Tội ác và hình phạt - Bức tranh hiện thực và lý tưởng đạo đức DOSTOEVSKY

1. Hiện thực xã hội Nga thế kỉ XIX trong                “Tội ác và hình phạt”

1.1. Thế lực của đồng tiền

“Tội ác và hình phạt” là bức tranh chân thật về nước Nga thế kỉ XIX. Bức tranh ấy phản ánh rõ nét đạo đức con người và sức mạnh của đồng tiền trong xã hội. Qua đó, tác giả muốn phơi bày thực trạng một xã hội mà ở đó sự tàn phá ghê gớm của đồng tiền đã chà đạp lên danh dự và nhân phẩm của con người.
Đồng tiền trong tác phẩm “Tội ác và hình phạt” đã chi phối mọi hành động của con người. Mở đầu tác phẩm, nhân vật chính Raskolnikov, một sinh viên luật ở Peterburg đã rơi vào hoàn cảnh vô cùng khốn khổ, nghèo túng đành phải bỏ học. Mặc dù anh là niềm tự hào của mẹ và em gái nhưng vì túng thiếu, mẹ anh không thể chu cấp nổi tiền cho anh ăn học. Trong bức thư gửi con trai mình, bà ngậm ngùi viết: “Con có biết chăng tâm trạng của mẹ khi nghe tin con đã bỏ học cách đây mấy tháng vì thiếu tiền, rồi con lại thôi dạy học và thôi các việc khác nữa. Với số
lương quả phụ một trăm hai mươi rúp hàng năm của mẹ, mẹ biết làm thế nào mà chu cấp cho con được?”.Từ ngày bỏ học và thôi dạy, Raskolnikov sống cô độc, rút sâu vào thế giới nội tâm của riêng anh và xa lánh mọi người. Anh bước ra đường với bộ quần áo không thể tồi tàn hơn, đến tiệm cầm đồ để cầm luôn cái đồng hồ quả quít trong khi chiếc nhẫn cầm trước đó chưa trả tiền lãi.... Lúc này trong tâm trí Raskolnikov đã bắt đầu nung nấu những phẫn uất về sự bất công của xã hội đồng thời khao khát thoát khỏi hoàn cảnh túng thiếu, từ đó dẫn đến hành động giết bà chủ tiệm cầm đồ Ivanovna.
Sonya cũng là một nạn nhân của đồng tiền, bị đồng tiền chà đạp lên danh dự và nhân phẩm.Cô quyết định bán thân lấy tiền nuôi cha, mẹ kế và các em khi gia đình lâm vào cảnh bệnh tật và đói nghèo. Xã hội đó đã dồn con người vào bước đường cùng, làm nhem nhuốc nhân phẩm, danh dự và nhan sắc của con người và cụ thể trong tác phẩm là một người con gái trong sáng, lương thiện. Raskolnikov thương cảm cho hoàn cảnh của Sonya bao nhiêu thì lại căm phẫn xã hội ấy bấy nhiều, chính sự hy sinh của Sonya đã khiến Raskolnikov bắt đầu quyến luyến cô.
Vì đồng tiền mà một cặp cha mẹ nào đó bán con cho lão địa chủ ngoài năm mươi khi cô bé mới mười sáu tuổi, con cái của những nhà nghèo túng bị đuổi ra đường làm trộm cắp hay gái điếm… Tất cả những gì mà con người sống trong xã hội Nga lúc này muốn là kiếm tiền để thoát khỏi nghèo đói, bệnh tật và dường như đồng tiền có một sức mạnh vô hình chi phối mọi hành động của họ. Họ dứt bỏ tình cha con, họ lừa dối lẫn nhau, họ chà đạp nhau để sống chỉ mong có được tiền trong tay. Đồng tiền không chỉ chi phối con người mà còn dần trở thành giá trị tuyệt đối trong xã hội tư sản Nga lúc bấy giờ. Nó chính là nguyên nhân sâu xa gây ra tội ác và sự thối nát đạo đức của các tầng lớp trong xã hội Nga lúc bấy giờ.
Trong “Tội ác và hình phạt”, không ít lần Dostoevsky vạch mặt bọn địa chủ tư sản dùng tiền để chôn vùi nhân phẩm và danh dự của người khác đồng thời che đậy bản chất xấu xa bỉ ổi của mình. Lão địa chủ Svidrigailov đã đối xử rất thô bạo, vô lễ và nhạo báng Dunhia khi cô đến làm gia sư nhà lão nhằm che mắt thiên hạ để rồi ve vãn Dunhia và dùng tiền âm mưu chiếm đoạt cô, hứa hẹn đủ điều thậm chí còn rủ cô bỏ trốn với ông ta nhằm thỏa mãn dục vọng của mình. Cuối cùng vợ lão phát hiện khi lão khẩn khoản vai nài Dunhia, ả đã nhục mạ cô và đẩy cô ra đường. Chuyện này đồn khắp thành phố đến nỗi hai mẹ con Dunhia không thể đi lễ nhà thờ được nữa vì sự bàn tán và khinh bỉ của mọi người. Dunhia xuất thân nghèo khổ và đi làm thuê trong khi gia đình lão địa chủ Svidrigailov giàu có và quyền thế nên mọi người cứ nhằm vào Dunhia mà bàn tán, một người nghèo không địa vị sẽ không bao giờ có tiếng nói trong một xã hội chỉ biết tôn vinh đồng tiền và địa vị, lúc này giá trị tuyệt đối của xã hội là đồng tiền và Dunhia tội nghiệp đã trở thành nạn nhân như thế. Và cứ như vậy, xuyên suốt tác phẩm “Tội ác và hình phạt” giá trị đạo đức không còn mà mọi cán cân của xã hội đều cân đo đong đếm qua đồng tiền.
Sau này, Dunhia được giới thiệu làm quen với Luzhin, một viên chức hội thẩm.Luzhin muốn dùng địa vị và tiền tài che đậy bộ mặt thật bỉ ổi của mình, ngỏ ý với Dunhia và hứa hẹn nhiều điều với cô. Qua lời nói, thái độ của Luzhin, ta thấy rõ hôn nhân trong quan niệm của hắn: “…như một cuộc kinh doanh, một chuyến buôn chung trong đó hai bên đều có lợi và mỗi bên phải đóng một cổ phần ngang nhau,… Vả chăng trong chuyến nầy, nhà kinh doanh cũng đã ăn bớt của các bà được ít nhiều rồi”.Mặc dù không có tình cảm với Luzhin nhưng Dunhia cho rằng thế lực và tiền tài của người ấy có thể giúp đỡ gia đình mình và mở ra tương lai cho anh trai nên cô ưng thuận.Bản chất của Luzhin không giống như những gì hắn thể hiện ra ngoài, điều đó bị Raskolnikov biết rõ nên chàng ra sức phản đối cuộc hôn nhân này.Hôn nhân không thành, Luzhin vô cùng căm phẫn và quyết tâm trả thù Raskolnikov. Cuộc đời Dunhia trải qua hết bi kịch này đến bi kịch khác chỉ vì đồng tiền, các nhân vật nữ trong “Tội ác và hình phạt” thật sự là những nạn nhân đáng thương nhất. Họ ý thức được việc mình làm, được điều mình muốn song vì bất lực trước mọi thứ mà hi sinh bản thân để đổi lấy những giá trị vật chất tầm thường, vì họ biết cái gì đã và đang thống trị xã hội lúc bấy giờ.
Vì sự tôn vinh đồng tiền mà mọi vấn đề liên quan đến nó đều quyết định danh dự và nhân phẩm của con người, Luzhin nắm được cái bản chất bỉ ổi ấy và hắn quyết định trả thù Raskolnikov thông qua Sonya. Hắn thừa lúc Sonya không để ý vu khống cho cô tội ăn cắp 100 rúp nhằm bêu xấu danh dự của cô và Raskolnikov nhưng nhờ có người làm chứng về hành động xảo quyệt của Luzhin nên đã giải oan cho Sonya, khiến Luzhin một phen ê chề, bẽ mặt ra về. Như vậy về bản chất, một tên bỉ ổi như Luzhin đã nắm được cái cán của mọi vấn đề là đồng tiền, hắn hết lần này đến lần khác dùng tiền để thay đen đổi trắng nhằm trục lợi cho mình và bôi nhọ danh dự người khác.
 Đồng tiền cũng là nguyên nhân ban đầu dẫn đến hành động giết người của Raskolnikov. Trong một lần đến tiệm cầm đồ của bà Ivanovna để cầm chiếc đồng hồ, một ý nghĩ lóe lên trong đầu chàng thanh niên nghèo túng và sống khép kín Raskolnikov. Ý nghĩ đầu tiên khi nghe tiếng mở tủ trong phòng bà Ivanovna là: “Chắc là ngăn trên cùng”, “Mụ ta bỏ chìa khóa ở túi bên phải”, “Có một cái tráp hay một cái rương gì đấy”… và sau những ý nghĩ dồn dập ấy là sự tự thức tỉnh: “Nhưng sao ta lại có những ý nghĩ hèn hạ đến thế…”, “Chả nhẽ một việc khủng khiếp như vậy mà ta có thể nghĩ đến? Lòng ta có thể chứa đựng những điều nhơ nhuốc như thế ư? Tệ hơn cả là nó bẩn thỉu, xấu xa, kinh tởm hết sức!… Thế mà suốt một tháng ròng ta có thể…”.
Có thể thấy những ý nghĩ xuất hiện trong đầu Raskolnikov mà đến anh cũng không thể chấp nhận là do xuất phát từ tiền của bà chủ tiệm, anh đã cầm một chiếc nhẫn và thiếu tiền lãi của bà cho đến khi chàng tiếp tục cầm chiếc đồng hồ và chỉ được trả cho ít tiền sau khi đã trừ lãi. “Cái cảm giác ghê tởm cùng cực đã bắt đầu đè nén, dày vò chàng ngay từ khi đang đi đến nhà mụ già, bây giờ đã mãnh liệt và rõ ràng đến nỗi chàng không còn biết trốn vào đâu cho thoát cơn ám ảnh này”. Raskolnikov ý thức được những gì anh vừa nghĩ và “ghê tởm” nhưng tiền, cái tủ, chiếc chìa khóa, cái tráp, cái rương… dường như là những hình ảnh khiến anh nung nấu một ý định gì đó dù chưa định hình rõ được nhưng Raskolnikov biết chắc rằng nó rất xấu xa và bỉ ổi.
Sau khi lấy búa bổ vào đầu bà chủ tiệm cầm đồ để lấy tiền và giết luôn em gái mụ cầm đồ vì sợ bị bại lộ, Raskolnikov đã giấu kĩ gói đồ anh cướp được dưới tảng đá lớn và không đụng tới một đồng mặc dù trong túi không còn một xu.Lúc này, Raskolnikov đã trở thành một nạn nhân bi thảm của đồng tiền vì chính nó dẫn đến tội ác của anh và cũng chính nó khiến anh cắn rứt lương tâm khi phải nhớ đến số tiền ấy dù không dùng đến.
Dostoevsky đã khắc họa một cách chân thật đến đáng sợ xã hội tư sản Nga lúc bấy giờ trong “Tội ác và hình phạt”, một xã hội bị đồng tiền tàn phá về đạo đức con người và thống trị xã hội ở mọi phương diện. Khi đồng tiền không còn là phương tiện trao đổi hàng hóa thông thường mà nó trở nên thống lĩnh mọi mặt cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần thì con người không còn giữ được thiên lương nữa, họ lừa dối nhau, chà đạp lẫn nhau để có được nó. Việc làm ấy nhằm vạch rõ bản chất của tầng lớp tư sản hãnh tiến, chà đạp lên danh dự và nhân phẩm của người nghèo từ đó mà giá trị nhân văn của tác phẩm trở nên cao cả hơn bao giờ hết.

1.2.           Thực trạng về đạo đức

Đạo đức là một hiện tượng xã hội phản ánh các mối quan hệ hiện thực bắt nguồn từ bản thân cuộc sống của con người.Đạo đức là tập hợp những quan điểm của một xã hội, của một tầng lớp xã hội, của một tập hợp người nhất định về thế giới, về cách sống. Nhờ đó, con người điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng xã hội. Đạo đức xã hội thể hiện ở phương diện: nghĩa vụ, lương tâm, thiện và ác trong một con người. Xét trên hiện thực mà Dostoevsky xây dựng trong “Tội ác và hình phạt” thì những quy củ về đạo đức trong xã hội đương thời đã bị biến đổi.
Rodion Raskolnikov, nhân vật chính của tác phẩm, anh là một sinh viên có lý tưởng sống và hết sức thần tượng Napoleon. Raskolnikov ý thức được nghĩa vụ của bản thân đối với gia đình, xã hội và chính anh. Raskolnikov giết người nhưng cho rằng đó là nghĩa vụ đối với cuộc đời, anh suy tính và thực hiện vụ giết người như một điều đúng đắn và tất yếu để thực hiện nghĩa vụ của một người đưa tay cứu vớt những con người nhèo khổ và loại trừ những kẻ không đáng sống khi chà đạp lên người khác để tồn tại, vươn lên. Tại sao Raskolnikov lại có những suy nghĩ như thế? Nếu vì nhân vật có tâm lý phức tạp, bất ổn thì lý do nào dẫn đến sự phức tạp, bất ổn đó?
Xét về lương tâm trong con người Raskolnikov thì rõ ràng anh là một người lương thiện, nhân hậu và giàu lòng thương người. Điều đó đầu tiên thể hiện qua tình yêu của Raskolnikov đối với mẹ và em gái mình:“Dunhia… anh không thể nhận hy sinh của em, mẹ ơi, con không muốn thế!...Tôi không đời nào chịu thế!”.Raskolnikov là người đã sẵn sàng vét những đồng xu trong túi mình cứu người say rượu Mamelazov dẫu chỉ mới gặp có một lần với thái độ tận tình và sốt sắn:“Đưa vào nhà thương thì lâu quá mà ở trong nhà ấy thế nào chả có thầy thuốc! Tôi sẽ trả tiền, tôi sẽ trả! Dù sao cũng được người nhà săn sóc chữa chạy cho ngay, chứ đi nhà thương thì có thể chết dọc đường…”.Chính những đức tính ấy ở Raskolnikov khiến cho rất nhiều người không thể nào hiểu được tại sao anh lại có hành động giết người dã man như vậy. Có phải chính một xã hội mà giá trị sống bị đảo lộn, cuộc sống con người rơi vào bế tắc, khủng hoảng đã tạo ra một Raskolnikov bị chấn thương về mặt tinh thần, dẫn đến những ý tưởng, hành động rồ dại, phi nhân tính như thế. Hiện thực xã hội với sự thắng thế của thế lực đồng tiền làm cho những giá trị chuẩn mực bị hao mòn,biến  Raskolnikov vốn là một con người có đạo đức lại thực hiện những hành động và có những suy nghĩ không thuộc về loài người.
Nếu hành động giết người của Raskolnikov là tội ác không thể tha thứ được thì việc bán thân kiếm tiền của Sonya sẽ được đánh giá ra sao?Không biết phải xếp Sonya là người có đạo đức vì sự hy sinh cao cả của cô cho gia đình, chấp nhận việc phải nhận thẻ vàng làm gái điếm chuyên nghiệp, không được ở với gia đình và bị xã hội khinh rẻ; hay xem Sonya như một người thiếu đạo đức, vì đồng tiền mà bán cả thân xác mình? Một sự thật hiển nhiên ở đây là bi kịch xảy đến với Sonya không do cô muốn. Tất cả là do xã hội, do cuộc sống, do đồng tiền, những điều đó đã đẩy Sonya vào sự bế tắc mà không còn con đường nào khác cho cô lựa chọn, sự hy sinh ấy của Sonya càng khiến đạo đức và những phẩm chất tốt đẹp ẩn trong cô bừng dậy thay cho cái vỏ ngoài nhơ nhuốc của mình.
Sonya không phải là nhân vật duy nhất bị thế lực xã hội nhấn chìm nhân cách mà cha cô – Semyon Zakharovich Mamelazov, cũng là một người như vậy, thêm nữa, xã hội bấy giờ còn tồn tại những người luôn đấu tranh và trăn trở về sự công bằng và ý thức làm người của họ.
Mamelazov vốn dĩ là người đàn ông trụ cột của gia đình, ông hoàn toàn ý thức được trách nhiệm của mình đối với vợ và các con.Người đàn ông này đã chấp nhận lấy “một người quả phụ đã có ba con” về để đùm bọc, chở che.Tuy nhiên, ông lại là một người nghiện rượu, ông tự nguyền rủa bản thân mình vì không bỏ được rượu và trở thành gánh nặng cho gia đình. Ông day dứt đau khổ khi Sonya phải làm điếm, ông thấy mình hèn hạ khi đến lấy của cô những đồng xu cuối cùng và cái mà ông sợ khi trở về nhà không phải là bị vợ túm tóc mà là phải đối diện với cái vai trò trụ cột chưa hoàn thành của mình “tôi sợ mắt nàng, vâng… đôi mắt của nàng… Tôi cũng sợ cả những đám da đỏ trên gò má nàng… và cả… hơi thở của nàng nữa.…Tôi sợ cả tiếng khóc của mấy đứa bé”. Người đàn ông khốn nạn đã tự dằn vặt mình khi đẩy hết mọi gánh nặng lên người con gái lớn Sonya. Người đàn ông khốn khổ ý thức được tất cả nghĩa vụ và trách nhiệm của mình nhưng không làm được, xã hội như cái hố sâu, càng vùng vẫy càng bị nhấn chìm sâu hơn để rồi cuối cùng con người ấy, số phận ấy được giải quyết bằng con đường tự tử. Câu nói đầu tiên khi tỉnh lại sau tai nạn, Mamelazov yêu cầu mời cha xứ đến xin tội, ông biết mình sắp chết và trong giây phút ấy Mamelazov vẫn mang suy nghĩ là mình mang tội, tội lỗi của một con người không thể rửa sạch cho đến lúc chết. Tất cả những gì Mamelazov nói với Raskolnikov và những người trong quán rượu chính là tiếng kêu thống thiết, tuyệt vọng của một con người bế tắc hoàn toàn trong cuộc sống của mình dẫu tự bản thân vẫn còn ý thức đầy đủ, rõ ràng nhưng không thể làm gì được.
Nếu như Mamelazov và Sonya là nạn nhân của xã hội, là đại diện cho những giá trị đạo đức bị mài mòn thì Dmitri Prokofich Razumikhin và những người bạn của anh lại là những người hay có những trăn trở về cuộc sống. Cái tên Razumikhin có nghĩa là thông minh, lý trí, lương tri.Điều đó ngay từ đầu đã cho thấy Razumikhin là một người có đạo đức, anh giúp đỡ Raskolnikov một cách chân thành và nhiệt tình nhưng con người ấy cũng nhận ra xã hội “yêu cầu phải huỷ diệt cá tính, và coi đó là lý tưởng tuyệt đỉnh”.“Phải làm sao cho mình không phải là bản thân mình, càng ít giống mình ngần nào càng tốt ngần ấy. Đấy, chúng nó muốn đi đến kết luận như vậy đấy! Đối với chúng, đó là đỉnh tột cùng của tiến bộ”. Con người trong xã hội tự có những trăn trở riêng và nhận ra rằng họ đang dần đánh mất chính mình bởi cái cách nhai lại những điều của kẻ khác:“Tán láo, nhưng theo kiểu của mình, có lẽ còn tốt hơn là nói đúng nhưng lại nhai lại của kẻ khác”. Razumikhin sống khác với những người trong thời đại mình, anh không đánh mất chính mình vì xã hội, gần như anh thoát ra khỏi nó bởi trong khi bao nhiêu con người trong xã hội chạy theo đồng tiền mà đánh mất giá trị con người mình thì anh cho rằng khi mình sống thật là mình, nói những điều mình muốn thì mình “chính là một con người, còn trong trường hợp sau thì chỉ là một con vật! Chân lý không mất đi đâu, nhưng cuộc sống có thể huỷ diệt được, đã có những trường hợp như thế”. Razumikhin thể hiện đạo đức xã hội không chỉ thông qua hành động mà còn trong cả ý niệm, quan điểm sống và tư tưởng của mình, đi theo đường kim chỉ nam ấy để giữ vững lập trường và giá trị làm người của bản thân mình.

2.                  Quan điểm đạo đức của Dostoevsky

Qua “Tội ác và hình phạt”, Dostoevsky phác họa chân thật một xã hội nước Nga thế kỉ XIX đang rơi vào tình trạng khủng hoảng và hỗn loạn nhưng chưa đánh mất tất cả vì nó vẫn còn được gìn giữ bởi những con người mang vẻ đẹp cao quý về nhân cách và tâm hồn. Vẻ đẹp nhân cách ấy bộc lộ rõ nét qua hai nhân vật là Sonya và Dunhia.
Hoàn cảnh của nhân vật Sonya có thể coi là hoàn cảnh điển hình của những con người bé nhỏ trong xã hội tư sản. Sonya là hình tượng nhân vật lớn xuyên suốt trong các sáng tác của Dostoievski, là nhân vật điển hình cho tinh thần vị tha và tình yêu thương con người. Những phẩm chất này được nâng lên thành giáo lý tôn giáo trong kinh Phúc âm mà theo Dostoievski đây chính là phẩm chất đạo đức sẽ thay đổi thế giới.
Những phẩm chất cao đẹp ấy trong Sonya thể hiện qua việc cô chấp nhận hi sinh sắc đẹp, tuổi trẻ, danh dự và cả tâm hồn trong trắng của mình để làm gái điếm.Cô chấp nhận bị xã hội khinh miệt mà chỉ đủ sức mang lại cho người thân của mình một cuộc sống mấp mé bờ vực chết đói.Sự bác ái của Sonya cũng được thể hiện qua cách cô đối xử và truyền cho Raskolnikov niềm tin vào tôn giáo.Cô đọc Kinh Thánh cho anh nghe, đeo cho anh thánh giá… và kết quả là hình ảnh cuốn Kinh Thánh dưới gối Raskolnikov sau khi đầu thú và nhận hình phạt.Sonya càng đáng quý với quyết định tự nguyện gắn bó với Raskolnikov trong chuyến đi đày tám năm ở vùng đất Sibiria khắc nghiệt.
Cũng như Sonya, Dunhia là một cô gái giàu đức hi sinh lại dũng cảm và đầy nghị lực. Trong bức thư bà mẹ gửi cho Raskolnikov, ta thấy Dunhia tỏa sáng với tinh thần trách nhiệm cao độ khi biết mình phải gánh trách nhiệm nuôi sống gia đình và lòng tự trọng khi biết giữ mình, từ chối sự ve vãn cũa lão địa chủ. Khác với Sonya, Dunhia được mọi người yêu mến vì hiền lành, ngay thẳng, sau khi được minh oan, tâm hồn thanh cao và tư cách đứng đắn của cô được những gia đình khác nể phục và mới về dạy học nhưng cô đã từ chối tất cả.
Thậm chí khi Dunhia đồng ý đính hôn với Luzhin, một người cô được mai mối và chưa biết rõ là tốt hay xấu thì Raskolnikov cũng hiểu em anh làm vậy là hi sinh nhằm mục đích đảm bảo tài chính cho gia đình, cho mẹ cuộc sống ổn định và con đường công danh sau này của Raskolnikov.
Có thể thấy khi xây dựng hai nhân vật này Dostoievski đã lý tưởng hóa họ với những yếu tố cao thượng trong nhân cách và chuẩn mực đạo đức.Điều này thể hiện ở tác giả có một niềm tin vào lương tri, vào những đều tốt đẹp trong tâm hồn con người. Đồng thời thể hiện tuyên ngôn trong sáng tác của Dostoievski: “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”.  Hai người con gái trên dù xuất thân bần cùng, bị xã hội khinh bỉ hay bị đồng tiền xoay vần vẫn cố hành động theo những quy chuẩn đạo đức xã hội chuẩn mực và khiến mọi người cảm phục. Những phẩm chất tốt đẹp của họ chính là một đạo đức lý tưởng không chỉ là điển hình cho tầng lớp nghèo khó trong xã hội mà là của con người nói chung. 
Bakhtin gọi Dostoievski là nhà nghệ sĩ tư tưởng nhưng những tư tưởng này không phải do ông đặt ra mà là những tư tưởng nguyên hình trong thực tế. Nhân vật trong tác phẩm của ông được xây dựng trên một tư tưởng nào đấy, nhằm thể hiện và giải quyết tư tưởng đó trong hiện thực cuộc sống nên nhân vật được gọi là nhân vật tư tưởng.Ví dụ như nhân vật Raskolnikov và Svidrigailov là một nguyên hình cho tư tưởng siêu nhân của Makx Stirner và Nietzsche.
Bên cạnh đó học thuyết hư vô (Nihilism) của Nietzsche cũng ảnh hưởng tới tư tưởng của Raskolnikov và Svidrigailov. Học thuyết này của Nietzsche thể hiện một sự chuyển biến tư tưởng lớn có thể gói gọn trong một câu: “Thượng đế đã chết”.
Raxkonikov chia loài người thành hai loại: con người tầm thường và con người phi thường (siêu nhân). Theo học thuyết Nietzsche, con người siêu nhân còn có thể được chia làm hai dạng mà Raxkonikov là một trong hai dạng này – con người có quyền hành làm tất cả mọi việc kể cả gây đổ máu mà không phải chịu sự bất kỳ hình phạt nào của pháp luật.
Luôn mang những bất mãn với tầng lớp tư sản, giai cấp coi trọng đồng tiền và những ý nghĩ vật chất, Raxkonikov luôn nung nấu tư tưởng và những hành động phản kháng.Đến cuối cùng, những suy nghĩ ấy cũng đã đủ sức mạnh để thúc đẩy anh thực hiện. Nhưng sau khi thực hiện hành vi tội ác của mình, Raxkonikov lại có trạng thái tâm lý trái ngược hẳn với cảm giác thỏa mãn mà đáng lẽ ra anh ta nên có. Anh rơi hẳn vào một thái cực đối nghịch lại: cô đơn, cô độc, khủng hoảng, bị tách lìa khỏi xã hội. Thậm chí, anh ta còn có xu hướng lẫn tránh những người thân quanh mình là mẹ và em gái anh.
Dường như đây là lúc đạo đức lên tiếng.Nó khiến anh nhìn lại bản ngã của mình, nhìn lại những sai trái của mình và sám hối. Anh hối hận vì những gì mình đã gây ra, “anh cần cái khác kia, (…), có lẽ nếu anh đi lại con đường ấy, anh sẽ không bao giờ giết người lần nữa”. Lương tâm Raxkonikov trở nên cắn rứt và giằng vặc kinh khủng.“Anh đã phải chịu đựng sự dằn vặt của tất cả những ý nghĩ không đâu ấy, Sonya ạ, và chỉ muốn thoát hẳn ra cho nhẹ bớt”.Anh muốn thoát khỏi nó.Và để có thể thoát khỏi thảm cảnh này, anh không còn con đường nào khác ngoài con đường thú tội. Đó cũng là cách duy nhất để anh chứng tỏ mình là con người chứ không phải con rận.
Tuy nhiên, tình trạng sống cô đơn ấy không chỉ xuất hiện sau khi Raxkonikov thực hiện hành vi giết người. Lối sống này đã có nơi anh từ trước. Bởi Raxkonikov là một con người ly khai, sống xa rời xã hội, không có đức tin. Trong khi đó, khả năng hội nhập với cộng đồng là điều cần thiết cho việc xây dựng một đời sống đạo đức lành mạnh.
Raxkonikov luôn chui rúc trong vỏ ốc của chính mình, suốt ngày chỉ ẩn trú trong căn phòng trọ chật chội, ẩm thấp, ám hơi bệnh tật, không giao tiếp với bất kỳ ai. Anh ta luôn sống trong một thế giới của riêng mình, do mình tưởng tượng ra, đến nói chuyện cũng chỉ tự nói vs mình.“Chỉ thấy chàng chốc chốc lại lẩm bẩm câu gì trong miệng, theo cái thói quen nói một mình mà chàng vừa tự thú nhận”.“Chàng không phải đi xa lắm. Chàng lại còn biết rõ từ cổng nhà trọ đến đấy bao nhiêu bước: đúng bảy trăm ba mươi bước. Trước kia trong khi mơ tưởng mông lung chàng đã có lần đếm. Dạo ấy chính chàng cũng chưa tin là thật và chỉ dùng những mộng tưởng liều lĩnh quái gở nhưng đầy sức cảm dỗ ấy để tự làm cho mình nôn nao, day dứt”. Anh tôn sùng Napoleon và sống trong mơ tưởng mình là một con người phi thường, có quyền lực mạnh mẽ. Thế nên anh cho rằng mình được phép làm mọi điều mình muốn kể cả giết người mà không phải chịu bất kỳ hình phạt nào.
Và hậu quả là, việc Raxkonikov chỉ biết sống cho mình đồng thời nuôi dưỡng, nung nấu những ý nghĩ khác thường, lập dị ấy đã thúc đẩy anh thực hiện những hành vi tội lỗi. Nhân vật Raskolnikov đại diện cho bộ phận những người sống không có đức tin, không có chỗ dựa tinh thần. Vô thần, không có niềm tin vào Chúa đã làm cho họ có những suy nghĩ sai lệch dẫn đến hành vi sai trái và thực hiện những việc làm tội lỗi. Nếu được Chúa chỉ lối có lẽ cuộc đời Raskonikov đã tươi sáng hơn. Anh sẽ biết nghĩ đến những điều tốt đẹp để vươn mình chạm đến chứ không chỉ nuôi giữ những căm hờn, phẫn uất. Nếu tin vào Chúa có lẽ anh đã tìm ra con đường khác để đi. Và có thể nó sẽ là một con đường đúng đắn và ít bi kịch hơn hiện tại.May mắn thay, Raskonikov đã tìm được Sonia.Cô tuy chỉ là một cô gái điếm nhưng cô là biểu tượng của sự cứu rỗi.Sonia đã cứu vớt linh hồn anh bằng Kinh thánh, bằng chiếc vòng của Chúa mà cô đeo cho anh.Việc Raskonikov lựa chọn Sonia để thú tội dường như là một sự thức tỉnh, sự giác ngộ của anh về đức tin, về Chúa.Và quả nhiên, điều đó đã thay đổi phần nào bước đường đời phía trước của anh.
Còn Svidrigailov, nhân vật này là một bản sao trái chiều với nhân vật chính, một loại siêu nhân với chủ nghĩa thỏa mãn cái tôi tuyệt đối, là dạng người siêu nhân thứ hai.
 Nhắc đến Svidrigailov là nói đến một con người vô liêm sỉ, chỉ biết làm sao để thỏa mãn dục vọng của mình. Hắn là một tên địa chủ giàu có chỉ biết nghĩ đến đàn bà và chuyên đi dụ dỗ đàn bà.Chính vì điều đó mà Raxkonikov đã có lần tức giận mà gọi hắn là một gã dâm ô.
Trong mối quan hệ với em gái Raxkonikov, bản chất bỏ ổi của hắn được bộc lộ rõ.Khi Dunhia đến làm gia sư cho gia đình hắn, ban đầu hắn tỏ ra ghét bỏ và đối xử thô bạo với cô.Nhưng thực ra đó chỉ là một hình thức che mắt thiên hạ. Về sau, hắn mặt dày thổ lộ tình cảm với Duhia và theo đuổi cô đến cùng, còn có dự định bỏ trốn cùng cô.
Hắn dùng một thủ đoạn vô cùng đơn giản nhưng bỉ ổi để dẫn dụ, giăng bẫy đủ loại phụ nữa từ già đến trẻ. Một phụ nữa có gia đình đã từng sập bẫy hắn ta, để cho hắn ta thừa cơ hưởng trọn toàn bộ cơ ngơi của mình. Với Dunhia, việc ấy càng quá dễ dàng. Hắn ta có suy nghĩ rằng: “Trên đời không có gì khó bằng cương trực, và không có gì dễ cho bằng nịnh hót. (…). Còn nịnh hót thì dù có giá dối từ đầu chí cuối cùng vẫn dễ chịu và người nghe cùng vẫn không khỏi thích thú; tuy đó là một cảm giác thích thú thô lậu, nhưng dù sao cũng vẫn là một cảm giác thích thú.Và dù cách nịnh hót có thô thiển đến đâu chăng nữa, thì ít nhất trong đó thế nào cũng có một phần nữa có vẻ đúng sự thật”.
Hắn ta say mê sắc đẹp của Dunhia đến nỗi không kiềm chế nỗi cơn dục vọng đang trỗi dậy mạnh mẽ của mình. “Mẹ kiếp, sao cô em lại đẹp đến thế làm gì. Lỗi không phải tại tôi! Nói tóm lại, thoạt tiên, tôi thấy trỗi dậy trong lòng một cơn dục vọng ồ ạt không sao cưỡng nổi”. Svidrigailov thèm khát Dunhia đến nổi hắn cảm thấy cơ thể mình như đang mắc một căn bệnh mà hắn gọi là bệnh kinh phong: “Cuối cùng tôi không sao chịu nổi tiếng sột soạt của chiếc áo dài nàng mặc nữa. Quả thật dạo ấy tôi tưởng đã sắp lên chứng kinh phong đến nơi, tôi chưa bao giờ tưởng tượng mình có thể điên dại lên đến mức ấy”.
Tên địa chủ còn trở nên vô nhân đạo, độc ác và hèn hạ đến mức có thể làm bất cứ việc gì không phân biệt tốt hay xấu để thỏa mãn cơn dục vọng, tính chiếm hữu đàn bà của mình.“Cậu có tin được không, lúc ấy tôi si mê đến nỗi ví thử nàng có bảo tôi cắt cổ hay đầu dộc bà Marfa Petrovna để lấy nàng, tôi sẽ làm ngay tức khắc”. Hắn còn có ý định “biếu cô toàn bộ tất cả tiền bạc của tôi (dạo ấy tôi có thể có đến ba vạn rúp) để cô ta cùng tôi đi trốn, trốn lên đây, lên Petersburg thôi cũng được: Lẽ dĩ nhiên tôi sẵn sàng thề thốt yêu đương trọn đời. hứa hẹn hạnh phúc cực lạc vân vân, vân vân”.
Về sau, hắn còn ra tay tàn độc hơn. Hắn giết cả người vợ của mình để quyết tâm theo đuổi Dunhia tới cùng. Hắn nhờ Raxkonikov gửi cho em gái mình một số tiền lớn mà vợ để lại để làm một miếng mổi nhữ ngăn cản cô đến với Lugin.
Có thể nói, Svidrigailov là một nhân vật thấp hèn, xấu xa với những tư tưởng hèn mọn, ti tiện. Hắn đạp đổ những chuẩn mực đạo đức hoàn toàn cơ bản nhất của con người. Xây dựng hình tượng lão địa chủ thâm hiểm và bỉ ổi này, Dostoevsky muốn nói lên một sự xuống dốc trầm trọng của đạo đức xã hội đương thời. Ông phê phán những con người bị nhan sắc và đồng tiền làm cho mờ mắt, những con người chỉ biết chạy theo chăm chút cho cái tôi của mình một cách tuyệt đối mà quên đi đạo đức cá nhân cần phải có. Raskonikov tuy không phải đền mạng vì phải giết người.Nhưng anh ta sống có ích, sống vì anh ta biết sám hối.Trong khi đó, Svidrigailov chết một cái chết vô nghĩa.Bởi cho đến lúc chết, hắn ta chưa một phút giây cảm thấy dằn vặt và tội lỗi.
Xứng danh là một trong những tiểu thuyết lớn làm nên tên tuổi cho Dostoevsky, “Tội ác và hình phạt” không chỉ thể hiện gói gọn ở những chủ đề mà vốn dĩ tên gọi nó đã nó.Nhìn từ các góc nhìn khác nhau, tác phẩm chứa đựng những tầng sâu ý nghĩa, những khía cạnh khác nhau mà người đọc có thể miệt mài khám phá.Lý tưởng đạo đức là một trong những vấn đề đó. Trong tác phẩm, Sonya và Dunhia là hai nhân vật nữ hiện lên như hai viên ngọc sáng lấp lánh đại diện cho những phẩm chất đạo đức tốt đẹp: đức hi sinh, sự cứu rỗi, cương trực, đức hạnh,… Họ như những con người lý tưởng với những đạo đức lý tưởng có một không hai. Nhưng bên cạnh đó, có những nhân vật trái ngược hoàn toàn nhưng thông qua đó tác giả nêu lên tuyên ngôn đạo đức của mình. Bằng việc xây dựng hai con người siêu nhân Raskolnikov và Svidrigailov, Dostoevsky kêu gọi con người xây dựng một lý tưởng đạo đức cao đẹp bằng việc sống có đức tin, nhưng đồng thời họ cũng phải biết tránh xa những cái xấu, kiếm hãm chính mình trước những dục vọng, cám dỗ để bảo vệ, giữ gìn cái thiên lương của chính mình.

3.                  Một số điểm nghệ thuật của tác phẩm

Tác phẩm “Tội ác và hình phạt” không chỉ đồ sộ về nội dung mà còn đặc sắc vềnghệ thuật. Dostoevsky đã sử dụng nhiều phương thức nghệ thuật độc đáo để xây dựng nên bộ tiểu thuyết của mình nhưng trong đó nổi bật nhất phải kể đến nghệ thuật khắc họa tâm lý nhân vật qua những đoạn độc thoại và độc thoại nội tâm, đặc biệt nhất là nhân vật Raskolnikov.Raskolnikov được xây dựng như một nhân vật có cuộc sống nội tâm hết sức dữ dội.Trong tác phẩm, hai hành động quan trọng của anh và cũng là hai sự kiện mấu chốt của toàn bộ câu chuyện đó là giết người và tự thú.
Mở đầu tác phẩm, Dostoevsky tạo cho người đọc sự tò mò thông qua những đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật như: “Ta đang mưu đồ một việc như vậy…. Nhưng bây giờ mình đi thế nầy để làm gì?Chả nhẽ mình có thể làm việc ấy sao? …. Phải, có lẽ chỉ là chuyện đùa thôi cũng nên?”.Bằng những mẫu độc thoại như thế, tác giả không hề khẳng định rõ ràng việc mà Raskolnikov muốn làm là giết mụ chủ hiệu cầm đồ Ivanovna. Người đọc chỉ có thể nghi ngờ, suy đoán ý định của nhân vật cho tới khi Raskolnikov tỉnh dậy sau một cơn ác mộng và bàng hoàng: “… lẽ nào, lẽ nào ta sẽ lấy một cái rìu thật, sẽ bổ lên đầu mụ ta, sẽ bửa đôi sọ mụ ta ra… sẽ bẻ gãy ổ khoá và giơ hai bàn tay run lẩy bẩy ra lấy trộm;….  Trời ơi, có thể thế được chăng?”. Đến lúc này, ý định khiến nhân vật hoang mang, ray rứt bấy lâu mới thật sự được phô bày một cách rõ ràng. Đó là giết người cướp của.
Ý định này ám ảnh, dày vò Raskolnikov cho tới khi anh thật sự thể hiện nó bằng hành động.Nhưng sau khi phạm tội, nội tâm Raskolnikov vẫn bị xáo trộn. Một mặt luôn tìm cách che dấu: “Làm sao mình lại có thể ngủ trong khi chưa làm xong gì cả! Đúng thế, đúng thế rồi: mình vẫn chưa tháo cái quai ở nách áo ra, quên bẵng đi mất, một việc như thế mà lại quên được! Một tang vật rành rành ra như thế?”.Mặt khác anh lại khao khát được đầu thú.
Những đoạn độc thoại trước và sau khi xảy ra vụ án phản ánh được sự mâu thuẫn và tâm lý phức tạp của nhân vật. Những mẫu độc thoại này được nhà văn lồng ghép tài tình vào tình huống và mạch kể của câu truyện.Có những mẫu độc thoại rất dài như trong chương 4, phần 1.Đây là đoạn suy tư của Raskolnikov về vấn đề hôn nhân của em gái, nó chiếm gần trọn hết một chương. Thế nhưng đoạn độc thoại không hề tách biệt ra khỏi mạch văn chung của tác phẩm mà hòa hợp một cách khéo léo.Dostoevsky thật sự khẳng định được biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật của mình. Ông đi vào phân tích mọi ngóc ngách trong tâm hồn con người, nhìn nhận tâm hồn như một vấn đề phức tạp, là một sự hòa hợp, đan xen giữa những thái cực đối lập, tương phản.Người đọc sẽ bị cuốn vào tình tiết truyện lẫn những diễn biến suy tư của nhân vật.Nghệ thuật độc thoại nội tâm đã giúp nhân vật của Dostoevsky trở nên chân thật, sống động hơn.Nó phản ánh được những mâu thuẫn, sự hỗn loạn đang diễn ra bên trong tâm hồn của con người trong xã hội bấy giờ.Một xã hội bị đảo lộn giá trị, đánh mất niềm tin đã khiến con người hoang mang, mất phương hướng.
Ngoài thủ pháp độc thoại và độc thoại nội tâm, Dostoevsky còn khắc họa tính cách, tâm lý nhân vật qua lời đối thoại.Qua lời nói, cử chỉ của các nhân vật trong giao tiếp, tính cách và tâm lý dần được khẳng định. Như trong chương 27, phần 5, khi Luzhin buộc tội oan cho Sonya, hắn đã thể hiện tâm tính xảo trá, đê hèn qua cách hành xử, ăn nói. Đối diện với thái độ dữ tợn của Katerina Ivanovna, hắn trở nên lung túng, hạ giọng ngọt ngào nhưng khi bị vạch trần bởi Andrey Xemionovich và Raskolnikov, hắn trân tráo, không màng liêm sỉ, một mực già mồm, chối cãi: “…xin các ngài dừng doạ; tôi cam đoan là sẽ chẳng có chuyện gì hết, các ngài chẳng dám làm gì đâu, tôi không phải hạng nhát gan đâu, ngược lại các ngài sẽ phải chịu trách nhiệm về việc nầy: các ngài đã bưng bít một vụ tội hình (…) Vâng phải, xin phép các ngài!”. Hoặc khi đứng trước đám đông để vạch trần, lý giải âm mưu của Luzhin, cách phát biểu của Andrey Xemionovich và Raskolnikov cũng có sự khác biệt. Trong khi Andrey phải rất vất vả, khó nhọc để bày tỏ ý kiến của mình thì Raskolnikov hoàn toàn tự tin, mạnh mẽ, lời nói rõ ràng, thuyết phục đúng với tác phong của một trí thức, cụ thể là một sinh viên ngành luật.
Đối thoại trong tác phẩm hầu hết là đối thoại trực tiếp và chứa đựng nhiều thông tin. Nhưng cũng có khi đó là đối thoại không lời, đối thoại theo lời dẫn của tác giả, đối thoại nội tâm,….Trong đoạn đối thoại lúc Raskolnikov thú tội với Sonya, ta thấy xuất hiện nhiều dạng đối thoại trên. Đối thoại không lời: “Thêm một phút kinh hoàng trôi qua. Hai người vẫn chăm chú nhìn nhau…. nàng sửng sốt nhìn chàng một lát … mắt nhìn chàng mỗi lúc một đờ đẫn sửng sốt. Nỗi sợ hãi của nàng vụt truyền sang chàng…. Qua cái nhìn cuối cùng, ... không còn hồ nghi gì được nữa; quả đúng như thế”. Đối thoại nội tâm: “Bây giờ tất cả những câu hỏi ấy cùng một lúc bùng lên trong ý thức của nàng. Và nàng lại không tin: “Anh ấy, anh ấy mà lại là kẻ giết người! Có thể thế được chăng”.Kết hợp giữa độc thoại, độc thoại nội tâm và những kiểu đối thoại đa dạng giúp Dostoevsky khai thác triệt để tâm tư, tình cảm và những tầng ý nghĩa sâu thẳm bên trong tâm hồn của mỗi nhân vật.
Không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật trong “Tội ác và hình phạt” cũng là không gian và thời gian tâm lý.Dostoevsky thường chú trọng đến những không gian nhỏ hẹp, tù túng như không gian phòng trọ, nhà ở của các nhân vật trong tác phẩm. Hầu hết các căn phòng đều chật hẹp, dơ bẩn và thiếu ánh sáng. Từ những không gian như thế, cuộc sống nhân vật hiện ra vô cùng bế tắc, u uất. Thời gian trong tác phẩm không cụ thể ngày tháng, không theo một trình tự logic nào, nó khi được kéo dài ra, khi lại là thời gian hiện tại xen lẫn quá khứ rồi tương lai. Đó là thời gian tâm trạng.
Một điểm quan trọng cần lưu ý khi nói về tiểu thuyết của Dostoevsky là thể loại tiểu thuyết đa thanh.Dostoevsky là người khởi xướng cho dòng thể loại này và nó cũng trở thành một đặc điểm nghệ thuật đậm chất riêng của nhà văn.
Tiểu thuyết đa thanh là tiểu thuyết mà mỗi nhân vật có tiếng nói riêng, tất cả hợp lại trong cùng một tác phẩm tạo nên một dàn “đa thanh”.“Tội ác và hình phạt” thuộc thể loại tiểu thuyết đa thanh nên phương thức tự sựđược Dostoevsky sử dụng cũng là dạng phương thức đa thanh..Với phương thức này, Dostoevsky đã sử dụng ngôn ngữ trần thuật linh hoạt, hấp dẫn, hiện đại và sắc sảo.
Với một số đặc điểm trên, có thể thấy, nghệ thuật viết tiểu thuyết đã góp một phần không nhỏ giúp Dostoesky xây dựng thành công tác phẩm “Tội ác và hình phạt”.

Kết luận:

“Tội ác và hình phạt” được đánh giá là một trong những tác phẩm thành công nhất của nhà văn Dostoevsky. Tác phẩm chỉ rõ những thay đổi, chuyển biến đang xảy ra tại đất nước Nga vào thế kỉ XIX.Đó là sự lớn mạnh và lấn át của thế lực đồng tiền, tốc độ phát triển đến chóng mặt của khoa học công nghệ khiến cho những giá trị đạo đức, tinh thần khủng hoảng trầm trọng. Con người trở nên lạc lõng, hoang mang. Thế nhưng, nhà văn cũng khẳng định niềm tin mạnh mẽ vào sự tồn tại bất hủ của những giá trị tinh thần cao quý.Qua tội ác xảy ra trong tác phẩm, ông bày ra trước mắt người đọc một sự trừng phạt đích đáng. Hình phạt ấy không chỉ đơn thuần là chấp nhận mức án theo luật pháp của xã hội mà còn có một hình phạt đáng sợ hơn, ám ảnh con người nhiều hơn. Đó là hình phạt từ tòa án lương tâm. Bằng việc xây dựng một tội ác nhưng đến hai hình phạt, nhà văn lên tiếng kêu gọi sự thức tỉnh ở lương tri của con người. Kêu gọi con người tìm về với những giá trị tinh thần có thể nâng đỡ, an ủi tâm hồn họ. Sự thành công của tác phẩm không chỉ nằm mức độ công phu, đồ sộ về số lượng, bút pháp điêu luyện trong lối viết mà còn ở tính nhân văn, nhân đạo tỏa sáng từ một câu chuyện tưởng như chỉ chứa đầy “tội lỗi”.
      

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Trần Thị Phương Phương (2005), Tiểu thuyết hiện thực Nga thế kỷ XIX, NXB. TPHCM.
2.      Nguyễn Văn Giai (1989), Văn học Nga giản yếu (Từ ngày lập nước đến 1917), Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TPHCM.

3.      Đỗ Hồng Chung, Nguyễn Kim Đính (1999), Lịch sử văn học Nga, NXB Giáo dục.

   * Bài tiểu luận lớp Văn2011
   Trường ĐH KHXH&NV Tp. HCM
   Khoa Văn học và Ngôn ngữ



> Bài viết được đăng 19/6/2014

Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét