức, như một cái xác sống, tôi bỏ bê mọi hoạt động và giam mình trong nhà”(trang73). Những ao ước, khao khát được chết, những hình ảnh đen tối và u uẩn xuất hiện tần số cao dày đặc và anh ta muốn chấm dứt cuộc đời mình. Nó gắng với một cái chết ảm đạm và vô vọng “chỉ có cái chết là không nói dối”, đó là sự ám ảnh về quá khứ, một ám ảnh của sự cô độc như là dấu ấn đeo bám nhân vật tôi. Mong muốn tìm kiếm bản ngã của chính mình, giữa bản năng sống là tình dục, đói khát và bản năng chết. Đó là khao khát được yêu thương nhưng cũng là nhu cầu sự hủy diệt và chấm dứt cuộc sống. Anh ta xem căn phòng mình như những nấm mồ, như thể sống mà đã chết “Tôi cảm thấy toàn bộ cuộc đời mình đã trôi qua không có mục đích, không ý nghĩa như những cái bóng cái bóng chập chờn trên bức tường nhà tắm”(trang 109). Bản năng chết (thatanos) là biểu hiện tiêu cực, nó làm phá hủy sự sống như là một trạng thái phản kháng, tự hủy diệt chính mình qua những điên cuồng và hành hạ thân xác. Nhân vật tôi là minh chứng sinh động, cái chết đã đeo bám và quanh quẩn trong tâm trí anh ta như muốn giải thoát chính mình. Nơi mà căn phòng là những nấm mồ và cái giường anh ta nằm là cái quan tài chờ sẵn“cái chết lầm bầm bài ca của nó trong tai tôi như một người cà lăm phải lặp đi lặp lại từng chữ và phải đọc một hàng chữ nhiều lần. Bài ca của nó xâm nhập vào thịt tôi như tiêng rền rĩ của cái cưa”(trang 128). Giờ đây anh ta đối diện với cái bóng và tự vấn chính mình về hành động giết “con đĩ”, nói cách khác như là một lời ngụy biện cho tội lỗi giết vợ mà anh ta từng ham muốn và khao khát. Cái bóng, cái bóng với hình hài là con cú mèo đã làm nhân vật tôi cảm thấy có sự cảm thông, sẻ chia nhưng cũng là xuất phát nổi sợ, ám ảnh về tội lỗi của chính mình“Cái bóng của tôi trên tường giống hệt một con cú, khom người đến, đọc châm chú từng chữ tôi viết ra. Chắc chắn nó hiểu hết. Chỉ có nó hiểu. Khi tôi nhìn cái bóng mình từ khóe mắt, nó làm tôi kinh sợ”(trang 128). Sự mâu thuẫn và đấu tranh trong tâm thần đã làm “bài ca sự chết” ngày một cao trào và mãnh liệt hơn bao giờ hết. Như thể bài ca đó không bao giờ kết thúc và được giải thoát “tôi cảm thấy sức nặng cái xác chết người đàn bà đè lên ngực mình…”(trang 134).



     Có thể nói, tác phẩm Con cú mù làm ta choáng ngộp bởi sự cô độc và cái chết. Nó gợi cho ta nhiều suy nghĩ giữa thực và ảo, giữa cái tồn tại và ý nghĩa cuộc sống. Sự thành công của tác phẩm không phải lập lại hình tượng con cú mèo đã có từ lâu trong văn hóa Ả Rập, nhưng chính là nổi bật bởi bút pháp siêu thực của Sadegh Hedayat. Con cú mù là tác phẩm đặc biệt trong bối cảnh văn học hiện đại, như nhà văn Breton đã nhận xét “Nếu có một điều như là kiệt tác, thì Con cú mù chính là nó đấy” (theo Nhật Chiêu trang 137)


TP. Hồ Chí Minh ngày 11 tháng 01 năm 2014
---Nguyễn Tuấn Dũng ---

>>> Chú thích: bài viết được đọc và trích dẫn từ Con cú mù- Sadegh Hedayat, do Hà Vũ Trọng dịch, NXB Hội Nhà Văn, năm 2012.
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét