Matsuo Bashô và nguyên lý làn hương


Nhật chiêu
Bài thơ cô đọng đến mức không thể rút gọn hơn. Tuyệt ngắn. Toàn bài vỏn vẹn mười bảy âm tiết, ngắt thành ba nhóm từ: 5, 7, 5 âm. Đó là thể thơ haiku của Nhật Bản, phát triển từ thế kỷ mười bảy và bây giờ phổ biến hầu như toàn thế giới.
Thơ haiku được hoàn thiện dưới bàn tay của thi hào Matsuo Bashô (1644-1694).
Theo nhà thơ Mỹ lừng danh Robert Hass thì Bashô đã biến haiku thành “một trong các thể thơ trữ tình vĩ đại trong văn hóa nhân loại và chính ông trở thành một nhà thơ trữ tình vĩ đại của thế giới”. [1]
Tên gọi haiku (đọc theo âm Hán Việt là bài cú) chỉ có sau này, không xuất hiện vào thời Bashô. Một bài thơ mười bảy âm tiết thời đó được gọi là hokku (phát cú) vì nó bắt nguồn từ khổ thơ mở đầu của chuỗi thơ haikai no renga (bài hài liên ca) hay renku (liên cú) thường do nhiều người hợp soạn.
Bước vào thời Edo (1600-1868) haikai no renga phát triển thanh thế là do sự lớn mạnh của tầng lớp thị dân vốn thích đùa cợt, phóng túng, nghiêng về hài và tục.
Người ta bắt đầu ý thức rằng thơ ca, trong khi xa lánh cái trang trọng và tao nhã sáo mòn, cũng không nên sa vào sự dung tục dễ dãi. Thơ ca phải được cứu vớt lần nữa.
Chính vì thế mà những thiên tài như Bashô và Onitsura (1661-1738) xuất hiện.
Thơ ca đang chờ đợi một linh hồn mới.
Một linh hồn kết hợp nơi nó cả vô tâm lẫn hữu tâm, hoan lạc và cô tịch, cái nhỏ nhoi và cao cả, cái đơn sơ và chiều sâu, cái bình thường và huyền diệu, cái trọng thể và nhẹ nhàng, trào lộng và trữ tình, sự nghèo nàn và phong nhiêu… Hầu như nó đang chờ một phép lạ.
Một sự dung hợp toàn bích như vậy chỉ có thể thực hiện từ một thiên tài như Matsuo Bashô. Kế vị ông sẽ là Yosa Buson (1716-1784) và Kobayashi Issa (1762-1826).

Renga (liên ca) là thơ kết nối thường được soạn từ hai nhà thơ trở lên, luân phiên các khổ 17 âm (5, 7, 5) và 14 âm (7, 7) phát triển theo chủ đề chứ không đi theo hướng tự sự.
Chẳng hạn như phần mở đầu một bài renga lưỡng ngâm (hai thi sĩ) do Bashô soạn cùng Yaba ở Edo vào mùa xuân 1694:
 Ume ga ka ni                                         Trong hương hoa mơ
 notto hi no deru                                     mặt trời mọc bất ngờ
 yamaji kana                                           bên con đường núi
                                                                                        Bashô
            tokorodokoro ni                                    đó đây đó dây chim trĩ
            kiji no nakitatsu                                     vừa kêu vừa bay vút lên
                                                                                                   Yaba
Khổ thơ thứ hai (wakiku) như ta thấy đã kết nối tài tình khổ thơ khởi xướng (hokku) như thể thấm đẫm không khí và làn hương được truyền đi trong gió. Hình ảnh của mùa, những chuyển động, mùi hương, âm thanh,… đều tương ứng hài hòa. Tiếng kêu thảng thốt của chim trĩ bay lên từ cỏ cây khi nghe tiếng chân người dường như song hành với cái ló dạng rực hồng của mặt trời rạng đông trong làn hương thơm ngát của hoa mơ. Hoa mơ và chim trĩ đều là hình ảnh của mùa xuân được dùng như kigo (quý ngữ). Trong cái tĩnh lặng của đường núi và cỏ cây là những chuyển động có thể cảm nhận và nhìn thấy: hương hoa thì lan tỏa, mặt trời thì mọc, chim thì kêu và bay.
Sự kết hợp tinh tế giữa hai khổ thơ như vậy Bashô gọi là “Kết hương” (nioi-zuke). Làn hương (nioi) là cái bạn chỉ có thể cảm nhận chứ không nhìn thấy được, giống như cái “dư tình” (yojô) trong waka cổ điển.
Nguyên lý làn hương không chỉ hoạt động trong renga mà có thể vận dụng ngay trong bản thân một hokku đơn lập (như một bài haiku theo nghĩa hiện đại).
Chẳng những thế một bài hokku của thi pháp làn hương còn nắm bắt được “vận động khứ hồi của tâm hồn” như nhận xét lý thú của Dohô (1657-1730).
Dohô là cao đồ của Bashô. Trong tập Sanzôshi (Tam Thảo Tử) tài liệu cho ta biết nhiều về Bashô một cách chủ yếu, Dohô viết:
“Soạn một bài hokku là nắm bắt vận động khứ hồi của tâm hồn, như bài thơ sau đây cho thấy:
  Yamazato wa                                        Làng trong núi đồi
  Manzai ososhi                                     đám múa hát đến muộn
            ume no hana                                         hoa mơ nở trắng rồi.
Trước tiên, nhà thơ bảo rằng trong một ngôi làng miền núi, đám múa hát Manzai chúc mừng năm mới đến muộn, rồi sau đó ông nhận thấy hoa mơ đang nở trắng. Tâm hồn ông ra đi và trở về. Đây là điều diễn ra trong khi soạn một bài hokku. Nếu ông chỉ nói rằng
            Làng trong núi đồi
            đám múa hát đến muộn
thì đó là một thứ thơ thông thường chỉ đáng xen vào trong thân bài của một liên ca. Có lần, Thầy (Bashô) từng dạy: “Người ta nên biết rằng một bài hokku được soạn ra theo cách kết hợp sự vật”. [2]

Dohô muốn nói gì về “vận động khứ hồi (đi và về) của tâm hồn”? Đó là vận động nhiều chiều, tương tác giữa sự vật kết hợp trong bản thân một bài hokku.
Hình ảnh sơn thôn (yamazato) thanh vắng thường gợi lên cảm thức tịch liêu (sabi). Thế nhưng mùa xuân đến đúng lúc với hoa mơ nở rộ. Dẫu vậy vẫn còn thiếu một cái gì đó đầy màu sắc và tưng bừng rộn rã. Đang chờ đám múa hát Manzai từ thành phố về làng, chúc mừng năm mới trước cửa nhà. Đám múa hát đó lại đến muộn hơn hoa.
Hình ảnh hoa mơ ở cuối bài thơ chính là một vận động trở về với sơn thôn thanh vắng dù có hay không có đám múa hát thị thành.
Nguyên lý làn hương (nioi-zuke) mà Bashô đề xướng gợi ta nhớ đến “nguyên lý đồng đẳng” (principle of equivalence) của Roman Jakovson (1896-1982).
Trong bài tham luận “Ngôn ngữ học và Thi pháp học”, Jakovson phát biểu: “Chức năng của thơ là đưa nguyên lý đồng đẳng từ trục chọn lựa chiếu lên trục kết hợp.” [3]
Nguyên lý làn hương của Bashô cũng như “nguyên lý đồng đẳng” của Jakovson đều nhấn mạnh đến phương thức kết hợp sự vật theo lối cả tương đồng lẫn tương dị. Do giống nhau và khác nhau mà sự vật tương tác theo lối thu hút hay xô đẩy tạo nên chiều “đi” lẫn chiều “về”, tạo nên đa thanh đa nghĩa.
Về phương thức kết hợp trong thơ haikai thì có ba lối: Kết chữ (kotoba-zuke), Kết ý (kokoro-zuke) và Kết hương (nioi-zuke).
Kết chữ còn gọi là Kết vật (mono-zuke).
Thi phái Teimon chú trọng “Kết chữ”.
Thi phái Danrin chú trọng “Kết ý”.
Và tất nhiên, Bashô chủ trương phương thức Kết hương. Điều đó làm nên phong cách Bashô (Shôfu: Tiêu phong).
Chúng ta nhận ra Tiêu phong do mỗi bài thơ của Bashô đều dường như ẩn chứa một làn hương.

            Ki no moto ni                                         Dưới bóng cây
            shiru mo namasu mo                             canh, rau, mọi thứ
            sakura kana                                           đều vương hoa đào.

            Kiku no ka ya                                        Làn hương cúc đưa
            Nara ni wa furuki                                   Nara trầm mặc
            hotoke tachi                                           những đài Phật xưa.

            Akebono ya                                           Tinh mơ
            shirauo shiroki                                       con cá tuyết trắng
            koto issun                                              một tấc trắng mờ.

            Kutabirete                                             Mệt lử
            yado karu koro ya                                 tìm nơi trọ đêm
            fuji no hana                                            hoa đằng bóng rủ.

            Rokugatsu ya                                         Tháng sáu
            mine ni kumo oku                                   mây dứng đầu non
            Arashi yama                                           núi Bão.

Furuike ya                                   Ao cũ
kawazu tobikomu                        con ếch nhảy vào 
mizu no oto                                  vang tiếng nước xao.

            Nomi shirami                                         Chấy bọ rầy rà
            uma no shitosuru                                   và con ngựa đứng đái
            makura moto                                         gần bên gối ta.

            Uguisu ya                                               Ôi chim oanh
            mochi ni funsuru                                     ngoài hiên, bánh cốm
            en no saki                                              còn lưu dấu phân.

             Haru mo yaya                                        Thế rồi từ từ
             keshiki totonou                                      mùa xuân thành tựu
             suki to ume                                           với trăng và hoa mơ.

             Kuzue yori                                             Từ cành cao
             adani ochi keri                                       hư không rơi xuống
             semi no kara                                          trong vỏ ve sầu.
 Mười bài thơ trên của Bashô thể hiện một cách kết hợp sự vật độc đáo: Canh, rau và hoa đào. Hoa cúc mới và tượng Phật xưa. Ánh tinh mơ và con cá tuyết nhỏ. Lữ khách mệt mỏi và hoa đằng. Tháng sáu, mây cao và núi Bão. Ao cũ và con ếch xuân. Nước đái ngựa và nhà thơ đang nằm ngủ. Bánh cốm và phân chim. Cái từ từ hiện thành của trăng và hoa.
Về bài cuối, Jane Reichhold nhận xét như sau: “Bài thơ kỳ thú ở chỗ ông không quan sát cái rơi của vỏ ve sầu mà là hư không trong đó rơi.”[4]
Thì như thế, mỗi con ve sầu đều có chứa hư không. Mỗi con người. Mỗi cánh hoa. Vầng trăng. Đỉnh núi. Mỗi giọt sương. Hạt bụi. Hư không bao la. Và hư không nhỏ xíu. Sống với hư không. Và hư không rơi xuống.
Cái rơi của hư không là một làn hương nối từ cành cao xuống đến mặt đất.
Đó là thi pháp của làn hương trong thơ Bashô.


MATSUO BASHÔ AND THE PRINCIPLE OF FRAGRANCE
Abstract
Bashô advocated the priciple of frangrance and used it as a poetics in renga and single hokku. This principle can be understood that the connotations of the previous verse, like the fragrance of a flower in a breeze, drift imperceptibly to the added verse. The principle also occurs within the frame of a 17-syllable haiku, especially the combination poem.
Thanks to Bashô, the priciple of fragrance has become an essential poetics of haiku.

Tài liệu tham khảo
1.      Jakovson (2008), Thi học và Ngôn ngữ (Trần Duy Châu biên dịch), Nxb Văn học
2.      Eleanor Kerkham (2006), Matsuo Bashô’s Poetic Spaces, Palgrave Macmillan, New York
3.      Jane Reichhold (2008), Bashô, The Complete Haiku, Kodansha
4.      Haruo Shirane (1998), Traces of Dreams, Stanford, California
5.      Makoto Ueda (1982), Matsuo Bashô, Kodansha, Tokyo





[1] Dẫn theo Eleanor Kerkham (2006), Matsuo Bashô’s Poetic Spaces, Palgrave Macmillan, New York, trang 1
[2] Bản dịch tiếng Việt này dựa theo hai cuốn sách tiếng Anh:
-          Haruo Shirane (1998), Traces of Dreams, Stanford, California, trang 107, 108
-          Makoto Ueda (1982), Matsuo Bashô, Kodansha, Tokyo, trang 165
[3] Xem Jakovson (2008), Thi học và Ngôn ngữ (Trần Duy Châu biên dịch), Nxb Văn học, ở trang 24, câu này được dịch là: “Chức năng thi ca chiếu nguyên tắc tương đương của trục tuyển lựa lên trục của sự kết hợp”.
[4] Jane Reichhold (2008), Bashô, The Complete Haiku, Kodansha, trang 248
* Nguồn tin: Khoa Văn học và Ngôn ngữ

> Bài viết được đăng 31/3/2014
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét