Trường Đại học Khoa học Xã hội &
Nhân văn
Khoa Văn học & Ngôn ngữ
Những quan điểm nghệ thuật mới trong tiểu luận "Nhận Đường" của
Nguyễn Đình Thi
Mục lục
I.
Nguyễn Đình Thi và tiểu luận Nhận
đường
1.
Cuộc
đời
2.
Sự
nghiệp
3.
Xuất
xứ tác phẩm
4.
Ý
nghĩa nhan đề
II.
Cái mới trong quan điểm nghệ thuật của
tiểu luận Nhận đường
1.
Về
nhiệm vụ của văn nghệ trong kháng chiến
2.
Về
vai trò của văn nghệ đối với đời sống mới
3.
Về
trách nhiệm của người cầm bút
4.
Hướng
đi của văn nghệ trong chặng đường sắp tới
III. Tổng kết
Tài liệu tham khảo
***
I.
Nguyễn Đình Thi và tiểu luận Nhận đường
1.
Cuộc đời
Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20 tháng 12 năm 1924 ở Luông Pha Băng (Lào).
Tuy nhiên nguyên quán của ông ở làng Vũ Thạch, hiện nay là phố Bà Triệu, thuộc
địa phận phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cha ông là một viên chức Sở
Bưu điện Đông Dương, từng sang làm việc ở Lào.
Nguyễn Đình Thi giác ngộ lý tưởng cách mạng từ rất sớm. Những năm 1940,
ông tham gia Tổ Văn hóa Cứu quốc, khi đó ông mới 16 tuổi. Năm 1954 ông tham dự
Hội nghị Quốc dân Tân Trào, sau đó được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa
1 sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký hội Văn hóa Cứu quốc.
Không
những tích cực hoạt động cách mạng, Nguyễn Đình Thi còn là một người nghệ sĩ đa
tài, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ,
soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình. Ông thuộc thế hệ các nghệ sĩ trưởng
thành trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1996, ông được nhà nước phong tặng giải
thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I.
Sau năm 1954 ông
tham gia công tác quản lý văn học nghệ thuật. Từ năm 1958 đến năm 1989 làm Tổng
Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1995, ông là Chỉ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên
hiệp các Hội Văn học nghệ thuật.
Cuộc đời hoạt động
cách mạng của Nguyễn Đình Thi song hành với đời văn nghệ, có lẽ vì thế mà ông có những quan
điểm nghệ thuật mới về nhiệm vụ, vai trò cũng như sức ảnh hưởng to lớn mà nghệ
thuật mang lại cho đời sống tinh thần của quân dân ta trong cuộc kháng chiến.
Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 2003,
tại Hà Nội.
2.
Sự nghiệp
Thơ Nguyễn Đình
Thi dạt dào cảm hứng yêu
thương sâu lắng về đất nước. Nhờ tài năng và bản lĩnh sáng tạo, Nguyễn Đình Thi
có một phong cách thơ riêng, độc đáo và hiện đại: Người chiến sĩ, bài thơ
Hắc Hải, Đất nước,...
Về văn xuôi, các tác phẩm của Nguyễn Đình Thi là sự phản
ánh kịp thời các cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta: Xung kích (1951),
Bên bờ sông Lô (1957),..
Không chỉ
là một nhà thơ, nhà văn, Nguyễn Đình Thi còn là tác giả của nhiều vở kịch, nhạc
phẩm: kịch Con nai đen (1961), ca khúc Người Hà Nội (1947), Diệt
phát xít(1945). Đồng thời, ông còn là một cây bút lý luận phê bình văn học
sắc sảo và có phong cách riêng. Ông viết nhiều tiểu luận tiến bộ dưới ảnh hưởng
của quan điểm văn nghệ mác xít: Mấy vấn đề văn học (1956), công việc
của người viết tiêu thuyết (1964).
3. Xuất xứ tác phẩm
Văn bản Nhận đường được Nguyễn Đình
Thi viết năm 1948 - trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và có
vai trò quan trọng trong việc định hướng sự phát triển của văn học suốt những
giai đoạn sau.
Nhận
đường được
in trên tạp chí Văn Nghệ số đầu tiên, xuất bản vào tháng 03-1948.
4. Ý nghĩa nhan đề
Nhận đường có nghĩa là nhận ra con đường mới
đúng đắn hơn, đồng thời với nó là sự phủ định, bác bỏ chân lí cũ đã lạc hậu, bảo
thủ và không phù hợp với hoàn cảnh – lịch sử, xã hội bấy giờ.
Nguyễn
Đình Thi viết tiểu luận này năm 1948. Đây là thời điểm mang ý nghĩa lịch sử
quan trọng với cả dân tộc, Đất nước đang trong cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp gian khổ mà anh dũng. Trước tình hình đó, giới nghệ sĩ nói chung và đặc biệt
lả các nhà văn, nhà thơ nói riêng, cẩn nhìn lại quan điểm nghệ thuật. Khuynh hướng
sáng tác của mình cho phù hợp hoàn cảnh lịch sử dân tộc. Người nghệ sĩ cần đem
tác phẩm của mình phục vụ nhân dân, phục vụ cho công cuộc đấu tranh vĩ đại của
dân tộc. Cùng với đó là thái độ phủ định đối với quan niệm nghệ thuật xưa,
không phù hợp với nhu cầu lịch sử của dân tộc.
II. Cái mới trong quan điểm nghệ
thuật của tiểu luận Nhận đường
1.
Về
nhiệm vụ của văn nghệ trong kháng chiến.
Nhận đường là một thái độ, một sự lựa chọn dứt khoát của văn nghệ sĩ Việt Nam đối với
cách mạng và kháng chiến. Cũng giống như tinh thần chính của đa số tác phẩm
trong thời kỳ này, Nhận đường của Nguyễn Đình Thi đã thể hiện tốt vai
trò của mình khi khái quát một cách rõ ràng vai trò của văn nghệ là “vũ khí chiến
đấu” chống quân thù.
Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Đình Thi đã nêu bật được nhiệm vụ
quan trọng của văn nghệ trong thời kháng chiến, đó là “mỗi sáng tác là một
viên đạn bắn vào đầu kẻ thù”. Tác giả đã sử dụng sự liên tưởng vô cùng đặc sắc
khi dùng hình ảnh viên đạn bắn vào đầu kẻ thù để nói lên sức mạnh của văn nghệ.
Một viên đạn bắn ra có thể làm tổn thương bất cứ ai, cũng giống như một tác phẩm
nghệ thuật đủ sức làm lay động biết bao tâm hồn, tạo nên sức mạnh lớn lao, khơi
gợi cảm hứng chiến đấu và yêu nước cho tất cả mọi người. Như trong bài thơ Đồng
Chí, Chính Hữu đã dựng nên hình ảnh người lính mộc mạc nhưng ý chí kiên cường.
"Áo anh rách vai,
Quần tôi có vài mảnh vá.
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo."
Điều này cũng được thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật khác như các bức tranh đề tài kháng chiến của họa sĩ Tô Ngọc Vân Hà Nội vùng đứng
lên, Khi giặc đi qua…; tác phẩm Đất nước đứng lên của
Nguyên Ngọc,..
Văn nghệ tạo thành một đường mạch lan tràn khắp
nơi: "ngay trong các hàng vệ quốc quân, trên các cánh đồng, trên các công
binh xưởng, giữa lòng nhân dân." Văn nghệ mang đến một thứ ánh sáng
huyền bí, xua tan bóng tối của chiến tranh, sáng được lên những vui buồn yêu
ghét mạnh mẽ của kháng chiến. Văn nghệ chiếu rọi vào hướng đi, vào ý thức mọi
người những hiểu biết về kháng chiến và giúp mọi người vạch ra con đường phải
chọn. Văn nghệ đem ánh sáng cuộc sống đến cho con người, mở ra những cái nhìn mới
đầy lạc quan, yêu đời, xây dựng một con người mới. Tư tưởng đó của Nguyễn Đình
Thi hoàn toàn phù hợp với bối cảnh xã hội nước ta thời bấy giờ.
Có thể thấy,
trong kháng chiến văn nghệ đã thể hiện được rất rõ sức mạnh và nhiệm vụ của
mình, đó là: "Đem ý thức kháng chiến vào cuộc đời hàng ngày, châm lên
trong lòng người những tình cảm kháng chiến mãnh liệt, làm cho mọi người gắn liền
vào cuộc kháng chiến." Thế nhưng, văn nghệ và kháng chiến không chỉ chịu
tác động từ một phía mà ở đây còn có một sự ảnh hưởng qua lại. “Văn nghệ phụng
sự kháng chiến, nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới,"
cuộc sống kháng chiến là chất liệu cho văn nghệ được tạo thành. Từ kháng chiến,
các tác giả phát hiện cho mình những lý tưởng sống cao đẹp, kháng chiến khơi gợi
biết bao cảm hứng sáng tác và trở thành đề tài ý nghĩa cho biết bao tác giả.
Kháng chiến đi vào các bức tranh, các câu ca, bài hát và trở thành trung tâm của
nhiều tác phẩm văn học lúc bấy giờ. Bài thơ Ngọn Quốc kỳ của Xuân Diệu,
truyện ngắn Làng của Kim Lân, Trường ca sông Lô (1947) của Văn
Cao ca ngợi chiến thắng sông Lô hay bức tranh Người du kích già của Phạm
Văn Đôn… là những minh chứng tiêu biểu cho việc kháng chiến đem đến cho văn nghệ
một sức sống mới. Quan điểm trên của Nguyễn Đình Thi là một sự đánh giá vô cùng chính xác về
nhiệm vụ cũng như nguồn cảm hứng của văn nghệ trong thời chiến. Đồng thời, điều
này cũng mang nét tương đồng với chính quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh trong
kháng chiến chống Pháp: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận”.
Tóm lại
văn nghệ và kháng chiến có mối quan hệ tác động lẫn nhau. Qua tác phẩm “Nhận
đường” của Nguyễn Đình Thi thì quan điểm đó càng được thể hiện rõ hơn. Văn
nghệ cổ vũ tinh thần kháng chiến nhưng chính kháng chiến là động lực và nguồn cảm
hứng cho văn nghệ phát triển. Cả hai song hành cùng nhau để tạo nên những giá
trị sâu sắc về tinh thần và sức mạnh cho nhân dân ta trong thời kháng chiến.
2. Về vai trò của văn nghệ đối với đời sống mới
Văn nghệ là một
vũ khí chống lại quân thù “chúng ta cùng quây tất cả quanh ngọn cờ dân tộc,
viết, vẽ, làm nhạc, kháng chiến trên mặt trận văn nghệ, những mong mỗi sáng tác
là một viên đạn bắn vào đầu kẻ thù.” Văn nghệ dùng để “phụng sự kháng chiến”,
“văn nghệ là một sức mạnh không kém gì súng đạn”. Như lời chủ tịch Hồ Chí Minh
đã từng nhắc nhở anh em nghệ sĩ rằng: "Nay ở trong thơ nên có thép – Nhà
thơ cũng phải biết xung phong" (Khán "Thiên gia thi" hữu cảm).
Văn nghệ là bút chiến, là một thứ vũ khí sắc bén mà trong đó, anh em nghệ sĩ
cũng là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Phải thấy được điều đó để phát
huy vai trò của văn nghệ cao hơn nữa.
Văn nghệ tái hiện cuộc sống bằng con mắt của “chính những lớp người sắn
tay tạo ra cuộc sống ấy, không bị ngợp trong những luồng sóng ào ạt, thấy được
ý hướng của cuộc chuyển biến, bèn chọn lấy những nét chính, những nét điển hình
của xã hội đang thay đổi, trình bày thành một hình ảnh chung đúc và linh động, ai cũng có thể trông rõ.” Bức
tranh mà văn nghệ tái hiện, là cuộc sống thực mà người cầm bút đang sống, muốn
cho tất cả mọi người cùng trông rõ. Văn nghệ phản ánh cuộc sống thực, không hoa
mỹ, lãng mạn. Văn nghệ tìm đến những “vui buồn yêu ghét mạnh mẽ của kháng chiến”
để châm ngòi, thắp sáng những cảm xúc ấy trong lòng của mỗi chúng ta, chiếu rọi
vào ý thức của mọi người về kháng chiến, “vạch ra con đường phải chọn trong mỗi
công việc nhỏ hằng ngày.” Và công chúng sẽ đem cái được phản ánh trong Văn nghệ
vào đời thực hằng ngày, “họ sống sự sống của văn nghệ”.
Văn nghệ đem ánh sáng cuộc sống mới đến cho con người,
trong mọi mặt, trong hành động lẫn trong cả hiểu biết. Văn nghệ đem ý thức
kháng chiến vào cuộc sống hằng ngày, thắp lên trong lòng mỗi người những tình cảm
về kháng chiến, làm cho họ gắn liền vào cuộc kháng chiến. Văn nghệ nuôi dưỡng
tinh thần dân tộc, tinh thần đoàn thể trong mỗi cá nhân. Hơn nữa, văn nghệ còn
khơi dậy trong lòng mỗi con người niềm tin vào tương lai, tin vào một cuộc sống
mới, thôi thúc họ đứng lên chiến đấu “chúng ta đón đợi những bản đàn làm rung động
trong lòng, làn yên vui rào rạt hay luồng tức giận tung cánh tay nắm lấy vũ
khí”, “chúng ta muốn có những cuốn tiểu thuyết, những tập thơ thay đổi được cả
cuộc đời người đọc trong một tia sáng, bùng lên, - làm thành người đẩy chúng ta
lên một sự sống trước kia chỉ đứng xa nhìn thấp thoáng.”
Vd: Vợ nhặt, Làng (Kim Lân) khơi gợi trong lòng
người đọc niềm tin tưởng, hi vọng vào cách mạng. Thông qua nhân vật Tràng với
hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng ở cuối truyện, là một niềm tin vào con đường của
cách mạng. Hay nhân vật ông Hai với những ngày tản cư đầy tâm trạng và hào hứng
khi nghe tin cách mạng thắng lợi,... Đó là những động lực, khích lệ, nuôi dưỡng
tinh thần chiến đấu của nhân dân. Nhờ có văn nghệ, tinh thần ấy, niềm tin ấy đến
với nhân dân gần gũi hơn, rành mạch hơn.
Văn nghệ có vai trò quan trọng trong cuộc
sống mới - cuộc sống toàn dân kháng chiến. Văn nghệ là tiếng nói của tình cảm,
từ đó nó tác động mạnh mẽ tới những cảm xúc sâu nhất trong lòng mỗi con người.
Văn nghệ không chỉ là sức mạnh tinh thần, an ủi, xoa dịu những mất mát mà chiến
tranh mang lại mà văn nghệ còn là động lực thắp sáng tinh thần chiến đấu của
toàn dân tộc, là một thứ vũ khí phục vụ cho cách mạng. Chiến tranh mang lại cho
con người những khốn khổ, mất mát, văn nghệ lại là “nguồn suối mát” làm mờ đi
những vết thương đó, để họ có thêm niềm tin vào tương lai, niềm tin vào sự dẫn
lối của cách mạng, từ đó mà bền bỉ tiếp tục kiên cường chiến đấu.
3.
Về trách nhiệm của người cầm bút
Trong hoàn cảnh đất nước đang phải kháng
chiến chống ngoại xâm, thì trách nhiệm của người cầm bút càng cần thiết. Việc nêu
rõ trách nhiệm của người cầm bút chính là tìm ra được con đường đúng đắn cho
văn nghệ.“Sống đã rồi hãy viết”. Đó là lời tuyên ngôn của Nam Cao về nghệ thuật,
cụ thể hơn là về nhiệm vụ của người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật. Nhà văn
muốn sáng tạo nên tác phẩm thì cần phải “sống”. “Sống” ở đây có nghĩa là trải
nghiệm, tiếp xúc với cuộc đời, xã hội một cách tích cực. Vì tác phẩm là tấm
gương phản ánh hiện thực xã hội, phản ánh cuộc sống thông qua lăng kính chủ
quan của nhà văn. Vì vậy, chỉ có lăn xả vào cuộc sống, am hiểu cuộc sống, nhà
văn mới có thể sáng tạo ra tác phẩm văn học.
Nguyễn Đình Thi cũng như nhiều văn nghệ
sĩ khác, ý thức được trách nhiệm thiêng liêng của nhà văn với dân tộc. Người
nghệ sĩ phải cùng sống, cùng chiến đấu với dân tộc mới có thể sáng tạo nên tác
phẩm. Vậy nhà văn phải sống sao cho đúng? Đó chính là phải sống như những gì
Nguyễn Đình Thi đưa ra trong tiểu luận của mình: “Sống được cuộc sống kháng chiến
của dân tộc, hiểu được hướng đi tới của xã hội ta hiện thời, cảm xúc được cảm
xúc mới của kháng chiến”. Như vậy, nhà văn cần phải trực tiếp tham gia vào đời
sống kháng chiến của dân tộc, có chung cảm xúc với toàn dân tộc. Bên cạnh đó,
người cầm bút “cần một lập trường là cần cho tất cả đời sống mọi mặt và mọi
lúc”. Người nghệ sĩ cần sống hết mình, “phải làm sao sự sống ấy biến thành máu
thịt của mình”.
Hành trình nhận đường của người cầm bút
là hành trình đi từ “thung lũng đau thương đến cánh đồng vui”, từ “chân trời của
một người đến chân trời của mọi người”. Hay nói cách khác, đó là lúc nhà văn phải
từ bỏ cái tôi cá nhân mà hòa nhập vào với cộng đồng, đem tài năng phục vụ cộng
đồng. Để làm được, nhà văn cần phải tiến hành sự “lột vỏ” trong tư tưởng, nhận
thức và quan niệm. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản mà nhiều khi đau đớn,
cần một thời gian dài. Nguyễn Đình Thi đã chỉ cho chúng ta thấy những thử
thách, khó khăn mà người nghệ sĩ sẽ phải trải qua. “Làm thế nào chúng ta tìm được
tâm hồn những lớp nhân dân đông đảo đang chiến đấu khắp mặt, làm thế nào sống
được những tình cảm ý nghĩ của những lớp người xưa nay xa cách hẳn ta, làm thế
nào xóa bỏ những nếp sống đã thành thân thể chúng ta mà không giết mất chúng
ta, làm thế nào trở thành con người của một tầng lớp khác để sống cuộc sống của
họ?”. Những vấn đề mà tác giả đặt ra cũng là những vấn đề thực sự đáng suy ngẫm
cho giới văn nghệ sĩ thời bấy giờ. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ đều có những sáng
tác trước Cách mạng, tiếp thu nền tri thức Tây học, và là thành viên của phong
trào Thơ mới và Tự lực văn đoàn. Họ chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng phương
Tây, đặc biệt là chủ nghĩa đề cao cái tôi cá nhân. Họ tìm kiếm cho mình một thế
giới riêng, thoát li cuộc sống. Hàn Mặc Tử tìm về tôn giáo để quên đi nỗi đau của
mình. Chế Lan Viên khao khát một “tinh cầu giá lạnh” để trốn tránh thế nhân.
Người ở lại thì tâm trạng sầu buồn vạn cổ như Huy Cận. Các nhà văn, nhà thơ ấy
đã quen viết về hạnh phúc cá nhân, về nỗi lòng riêng tư. Vì thế, chính họ sẽ trở
nên lúng túng, ngượng ngập trước yêu cầu phải thay đổi quan niệm, ngòi bút của
mình. Họ sẽ phải tập hòa nhập lại với cộng đồng, tiếp xúc với đủ mọi tầng lớp,
viết những điều chưa quen,... điều đó dễ dẫn đến sự giả dối trong cách sống
cũng như trong sáng tác, mà nói theo Dostoievsky là “một trò đùa trá hình”. Tác
giả đã dẫn ra một biểu hiện cụ thể của sự trá hình ấy: “đem những tình cảm, những
ý nghĩ, những lời nói kiểu trước đây năm mười năm còn sót rễ trong ta mà đem
gán cho anh Vệ quốc, bà cụ già áo chàm Việt Bắc hay anh thanh niên làng trong
cuộc sống hiện thời”. Cả Nguyễn Đình Thi và toàn dân tộc đều sợ sự trá hình ấy,
nhất là sự trá hình trong văn chương, nghệ thuật. Và tác giả đã đặt ra một câu
hỏi thực sự đáng suy ngẫm: “Làm thế nào sống được sự sống thực của nhân dân ta
lúc này?”.
Tuy lo lắng trước những hạn chế đó, Nguyễn
Đình Thi cũng bộc lộ niềm lạc quan và tin tưởng vào những nghệ sĩ của đất nước.
Ông tin vào sự nhạy cảm của người nghệ sĩ trước cuộc sống. Tác giả đã chỉ ra rằng,
muốn giải quyết được câu hỏi trên thì các nhà văn, nhà thơ phải để cho “cuộc sống
kháng chiến đã thấm qua ý thức, vào đến từng ánh nhìn, tiếng cười, câu nói, giọt
nước mắt, cái bắt tay, đem lại một thái độ tự nhiên trong cuộc đời mỗi giây mỗi
phút, bấy giờ mới có tác phẩm văn nghệ”. Người nghệ sĩ phải lăn xả vào cuộc
kháng chiến với tất cả những gì mình có, sống tích cực và không ngừng nhận ra
và tiếp thu những điều tinh vi mà chân thực của nhân dân, đất nước. Đến khi đó,
ngòi bút của nhà văn mới có thể hướng đến cộng đồng, người nghệ sĩ mới sống
cùng dân tộc.
4.
Hướng đi của văn nghệ trong chặng đường
sắp tới
Cách mạng tháng Tám nổ ra đã thổi bùng
lên ngọn lửa kháng chiến trường kì kháng Pháp của dân tộc ta, đồng thời mang
theo nó là sự đổi thay về ý thức hệ trong mọi tầng lớp. Nhân dân hồ hởi tham
gia kháng chiến, mọi người đều cố gắng góp công sức cho công cuộc kháng chiến
lâu dài và xây dựng đời sống mới. Trong bối cảnh đó, giới văn nghệ sĩ cũng bắt
đầu lao mình vào một cuộc "lột vỏ" đầy khó khăn và đau đớn.
Nhận đường – nhận ra con
đường đi mới cho giới văn nghệ, con đường sáng tác mới và đúng đắn hơn – có lẽ,
Nguyễn Đình Thi nhìn lại một chặng đường văn nghệ đã qua, ông nhận ra những
"lầm lạc" mà một thời văn nghệ chìm đắm trong nó bằng những cá nhân,
bi ai và tuyệt vọng. "Văn nghệ lúc ấy, đã sướt mướt khóc nỗi buồn thảm của
con người một mình, chỉ biết có mình, tự quây lại trong một hàng rào kín mít,
trốn tránh hành động, - tôi sợ những cái tôi làm giới hạn mất những cái tôi có
thể làm rồi lấy cớ là sống cho đến hết mực sự sống của riêng mình, miệt mài đi
tìm những vị lạ trong thuốc độc quái gở, trụy lạc, bệnh tật, cho đến lúc không
còn gì kích thích nổi những tâm hồn đã cạn ráo, chán chường thì phục xuống đi
tìm những bóng tối huyền bí, cầu xin một bàn tay độc tài sai bảo,..." Đó
là những cái tôi buồn chênh vênh, mặc cảm về thân phận nhỏ bé, cái buồn của những
con người tài từ, trí thức đứng giữa vận mệnh đất nước chao đảo, chỉ còn biết cúi
đầu thở than: "Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa". Ngay cả việc ao
ước một "tinh cầu giá lạnh" để thắp nỗi cô đơn, lẩn tránh thực tại, để
mình ta miên viễn trong "xứ tôi", người văn nghệ thu hẹp dần mình vào
cái cõi riêng mình, trong khi ngoài kia cuộc sống vẫn là những tiếng kêu than
đau khổ, nhưng người nghệ sĩ với tiếng than van của riêng mình, còn nghe gì được
nữa đâu? Nguyễn Đình Thi đã gay gắt phê phán thứ văn chương "vị kỷ"
đó chỉ là "tiếng lẩy bẩy của bọn nhà văn cá nhân lẫy lừng ngày trước",
đó là thứ tiếng nói của cái tôi yếu hèn. Văn nghệ trước khi tìm thấy ánh sáng của
cách mạng là thứ văn nghệ hạn hẹp, thứ văn nghệ của cá nhân, ích kỷ và đồi bại.
Một đôi lần thay đổi, thì văn nghệ cũng chỉ nhìn thấy được "bóng dáng
chàng chinh phu, nét mặt đăm chiêu, gót giầy mòn vơ vẩn lê khắp hải hồ" tựa
những bóng ma, những cái xác không chút hơi thở, sức sống. Nào đâu những chàng
chinh phu "chưa trắng nợ anh hùng – hồn mười phương phất phơ cờ đỏ
thắm, rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm, bụi trường chinh phơi bạc áo hào
hoa". Nào đâu những chàng trai đất Hà Thành đi lính chinh phu "đêm mơ
Hà Nội dáng kiều thơm". Cá nhân, lãng mạn gày gò, thứ tình cảm "tiểu sư sản" làm chết mòn
khí thế phải vứt bỏ đi, để dọn đường cho một đời sống mới đang lên đầy hứng khởi
và căng tràn nhựa sống hơn. Trong thời điểm ấy, có lẽ phần lớn giới văn nghệ sĩ
đều tán đồng quan điểm của Nguyễn Đình Thi, chẳng thế mà sau đó, biết bao nhiêu
tác phẩm với chủ đề kháng chiến ra đời, rạo rực, hồ hởi với cuộc sống mới mang
tinh thần cộng đồng. Anh nông dân qua Đôi
mắt của Nam Cao tràn ngập hứng khởi, niềm vui cách mạng. Đâu còn thấy những
kiếp người bèo bọt, những tiếng kêu lầm than tuyệt vọng, bế tắc của những người
nông dân cô khổ. Thế nhưng, việc phê phán, chỉ trích những nhà văn "chủ
nghĩa cá nhân" của Nguyễn Đình Thi chưa hẳn là hành động đúng, bởi lẽ hoạt
động cách mạng là hoạt động chính trị, còn văn chương thuộc địa hạt của văn nghệ,
là tiếng nói của nghệ thuật, của tâm hồn. Nghệ thuật có tiếng nói riêng của nó,
bắt nghệ thuật phát ngôn cho chính trị là một quan điểm hết sức hạn chế.
Trong bối cảnh xã hội đang thay đổi từng
ngày, văn nghệ không được phép đứng yên, nó cũng phải vận động theo trục vận động
chung của toàn bộ sự sống. Nguyễn Đình Thi đã chỉ ra biết bao nhiêu con người
đã và đang hòa mình vào cuộc sống mới sôi nổi và nhiệt thành. Anh lính xa nhà,
da vàng bủng beo vì ở rừng thiếu thôn vẫn lạc quan yêu đời, coi cái chết nhẹ tựa
lông hồng. Anh nông dân tản cư đốt cả nhà cửa của mình không chịu để giặc chiếm
đóng; anh trí thức cũng hòa mình vào dòng kháng chiến đang chảy trôi trong từng
mạch máu của nhân dân, anh công nhân Hải Phòng rồi một ngày cũng lên đường
"Nam tiến". Mỗi gương mặt tiêu biểu cho một giai cấp, toàn bộ nhân
dân, hàng vạn con người đã xuống đường tranh đấu, đã sắn tay góp sức xây dựng đất
nước. Còn anh, nhà văn nghệ, anh ở đâu? Con người mới đã sống dậy, văn nghệ muốn
vẽ chân dung anh ta thì văn nghệ cũng nên thay bút đổi mực đi thôi. "Vứt
đi những thứ văn nghệ ngòn ngọt yên trí bầy ra sự phè phỡn thỏa thuê hay cay đắng
chất thuốc độc của bệnh tật, quanh quẩn vài tình cảm gày gò của cá nhân co rúm
lại". Không thể để văn nghệ "ru ngủ" ta trong mớ cảm xúc gày gò
riêng ta nữa, văn nghệ phải có một "tia sáng", "bùng lên"
và "đẩy chúng ta lên một sự sống trước kia chỉ đứng từ xa thấp
thoáng". Có nghĩa là văn nghệ phải là "người dẫn đường", phải
tiên phong cho những đổi mới, là "nguồn sáng" cho sự sống mới này. Điều
đó yêu cầu nhà văn nghệ phải đi vào "nhân dân kháng chiến" để tìm sự
sống ấy. Anh phải "kiếm tài liệu cho đúng, vẽ những nhân vật cho hệt;
xây dựng những điển hình cho linh động,...". Nhà văn phải thâm nhập vào đời
sống thực tế, phải sống đời sống của nhân dân kháng chiến thì mới tìm được sự sống
cho văn nghệ. "Chúng ta phải đi nhiều, thấy nhiều, trong những bước đầu chập
chọang sáng tác." Và công việc đó phải "nhanh chóng lên" bởi vì
"chúng ta đã chậm trễ". Khi cuộc sống ngoài kia đã thức dậy ồn ã, đã
hoạt động những cơ chế mới thì ở trong này, văn nghệ vẫn ngủ yên trong hồn nghệ
sĩ, người chưa theo kịp thời đại, chưa hòa được hơi thở, cảm xúc của thời đại.
Và chậm trễ nữa là bởi cách mạng sắp trưởng thành mà văn nghệ bây giờ mới chập
chững bước đi.
Nguyễn Đình Thi, trước sự đổi mới của cuộc
sống, đã khuyến khích văn nghệ sĩ hãy cứ "mạnh bạo sáng tác". Không cần
phải băn khoăn tìm đường cho văn nghệ nữa, vì đường sáng đây rồi, là ánh sáng,
là lí tưởng cách mạng, là cuộc sống kháng chiến. Người nghệ sĩ phải mau chóng
hòa mình vào cuộc sống mới. Những phút bỡ ngỡ, ngượng ngập rồi sẽ qua, tất cả
phải cùng hòa vào một dòng sống chung. Người nghệ sĩ ngại gì đầu sóng ngọn gió,
ngại gì vứt bỏ những tư tưởng cá nhân cũ rích kia, hãy cứ lăn xả vào một cuộc sống
mới đang bắt đầu. Và ở đó, Nguyễn Đình Thi tin tưởng, rằng "không lâu nữa,
văn nghệ mới nước ta sẽ vững và lớn." Tuy nhiên, văn nghệ mới của chúng ta có vững và lớn như điều Nguyễn
Đình Thi tin tưởng hay không? Nhìn vào chặng đường đã qua của văn nghệ, chúng
ta, những người hậu bối, có thể thấy rõ được kết quả của việc đổi mới quan điểm
nghệ thuật theo hướng "kháng chiến hóa văn nghệ" ấy.
III. Tổng kết
Nhận đường của Nguyễn Đình
Thi ra đời vào thời điểm đất nước có nhiều biến động, vừa bước ra khỏi cuộc
Cách mạng tháng Tám lịch sử, đất nước trở mình với biết bao nỗi đau, khó khăn
nhưng cũng đầy hân hoan trước làn gió mới của cách mạng. Văn nghệ hồ hởi bước
sang khúc ngoặt mới và Nhận đường giống như một bản tuyên ngôn nghệ thuật
mới cho một thời kì đang mở ra.
Trong bối cảnh xã hội đổi mới, văn nghệ
cũng phải cựa mình thay đổi. Nhận đường đã vạch rõ nhiệm vụ, vai trò, và
trách nhiệm của văn nghệ cũng như chỉ ra con đường đi sắp tới của văn nghệ. Văn
nghệ phải phục vụ kháng chiến, phản ánh cuộc sống và đồng thời, người cầm bút
phải nắm rõ vai trò của văn nghệ để phát triển ngòi bút, dùng bút lực để đấu
tranh. Vạch rõ mối quan hệ giữa cuộc sống và văn nghệ là mối quan hệ tương hỗ,
Nguyễn Đình Thi cho chúng ta thấy một con đường đang mở ra trước mắt giới văn
nghệ: đi theo tiếng gọi của đời sống, kháng chiến.
Đặt vào bối cảnh xã hội năm 1945 – 1954, Nhận đường vẫn là một sự
biến đổi lớn lao trong giới văn nghệ sĩ, nó là kim chỉ nam cho con đường văn
nghệ sắp tới. Nó cho thấy sự thay đổi trong ý thức của những người cầm bút, đồng
thời chỉ ra hướng đi cho giới nghệ sĩ đang loay hoay tìm đường đi trong bế tắc.
Tuy nhiên, nếu nhìn một cách khách quan, quan điểm về văn nghệ của Nguyễn Đình
Thi cũng như các văn nghệ sĩ thời kì này có nhiều mặt hạn chế. Đánh đồng văn
nghệ với chính trị, đem văn nghệ phục vụ cho chính trị đã phần nào kìm hãm sự
phát triển của văn nghệ theo đúng con đường mà đáng lẽ nó phải đi. Văn nghệ cần
đi vào đời sống, cần phản ánh mọi ngóc ngách của đời sống, nhưng không thể bắt
văn nghệ chỉ nhìn vào một phía của kháng chiến, văn nghệ cần có đời sống riêng
của nó.
Tài
liệu tham khảo
1.
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_353_356_10529.html
2.
Nhận Đường, Nguyễn Đình Thi, Văn nghệ số đầu tiên,
tháng 3 – 1948
·
Bài thuyết trình gồm 4 thành viên
1. Lã
Thị Hồng Thuấn
2. Bùi
Quang Long
3. Phạm
Thị Thùy Trang
4. Nguyễn
Thị Hoàng Linh
GVHD: PGS.TS. Võ Văn Nhơn
ThS. Nguyễn Thị Phương Thúy
Ø
Bài viết được đăng
ngày 21/3/2014
0 nhận xét:
Đăng nhận xét